Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 1

“Xin Nước Cha được đến”

“Xin Nước Cha được đến”

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG

Xem xét những điều Chúa Giê-su dạy về Nước Đức Chúa Trời

1, 2. Ba sứ đồ của Chúa Giê-su nghe Đức Giê-hô-va phán điều gì, và họ phản ứng ra sao?

 Giả sử Đức Giê-hô-va trực tiếp chỉ thị cho bạn làm một việc, bạn sẽ phản ứng thế nào? Dù đó là việc gì đi nữa, chẳng phải bạn sẽ háo hức thi hành sao? Chắc chắn là vậy!

2 Một thời gian sau Lễ Vượt Qua năm 32 CN, ba sứ đồ của Chúa Giê-su là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã có trải nghiệm ấy. (Đọc Ma-thi-ơ 17:1-5). Khi nhóm lại với Chủ trên “một ngọn núi rất cao”, qua một khải tượng, họ thấy trước cảnh Chúa Giê-su làm Vua vinh hiển ở trên trời. Khải tượng thật đến mức Phi-e-rơ cũng muốn dự phần. Khi ông đang nói, có một đám mây bao phủ họ. Sau đó, Phi-e-rơ và hai sứ đồ kia nhận được đặc ân hiếm có, đó là nghe tiếng của Đức Giê-hô-va. Sau khi khẳng định Chúa Giê-su là Con ngài, Đức Giê-hô-va phán: “Hãy nghe lời người”. Các sứ đồ đã làm theo chỉ thị ấy. Họ lắng nghe Chúa Giê-su dạy và thôi thúc người khác làm thế.—Công 3:19-23; 4:18-20.

Chúa Giê-su nói về Nước Trời nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác

3. Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta lắng nghe Con ngài? Chúng ta nên xem xét kỹ chủ đề nào?

3 Chỉ thị “hãy nghe lời người” được ghi lại trong Kinh Thánh để mang lại lợi ích cho chúng ta (Rô 15:4). Tại sao? Vì Chúa Giê-su là phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va và mỗi lần dạy dỗ, ngài chia sẻ những điều Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết (Giăng 1:1, 14). Chúa Giê-su nói về Nước Đức Chúa Trời nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác. Nước Trời là chính phủ của Đấng Mê-si ở trên trời, gồm có Chúa Giê-su Ki-tô và 144.000 người đồng cai trị. Vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ chủ đề trọng yếu này (Khải 5:9, 10; 14:1-3; 20:6). Nhưng trước tiên, hãy xem tại sao Chúa Giê-su nói về Nước Trời nhiều đến vậy.

“Lòng đầy tràn...”

4. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến Nước Trời?

4 Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến Nước Trời. Tại sao có thể nói thế? Vì lời nói bộc lộ lòng của một người, tức điều thật sự quan trọng đối với người ấy. Chính Chúa Giê-su nói: “Lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Mỗi lần có dịp, Chúa Giê-su đều nói về Nước Trời. Nơi bốn sách Phúc âm, Nước Trời được đề cập đến hơn 100 lần, hầu hết là trong lời của Chúa Giê-su. Ngài dùng Nước Trời làm chủ đề cho thánh chức. Ngài cho biết: “Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu 4:43). Sau khi sống lại, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục nói về Nước Trời với các môn đồ (Công 1:3). Chắc chắn, lòng tràn đầy sự biết ơn về Nước Trời đã thôi thúc Chúa Giê-su nói về Nước này.

5-7. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến Nước Trời? Hãy minh họa. (b) Chúng ta cho thấy mình quan tâm sâu xa đến Nước Trời bằng cách nào?

5 Đức Giê-hô-va cũng rất quan tâm đến Nước Trời. Làm sao chúng ta biết điều đó? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va phái Con một xuống thế gian; ngài là nguồn của mọi điều người Con này nói và dạy dỗ (Giăng 7:16; 12:49, 50). Đức Giê-hô-va cũng là nguồn của mọi lời tường thuật được ghi trong bốn sách Phúc âm về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su. Hãy dành ít phút để xem điều đó có nghĩa gì.

Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có quan tâm sâu xa đến Nước Trời không?”

