Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 9

“Hãy chạy trốn sự gian dâm!”

“Hãy chạy trốn sự gian dâm!”

“Hãy làm chết các bộ phận của thân thể trần tục sinh ra những thứ như gian dâm, ô uế, đam mê tình dục buông thả, ước muốn tai hại và tham lam, tức là thờ thần tượng”.—CÔ-LÔ-SE 3:5.

1, 2. Ba-la-am tìm ra cách nào để làm hại dân Đức Giê-hô-va?

 Một người câu cá đi đến nơi có loại cá ông muốn bắt. Ông chọn mồi rồi thả cần câu xuống nước và kiên nhẫn chờ đợi. Khi cá cắn câu, ông giật mạnh để lưỡi câu găm vào miệng con cá, rồi ông nhanh tay kéo nó lên.

2 Tương tự như vậy, người ta cũng có thể bị “mắc câu”. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên gần như đã đặt chân đến Đất Hứa khi họ đóng trại tại hoang mạc Mô-áp. Vua của Mô-áp hứa sẽ cho một người tên Ba-la-am nhiều tiền nếu ông nguyền rủa dân Y-sơ-ra-ên. Cuối cùng, Ba-la-am tìm ra một cách để khiến dân Y-sơ-ra-ên tự chuốc lấy sự rủa sả cho mình. Ông cẩn thận chọn mồi là những cô gái Mô-áp trẻ đẹp. Ông sắp đặt cho những cô gái này đi đến trại của Y-sơ-ra-ên để quyến rũ những người nam.—Dân số 22:1-7; 31:15, 16; Khải huyền 2:14.

3. Mồi nhử của Ba-la-am thành công đến mức nào?

3 Mồi nhử của Ba-la-am có hiệu nghiệm không? Có. Hàng ngàn người nam Y-sơ-ra-ên đã phạm tội “gian dâm với các con gái Mô-áp”. Thậm chí họ còn bắt đầu thờ thần giả, trong đó có thần tình dục đáng ghê tởm là Ba-anh Phê-ô. Hậu quả là 24.000 người Y-sơ-ra-ên bị mất mạng ngay tại ranh giới của Đất Hứa.—Dân số 25:1-9.

4. Tại sao hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên phạm tội gian dâm?

4 Tại sao rất nhiều người Y-sơ-ra-ên bị mắc bẫy của Ba-la-am? Vì họ chỉ nghĩ đến ham muốn ích kỷ của bản thân và quên đi mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho họ. Dân Y-sơ-ra-ên có nhiều lý do để giữ trung thành với Đức Chúa Trời. Ngài đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, nuôi dưỡng họ trong hoang mạc và dẫn dắt họ đến ranh giới của Đất Hứa một cách an toàn (Hê-bơ-rơ 3:12). Dù vậy, họ vẫn sa vào bẫy gian dâm. Nghĩ đến sự kiện này, sứ đồ Phao-lô viết: “Đừng gian dâm như một số người trong vòng họ đã phạm tội gian dâm mà... bị chết”.—1 Cô-rinh-tô 10:8.

5, 6. Chúng ta học được gì từ sự kiện xảy ra tại hoang mạc Mô-áp?

5 Thế giới mới đã gần kề. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng ta cũng giống như dân Y-sơ-ra-ên khi ở tại ranh giới của Đất Hứa (1 Cô-rinh-tô 10:11). Thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay thậm chí còn mê đắm tình dục hơn cả dân Mô-áp thời xưa. Môi trường đồi bại này rất dễ ảnh hưởng đến dân Đức Giê-hô-va. Sự thật là mồi nhử mà Ác Quỷ dùng thành công nhất chính là gian dâm.—Dân số 25:6, 14; 2 Cô-rinh-tô 2:11; Giu-đe 4.

6 Hãy tự hỏi: “Mình muốn vui hưởng lạc thú chóng qua hay muốn được sống hạnh phúc mãi mãi trong thế giới mới?”. Chẳng phải rất đáng công khi nỗ lực vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là: “Hãy chạy trốn sự gian dâm” sao?—1 Cô-rinh-tô 6:18.

GIAN DÂM LÀ GÌ?

7, 8. Gian dâm là gì, và nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nào?

