Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 13

Có phải mọi lễ đều đẹp lòng Đức Chúa Trời?

Có phải mọi lễ đều đẹp lòng Đức Chúa Trời?

“Hãy luôn xét xem điều gì đẹp lòng Chúa”.​—Ê-PHÊ-SÔ 5:10.

1. Chúng ta cần làm gì để sự thờ phượng của mình luôn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, và tại sao?

 Chúa Giê-su phán: “Những người thờ phượng chân chính sẽ thờ phượng Cha theo thần khí và chân lý, vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng như thế” (Giăng 4:23; 6:44). Mỗi chúng ta phải “luôn xét xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10). Tuy nhiên làm điều này không luôn là dễ, vì Sa-tan tìm cách lừa gạt để chúng ta làm những điều khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng.—Khải huyền 12:9.

2. Hãy giải thích điều gì đã xảy ra gần núi Si-nai.

2 Sa-tan cố lừa gạt chúng ta bằng những cách nào? Một cách là hắn khiến chúng ta bối rối, không biết điều nào đúng, điều nào sai. Hãy chú ý đến những gì xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên khi họ đóng trại gần núi Si-nai. Môi-se đã lên núi, và dân chúng đang chờ ông quay lại trại. Sau một thời gian chờ đợi, họ mất kiên nhẫn và bảo A-rôn làm cho họ một vị thần. Thế nên A-rôn làm một tượng thần bằng vàng có hình bò con. Sau đó dân chúng tổ chức một lễ hội. Họ nhảy múa quanh tượng bò con và cúi lạy nó. Họ tin rằng khi cúi lạy con bò là họ đang thờ phượng Đức Giê-hô-va. Dù dân chúng xem đây là “một lễ cho Đức Giê-hô-va”, nhưng điều đó không có nghĩa việc họ làm là đúng. Đức Giê-hô-va xem đó là thờ thần tượng, và hậu quả là nhiều người phải chết (Xuất Ai Cập 32:1-6, 10, 28). Bài học là gì? Đừng bao giờ để mình bị lừa dối. “Đừng động đến điều gì ô uế” và hãy để Đức Giê-hô-va dạy bạn biết điều gì là đúng, điều gì là sai.—Ê-sai 52:11; Ê-xê-chi-ên 44:23; Ga-la-ti 5:9.

3, 4. Tại sao nên xem xét nguồn gốc của nhiều lễ phổ biến ngày nay?

3 Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã huấn luyện các sứ đồ để họ lập khuôn mẫu về sự thờ phượng thanh sạch. Sau khi ngài chết, các sứ đồ tiếp tục dạy các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va cho những môn đồ mới. Nhưng sau khi các sứ đồ qua đời, những thầy dạy giả bắt đầu đưa các ý tưởng sai lầm cùng những phong tục và lễ ngoại giáo vào hội thánh. Thậm chí họ còn đổi tên của một số lễ ngoại giáo để làm cho chúng có vẻ thuộc về đạo Đấng Ki-tô (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 10; 2 Giăng 6, 7). Nhiều lễ này vẫn còn phổ biến ngày nay và cổ vũ những niềm tin sai lầm, thậm chí dính líu đến ma thuật. *Khải huyền 18:2-4, 23.

4 Ngày nay, trên khắp thế giới, các ngày lễ là một phần quan trọng trong đời sống người ta. Tuy nhiên, khi tiếp tục học về quan điểm của Đức Giê-hô-va, có lẽ bạn sẽ thấy mình cần điều chỉnh suy nghĩ về một số ngày lễ. Đôi khi điều này không dễ, nhưng bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn. Hãy xem xét nguồn gốc của một số lễ phổ biến để hiểu Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những lễ ấy.

LỄ GIÁNG SINH BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?

