Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 17

Huấn luyện người rao truyền Nước Trời

Huấn luyện người rao truyền Nước Trời

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Các trường thần quyền trang bị cho người rao truyền Nước Trời thi hành sứ mạng

1-3. Chúa Giê-su mở rộng công việc rao giảng bằng cách nào? Những câu hỏi nào được nêu lên?

 Trong hai năm, Chúa Giê-su đã rao giảng khắp xứ Ga-li-lê. (Đọc Ma-thi-ơ 9:35-38). Ngài đi đến nhiều thành và làng mạc, giảng dạy trong các nhà hội và rao truyền tin mừng Nước Trời. Ở bất cứ nơi nào ngài rao giảng, đám đông đều kéo đến với ngài. Ngài thấy ‘mùa gặt thật trúng’ nên cần thêm thợ gặt.

2 Chúa Giê-su đã sắp đặt để mở rộng công việc rao giảng. Bằng cách nào? Ngài phái 12 sứ đồ “đi rao giảng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu 9:1, 2). Có thể các sứ đồ thắc mắc về cách thi hành công việc này. Trước khi phái họ đi, Chúa Giê-su yêu thương huấn luyện họ, như Cha trên trời đã huấn luyện ngài.

3 Một số câu hỏi được nêu lên là: “Chúa Giê-su đã được Cha huấn luyện thế nào? Chúa Giê-su huấn luyện các sứ đồ ra sao? Ngày nay, Vua Mê-si có huấn luyện môn đồ thi hành thánh chức không? Nếu có thì bằng cách nào?”.

‘Tôi nói những điều Cha đã dạy’

4. Chúa Giê-su được Cha dạy khi nào và ở đâu?

4 Chúa Giê-su công nhận rằng ngài được Cha dạy dỗ. Trong thời gian thi hành thánh chức, ngài cho biết: ‘Tôi nói những điều Cha đã dạy’ (Giăng 8:28). Chúa Giê-su được dạy khi nào và ở đâu? Ngài bắt đầu được huấn luyện ngay sau khi được tạo ra với tư cách là Con Đầu Lòng của Đức Chúa Trời (Cô 1:15). Trong hằng hà sa số năm ở bên Cha trên trời, Con đã lắng nghe và quan sát “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” (Ê-sai 30:20, NW). Kết quả là Con nhận được sự giáo dục siêu việt về các đức tính, việc làm và ý định của Cha.

5. Về thánh chức mà Con sẽ thi hành trên đất, Cha đã chỉ cho Con điều gì?

5 Vào đúng thời điểm, Đức Giê-hô-va dạy Con thi hành thánh chức trên đất. Hãy xem một lời tiên tri miêu tả mối quan hệ giữa Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại và Con Đầu Lòng. (Đọc Ê-sai 50:4, 5). Lời tiên tri cho biết Đức Giê-hô-va đánh thức Con vào “mỗi buổi sớm mai”. Những lời này gợi lên hình ảnh thầy giáo đánh thức học trò dậy sớm để dạy dỗ. Một sách tham khảo Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va... đưa ngài vào trường như một học sinh, rồi dạy ngài biết phải rao giảng về điều gì và như thế nào”. Tại “trường” trên trời, Đức Giê-hô-va cho Con biết “phải nói gì và dạy gì” (Giăng 12:49). Cha cũng chỉ cho Con cách dạy dỗ a. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su vận dụng kiến thức học được không chỉ vào thánh chức của ngài mà còn vào việc huấn luyện môn đồ để họ thi hành thánh chức.

6, 7. (a) Chúa Giê-su đã huấn luyện các sứ đồ ra sao? Qua đó họ được trang bị để làm gì? (b) Chúa Giê-su lo liệu để các môn đồ thời nay được huấn luyện về điều gì?

