Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 18

Cách những hoạt động của Nước Trời được tài trợ

Cách những hoạt động của Nước Trời được tài trợ

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Lý do và cách dân Đức Giê-hô-va ủng hộ tài chính cho công việc Nước Trời

1, 2. (a) Khi một mục sư hỏi về cách Học viên Kinh Thánh trang trải cho các hoạt động của họ, anh Russell trả lời thế nào? (b) Chương này sẽ xem xét điều gì?

 Có lần, một mục sư của Giáo hội Cải cách đến gặp anh Russell để hỏi xem những hoạt động của Học viên Kinh Thánh được tài trợ như thế nào.

Anh Russell giải thích: “Chúng tôi không bao giờ quyên tiền”.

Mục sư thắc mắc: “Thế thì tiền từ đâu ra?”.

Anh Russell đáp: “Tôi có nói ông cũng không tin. Khi người ta đến nhóm họp, họ không thấy cái rổ nào đưa qua trước mặt, nhưng thấy nơi này có những thứ phải chi trả. Họ suy nghĩ: ‘Chỗ này cũng cần kinh phí... Làm sao mình có thể đóng góp chút ít?’”.

Mục sư nhìn anh Russell bằng ánh mắt ngờ vực.

Anh Russell nói tiếp: “Tôi nói thật. Họ hỏi tôi: ‘Làm sao tôi có thể đóng góp chút ít?’. Khi một người được ban ân phước thì dù có ít hay nhiều tiền, họ cũng muốn dâng cho Chúa. Nếu họ không có tiền thì sao lại ép họ làm thế?” a.

2 Những lời anh Russell nói hoàn toàn là sự thật. Từ xưa đến nay, dân Đức Chúa Trời đã tình nguyện đóng góp để ủng hộ sự thờ phượng thật. Chương này sẽ đề cập đến một số gương thời Kinh Thánh cũng như thời hiện đại. Khi xem xét cách những hoạt động của Nước Trời được tài trợ ngày nay, mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có thể ủng hộ Nước Trời bằng cách nào?”.

“Hễ người nào có lòng thành dâng cho, hãy đem lễ-vật”

3, 4. (a) Đức Giê-hô-va tin tưởng điều gì nơi những người thờ phượng ngài? (b) Dân Y-sơ-ra-ên ủng hộ việc dựng đền tạm như thế nào?

3 Đức Giê-hô-va tin tưởng những người thờ phượng ngài. Ngài biết rằng nếu có cơ hội, họ sẽ sẵn sàng thể hiện lòng sùng kính bằng cách tình nguyện đóng góp. Hãy xem hai trường hợp vào thời Y-sơ-ra-ên xưa.

4 Sau khi đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va bảo họ dựng một lều di động, tức là đền tạm, để làm nơi thờ phượng. Lều và nội thất của lều đòi hỏi số lượng vật liệu đáng kể. Đức Giê-hô-va bảo Môi-se cho dân chúng cơ hội ủng hộ dự án này, ngài phán: “Hễ người nào có lòng thành dâng cho, hãy đem lễ-vật cho Đức Giê-hô-va” (Xuất 35:5). Những người không lâu trước đó bị bắt “làm nhọc-nhằn” đã phản ứng thế nào? (Xuất 1:14). Họ ủng hộ hết mình, sẵn lòng đóng góp vàng, bạc cùng nhiều thứ có giá trị khác, có lẽ phần lớn nhận từ những chủ cũ người Ai Cập (Xuất 12:35, 36). Dân Y-sơ-ra-ên đóng góp nhiều hơn mức cần thiết, đến nỗi bị ‘cấm không cho đem đến chi thêm nữa’.—Xuất 36:4-7.

5. Khi Đa-vít cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội đóng góp để xây đền thờ, họ hưởng ứng ra sao?

5 Khoảng 475 năm sau, Đa-vít đã đóng góp những thứ quý giá ‘thuộc riêng về ông’ để xây đền thờ, là trung tâm thờ phượng cố định đầu tiên trên đất. Sau đó, ông cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội đóng góp khi hỏi: “Ai là người vui lòng dâng mình [“tự nguyện hiến của”, Bản Diễn Ý] cho Đức Giê-hô-va?”. Để đáp lại, dân chúng “trọn lòng vui ý dâng cho Đức Giê-hô-va” (1 Sử 29:3-9). Vì biết nguồn của những đóng góp đó, Đa-vít cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa”.—1 Sử 29:14.