5. Có bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su không sinh ra vào ngày 25 tháng 12?

5 Tại nhiều nơi trên thế giới, Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12. Phần lớn người ta nghĩ rằng đó là ngày sinh của Chúa Giê-su. Kinh Thánh không nói Chúa Giê-su sinh vào ngày nào hay thậm chí là tháng nào, nhưng cho biết ngài ra đời vào khoảng thời gian nào trong năm. Lu-ca tường thuật là khi Chúa Giê-su được sinh ra tại Bết-lê-hem thì “những người chăn cừu [đang] sống ngoài đồng” để chăm nom bầy (Lu-ca 2:8-11). Vào tháng 12, Bết-lê-hem thường lạnh, mưa nhiều và có tuyết nên những người chăn cừu sẽ không ở ngoài đồng với bầy vào ban đêm. Qua đây chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-su được sinh ra vào lúc thời tiết ấm hơn, chứ không phải tháng 12. Cả Kinh Thánh lẫn các bằng chứng lịch sử đều cho thấy ngài được sinh ra vào khoảng thời gian tương ứng với tháng 9, tháng 10 dương lịch.

6, 7. (a) Nhiều phong tục phổ biến trong Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu? (b) Chúng ta nên tặng quà vì lý do nào?

6 Vậy Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ đâu? Lễ này đến từ các lễ hội ngoại giáo, chẳng hạn như lễ Saturnalia của La Mã, một lễ hội tôn vinh thần nông Saturn. Một bách khoa từ điển (The Encyclopedia Americana) cho biết: “Lễ Saturnalia của người La Mã được cử hành vào giữa tháng 12 cung cấp kiểu mẫu cho nhiều phong tục ăn mừng trong Lễ Giáng Sinh. Chẳng hạn, việc ăn uống linh đình, tặng quà và đốt nến đều bắt nguồn từ lễ này”. Ngoài ra, sinh nhật của thần mặt trời Mithra của người Ba Tư cũng được tổ chức vào ngày 25 tháng 12.

7 Tuy nhiên, hầu hết những người ăn mừng Lễ Giáng Sinh ngày nay không nghĩ đến nguồn gốc ngoại giáo của lễ này. Họ chỉ mong chờ đến Lễ Giáng Sinh để có dịp quây quần với gia đình, thưởng thức đồ ăn ngon và tặng quà. Dĩ nhiên, chúng ta yêu thương gia đình và bạn bè. Đức Giê-hô-va cũng muốn các tôi tớ ngài rộng rãi chia sẻ cho người khác. Nơi 2 Cô-rinh-tô 9:7 nói: “Đức Chúa Trời yêu thương người vui lòng ban tặng”. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tặng quà cho người khác không chỉ vào những dịp đặc biệt. Dân Đức Giê-hô-va vui thích tặng quà và quây quần bên gia đình cùng bạn bè vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Họ ban tặng vì tình yêu thương, chứ không phải vì mong được đáp đền.—Lu-ca 14:12-14.

Nếu biết nguồn gốc của các lễ, chúng ta có thể biết nên tránh điều gì

8. Các nhà chiêm tinh có tặng quà cho Chúa Giê-su lúc ngài mới sinh không? Hãy giải thích.

8 Để ủng hộ việc tặng quà vào Lễ Giáng Sinh, nhiều người nói rằng ba nhà thông thái cũng đã đem quà đến cho Chúa Giê-su lúc ngài mới sinh và đang ở trong chuồng gia súc. Đúng là có một nhóm người đã đến thăm và đem quà cho Chúa Giê-su. Vào thời Kinh Thánh, tặng quà cho nhân vật quan trọng là phong tục phổ biến (1 Các vua 10:1, 2, 10, 13). Nhưng bạn có biết Kinh Thánh nói rằng những người này là các nhà chiêm tinh, tức những người thực hành phép thuật và không thờ phượng Đức Giê-hô-va? Ngoài ra, họ không đến thăm Chúa Giê-su khi ngài là một em bé sơ sinh ở trong chuồng gia súc. Thay vì thế, họ đến sau đó một thời gian, vì Kinh Thánh cho biết lúc ấy ngài là “con trẻ” và đang sống trong một ngôi nhà.—Ma-thi-ơ 2:1, 2, 11.

KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ SINH NHẬT?

