Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 1

‘Hãy làm môn đồ tôi’—Ý của Chúa Giê-su là gì?

‘Hãy làm môn đồ tôi’—Ý của Chúa Giê-su là gì?

“Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?”

1, 2. Lời mời vinh dự nhất mà một người có thể nhận được là gì, và chúng ta nên tự hỏi điều gì?

 Lời mời vinh dự nhất bạn từng nhận được là gì? Có thể bạn nghĩ đến một dịp đặc biệt mà mình đã được mời tham dự, chẳng hạn như đám cưới của hai người bạn thân. Hoặc có lẽ bạn nhớ lại ngày mình được mời nhận một công việc quan trọng. Hẳn bạn cảm thấy rất vui mừng, thậm chí hãnh diện khi nhận được những lời mời như thế. Tuy nhiên, sự thật là bạn đã nhận được một lời mời vinh dự hơn rất nhiều. Mỗi chúng ta đều nhận được lời mời ấy và cách chúng ta đáp lại ảnh hưởng sâu sắc đến bản thân. Đó là lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.

2 Lời mời ấy được ghi lại trong Kinh Thánh nơi Mác 10:21. Chúa Giê-su Ki-tô, Con một của Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời Toàn Năng, kêu gọi: “Hãy đến làm môn đồ tôi”. Thực tế thì lời mời này dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta nên tự hỏi: “Mình sẽ đáp lại lời mời ấy thế nào?”. Câu trả lời có lẽ quá hiển nhiên. Chẳng ai lại từ chối một lời mời tuyệt vời như thế. Nhưng thật lạ là phần lớn người ta đều từ chối. Tại sao?

3, 4. (a) Người trai trẻ đến gặp Chúa Giê-su có điều gì khiến nhiều người ao ước? (b) Hẳn Chúa Giê-su đã nhìn thấy những điểm tốt nào nơi vị quan trẻ giàu có ấy?

3 Hãy xem trường hợp của một người đã được Chúa Giê-su đích thân mời làm môn đồ ngài cách đây khoảng 2.000 năm. Đó là người rất được tôn trọng. Anh có ít nhất ba điều mà nhiều người ao ước: tuổi trẻ, sự giàu có và quyền lực. Kinh Thánh miêu tả anh là một “người trai trẻ”, “rất giàu có” và là “một người trong giới lãnh đạo” (Ma-thi-ơ 19:20; Lu-ca 18:18, 23). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là anh đã nghe về Thầy Vĩ Đại Giê-su và thích những gì mình nghe.

4 Hầu hết giới lãnh đạo thời bấy giờ không dành cho Chúa Giê-su sự tôn trọng mà ngài đáng được nhận (Giăng 7:48; 12:42). Nhưng vị quan này thì khác. Kinh Thánh cho biết: “Khi Chúa Giê-su vừa lên đường, một người chạy đến quỳ trước mặt ngài và hỏi: ‘Thưa Thầy Tốt Lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?’” (Mác 10:17). Hãy lưu ý anh đã háo hức được nói chuyện với Chúa Giê-su đến mức chạy đến trước mặt ngài giữa nơi công cộng như những người nghèo và thấp kém thường làm. Hơn nữa, anh còn lễ phép quỳ trước mặt ngài. Rõ ràng, anh có tính khiêm nhường và nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su quý trọng những phẩm chất như thế (Ma-thi-ơ 5:3; 18:4). Vì vậy, không ngạc nhiên gì khi “Chúa Giê-su nhìn người ấy, cảm thấy yêu thương người” (Mác 10:21). Ngài trả lời câu hỏi của người trai trẻ ấy như thế nào?

Lời mời có một không hai

5. Chúa Giê-su đã trả lời vị quan trẻ giàu có như thế nào, và có phải ý của ngài là phải nghèo khổ mới có thể theo ngài? (Cũng xem chú thích).