6. Tại sao cần kinh phí cho công việc Nước Trời ngày nay? Hai câu hỏi nào được nêu lên?

6 Cả Môi-se lẫn Đa-vít đều không ép ai đóng góp nhưng dân chúng sẵn lòng làm thế. Ngày nay thì sao? Chúng ta biết công việc Nước Trời cần kinh phí. Phải có những khoản tài chính đáng kể để xuất bản và phân phối Kinh Thánh cùng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, để xây cất và bảo trì những nơi nhóm họp cũng như văn phòng chi nhánh, để cứu trợ anh em đồng đạo tại vùng bị tai ương. Do đó, hai câu hỏi quan trọng được nêu lên là: Tiền được thu như thế nào? Môn đồ của Vua Giê-su có bị ép phải đóng góp không?

“Không bao giờ nài xin hay thỉnh cầu sự trợ giúp của người phàm”

7, 8. Tại sao dân Đức Giê-hô-va không nài xin hay thỉnh cầu sự trợ giúp về tài chính?

7 Anh Russell cùng các cộng sự không bắt chước những kế sách gây quỹ mà các giáo hội Ki-tô giáo thường dùng. Trong số thứ hai của Tháp Canh, dưới chủ đề “Bạn muốn có ‘Tháp Canh’ không?”, anh Russell khẳng định: “Chúng tôi tin rằng ‘Tháp Canh’ được ĐỨC GIÊ-HÔ-VA hỗ trợ. Vì thế, nhà xuất bản tạp chí này không bao giờ nài xin hay thỉnh cầu sự trợ giúp của người phàm. Khi đấng phán rằng ‘mọi vàng bạc trên các núi thuộc về ta’ không cung cấp ngân quỹ cần thiết thì chúng tôi biết đã đến lúc ngưng xuất bản tạp chí này” (A-ghê 2:7-9). Hơn 130 năm sau, Tháp Canh và tổ chức xuất bản tạp chí này vẫn phát triển mạnh mẽ!

8 Dân Đức Giê-hô-va không nài xin sự trợ giúp về tài chính. Họ không chuyền những đĩa quyên tiền hoặc gửi thư thỉnh cầu đóng góp. Họ cũng không dùng trò chơi xổ số hoặc bán hàng từ thiện để gây quỹ. Họ làm theo điều mà Tháp Canh đã nói từ lâu: “Chúng tôi luôn thấy quyên tiền cho công việc của Chúa, như các giáo hội thường làm, là không đúng... Chúng tôi xét thấy việc gây quỹ bằng các hình thức xin tiền nhân danh Chúa là điều ngài xem là xúc phạm và không thể chấp nhận, không mang lại phước lành cho cả người tặng lẫn công việc” b.

“Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã định”

9, 10. Một lý do chúng ta tình nguyện đóng góp là gì?

9 Là công dân Nước Trời, chúng ta không cần phải bị ép buộc mới đóng góp. Trái lại, chúng ta vui lòng dùng tiền bạc và những điều khác để ủng hộ các hoạt động của Nước Trời. Tại sao? Hãy xem ba lý do.

10 Thứ nhất, chúng ta tình nguyện đóng góp vì yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn làm “những điều đẹp mắt ngài” (1 Giăng 3:22). Đức Giê-hô-va rất vui khi một người thờ phượng ngài sẵn lòng hiến tặng. Chúng ta hãy phân tích những lời sứ đồ Phao-lô nói về điều này. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 9:7). Một tín đồ chân chính không miễn cưỡng đóng góp. Thay vì thế, người ấy đóng góp do “lòng mình đã định” c. Điều này có nghĩa là trước khi đóng góp, người ấy xem xét nhu cầu và suy nghĩ về cách mình có thể giúp. Người như thế đáng quý đối với Đức Giê-hô-va, vì ngài “yêu thương người nào hiến tặng một cách vui lòng”.