9. Kinh Thánh nhắc đến hai tiệc sinh nhật nào?

9 Ngày một em bé chào đời là dịp vui mừng (Thi thiên 127:3). Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên tổ chức sinh nhật. Hãy suy nghĩ: Kinh Thánh chỉ nhắc đến hai tiệc sinh nhật, một là của Pha-ra-ôn vua Ai Cập và một là của vua Hê-rốt An-ti-ba. (Đọc Sáng thế 40:20-22; Mác 6:21-29). Cả hai nhà cai trị này đều không phải là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Sự thật là không chỗ nào trong Kinh Thánh cho biết một người thờ phượng Đức Giê-hô-va tổ chức sinh nhật.

10. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu có quan điểm nào về việc tổ chức sinh nhật?

10 Theo một bách khoa từ điển (The World Book Encyclopedia), tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu “xem việc ăn mừng ngày sinh của bất cứ người nào là phong tục ngoại giáo”. Những phong tục đó dựa trên các niềm tin sai lầm. Chẳng hạn, người Hy Lạp cổ đại tin rằng mỗi người đều có một thần hộ mạng hiện diện vào lúc người ấy ra đời và sẽ bảo vệ người ấy. Họ nghĩ rằng thần hộ mạng đó có liên hệ với vị thần có cùng ngày sinh với người ấy. Ngoài những niềm tin ngoại giáo như thế, sinh nhật còn liên quan đến chiêm tinh và tử vi.

11. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện lòng rộng rãi như thế nào?

11 Nhiều người cảm thấy sinh nhật là ngày đặc biệt mà họ mong nhận được sự quý trọng và yêu thương của người khác. Nhưng chúng ta muốn thể hiện tình yêu thương với gia đình và bạn bè trong suốt cả năm, thay vì chỉ vào một ngày cụ thể. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta luôn luôn tử tế và rộng rãi. (Đọc Công vụ 20:35). Mỗi ngày chúng ta đều biết ơn ngài vì đã ban cho món quà sự sống, chứ không chỉ vào ngày sinh nhật.—Thi thiên 8:3, 4; 36:9.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ban tặng vì tình yêu thương

12. Tại sao ngày chết lại hơn ngày sinh?

12 Truyền đạo 7:1 nói: “Danh thơm thì hơn dầu quý, ngày chết thì hơn ngày sinh”. Tại sao ngày chết lại hơn ngày sinh? Khi ra đời, chúng ta chưa làm được điều gì, dù tốt hay xấu. Nhưng khi dùng đời sống để phụng sự Đức Giê-hô-va và làm điều tốt cho người khác, chúng ta tạo dựng một “danh thơm”, hay danh tiếng tốt, và Đức Giê-hô-va sẽ nhớ đến chúng ta ngay cả sau khi chúng ta qua đời (Gióp 14:14, 15). Dân Đức Giê-hô-va không tổ chức sinh nhật của chính mình hay của Chúa Giê-su. Sự thật là Chúa Giê-su chỉ lệnh cho chúng ta giữ một lễ duy nhất là Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của ngài.—Lu-ca 22:17-20; Hê-bơ-rơ 1:3, 4.

TẾT NGUYÊN ĐÁN

13, 14. Tết Nguyên Đán có liên quan đến điều gì?

13 Ý nghĩa cơ bản của Tết Nguyên Đán là đổi mới mọi việc, khép lại những chuyện cũ và chào đón những điều mới tốt đẹp hơn. Theo sách Việt Nam Phong Tục, những phong tục và nghi lễ của Tết Nguyên Đán có liên quan đến việc thờ cúng các thần và tổ tiên, đuổi tà ma và vận xui. Vào những ngày tết, người ta giữ các phong tục mê tín mà họ tin rằng sẽ mang lại vận may và sự giàu có. Tết Nguyên Đán cũng liên hệ chặt chẽ với thuật chiêm tinh. Theo âm lịch, mỗi năm được đặt tên theo 12 con giáp trong cung hoàng đạo: thìn, dần, thân, dậu, v.v. Người ta cho rằng con giáp sẽ quyết định cá tính và hành động của người sinh vào năm đó hoặc cho biết năm ấy là năm tốt để làm một số việc nào đó.