6 Chúa Giê-su đã huấn luyện các sứ đồ như thế nào? Theo Ma-thi-ơ chương 10, ngài hướng dẫn họ chi tiết về thánh chức, bao gồm: rao giảng ở đâu (câu 5, 6), rao giảng về điều gì (câu 7), tầm quan trọng của việc tin cậy Đức Giê-hô-va (câu 9, 10), cách tiếp cận chủ nhà (câu 11-13), cách ứng xử khi người ta từ chối (câu 14, 15) và cách đối phó với sự bắt bớ (câu 16-23) b. Qua sự huấn luyện rõ ràng ấy, Chúa Giê-su đã trang bị cho các sứ đồ để họ dẫn đầu công việc rao truyền tin mừng trong thế kỷ thứ nhất.

7 Còn ngày nay thì sao? Vua Nước Trời là Chúa Giê-su đã giao cho các môn đồ sứ mạng quan trọng nhất, đó là rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân (Mat 24:14). Vua có huấn luyện chúng ta thi hành công việc hết sức quan trọng này không? Chắc chắn có! Từ trời, Vua lo liệu để các môn đồ được huấn luyện về cách rao giảng cũng như cách chu toàn các trách nhiệm đặc biệt trong hội thánh.

Huấn luyện môn đồ trở thành người truyền giảng tin mừng

8, 9. (a) Mục tiêu chính của Trường thánh chức là gì? (b) Làm thế nào buổi họp giữa tuần giúp bạn hữu hiệu hơn trong thánh chức?

8 Từ lâu, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã dùng các kỳ hội nghị và buổi nhóm họp của hội thánh, chẳng hạn như Buổi họp công tác, để huấn luyện dân Đức Chúa Trời thi hành thánh chức. Nhưng từ thập niên 1940, các anh dẫn đầu ở trụ sở trung ương bắt đầu sắp đặt nhiều trường huấn luyện.

9 Trường thánh chức. Như đã xem trong chương trước, trường này bắt đầu được triển khai vào năm 1943. Phải chăng mục tiêu của trường chỉ là huấn luyện học viên trình bày bài giảng hữu hiệu hơn? Không. Trường có mục tiêu chính là huấn luyện dân Đức Chúa Trời biết cách dùng khả năng ăn nói để ngợi khen Đức Giê-hô-va trong thánh chức (Thi 150:6). Trường này đã giúp mọi anh chị ghi danh vào trường trở thành những người rao truyền Nước Trời hữu hiệu hơn. Giờ đây sự huấn luyện này được cung cấp qua buổi họp giữa tuần.

10, 11. Hiện nay ai được tham gia Trường Ga-la-át? Mục tiêu của trường này là gì?

10 Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Trường này bắt đầu có từ thứ hai, ngày 1-2-1943. Ban đầu, trường được thành lập nhằm huấn luyện các tiên phong và tôi tớ phụng sự trọn thời gian để họ trở thành giáo sĩ phục vụ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nhưng kể từ tháng 10 năm 2011, người tham gia trường này phải là người đang phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt như tiên phong đặc biệt, vợ chồng giám thị lưu động, thành viên nhà Bê-tên và giáo sĩ chưa tham dự trường này.

11 Mục tiêu của Trường Ga-la-át là gì? Một giảng viên lâu năm cho biết mục tiêu của trường là “củng cố đức tin của học viên qua việc đào sâu Lời Đức Chúa Trời và giúp họ phát triển các đức tính cần thiết để có thể đương đầu với những thử thách trong nhiệm vụ. Ngoài ra, chương trình của trường cũng giúp các học viên gia tăng ước muốn rao truyền tin mừng”.—Ê-phê 4:11.

12, 13. Trường Ga-la-át tác động thế nào đến công việc rao giảng trên thế giới? Hãy cho ví dụ.

12 Trường Ga-la-át tác động thế nào đến công việc rao giảng trên thế giới? Từ năm 1943, có hơn 8.500 người được huấn luyện tại Trường Ga-la-át, và các giáo sĩ được huấn luyện tại trường này đã phụng sự ở hơn 170 nước c. Họ vận dụng tốt kiến thức học được bằng cách nêu gương sốt sắng trong thánh chức và huấn luyện người khác làm thế. Trong nhiều trường hợp, các giáo sĩ đã dẫn đầu công việc rao giảng ở những vùng có ít người công bố.