Những em nhỏ ở Mozambique cũng vui thích hiến tặng

11. Điều gì thúc đẩy chúng ta dâng cho Đức Giê-hô-va lễ vật tốt nhất có thể?

11 Thứ hai, đóng góp về vật chất là một cách để chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì những ân phước ngài ban. Hãy xem một nguyên tắc trong Luật pháp Môi-se có thể giúp tra xét lòng. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16, 17). Khi dự ba kỳ lễ thường niên, mỗi người nam Y-sơ-ra-ên phải mang một lễ vật ‘tùy theo phước mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho mình’. Do đó, trước khi đến dự lễ, mỗi người nam phải nghĩ về các ân phước mình nhận và tra xét lòng để chọn lễ vật tốt nhất. Tương tự, khi suy ngẫm về vô vàn ân phước Đức Giê-hô-va ban cho, chúng ta muốn dâng cho ngài lễ vật tốt nhất có thể. Sự hiến tặng hết lòng của chúng ta, bao gồm đóng góp về vật chất, cho thấy chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va đến mức nào về những ân phước ngài ban.—2 Cô 8:12-15.

12, 13. Làm thế nào sự đóng góp tình nguyện cho thấy chúng ta yêu thương Vua? Mỗi người nên đóng góp bao nhiêu?

12 Thứ ba, qua sự đóng góp tình nguyện, chúng ta cho thấy mình yêu thương Vua Giê-su Ki-tô. Như thế nào? Hãy lưu ý điều Chúa Giê-su nói với các môn đồ vào đêm cuối của cuộc đời trên đất. (Đọc Giăng 14:23). Ngài nói: “Nếu ai yêu thương tôi thì giữ lời tôi”. “Lời” của Chúa Giê-su bao gồm mệnh lệnh rao truyền tin mừng về Nước Trời ra khắp đất (Mat 24:14; 28:19, 20). Chúng ta giữ “lời” ngài bằng cách làm mọi điều có thể, tức là dùng thời gian, năng lực và của cải, để đẩy mạnh công việc rao giảng. Qua đó, chúng ta chứng tỏ tình yêu thương dành cho Vua Mê-si.

13 Là những công dân trung thành, chúng ta muốn hết lòng ủng hộ Nước Trời bằng cách đóng góp về tài chính. Mỗi người nên đóng góp bao nhiêu? Đây là quyết định cá nhân. Mỗi người nên dâng điều tốt nhất mình có. Nhiều anh em của chúng ta không dư dả về tài chính (Mat 19:23, 24; Gia 2:5). Nhưng họ có thể an tâm khi biết rằng Đức Giê-hô-va và Con ngài cũng quý trọng những sự đóng góp khiêm tốn đến từ tấm lòng tự nguyện.—Mác 12:41-44.

Tiền được thu như thế nào?

14. Trong nhiều năm, Nhân Chứng Giê-hô-va đề nghị người nhận ấn phẩm làm gì?

14 Trong nhiều năm, Nhân Chứng Giê-hô-va mời nhận ấn phẩm và đề nghị người nhận đóng góp. Số tiền được đề nghị ở mức thấp nhất có thể để ngay cả người nghèo cũng nhận được ấn phẩm. Dĩ nhiên, nếu chủ nhà tỏ ra chú ý nhưng không thể đóng góp thì người công bố vẫn sẵn lòng để lại ấn phẩm. Mong ước của họ là những người thành tâm có ấn phẩm để đọc và được lợi ích.

15, 16. (a) Từ năm 1990, Hội đồng Lãnh đạo điều chỉnh thế nào về cách mời nhận ấn phẩm? (b) Việc đóng góp tình nguyện được thực hiện ra sao? (Cũng xem khung “ Tiền đóng góp được dùng như thế nào?”).