7 Nhiều người ngày nay có thái độ trâng tráo và công khai coi thường những điều luật của Đức Chúa Trời về tình dục. Trong Kinh Thánh, từ “gian dâm” nói đến các hành vi tình dục giữa hai người không kết hôn theo tiêu chuẩn Kinh Thánh, bao gồm những hành vi tình dục giữa người cùng giới hoặc giữa người và thú vật. Các hành vi này có thể là quan hệ tình dục theo cách tự nhiên, quan hệ bằng miệng hay hậu môn, hoặc sờ mó bộ phận sinh dục của người khác để khơi dậy khoái cảm tình dục.—Xin xem Phụ lục 23.

8 Kinh Thánh nói rõ rằng những ai tiếp tục thực hành sự gian dâm sẽ không được ở trong hội thánh (1 Cô-rinh-tô 6:9; Khải huyền 22:15). Không chỉ thế, người gian dâm còn tự đánh mất lòng tự trọng của chính mình và lòng tin của người khác. Sự gian dâm luôn dẫn đến hậu quả đau lòng, chẳng hạn như lương tâm bị dằn vặt, mang thai ngoài ý muốn, gặp vấn đề trong hôn nhân, lây nhiễm bệnh hay thậm chí là mất mạng sống. (Đọc Ga-la-ti 6:7, 8). Nếu một người dừng lại và suy nghĩ nghiêm túc về hậu quả của sự gian dâm thì có lẽ người ấy sẽ không muốn phạm tội. Nhưng thường thì một người chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn ham muốn của mình khi bắt đầu dấn thân vào con đường gian dâm. Trong nhiều trường hợp, bước khởi đầu có liên quan đến tài liệu khiêu dâm.

TÀI LIỆU KHIÊU DÂM—BƯỚC KHỞI ĐẦU

9. Tại sao tài liệu khiêu dâm rất nguy hiểm?

9 Tài liệu khiêu dâm được thiết kế để khơi dậy ham muốn tình dục của một người. Ngày nay, tài liệu khiêu dâm lan tràn khắp mọi nơi, chẳng hạn như trong sách báo, âm nhạc, chương trình truyền hình và cả trên Internet. Nhiều người cho rằng tài liệu khiêu dâm là vô hại nhưng thật ra nó rất nguy hiểm. Nó có thể khiến một người bị nghiện tình dục và nuôi dưỡng những ham muốn đồi bại. Khi vướng vào tài liệu khiêu dâm, một người đang dấn thân vào con đường dẫn đến những hậu quả như mắc tật thủ dâm, gặp vấn đề trong hôn nhân và thậm chí là ly dị.—Rô-ma 1:24-27; Ê-phê-sô 4:19; xin xem Phụ lục 24.

Điều khôn ngoan là chúng ta nên cẩn thận khi dùng Internet

10. Nguyên tắc nơi Gia-cơ 1:14, 15 có thể giúp chúng ta thế nào để tránh gian dâm?

10 Vậy quan trọng là chúng ta cần hiểu điều gì có thể khiến mình bị cám dỗ phạm tội gian dâm. Hãy chú ý đến lời cảnh báo nơi Gia-cơ 1:14, 15, câu này nói: “Mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình. Rồi khi ham muốn ấy được cưu mang thì sinh ra tội lỗi; và khi tội lỗi đã phạm thì dẫn đến cái chết”. Vì thế, khi những ý tưởng sai trái len lỏi vào tâm trí, hãy lập tức loại bỏ chúng. Nếu vô tình thấy một hình ảnh khêu gợi, hãy nhìn đi chỗ khác! Hãy tắt máy tính hoặc chuyển kênh truyền hình. Đừng để ham muốn sai trái xâm nhập vào đời sống mình. Nếu không, những ham muốn ấy có thể trở nên mạnh đến độ khó kiểm soát.—Đọc Ma-thi-ơ 5:29, 30.

11. Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta có những ý nghĩ sai trái?

