Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 3

Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của ngài

Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của ngài

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Đức Giê-hô-va từng bước tiết lộ ý định của ngài, nhưng chỉ cho những người kính sợ ngài

1, 2. Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định của ngài cho nhân loại như thế nào?

 Các bậc cha mẹ quan tâm thường cho con tham gia thảo luận những vấn đề của gia đình. Nhưng họ cân nhắc về lượng thông tin sẽ chia sẻ. Họ chỉ tiết lộ những điều mà họ biết là con có thể lĩnh hội.

2 Tương tự, Đức Giê-hô-va từng bước tiết lộ ý định của ngài cho gia đình nhân loại. Nhưng ngài chỉ tiết lộ vào thời điểm ngài thấy thích hợp. Chúng ta hãy xem qua cách Đức Giê-hô-va tỏ lộ những sự thật về Nước Trời trong suốt lịch sử.

Tại sao cần Nước Trời?

3, 4. Đức Giê-hô-va có định trước đường đi nước bước của nhân loại không? Hãy giải thích.

3 Nước của Đấng Mê-si không nằm trong ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì ngài không định trước đường đi nước bước của nhân loại. Suy cho cùng, ngài tạo ra con người với tự do ý chí. Do đó, ngài cho A-đam và Ê-va biết ý định của ngài đối với nhân loại: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng 1:28). Đức Giê-hô-va cũng đòi hỏi họ tôn trọng tiêu chuẩn của ngài về điều thiện và điều ác (Sáng 2:16, 17). A-đam và Ê-va có thể chọn giữ lòng trung thành với ngài. Nếu họ và con cháu làm thế thì không cần đến Nước Đấng Mê-si để hoàn thành ý định của Đức Chúa Trời. Như vậy thì giờ đây cả trái đất đều là những người hoàn hảo thờ phượng Đức Giê-hô-va.

4 Cuộc phản nghịch của Sa-tan, A-đam và Ê-va không khiến Đức Giê-hô-va từ bỏ ý định của ngài là làm đầy trái đất bằng gia đình nhân loại hoàn hảo. Thay vì thế, ngài thay đổi cách thực hiện ý định đó. Ý định của ngài không giống như chiếc xe lửa phải chạy trên một đường ray nhất định để đến đích và có thể bị trật đường ray bởi hành động của người ta. Một khi Đức Giê-hô-va có ý định thì không thế lực nào trong vũ trụ có thể ngăn cản ngài thực hiện. (Đọc Ê-sai 55:11). Nếu gặp chướng ngại vật, ngài sẽ chuyển hướng a (Xuất 3:14, 15). Khi thấy thích hợp, ngài cho các tôi tớ trung thành biết cách mới mà ngài dùng để thực hiện ý định.

5. Đứng trước cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã làm gì?

5 Đứng trước cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã có ý định thành lập Nước Trời (Mat 25:34). Trong thời điểm đen tối đó của lịch sử, ngài hé lộ phương tiện mà ngài sẽ dùng để khôi phục nhân loại và xóa bỏ tổn hại do cuộc tranh giành quyền lực vô nghĩa của Sa-tan gây ra (Sáng 3:14-19). Dù vậy, Đức Giê-hô-va không tiết lộ hết thông tin về Nước Trời ngay lập tức.

Đức Giê-hô-va bắt đầu tỏ lộ những sự thật về Nước Trời

6. Đức Giê-hô-va đã hứa gì, nhưng ngài không tiết lộ điều gì?

6 Ngay trong lời tiên tri đầu tiên, Đức Giê-hô-va hứa là một “dòng-dõi” sẽ giày đạp con rắn. (Đọc Sáng-thế Ký 3:15). Tuy nhiên, dòng dõi ấy và dòng dõi của con rắn là ai thì chưa được tiết lộ vào lúc đó. Thật vậy, Đức Giê-hô-va không tỏ lộ những thông tin ấy trong khoảng 2.000 năm b.