6 Hãy hình dung bạn đang soạn một al-bum hình của gia đình. Bạn có nhiều hình, nhưng al-bum lại không thể chứa hết. Bạn sẽ làm gì? Bạn chọn hình để cho vào al-bum. Theo một nghĩa nào đó, các sách Phúc âm giống như cuốn al-bum, cho chúng ta cái nhìn rõ nét về Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va không hướng dẫn những người viết Phúc âm ghi lại mọi điều Chúa Giê-su nói và làm khi ở trên đất (Giăng 20:30; 21:25). Thay vì thế, thần khí Đức Giê-hô-va hướng dẫn họ ghi lại những lời nói và hành động của Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu mục tiêu thánh chức của ngài và điều quan trọng nhất với Đức Giê-hô-va (2 Ti 3:16, 17; 2 Phi 1:21). Vì Phúc âm chứa đựng nhiều sự dạy dỗ của Chúa Giê-su về Nước Trời, nên chúng ta có thể kết luận rằng Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến Nước này. Thật tuyệt khi biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu rõ về Nước Trời!

7 Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có quan tâm sâu xa đến Nước Trời không?”. Nếu có, chúng ta sẽ háo hức lắng nghe những điều Chúa Giê-su nói và dạy về Nước Trời—tầm quan trọng của Nước ấy, khi nào Nước ấy đến và đến như thế nào.

“Xin Nước Cha được đến”—Như thế nào?

8. Chúa Giê-su đúc kết gì về tầm quan trọng của Nước Trời?

8 Hãy xem xét lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su. Bằng lời lẽ súc tích, Chúa Giê-su đúc kết tầm quan trọng của Nước Trời, cho thấy những gì Nước ấy sẽ thực hiện. Lời cầu nguyện mẫu có bảy lời thỉnh cầu. Ba lời thỉnh cầu đầu tiên liên quan đến những ý định của Đức Giê-hô-va: danh ngài được nên thánh, Nước ngài được đến và ý ngài được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất. (Đọc Ma-thi-ơ 6:9, 10). Ba lời thỉnh cầu này có liên quan chặt chẽ với nhau. Nước của Đấng Mê-si là phương tiện Đức Giê-hô-va dùng để làm sáng danh ngài và thi hành ý muốn của ngài.

9, 10. (a) Nước Trời sẽ đến như thế nào? (b) Bạn mong được thấy lời hứa nào trong Kinh Thánh trở thành hiện thực?

9 Nước Trời sẽ đến như thế nào? Khi cầu nguyện “xin Nước Cha được đến”, chúng ta xin cho Nước Trời ra tay hành động dứt điểm. Khi đến, Nước Trời sẽ dốc toàn lực hủy diệt thế gian gian ác hiện tại, trong đó có các chính phủ loài người, và thiết lập một thế giới mới công chính (Đa 2:44; 2 Phi 3:13). Sau đó, dưới sự cai trị của Nước Trời, cả trái đất sẽ trở thành địa đàng (Lu 23:43). Những ai ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời sẽ được sống lại và đoàn tụ với người thân yêu (Giăng 5:28, 29). Nhân loại biết vâng lời sẽ đạt đến tình trạng hoàn hảo và hưởng sự sống vĩnh cửu (Khải 21:3-5). Cuối cùng, trên trời và dưới đất có sự hòa hợp trọn vẹn, đúng như ý muốn của Đức Giê-hô-va! Chẳng lẽ bạn không mong được thấy những lời hứa ấy trở thành hiện thực sao? Hãy nhớ rằng mỗi khi cầu nguyện cho Nước Trời đến, bạn đang cầu xin cho những lời hứa tuyệt vời ấy được thực hiện.

10 Rõ ràng, Nước Đức Chúa Trời chưa đến để làm ứng nghiệm lời cầu nguyện mẫu. Suy cho cùng, các chính phủ của con người vẫn đang cai trị và thế giới mới chưa đến. Nhưng có tin mừng: Nước Trời đã được thành lập. Điều này sẽ được thảo luận trong chương kế tiếp. Giờ đây, chúng ta hãy xem xét những lời của Chúa Giê-su để biết Nước Trời đã được thành lập vào lúc nào và khi nào Nước này sẽ đến.

Nước Đức Chúa Trời được thành lập khi nào?

11. Chúa Giê-su cho thấy gì về sự thành lập của Nước Trời?

11 Chúa Giê-su cho thấy Nước Trời không được thành lập vào thế kỷ thứ nhất, dù một số môn đồ mong chờ điều này (Công 1:6). Hãy xem xét hai minh họa mà Chúa Giê-su đưa ra cách nhau chưa đầy hai năm.