5 Để trả lời câu hỏi của vị quan trẻ về cách đạt được sự sống vĩnh cửu, Chúa Giê-su nhắc lại những điều răn của Cha được ghi trong Kinh Thánh. Vị quan trẻ khẳng định rằng mình đang trung thành vâng giữ Luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, với khả năng vượt trội, Chúa Giê-su nhìn thấy điều nằm sâu bên trong (Giăng 2:25). Ngài nhận ra vị quan này có một vấn đề nghiêm trọng về mặt tâm linh. Do đó, ngài nói với anh: “Anh còn thiếu một điều”. Đó là gì? Chúa Giê-su bảo: “Hãy đi bán những gì mình có mà cho người nghèo” (Mác 10:21). Phải chăng ý của Chúa Giê-su là chỉ những ai không có tiền mới có thể phụng sự Đức Chúa Trời? Không. a Ngài đang tiết lộ một điều vô cùng quan trọng.

6. Chúa Giê-su đã đưa ra lời mời nào, và phản ứng của vị quan trẻ giàu có đã bộc lộ điều gì trong lòng anh?

6 Để người trai trẻ thấy rõ điều mình thiếu, Chúa Giê-su đưa ra lời mời tuyệt diệu: “Hãy đến làm môn đồ tôi”. Hãy tưởng tượng: Con Đức Chúa Trời Tối Cao đã đích thân mời anh làm môn đồ ngài! Chúa Giê-su cũng hứa với anh một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng. Ngài nói: “Anh sẽ được của báu trên trời”. Vị quan trẻ có nắm lấy cơ hội và nhận lời mời đầy vinh dự này không? Lời tường thuật cho biết: “Người ấy rất buồn và rầu rĩ bỏ đi vì có nhiều của cải” (Mác 10:21, 22). Lời mời bất ngờ của Chúa Giê-su đã bộc lộ một vấn đề trong lòng người ấy. Anh quá gắn bó với tài sản của mình và hẳn cũng gắn bó với quyền lực và thanh thế kèm theo. Thật đáng buồn, người trai trẻ ấy yêu những điều đó hơn Đấng Ki-tô. Vậy, “một điều” mà anh thiếu chính là yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hết lòng, bất vị kỷ. Vì thế, anh đã bỏ lỡ lời mời có một không hai! Nhưng điều này liên quan thế nào đến bạn?

7. Tại sao chúng ta biết chắc lời mời của Chúa Giê-su cũng dành cho chúng ta?

7 Lời mời của Chúa Giê-su không chỉ dành cho người trai trẻ đó hoặc chỉ giới hạn cho một vài người. Chúa Giê-su nói: ‘Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải luôn theo tôi’ (Lu-ca 9:23). Hãy lưu ý rằng bất cứ ai cũng có thể làm môn đồ Đấng Ki-tô nếu người đó thật lòng muốn. Đức Chúa Trời kéo những người như thế đến với Con ngài (Giăng 6:44). Dù giàu hay nghèo, thuộc chủng tộc hay quốc gia nào, sống vào thế kỷ thứ nhất hay sau này, mọi người đều có cơ hội nhận lời mời của Chúa Giê-su. Vì thế, lời mời của ngài “hãy đến làm môn đồ tôi” cũng dành cho bạn. Tại sao bạn nên làm môn đồ Đấng Ki-tô? Việc này bao hàm điều gì?

Tại sao nên làm môn đồ Đấng Ki-tô?

8. Cả nhân loại đều có nhu cầu nào, và tại sao?

8 Có một sự thật mà chúng ta phải công nhận: Chúng ta rất cần sự lãnh đạo đúng đắn. Đây là nhu cầu tất yếu của con người, dù không phải ai cũng thừa nhận. Nhà tiên tri Giê-rê-mi được hướng dẫn để ghi lại sự thật bất hủ sau: “Lạy Đức Giê-hô-va, con biết rõ đường lối loài người không thuộc về họ. Người bước đi chẳng hề có quyền dẫn đưa bước mình” (Giê-rê-mi 10:23). Con người không có khả năng cũng không có quyền tự trị. Thật vậy, lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này (Truyền đạo 8:9). Vào thời Chúa Giê-su, giới lãnh đạo đã áp bức, ngược đãi và lừa gạt người dân. Chúa Giê-su nói rằng dân chúng “như chiên không có người chăn” (Mác 6:34). Ngày nay cũng vậy. Dù với tư cách cá nhân hay tập thể, chúng ta cần một nhà lãnh đạo mà mình có thể tin cậy và tôn trọng. Chúa Giê-su đáp ứng được nhu cầu đó không? Có. Hãy xem tại sao chúng ta có thể khẳng định như thế.