7. Tại sao Áp-ra-ham được chọn, và chúng ta rút ra bài học quan trọng nào?

7 Cuối cùng, Đức Giê-hô-va chọn Áp-ra-ham để qua ông dòng dõi được hứa trước sẽ đến. Áp-ra-ham được chọn vì “đã vâng theo lời dặn [của Đức Giê-hô-va]” (Sáng 22:18). Qua điều này, chúng ta rút ra bài học quan trọng là Đức Giê-hô-va chỉ tiết lộ ý định cho những người kính sợ ngài.—Đọc Thi-thiên 25:14.

8, 9. Đức Giê-hô-va hé mở cho Áp-ra-ham và Gia-cốp những sự thật nào về dòng dõi được hứa trước?

8 Khi nói với bạn ngài là Áp-ra-ham qua thiên sứ, lần đầu tiên Đức Giê-hô-va hé mở một sự thật quan trọng về dòng dõi được hứa trước: Dòng dõi đó sẽ là một con người (Sáng 22:15-17; Gia 2:23). Nhưng người này sẽ giày đạp con rắn bằng cách nào? Con rắn là ai? Những sự tiết lộ sau này sẽ làm sáng tỏ các câu hỏi đó.

9 Đức Giê-hô-va đã quyết định rằng dòng dõi được hứa trước sẽ đến từ cháu trai của Áp-ra-ham là Gia-cốp, một người có đức tin mạnh nơi Đức Chúa Trời (Sáng 28:13-22). Qua Gia-cốp, Đức Giê-hô-va tiết lộ Đấng Được Hứa Trước sẽ là hậu duệ của Giu-đa, con trai Gia-cốp. Gia-cốp tiên tri rằng hậu duệ này sẽ nhận được “cây phủ-việt”, là cây tượng trưng cho quyền cai trị, và được “các dân vâng-phục” (Sáng 49:1, 10). Qua lời thông báo đó, Đức Giê-hô-va cho thấy Đấng Được Hứa Trước sẽ trở thành vua cai trị.

10, 11. Tại sao Đức Giê-hô-va tiết lộ ý định cho Đa-vít và Đa-ni-ên?

10 Khoảng 650 năm sau thời Giu-đa, Đức Giê-hô-va tiết lộ thêm về ý định của ngài cho vua Đa-vít, hậu duệ của Giu-đa. Ngài gọi Đa-vít là người vừa lòng ngài (1 Sa 13:14; 17:12; Công 13:22). Vì Đa-vít kính sợ Đức Giê-hô-va nên ngài đã lập giao ước với ông, ngài hứa với ông rằng một hậu duệ của ông sẽ cai trị đời đời.—2 Sa 7:8, 12-16.

11 Khoảng 500 năm sau, Đức Giê-hô-va dùng nhà tiên tri Đa-ni-ên để tỏ lộ chính xác năm mà Đấng Được Xức Dầu, hay Đấng Mê-si, sẽ xuất hiện trên đất (Đa 9:25). Đức Giê-hô-va xem Đa-ni-ên là người “được yêu-quí lắm”. Tại sao? Vì ông tôn kính ngài sâu xa và hằng phụng sự ngài.—Đa 6:16; 9:22, 23.

12. Đa-ni-ên được lệnh làm gì, và tại sao?

12 Dù Đức Giê-hô-va dùng những nhà tiên tri trung thành như Đa-ni-ên để ghi lại nhiều chi tiết về dòng dõi được hứa trước, tức là Đấng Mê-si, nhưng chưa đến lúc ngài cho họ hiểu trọn vẹn ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, sau khi thấy một khải tượng liên quan đến sự thành lập Nước Trời, Đa-ni-ên được lệnh đóng lời tiên tri lại cho đến thời điểm Đức Giê-hô-va ấn định. Đến lúc đó, “sẽ có dư tràn sự hiểu biết thật”.—Đa 12:4, NW.