11 Đức Giê-hô-va hiểu rõ chúng ta hơn chính chúng ta. Ngài biết sự bất toàn ảnh hưởng đến chúng ta tới mức nào, nhưng ngài cũng biết là chúng ta có thể chế ngự những ham muốn sai trái. Đức Giê-hô-va phán với chúng ta: “Hãy làm chết các bộ phận của thân thể trần tục sinh ra những thứ như gian dâm, ô uế, đam mê tình dục buông thả, ước muốn tai hại và tham lam, tức là thờ thần tượng” (Cô-lô-se 3:5). Dù không dễ để chúng ta làm thế, nhưng Đức Giê-hô-va rất kiên nhẫn và ngài sẽ giúp đỡ chúng ta (Thi thiên 68:19). Một anh trẻ từng bị nghiện xem tài liệu khiêu dâm và mắc tật thủ dâm. Bạn bè ở trường cho rằng những điều này là bình thường đối với độ tuổi phát triển, nhưng anh nói: “Những thói xấu này đã hủy hoại lương tâm của tôi và khiến tôi sa vào lối sống vô luân”. Anh nhận ra mình cần kiểm soát các ham muốn của bản thân, và nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, anh đã có thể từ bỏ thói quen xấu. Vậy nếu bạn có những ý nghĩ vô luân, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban “sức lực hơn mức bình thường” để giữ tâm trí mình trong sạch.—2 Cô-rinh-tô 4:7; 1 Cô-rinh-tô 9:27.

12. Tại sao chúng ta cần “bảo vệ lòng”?

12 Sa-lô-môn viết: “Hãy bảo vệ lòng hơn mọi thứ khác, vì từ đó ra các nguồn sự sống” (Châm ngôn 4:23). “Lòng” chính là con người bề trong của chúng ta, con người mà Đức Giê-hô-va nhìn vào. Những gì chúng ta nhìn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng mình. Người trung thành Gióp nói: “Tôi đã kết ước với mắt mình. Vậy sao tôi còn dám để mắt đến người trinh nữ?” (Gióp 31:1). Giống như Gióp, chúng ta cần kiểm soát những gì mình nhìn và suy nghĩ. Và như người viết Thi thiên, chúng ta cầu nguyện: “Xin khiến mắt con quay khỏi điều vô giá trị”.—Thi thiên 119:37.

ĐI-NA LỰA CHỌN THIẾU KHÔN NGOAN

13. Đi-na chọn kết bạn với những người như thế nào?

13 Bạn bè có thể tác động mạnh đến chúng ta theo cách tốt hoặc xấu. Nếu chúng ta chọn kết bạn với những người làm theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, họ có thể giúp chúng ta cũng làm thế (Châm ngôn 13:20; đọc 1 Cô-rinh-tô 15:33). Chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc chọn bạn qua những gì xảy ra với Đi-na. Là con gái của Gia-cốp, cô được nuôi nấng trong một gia đình thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đi-na không phải là người có lối sống vô luân nhưng cô kết thân với những cô gái Ca-na-an, là những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Người Ca-na-an có quan điểm về tình dục rất khác với dân Đức Chúa Trời; họ có tiếng là vô luân (Lê-vi 18:6-25). Khi Đi-na chơi với các bạn, cô gặp một thanh niên người Ca-na-an tên là Si-chem, và anh ta để ý đến cô. Si-chem là người “được quý trọng nhất” trong gia đình. Tuy nhiên, anh ta không yêu mến Đức Giê-hô-va.—Sáng thế 34:18, 19.

14. Điều gì đã xảy ra với Đi-na?

14 Si-chem đã làm điều mà anh ta xem là bình thường và không có gì sai trái. Vì thích Đi-na, anh ta “bắt nàng và hãm hiếp”. (Đọc Sáng thế 34:1-4). Tội ác này là khởi đầu của một loạt biến cố dẫn đến thảm kịch cho Đi-na và cả gia đình cô.—Sáng thế 34:7, 25-31; Ga-la-ti 6:7, 8.

15, 16. Làm thế nào chúng ta có thể trở nên khôn ngoan?

15 Chúng ta không cần phạm phải sai lầm giống như Đi-na mới học được rằng tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va luôn mang lại lợi ích cho chúng ta. Kinh Thánh nói: “Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan, ai giao thiệp với kẻ ngu muội sẽ chịu thiệt hại” (Châm ngôn 13:20). Hãy đặt mục tiêu “hiểu trọn đường lối của điều tốt lành”. Nếu làm thế, bạn sẽ tránh được những vấn đề và nỗi đau không đáng có.—Châm ngôn 2:6-9; Thi thiên 1:1-3.