12. Làm thế nào minh họa về lúa mì và cỏ dại cho thấy Nước Trời không được thành lập vào thế kỷ thứ nhất?

12 Minh họa về lúa mì và cỏ dại. (Đọc Ma-thi-ơ 13:24-30). Sau khi nói minh họa này, có lẽ vào mùa xuân năm 31 CN, Chúa Giê-su giải thích cho các môn đồ (Mat 13:36-43). Nội dung chính và ý nghĩa của minh họa: Sau khi các sứ đồ qua đời, Sa-tan sẽ gieo cỏ dại (tín đồ giả hiệu) vào lúa mì (“con cái Nước Đức Chúa Trời”, hay tín đồ được xức dầu). Lúa mì và cỏ dại được để cho cùng lớn lên trong suốt mùa vụ cho đến khi mùa gặt bắt đầu, là “thời kỳ cuối cùng của thế gian này”. Sau giai đoạn đầu của mùa gặt, cỏ dại bị nhổ. Tiếp đến, lúa mì được thu hoạch. Như thế, minh họa cho thấy thời điểm Nước Trời được thành lập không phải vào thế kỷ thứ nhất mà là sau khi mùa vụ kết thúc. Thật vậy, mùa vụ đã kết thúc và mùa gặt bắt đầu vào năm 1914.

13. Để cho thấy mình sẽ không được phong Vua Mê-si ngay sau khi về trời, Chúa Giê-su đưa ra minh họa nào?

13 Minh họa về những nén bạc. (Đọc Lu-ca 19:11-13). Chúa Giê-su đưa ra minh họa này vào năm 33 CN, khi ngài đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem lần cuối. Một số người lắng nghe ngài đã nghĩ rằng ngài sẽ thành lập Nước Trời ngay khi đến Giê-ru-sa-lem. Để điều chỉnh ý tưởng sai này và cho thấy còn lâu nữa Nước Trời mới được thành lập, Chúa Giê-su ví ngài với “nhà quý tộc nọ đi đến một xứ xa để nhận vương quyền” a. Trong trường hợp của Chúa Giê-su, “xứ xa” ấy chính là trời, nơi ngài sẽ được Cha ban vương quyền. Nhưng Chúa Giê-su biết rằng ngài sẽ không được phong Vua Mê-si ngay sau khi về trời. Thay vì thế, ngài ngồi đợi bên hữu Đức Chúa Trời cho đến đúng thời điểm Đức Chúa Trời ấn định. Thật vậy, ngài đã đợi nhiều thế kỷ.—Thi 110:1, 2; Mat 22:43, 44; Hê 10:12, 13.

Khi nào Nước Đức Chúa Trời sẽ đến?

14. (a) Chúa Giê-su trả lời thế nào cho câu hỏi của bốn sứ đồ? (b) Sự ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su cho biết gì về sự hiện diện của ngài và Nước Trời?

14 Vài ngày trước khi Chúa Giê-su bị hành hình, bốn sứ đồ hỏi ngài: “Có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của thầy và kỳ cuối cùng của thời đại này?” (Mat 24:3; Mác 13:4). Chúa Giê-su trả lời họ bằng một lời tiên tri dài được ghi lại nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25. Trong lời tiên tri, Chúa Giê-su cho biết nhiều biến cố xảy ra trên toàn cầu sẽ hợp thành dấu hiệu nhận biết thời kỳ ngài “hiện diện”. Thời kỳ ấy bắt đầu lúc Nước Trời được thành lập,đỉnh điểm là khi Nước Trời đến. Có nhiều bằng chứng cho thấy lời tiên tri của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm từ năm 1914 b. Vì thế, năm đó đánh dấu lúc ngài bắt đầu hiện diện và thời điểm Nước Trời được thành lập.

15, 16. “Thế hệ này” nói đến ai?

15 Thế nhưng, khi nào Nước Trời sẽ đến? Chúa Giê-su không nói chính xác (Mat 24:36). Nhưng ngài cho biết một điều giúp chúng ta vững tin rằng Nước Trời thật sự sắp đến. Chúa Giê-su cho thấy Nước Trời sẽ đến sau khi “thế hệ này” chứng kiến sự ứng nghiệm của dấu hiệu ngài tiên tri. (Đọc Ma-thi-ơ 24:32-34). “Thế hệ này” nói đến ai? Hãy xem xét kỹ hơn những lời của Chúa Giê-su.