9. Điều gì khiến Chúa Giê-su khác biệt với các nhà lãnh đạo khác?

9 Thứ nhất, Chúa Giê-su được Đức Giê-hô-va lựa chọn. Hầu hết các nhà lãnh đạo trên đất được chọn bởi con người bất toàn, là những người thường bị lừa gạt và dễ phán đoán sai. Nhưng Chúa Giê-su thì hoàn toàn khác. Chính tước hiệu của ngài cho biết điều đó. Tước hiệu “Đấng Ki-tô”, hay “Đấng Mê-si”, có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Thật thế, Chúa Giê-su được chính Chúa Tối Thượng của vũ trụ xức dầu, hay bổ nhiệm vào một vị trí đặc biệt. Đức Giê-hô-va nói về Con ngài: “Kìa! Tôi tớ ta, người mà ta đã chọn, người được yêu quý, người mà ta hài lòng! Ta sẽ đặt thần khí ta trên người” (Ma-thi-ơ 12:18). Hơn ai hết, Đấng Tạo Hóa biết rõ chúng ta cần một nhà lãnh đạo như thế nào. Vì sự khôn ngoan của ngài là vô hạn nên chúng ta có mọi lý do để tin cậy sự lựa chọn của ngài.—Châm ngôn 3:5, 6.

10. Tại sao Chúa Giê-su là gương mẫu tuyệt vời nhất để con người noi theo?

10 Thứ hai, Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo cho chúng ta. Một nhà lãnh đạo tốt có những đức tính mà người dân có thể khâm phục và noi theo. Người đó lãnh đạo bằng cách làm gương và thúc đẩy mọi người trở thành công dân tốt hơn. Bạn khâm phục đức tính nào nơi một vị lãnh đạo? Sự can đảm? Thông thái? Lòng trắc ẩn? Hay tính nhẫn nại khi đối mặt với khó khăn? Khi xem xét các lời tường thuật về cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su, bạn sẽ thấy ngài hội đủ những đức tính đó, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Vì phản ánh Cha trên trời một cách hoàn hảo, Chúa Giê-su có mọi đức tính cao quý của Cha. Ngài quả là một người toàn vẹn. Vì thế, trong mỗi việc làm, lời nói và cảm xúc của ngài, chúng ta đều tìm thấy một điểm nào đó để noi theo. Kinh Thánh nói rằng ngài đã để lại “một gương mẫu, hầu anh em theo sát dấu chân ngài”.—1 Phi-e-rơ 2:21.

11. Chúa Giê-su đã chứng tỏ là “người chăn tốt lành” như thế nào?

11 Thứ ba, Chúa Giê-su sống đúng với lời tuyên bố: “Tôi là người chăn tốt lành” (Giăng 10:14). Hình ảnh này rất quen thuộc với những người sống vào thời Kinh Thánh. Người chăn thường làm việc siêng năng để chăm sóc bầy cừu của mình. Một “người chăn tốt lành” sẽ đặt sự an toàn và sức khỏe của bầy lên trên lợi ích cá nhân. Chẳng hạn, tổ phụ của Chúa Giê-su là Đa-vít từng chăn cừu khi còn trẻ, và đôi lần ông đã liều mạng chống lại thú dữ tấn công bầy cừu (1 Sa-mu-ên 17:34-36). Chúa Giê-su còn làm nhiều hơn thế cho những người theo ngài. Ngài đã hy sinh mạng sống vì họ (Giăng 10:15). Bao nhiêu nhà lãnh đạo có tinh thần hy sinh như thế?