14 Đức Giê-hô-va có hài lòng không khi thấy chúng ta làm theo phong tục và nghi lễ liên quan đến mê tín dị đoan, ma thuật và thuật chiêm tinh? Chắc chắn là không. *2 Cô-rinh-tô 6:17, 18.

NHỮNG PHONG TỤC LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI CHẾT

15. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính cần tránh một số phong tục liên quan đến người chết?

15 Có nhiều phong tục liên quan đến người chết mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính cần tránh. Chẳng hạn, có phong tục là khi một người qua đời, thân nhân phải thức suốt đêm để tiễn biệt người ấy. Tại nhiều nơi, người ta cúng đồ ăn và thức uống cho người chết. Người ta còn giữ những phong tục khác sau khi một người qua đời vài ngày, vài tháng hoặc vài năm. Họ làm những điều đó vì tin rằng người chết có thể phù hộ hoặc làm hại người sống. Nhưng Kinh Thánh dạy rằng người chết “chẳng biết chi hết”. Vì thế, những ai muốn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ không dính líu đến bất cứ phong tục nào liên quan tới việc thờ cúng người chết.—Truyền đạo 9:5, 10.

TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI THEO CÁCH LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI

16, 17. Chúng ta nên tìm hiểu về điều gì khi chuẩn bị cho đám cưới?

16 Đám cưới là một dịp vui mừng. Mỗi nơi trên thế giới có phong tục tổ chức đám cưới khác nhau. Người ta thường không quan tâm đến nguồn gốc của các phong tục ấy, vì thế họ không biết một số phong tục đến từ niềm tin ngoại giáo. Nhưng một cặp tín đồ đang chuẩn bị kết hôn muốn đảm bảo rằng đám cưới của mình làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Việc tìm hiểu về nguồn gốc của các phong tục trong đám cưới sẽ giúp họ đưa ra quyết định khôn ngoan.—Mác 10:6-9.

17 Một số phong tục trong đám cưới được cho là sẽ đem lại may mắn cho cặp vợ chồng mới cưới (Ê-sai 65:11). Ví dụ, tại nhiều nơi người ta ném gạo hoặc thứ khác tương tự vào cô dâu và chú rể. Họ tin rằng nhờ đó cô dâu chú rể sẽ có con, hạnh phúc, sống lâu và tránh được xui xẻo. Nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần cẩn thận để không dính líu đến bất cứ phong tục nào có liên hệ với tôn giáo sai lầm.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:14-18.

18. Những nguyên tắc Kinh Thánh nào khác có thể áp dụng cho đám cưới?

18 Một cặp tín đồ đang chuẩn bị kết hôn muốn đám cưới của mình là dịp vui mừng, trang trọng và mọi người tham dự đều cảm thấy vui. Khách mời không nên phát biểu những lời bất lịch sự, nói bóng gió về tình dục hoặc xúc phạm cô dâu chú rể hay người khác (Châm ngôn 26:18, 19; Lu-ca 6:31; 10:27). Đám cưới của tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên chú trọng đến “sự phô trương của cải” (1 Giăng 2:16). Nếu bạn đang chuẩn bị cho đám cưới, hãy đảm bảo rằng đó là ngày mà mình sẽ nhìn lại với những ký ức đẹp đẽ.—Xin xem Phụ lục 28.

NGUỒN GỐC CỦA TỤC NÂNG LY

19, 20. Tục nâng ly bắt nguồn từ đâu?

19 Nâng ly là một phong tục phổ biến trong đám cưới và những dịp họp mặt khác. Thông thường, một người sẽ nói lời chúc trong khi mọi người cùng nâng ly lên. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có quan điểm nào về tục nâng ly?

20 Một cẩm nang về rượu và văn hóa (International Handbook on Alcohol and Culture) cho biết tục nâng ly rất có thể bắt nguồn từ một phong tục ngoại giáo cổ xưa là “dâng chất lỏng thánh... để cầu xin thần ban điều mình ước nguyện, nay được tóm gọn trong những câu như ‘Chúc sống lâu!’ hay ‘Chúc sức khỏe!’”. Vào thời xưa, người ta thường nâng ly lên để xin thần ban phước lành. Nhưng đó không phải là cách để được Đức Giê-hô-va ban phước.—Giăng 14:6; 16:23.