Đức Giê-hô-va dùng những người trung thành như Đa-ni-ên để ghi lại các chi tiết về Nước của Đấng Mê-si

Chúa Giê-su tỏ lộ ý định của Đức Chúa Trời

13. (a) Ai là dòng dõi được hứa trước? (b) Chúa Giê-su tỏ lộ điều gì về lời tiên tri nơi Sáng-thế Ký 3:15?

13 Đức Giê-hô-va cho biết rõ Chúa Giê-su là dòng dõi được hứa trước, là hậu duệ của Đa-vít và sẽ làm Vua cai trị (Lu 1:30-33; 3:21, 22). Khi Chúa Giê-su khởi sự thánh chức thì điều này giống như mặt trời chiếu rọi ý định của Đức Giê-hô-va cho nhân loại (Mat 4:13-17). Chẳng hạn, Chúa Giê-su giúp nhận diện con rắn được đề cập nơi Sáng-thế Ký 3:14, 15 khi gọi Sa-tan là “kẻ giết người” và “cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Trong khải tượng ngài cho Giăng thấy, Chúa Giê-su tiết lộ “con rắn xưa kia” là “Kẻ Quỷ Quyệt và Sa-tan” c. (Đọc Khải huyền 1:1; 12:9). Trong cùng khải tượng, Chúa Giê-su cho thấy cách mà ngài, tức là dòng dõi được hứa trước, sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri được phán ra trong vườn Ê-đen và giày đạp Sa-tan cho đến chết.—Khải 20:7-10.

14-16. Có phải lúc nào các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng hiểu rõ những sự thật Chúa Giê-su tiết lộ không? Hãy giải thích.

14 Như chúng ta đã thấy trong chương 1, Chúa Giê-su nói nhiều điều về Nước Trời. Dù vậy, không phải lúc nào ngài cũng tiết lộ mọi điều các môn đồ muốn biết. Ngay cả khi ngài cho môn đồ biết những thông tin cụ thể thì mãi sau này, có khi hàng thế kỷ sau, họ mới bắt đầu hiểu rõ ý nghĩa của những sự thật ấy. Hãy xem một số ví dụ.

15 Vào năm 33 CN, Chúa Giê-su tiết lộ rằng những người đồng cai trị với ngài trong Nước Trời sẽ được chọn từ trái đất và lên trời sống với tư cách là tạo vật thần linh. Thế nhưng, các môn đồ không hiểu điều này ngay (Đa 7:18; Giăng 14:2-5). Cũng trong năm đó, qua các minh họa, Chúa Giê-su cho họ biết Nước Trời sẽ được thành lập sau khi ngài về trời một thời gian dài (Mat 25:14, 19; Lu 19:11, 12). Các môn đồ không hiểu sự thật quan trọng này và sau khi ngài sống lại, họ đã hỏi ngài: “Nay có phải là lúc ngài khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên không?”. Chúa Giê-su không tiết lộ thêm thông tin vào lúc đó (Công 1:6, 7). Ngài cũng dạy rằng sẽ có “các chiên khác”, là những người không thuộc “bầy nhỏ” đồng cai trị với ngài (Giăng 10:16; Lu 12:32). Khá lâu sau khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, môn đồ Chúa Giê-su mới hiểu đúng về hai nhóm người này.

16 Chúa Giê-su đã có thể nói với các môn đồ nhiều điều khi ngài ở cùng họ trên đất, nhưng ngài biết họ chưa thể hiểu được (Giăng 16:12). Chắc chắn, nhiều sự hiểu biết về Nước Trời đã được tiết lộ vào thế kỷ thứ nhất. Nhưng chưa đến lúc sự hiểu biết ấy trở nên dư tràn.