12, 13. (a) Người chăn biết cừu của mình như thế nào, và cừu biết người chăn ra sao? (b) Tại sao bạn muốn được Người Chăn Tốt Lành lãnh đạo?

12 Chúa Giê-su còn là “người chăn tốt lành” theo một nghĩa khác. Ngài nói: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi” (Giăng 10:14). Hãy nghĩ về hình ảnh mà Chúa Giê-su đang nói đến. Trong mắt một người không mấy quan tâm đến cừu thì mọi con cừu đều như nhau. Nhưng người chăn cừu thì biết rõ từng con cừu. Ông biết con cừu cái nào sắp sinh cần sự giúp đỡ, con cừu con nào cần được ẵm khi đi xa vì còn quá nhỏ và yếu, con cừu nào bị bệnh hoặc bị thương. Cừu cũng biết rõ người chăn. Chúng nhận ra tiếng của người chăn, không bao giờ lầm lẫn với tiếng của một người chăn khác. Khi nghe tiếng báo động của người chăn, chúng nhanh chóng hưởng ứng. Người chăn đi đâu cừu đi theo đó, người chăn biết phải dẫn cừu đến nơi nào. Ông biết nơi nào an toàn, có đồng cỏ xanh tươi và suối mát trong. Dưới sự trông chừng của người chăn, bầy cừu cảm thấy yên tâm.—Thi thiên 23.

13 Chẳng lẽ bạn không mong có một nhà lãnh đạo như thế sao? Chúa Giê-su, Người Chăn Tốt Lành, đã đối xử với các môn đồ đúng như những gì được miêu tả ở trên. Ngài hứa sẽ dẫn bạn đến một đời sống hạnh phúc, thỏa nguyện ngay bây giờ và mãi mãi về sau! (Giăng 10:10, 11; Khải huyền 7:16, 17). Vậy, chúng ta cần biết rõ đi theo Đấng Ki-tô bao hàm điều gì.

Làm môn đồ Đấng Ki-tô có nghĩa gì?

14, 15. Tại sao tự nhận mình là môn đồ Đấng Ki-tô hoặc có cảm giác gắn bó với ngài thì không đủ để làm môn đồ chân chính của ngài?

14 Hàng trăm triệu người ngày nay nghĩ rằng họ đã chấp nhận lời mời của Đấng Ki-tô và tự nhận mình là môn đồ của ngài. Có thể họ thuộc về nhà thờ mà cha mẹ đã đem họ đến để làm phép rửa tội. Hoặc có lẽ họ cảm thấy gắn bó với Chúa Giê-su và xem ngài là Cứu Chúa của mình. Nhưng điều đó có nghĩa họ thật sự là môn đồ Đấng Ki-tô? Đó có phải là ý của Chúa Giê-su khi ngài mời chúng ta làm môn đồ ngài? Làm môn đồ Chúa Giê-su bao hàm nhiều hơn thế.

15 Hãy xem những nước mà phần lớn người dân cho rằng mình là môn đồ Đấng Ki-tô. Người dân ở những nước này có phản ánh sự dạy dỗ của Chúa Giê-su không? Hay chúng ta nhìn thấy sự thù ghét, áp bức, tội ác và bất công tại những xứ ấy như bất cứ nơi nào khác trên thế giới?

16, 17. Những người tự nhận theo Đấng Ki-tô thường thiếu điều gì, và làm sao chúng ta nhận biết môn đồ chân chính của ngài?

16 Chúa Giê-su nói rằng môn đồ chân chính của ngài không chỉ được biết đến qua lời nói hay danh hiệu mà họ tự đặt cho mình, nhưng chủ yếu qua việc làm. Chẳng hạn, ngài nói: “Không phải người nào nói với tôi ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai làm theo ý muốn của Cha tôi ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21). Tại sao có quá nhiều người nhận Chúa Giê-su là Chúa nhưng lại không làm theo ý của Cha ngài? Như vị quan trẻ giàu có, những người tự nhận theo Chúa Giê-su thường “thiếu một điều”, đó là hết lòng yêu thương Chúa Giê-su và đấng phái ngài đến.