16 “Thế hệ này”. Có phải Chúa Giê-su nói đến những người không tin đạo? Không. Hãy xem cử tọa của ngài là ai. Chúa Giê-su nói lời tiên tri này với một vài sứ đồ “đến hỏi riêng ngài” (Mat 24:3). Các sứ đồ ấy sắp được xức dầu bằng thần khí. Cũng hãy xem xét văn cảnh. Trước khi nói về “thế hệ này”, Chúa Giê-su nói: “Hãy rút ra bài học từ minh họa về cây vả: Vừa khi các nhánh non đâm chồi nảy lộc thì anh em biết mùa hạ sắp đến. Cũng vậy, khi anh em thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng ngài đã đến gần, ở ngay trước cửa”. Các môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, chứ không phải những người không tin đạo, sẽ thấy những biến cố ngài báo trước và nhận ra điều đó có nghĩa là ngài “ở ngay trước cửa”. Vì vậy, khi nói “thế hệ này”, Chúa Giê-su nghĩ đến những môn đồ được xức dầu.

17. “Thế hệ” và “mọi điều ấy” có nghĩa gì?

17 “Sẽ không qua đi trước khi mọi điều ấy xảy ra”. Những lời này sẽ được ứng nghiệm như thế nào? Để biết câu trả lời, chúng ta cần hiểu “thế hệ” và “mọi điều ấy” có nghĩa gì. Trong Kinh Thánh, từ “thế hệ” thường nói đến những người thuộc nhiều độ tuổi sống cùng thời trong một thời gian. Một thế hệ không kéo dài lâu và sẽ kết thúc (Xuất 1:6). Cụm từ “mọi điều ấy” nói đến tất cả những biến cố được báo trước là sẽ xảy ra trong thời kỳ Chúa Giê-su hiện diện, bắt đầu từ năm 1914 cho đến đỉnh điểm trong “hoạn nạn lớn”.—Mat 24:21.

18, 19. Chúng ta có thể hiểu những lời Chúa Giê-su nói về “thế hệ này” như thế nào, và có thể kết luận ra sao?

18 Vậy, chúng ta có thể hiểu những lời Chúa Giê-su nói về “thế hệ này” như thế nào? “Thế hệ này” bao gồm hai nhóm tín đồ được xức dầu sống cùng thời trong một thời gian—nhóm thứ nhất gồm những tín đồ được xức dầu chứng kiến dấu hiệu Chúa Giê-su tiên tri bắt đầu được ứng nghiệm năm 1914, và nhóm thứ hai là những tín đồ được xức dầu sống cùng thời với nhóm thứ nhất trong một thời gian. Ít nhất một số tín đồ trong nhóm thứ hai sẽ chứng kiến sự bắt đầu của hoạn nạn lớn. Hai nhóm ấy hợp thành một thế hệ vì họ sống cùng thời với nhau trong một thời gian c.

19 Chúng ta có thể kết luận ra sao? Chúng ta biết rằng dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Giê-su trong vương quyền Nước Trời đang được ứng nghiệm rõ nét trên toàn cầu. Chúng ta cũng thấy những tín đồ được xức dầu còn sống thuộc “thế hệ này” đang ngày càng lớn tuổi, nhưng không phải tất cả họ sẽ qua đời trước khi hoạn nạn lớn diễn ra. Vì thế, có thể kết luận rằng không lâu nữa Nước Trời sẽ đến để cai trị khắp đất! Thật vui sướng khi được chứng kiến sự ứng nghiệm của lời Chúa Giê-su cầu nguyện “xin Nước Cha được đến”!

20. Sách này sẽ thảo luận chủ yếu về điều gì? Chương kế tiếp sẽ xem xét điều gì?

20 Chúng ta đừng bao giờ quên những lời do chính Đức Giê-hô-va phán từ trời về Con ngài: “Hãy nghe lời người”. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính, chúng ta háo hức làm theo chỉ thị ấy. Chúng ta rất quan tâm đến mọi điều Chúa Giê-su nói và dạy về Nước Trời. Sách này sẽ thảo luận chủ yếu về những điều mà Nước Trời đã và sẽ thực hiện. Chương kế tiếp sẽ xem xét những biến cố hào hứng liên quan đến sự kiện Nước Đức Chúa Trời được thành lập ở trên trời.

a Có thể minh họa của Chúa Giê-su làm những người lắng nghe ngài nhớ đến A-chê-la-u, con trai của Hê-rốt Đại đế. Trước khi băng hà, Hê-rốt lập A-chê-la-u lên làm vua cai trị Giu-đa và những vùng khác. Tuy nhiên, trước khi cai trị, A-chê-la-u phải thực hiện hành trình xa đến La Mã để chắc chắn được Sê-sa Au-gút-tơ phê chuẩn.

b Để biết thêm thông tin, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 9.

c Những ai được xức dầu sau khi tín đồ cuối cùng trong nhóm thứ nhất qua đời, tức nhóm người chứng kiến “khởi đầu của sự khốn khổ” vào năm 1914, thì không thuộc “thế hệ này”.—Mat 24:8.