“HỠI NGƯỜI YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, HÃY GHÉT ĐIỀU XẤU!”

21. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tránh những lễ nào khác?

21 Khi quyết định có tham gia lễ nào đó hay không, hãy suy nghĩ lễ ấy cổ vũ tinh thần hay hành vi nào. Chẳng hạn, một số lễ hội có liên quan đến những điệu nhảy dâm dục, chè chén say sưa và thậm chí là gian dâm. Một số ngày lễ còn tán dương lối sống đồng tính hoặc cổ vũ chủ nghĩa quốc gia. Nếu tham gia vào những lễ như thế, chúng ta có thật sự ghét những điều Đức Giê-hô-va ghét không?—Thi thiên 1:1, 2; 97:10; 119:37.

22. Điều gì giúp một tín đồ quyết định có tham gia lễ nào đó hay không?

22 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần thận trọng để tránh bất cứ lễ nào làm ô danh Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Dù anh em ăn, uống hay làm bất cứ điều gì, hãy làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:31; xin xem Phụ lục 29). Dĩ nhiên, không phải lễ nào cũng liên hệ đến sự vô luân, tôn giáo sai lầm hay chủ nghĩa quốc gia. Nếu một lễ không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh thì chúng ta cần tự quyết định có tham gia hay không. Chúng ta cũng muốn cân nhắc quyết định của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến người khác.

TÔN VINH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA QUA LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

23, 24. Làm thế nào để giải thích lý do mình không tham gia một lễ nào đó cho người thân không phải là Nhân Chứng?

23 Khi bạn không còn tham gia những lễ làm ô danh Đức Giê-hô-va, một số người thân không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va có thể nghĩ rằng bạn không còn thương họ hoặc không muốn dành thời gian cho họ. Có lẽ họ nghĩ các ngày lễ là những dịp duy nhất để cả gia đình quây quần bên nhau. Vậy bạn có thể làm gì? Có nhiều cách bạn có thể làm để trấn an họ rằng bạn vẫn yêu thương họ và họ rất quan trọng đối với bạn (Châm ngôn 11:25; Truyền đạo 3:12, 13). Chẳng hạn, bạn có thể tổ chức họp mặt với họ vào những dịp khác.

24 Nếu người thân muốn biết tại sao bạn không còn tham gia một lễ nào đó, bạn có thể tìm thông tin trong các ấn phẩm và trên jw.org/vi để biết cách giải thích cho họ. Đừng gây ấn tượng là bạn muốn thắng cuộc tranh cãi hoặc áp đặt suy nghĩ của mình lên họ. Hãy giúp gia đình thấy bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng và tự đưa ra quyết định. Hãy điềm đạm và giữ cho lời nói của mình “luôn hòa nhã, được nêm thêm muối”.—Cô-lô-se 4:6.

25, 26. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể giúp con cái yêu mến tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va?

25 Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ lý do mình không tham gia một lễ nào đó (Hê-bơ-rơ 5:14). Mục tiêu của chúng ta là làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Nếu là cha mẹ, chúng ta cần dành thời gian giúp con cái hiểu và yêu mến nguyên tắc Kinh Thánh. Khi Đức Giê-hô-va có thật đối với con thì chúng cũng sẽ muốn làm đẹp lòng ngài.—Ê-sai 48:17, 18; 1 Phi-e-rơ 3:15.

26 Đức Giê-hô-va rất vui lòng khi thấy chúng ta nỗ lực hết sức để dâng cho ngài sự thờ phượng thanh sạch, đồng thời cố gắng sống trung thực (Giăng 4:23). Nhưng nhiều người nghĩ rằng không thể sống trung thực giữa thế giới bất lương này. Điều đó có đúng không? Hãy cùng xem xét trong chương kế tiếp.

^ Bạn có thể tìm thêm thông tin về một số lễ trong Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, Thư mục ấn phẩm Hội Tháp Canh (Anh ngữ) và trên jw.org/vi.

^ Để biết thêm thông tin về Tết Nguyên Đán, xin xem Tháp Canh ngày 1-12-2009, trang 20-23.