Sẽ có dư tràn sự hiểu biết thật vào “kỳ cuối-cùng”

17. Muốn hiểu những sự thật về Nước Trời, chúng ta phải làm gì, nhưng cũng cần phải có điều gì?

17 Đức Giê-hô-va hứa với Đa-ni-ên rằng trong “kỳ cuối-cùng”, nhiều người sẽ “đi qua đi lại” và sự hiểu biết thật về ý định Đức Chúa Trời sẽ dư tràn (Đa 12:4). Những ai muốn có sự hiểu biết đó thì phải nỗ lực. Một tài liệu tham khảo nói rằng một dạng của động từ Hê-bơ-rơ được dịch là “đi qua đi lại” mang nghĩa xem xét rất kỹ một cuốn sách. Nhưng dù xem xét Kinh Thánh kỹ lưỡng đến đâu, chúng ta cũng không thể hiểu được những sự thật về Nước Trời nếu Đức Giê-hô-va không ban cho đặc ân đó.—Đọc Ma-thi-ơ 13:11.

18. Những người kính sợ Đức Giê-hô-va đã thể hiện đức tin và sự khiêm nhường như thế nào?

18 Đức Giê-hô-va đã từng bước tiết lộ những sự thật về Nước Trời trong giai đoạn trước năm 1914 và ngài tiếp tục làm thế trong thời kỳ sau cùng. Chương 4 và 5 sẽ cho thấy trong 100 năm qua, dân Đức Chúa Trời đã nhiều lần điều chỉnh sự hiểu biết. Phải chăng điều này có nghĩa là họ không được Đức Giê-hô-va trợ giúp? Hoàn toàn ngược lại! Ngài luôn hỗ trợ họ. Tại sao? Vì những người kính sợ Đức Giê-hô-va đã thể hiện hai đức tính mà ngài yêu mến—đức tin và khiêm nhường (Hê 11:6; Gia 4:6). Tôi tớ của Đức Giê-hô-va tin rằng mọi lời hứa trong Lời ngài sẽ thành hiện thực. Họ biểu lộ tính khiêm nhường khi thừa nhận là mình đã hiểu không chính xác về cách những lời hứa ấy được ứng nghiệm. Thái độ khiêm nhường này được thấy nơi Tháp Canh ngày 1-3-1925, trong đó viết: “Chúng ta biết Chúa chính là đấng tỏ lộ, ngài sẽ tỏ lộ Lời ngài cho dân sự theo cách ngài thấy là thích hợp và đúng thời điểm”.

‘Chúa sẽ tỏ lộ Lời ngài cho dân sự theo cách ngài thấy là thích hợp và đúng thời điểm’

19. Ngày nay Đức Giê-hô-va cho chúng ta hiểu điều gì, và tại sao?

19 Khi Nước Trời được thành lập năm 1914, dân Đức Chúa Trời chỉ hiểu phần nào về cách những lời tiên tri liên quan đến Nước này sẽ được ứng nghiệm (1 Cô 13:9, 10, 12). Vì nóng lòng thấy những lời hứa của Đức Chúa Trời thành hiện thực nên đôi khi chúng ta kết luận sai. Qua nhiều năm, những lời khác trong Tháp Canh được nhắc đến ở đoạn trên càng chứng tỏ là khôn ngoan. Bài có nói: “Dường như những lời tiên tri chỉ được hiểu rõ khi đã ứng nghiệm hoặc đang ứng nghiệm”. Hiện nay, chúng ta đang tiến gần đến thời điểm kết thúc, nhiều lời tiên tri về Nước Trời đã và đang được ứng nghiệm. Vì dân Đức Chúa Trời khiêm nhường và sẵn sàng thích ứng với sự điều chỉnh nên Đức Giê-hô-va cho chúng ta hiểu rõ ý định của ngài hơn. Sự hiểu biết thật đã dư tràn!

Sự hiểu biết được điều chỉnh sàng lọc dân Đức Chúa Trời

20, 21. Những điều chỉnh về sự hiểu biết tác động thế nào đến các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất?