17 Làm sao như thế được? Chẳng phải hàng triệu người tự nhận theo Đấng Ki-tô cũng cho rằng mình yêu thương ngài hay sao? Đúng. Nhưng tình yêu thương dành cho Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nói. Chúa Giê-su cho biết: “Nếu ai yêu thương tôi thì giữ lời tôi” (Giăng 14:23). Một lần nữa, ngài nói với tư cách người chăn: “Chiên tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Giăng 10:27). Vậy, tình yêu thương dành cho Đấng Ki-tô phải được thể hiện qua hành động, chứ không chỉ qua lời nói và cảm xúc.

18, 19. (a) Việc tìm hiểu về Chúa Giê-su nên tác động thế nào đến chúng ta? (b) Sách này có mục tiêu nào, và mang lại lợi ích ra sao cho những người từ lâu đã xem mình là môn đồ Chúa Giê-su?

18 Hành động của chúng ta không bộc phát ngẫu nhiên. Chúng biểu hiện con người bề trong của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải bắt đầu cải thiện từ bên trong. Chúa Giê-su nói: “Để có được sự sống vĩnh cửu, họ cần phải tìm hiểu về Cha, là Đức Chúa Trời thật và duy nhất, cùng đấng mà Cha đã phái đến là Chúa Giê-su Ki-tô” (Giăng 17:3). Việc tìm hiểu sự thật về Chúa Giê-su và suy ngẫm dựa trên sự hiểu biết đó sẽ tác động đến lòng chúng ta. Chúng ta sẽ càng yêu thương ngài và muốn bước theo ngài mỗi ngày.

19 Mục tiêu của sách này không phải thuật lại toàn bộ cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su, nhưng giúp chúng ta hiểu rõ hơn làm thế nào chúng ta có thể bước theo ngài. b Sách được biên soạn nhằm giúp chúng ta soi mình vào Kinh Thánh và tự hỏi: “Mình có thật sự bước theo Chúa Giê-su không?” (Gia-cơ 1:23-25). Có lẽ từ lâu bạn đã xem mình là chiên được Người Chăn Tốt Lành dẫn dắt. Nhưng chắc bạn đồng ý rằng mỗi chúng ta đều có những điểm cần cải thiện. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Hãy luôn tra xét xem mình có đang ở trong đức tin không, và luôn chứng minh mình là loại người nào” (2 Cô-rinh-tô 13:5). Người Chăn Tốt Lành đầy yêu thương là Chúa Giê-su được chính Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để dẫn dắt chúng ta. Việc xem mình có thật sự đang làm theo sự hướng dẫn của Người Chăn Tốt Lành hay không sẽ mang lại nhiều lợi ích.

20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương kế tiếp?

20 Chúng tôi mong rằng việc học sách này sẽ giúp bạn củng cố tình yêu thương dành cho Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va. Khi để tình yêu thương đó hướng dẫn đời sống, bạn sẽ tìm thấy sự bình an và thỏa nguyện sâu xa trong thế gian đang suy tàn này. Bạn sẽ được sống mãi để ca ngợi Đức Giê-hô-va, đấng đã ban Người Chăn Tốt Lành cho chúng ta. Để hiểu rõ về Đấng Ki-tô, trước tiên chúng ta cần hiểu vai trò của ngài trong ý định của Đức Giê-hô-va. Chương 2 sẽ xem xét điều này.

a Chúa Giê-su không đòi hỏi mọi người theo ngài phải từ bỏ hết những gì mình có. Dù Chúa Giê-su nói rằng người giàu vào Nước Đức Chúa Trời thì rất khó, nhưng ngài nói thêm: “Với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể” (Mác 10:23, 27). Trên thực tế, một số người giàu đã trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Họ nhận được lời khuyên liên quan đến vật chất, nhưng họ không buộc phải lấy hết tài sản của mình để cho người nghèo.—1 Ti-mô-thê 6:17.

b Để có bản tường thuật theo thứ tự thời gian về các sự kiện trong cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su, xin xem sách Chúa Giê-su—Đường đi, chân lý, sự sống, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.