13 Hãy xem điều xảy ra ở Nhật Bản. Vào Thế Chiến II, công việc rao giảng gần như bị ngưng. Đến tháng 8 năm 1949, Nhật Bản chỉ có dưới mười người công bố địa phương. Tuy nhiên, cuối năm ấy, có 13 giáo sĩ tốt nghiệp Trường Ga-la-át bận rộn rao giảng tại nước này. Sau đó, có thêm giáo sĩ được phái đến. Ban đầu, các giáo sĩ tập trung rao giảng ở các thành phố lớn, và về sau họ chuyển đến các thành phố khác. Các giáo sĩ nhiệt tình khuyến khích học viên và người khác tham gia thánh chức tiên phong. Lòng sốt sắng và nỗ lực của các giáo sĩ đã mang lại kết quả. Hiện nay, có hơn 216.000 người rao truyền Nước Trời tại Nhật Bản, và gần 40% trong số đó phụng sự với tư cách là tiên phong! d

14. Các trường thần quyền là bằng chứng hùng hồn cho thấy gì? (Cũng xem khung “ Các trường huấn luyện người rao truyền Nước Trời”).

14 Những trường thần quyền khác. Trường dành cho tiên phong, Trường Kinh Thánh cho cặp vợ chồng và Trường Kinh Thánh cho các anh độc thân đã giúp những người tham gia tiến bộ về thiêng liêng và sốt sắng dẫn đầu trong công việc rao truyền tin mừng e. Tất cả các trường thần quyền này là bằng chứng hùng hồn cho thấy Vua đã trang bị tốt cho môn đồ để họ thi hành thánh chức.—2 Ti 4:5.

Các anh được huấn luyện để gánh vác trách nhiệm đặc biệt

15. Những anh có trách nhiệm muốn noi gương Chúa Giê-su qua cách nào?

15 Hãy nhớ lại lời tiên tri Ê-sai nói về việc Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Trong “trường” trên trời, Con đã học “dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi” (Ê-sai 50:4). Chúa Giê-su đã áp dụng sự dạy dỗ ấy. Khi ở trên đất, ngài là nguồn mang lại sự khoan khoái cho những người “nhọc nhằn và nặng gánh” (Mat 11:28-30). Noi gương Chúa Giê-su, những anh có trách nhiệm muốn là nguồn mang lại sự khoan khoái cho các anh chị. Để đạt được điều đó, nhiều trường được thành lập nhằm giúp các anh hữu hiệu hơn trong việc phục vụ anh em đồng đạo.

16, 17. Mục tiêu của Trường thánh chức Nước Trời là gì? (Cũng xem chú thích).

16 Trường thánh chức Nước Trời. Lớp đầu tiên của trường này bắt đầu ngày 9-3-1959 tại South Lansing, New York. Giám thị lưu động và tôi tớ hội thánh (nay là giám thị điều phối) được mời tham dự khóa học kéo dài một tháng. Về sau, khóa học được dịch từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác, và trường bắt đầu huấn luyện các anh trên khắp thế giới f.

Anh Lloyd Barry dạy Trường thánh chức Nước Trời tại Nhật Bản, năm 1970

17 Về mục tiêu của Trường thánh chức Nước Trời, sách Niên giám (Yearbook) năm 1962 nói: “Trong thế giới tất bật này, giám thị của hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va phải là người khéo sắp xếp đời sống để quan tâm đúng mức đến mọi thành viên trong hội thánh và là một ân phước cho anh em. Anh không được bỏ bê gia đình để chăm sóc hội thánh mà phải dùng óc suy xét. Khi tham gia Trường thánh chức Nước Trời, các anh trên khắp thế giới có cơ hội được huấn luyện để làm theo những điều Kinh Thánh đòi hỏi nơi một giám thị”.—1 Ti 3:1-7; Tít 1:5-9.