15 Năm 1990, Hội đồng Lãnh đạo điều chỉnh cách mời nhận ấn phẩm. Từ năm đó tại Hoa Kỳ, người ta có thể tình nguyện đóng góp cho các ấn phẩm mà họ nhận. Lá thư gửi tất cả hội thánh tại Hoa Kỳ giải thích: “Tạp chí và ấn phẩm sẽ được cung cấp cho người công bố và người chú ý mà không cần đòi hay gợi ý đóng góp một số tiền cụ thể... Nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể đóng góp để giúp trang trải chi phí cho công việc giáo dục của chúng ta, nhưng họ vẫn được nhận ấn phẩm dù có đóng góp hay không”. Sắp đặt đó cho thấy rõ công việc của chúng ta là tình nguyện và mang tính tôn giáo, đồng thời cho thấy ‘chúng ta không buôn bán lời Đức Chúa Trời’ (2 Cô 2:17). Với thời gian, sắp đặt về sự đóng góp tình nguyện được áp dụng cho các chi nhánh trên toàn thế giới.

16 Sự đóng góp tình nguyện được thực hiện ra sao? Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va có các hộp đóng góp được đặt ở những nơi không gây sự chú ý. Mọi người có thể bỏ tiền đóng góp vào đó hoặc gửi trực tiếp cho một trong các thực thể pháp lý của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mỗi năm đều có một bài trong Tháp Canh giải thích cách đóng góp tình nguyện.

Tiền được dùng như thế nào?

17-19. Hãy giải thích cách sử dụng tiền đóng góp vào (a) công việc toàn cầu, (b) xây Phòng Nước Trời toàn cầu, (c) chi phí hội thánh.

17 Công việc toàn cầu. Tiền được dùng để trang trải chi phí cho công việc rao giảng trên khắp thế giới. Các chi phí này bao gồm tiền in ấn sách báo để phân phát toàn cầu, xây dựng và bảo trì các văn phòng chi nhánh, tổ chức các trường thần quyền. Tiền cũng được dùng để chăm sóc các giáo sĩ, giám thị lưu động và tiên phong đặc biệt. Ngoài ra, tiền đóng góp của chúng ta còn được dùng để cứu trợ anh em trong vùng bị tai ương d.

18 Xây Phòng Nước Trời toàn cầu. Tiền được dùng để giúp các hội thánh xây cất hoặc tân trang Phòng Nước Trời. Rồi khi nhận được tiền đóng góp, tổ chức lại tiếp tục giúp thêm nhiều hội thánh e.

19 Chi phí hội thánh. Tiền được dùng để trang trải chi phí hoạt động và bảo trì Phòng Nước Trời. Các trưởng lão có thể đề nghị gửi một phần của số tiền cho văn phòng chi nhánh để đẩy mạnh công việc toàn cầu. Trong trường hợp đó, các trưởng lão sẽ trình bày nghị quyết trước hội thánh. Nếu hội thánh đồng ý thì số tiền đó sẽ được gửi. Mỗi tháng, anh phụ trách kế toán sẽ chuẩn bị một báo cáo kế toán để đọc trước hội thánh.

20. Bạn có thể lấy “tài-vật” của mình để tôn vinh Đức Giê-hô-va như thế nào?

20 Khi xem xét mọi điều liên quan đến việc rao truyền Nước Trời và đào tạo môn đồ trên khắp thế giới, chúng ta được thôi thúc ‘lấy tài-vật của mình tôn vinh Đức Giê-hô-va’ (Châm 3:9, 10). Những “tài-vật” quý giá của chúng ta bao gồm thể chất, tinh thần và khả năng về thiêng liêng. Chắc chắn chúng ta muốn dâng trọn những điều đó cho công việc Nước Trời. Nhưng hãy nhớ rằng “tài-vật” của chúng ta cũng bao gồm của cải vật chất. Hãy quyết tâm dâng cho Đức Giê-hô-va những gì mình có thể. Sự đóng góp tình nguyện của chúng ta mang lại vinh hiển cho ngài và cho thấy chúng ta ủng hộ Nước của Đấng Mê-si.

a Tháp Canh ngày 15-7-1915, trang 218, 219 (Anh ngữ).

b Tháp Canh ngày 1-8-1899, trang 201 (Anh ngữ).

c Theo một học giả, từ Hy Lạp được dịch là “định” bao hàm ý “quyết định trước”. Ông nói thêm: “Ngoài vui lòng ban cho, chúng ta cần lên kế hoạch và làm có hệ thống”.—1 Cô 16:2.

d Để biết thêm thông tin về công tác cứu trợ, xin xem chương 20.

e Để biết thêm chi tiết về việc xây cất Phòng Nước Trời, xin xem chương 19.