20 Khi Đức Giê-hô-va điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về sự thật thì tình trạng lòng của chúng ta được kiểm chứng. Đức tin và tính khiêm nhường có thôi thúc chúng ta chấp nhận sự điều chỉnh không? Những tín đồ sống vào giữa thế kỷ thứ nhất đã đối mặt với thử thách này. Chẳng hạn, hãy hình dung bạn là một tín đồ người Do Thái sống vào thời đó. Bạn rất tôn trọng Luật pháp Môi-se và tự hào về di sản dân tộc. Giờ đây, bạn nhận những lá thư được soi dẫn của Phao-lô. Trong đó viết rằng Luật pháp không còn hiệu lực nữa và Đức Giê-hô-va đã từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống và thu nhóm dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm tín đồ người Do Thái lẫn dân ngoại (Rô 10:12; 11:17-24; Ga 6:15, 16; Cô 2:13, 14). Bạn sẽ phản ứng thế nào?

21 Những tín đồ khiêm nhường đã chấp nhận lời giải thích được soi dẫn của Phao-lô nên họ được Đức Giê-hô-va ban phước (Công 13:48). Số khác thì tức giận trước những điều chỉnh và khăng khăng giữ sự hiểu biết của mình (Ga 5:7-12). Nếu không thay đổi quan điểm thì họ sẽ mất cơ hội được cùng cai trị với Đấng Ki-tô.—2 Phi 2:1.

22. Liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời, bạn cảm thấy thế nào về sự hiểu biết được điều chỉnh?

22 Trong những thập niên gần đây, Đức Giê-hô-va đã điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về Nước Trời. Chẳng hạn, ngài giúp chúng ta hiểu rõ hơn khi nào thần dân tương lai của Nước Trời được tách khỏi những người không hưởng ứng như chiên được tách khỏi dê. Ngài cũng dạy chúng ta biết khi nào 144.000 người được thu nhóm đầy đủ, những minh họa của Chúa Giê-su về Nước Trời có nghĩa gì và khi nào những tín đồ được xức dầu sau cùng sẽ được cất lên trời d. Bạn phản ứng thế nào trước những điều chỉnh ấy? Đức tin của bạn có được củng cố không? Bạn có xem chúng là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va tiếp tục dạy dỗ dân khiêm nhường của ngài không? Những phần sau của sách này sẽ giúp bạn càng tin chắc Đức Giê-hô-va đang từng bước tiết lộ ý định cho những người kính sợ ngài.

a Danh Đức Chúa Trời là một dạng của động từ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “trở thành”. Danh Giê-hô-va ám chỉ ngài là đấng thực hiện những lời hứa của ngài. Xin xem khung “Ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời” trong chương 4.

b Dù khoảng thời gian này dường như rất dài đối với chúng ta ngày nay, nhưng hãy nhớ rằng trước đây tuổi thọ con người cao hơn bây giờ rất nhiều; từ A-đam đến Áp-ra-ham chỉ có bốn đời nối chồng với nhau. Đời của A-đam nối chồng với đời của Lê-méc (cha Nô-ê). Đời của Lê-méc nối chồng với đời của Sem (con trai Nô-ê). Đời của Sem nối chồng với đời của Áp-ra-ham.—Sáng 5:5, 31; 9:29; 11:10, 11; 25:7.

c Trong nguyên ngữ của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, tên gọi “Sa-tan” xuất hiện 18 lần. Tuy nhiên, tên ấy xuất hiện hơn 30 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Điều này cho thấy phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ không chú trọng đến Sa-tan mà tập trung vào những đặc điểm nhận diện Đấng Mê-si. Khi Đấng Mê-si đến, ngài đã vạch trần Sa-tan, điều này được ghi trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

d Để biết về một số sự điều chỉnh này, xin xem những Tháp Canh: ngày 15-10-1995, trang 23-28; ngày 15-1-2008, trang 20-24; ngày 15-7-2008, trang 17-21; ngày 15-7-2013, trang 9-14.