18. Mọi người thuộc dân Đức Chúa Trời đều nhận được lợi ích nào từ Trường thánh chức Nước Trời?

18 Mọi người thuộc dân Đức Chúa Trời đều được lợi ích từ Trường thánh chức Nước Trời. Như thế nào? Khi trưởng lão và phụ tá hội thánh áp dụng những điều đã học tại trường này thì như Chúa Giê-su, họ là nguồn mang lại sự khoan khoái cho anh em đồng đạo. Bạn có quý trọng lời nói nhân từ, sự kiên nhẫn lắng nghe hoặc cuộc viếng thăm đầy khích lệ của một trưởng lão hay phụ tá hội thánh giàu lòng quan tâm không? (1 Tê 5:11). Những anh như thế thật sự là một ân phước cho hội thánh!

19. Ủy ban giảng huấn cũng giám sát những trường nào khác? Mục tiêu của các trường ấy là gì?

19 Những trường thần quyền khác. Ủy ban giảng huấn của Hội đồng Lãnh đạo cũng giám sát các trường khác, là những trường huấn luyện các anh có trách nhiệm trong tổ chức. Các trường ấy được thành lập nhằm giúp các anh có trách nhiệm, chẳng hạn như trưởng lão, giám thị lưu động và thành viên Ủy ban chi nhánh, thi hành tốt hơn các trách nhiệm được giao. Những khóa học dựa trên Kinh Thánh khuyến khích các anh duy trì tình trạng thiêng liêng và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh trong cách đối xử với những chiên quý giá mà Đức Giê-hô-va giao cho họ chăm sóc.—1 Phi 5:1-3.

Trường Huấn luyện Thánh chức đầu tiên tại Malawi, năm 2007

20. Tại sao Chúa Giê-su nói hết thảy chúng ta đều “được Đức Giê-hô-va dạy dỗ”? Bạn quyết tâm làm gì?

20 Rõ ràng, Vua Mê-si đã lo sao cho các môn đồ được huấn luyện kỹ. Mọi sự huấn luyện đó đi theo thứ tự: Đức Giê-hô-va huấn luyện Con ngài, rồi Con ngài huấn luyện các môn đồ. Vì thế, Chúa Giê-su nói hết thảy chúng ta đều “được Đức Giê-hô-va dạy dỗ” (Giăng 6:45; Ê-sai 54:13). Vậy, chúng ta hãy quyết tâm tận dụng tối đa sự huấn luyện mà Vua cung cấp. Chúng ta hãy nhớ rằng mục tiêu chính của những sự huấn luyện trên là giúp chúng ta giữ vững tình trạng thiêng liêng để hoàn thành thánh chức.

a Làm sao chúng ta biết Cha hướng dẫn Con cách dạy dỗ? Hãy xem xét điều này: Việc Chúa Giê-su dùng nhiều minh họa trong khi dạy dỗ làm ứng nghiệm lời tiên tri được ghi lại hàng thế kỷ trước khi ngài sinh ra (Thi 78:2; Mat 13:34, 35). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va, Tác Giả của lời tiên tri đó, đã định trước rằng Con ngài sẽ dạy bằng những minh họa và câu chuyện. —2 Ti 3:16, 17.

b Nhiều tháng sau, Chúa Giê-su “chọn bảy mươi người khác và phái từng đôi” đi rao giảng. Ngài cũng huấn luyện họ.—Lu 10:1-16.

c Một số người đã tham dự Trường Ga-la-át hơn một lần.

d Để biết thêm chi tiết về việc các giáo sĩ được huấn luyện tại Trường Ga-la-át đã tác động thế nào đến cánh đồng thế giới, xin xem sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom), chương 23.

e Hai trường sau đã được thay thế bằng Trường cho người rao truyền Nước Trời.

f Ngày nay, mọi trưởng lão đều nhận được lợi ích từ Trường thánh chức Nước Trời được tổ chức vài năm một lần, với thời lượng khác nhau. Từ năm 1984, phụ tá hội thánh cũng được huấn luyện tại trường này.