16 Để trở nên khôn ngoan, chúng ta cần học hỏi Lời Đức Chúa Trời, cầu nguyện với ngài trước khi đưa ra quyết định cũng như làm theo lời khuyên đến từ đầy tớ trung tín và khôn ngoan (Ma-thi-ơ 24:45; Gia-cơ 1:5). Có thể chúng ta thừa nhận rằng mình là bất toàn và yếu đuối (Giê-rê-mi 17:9). Nhưng chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi được người khác cảnh báo là mình đang có nguy cơ phạm tội vô luân? Liệu chúng ta sẽ cảm thấy bị xúc phạm, hay chúng ta sẽ khiêm nhường chấp nhận sự giúp đỡ?—2 Các vua 22:18, 19.

17. Hãy nêu ví dụ cho thấy lời khuyên của một anh em đồng đạo có thể giúp ích cho chúng ta.

17 Ví dụ, hãy hình dung trường hợp sau: Tại nơi làm việc, một chị được một người nam để ý và mời đi chơi riêng. Anh ta không phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng có vẻ rất tốt và tử tế. Một chị khác thấy họ đi chơi chung nên sau đó đã cố gắng cảnh báo chị. Vậy chị sẽ phản ứng thế nào? Liệu chị có tìm cách bào chữa, hay chị sẽ chú tâm vào lời khuyên khôn ngoan ấy? Có thể chị yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn làm điều đúng. Nhưng nếu tiếp tục đi chơi với người đàn ông kia thì chị có đang “chạy trốn sự gian dâm” không, hay chị đang “tin cậy lòng mình”?—Châm ngôn 22:3; 28:26; Ma-thi-ơ 6:13; 26:41.

HỌC TỪ GƯƠNG CỦA GIÔ-SÉP

18, 19. Giô-sép đã “chạy trốn sự gian dâm” như thế nào, và điều gì giúp chàng làm thế?

18 Khi còn trẻ, Giô-sép phải làm nô lệ tại xứ Ai Cập. Hết ngày này đến ngày khác, vợ của chủ mời mọc chàng ăn nằm với bà, nhưng chàng biết đó là điều sai trái. Giô-sép yêu mến Đức Giê-hô-va và muốn làm ngài vui lòng. Vì vậy, mỗi khi vợ chủ tìm cách quyến rũ thì chàng đều từ chối. Là một nô lệ, Giô-sép không thể bỏ chủ của mình. Ngày nọ, vợ chủ cố ép chàng ăn nằm với bà nhưng chàng “chạy ra ngoài”.—Đọc Sáng thế 39:7-12.

19 Hẳn kết cuộc đã khác nếu Giô-sép tơ tưởng đến những điều vô luân hoặc mơ mộng về người đàn bà ấy. Nhưng đối với Giô-sép, mối quan hệ với Đức Giê-hô-va quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Thế nên chàng nói với vợ chủ: “Ông chủ... không từ chối tôi bất cứ điều gì, ngoại trừ bà, vì là vợ của chủ tôi. Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?”.—Sáng thế 39:8, 9.

20. Tại sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va hài lòng về Giô-sép?

20 Dù sống xa quê hương và gia đình nhưng Giô-sép luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, và ngài ban phước cho chàng (Sáng thế 41:39-49). Đức Giê-hô-va rất hài lòng về sự trung thành của Giô-sép (Châm ngôn 27:11). Dù không phải lúc nào cũng dễ để kháng cự cám dỗ phạm tội vô luân nhưng chúng ta muốn ghi nhớ những lời sau: “Hỡi người yêu thương Đức Giê-hô-va, hãy ghét điều xấu! Ngài giữ mạng sống những người trung thành của ngài; ngài giải thoát họ khỏi bàn tay kẻ gian ác”.—Thi thiên 97:10.

21. Một anh trẻ đã noi gương Giô-sép như thế nào?

21 Ngày qua ngày, dân Đức Giê-hô-va can đảm cho thấy họ “ghét điều dữ và yêu điều lành” (A-mốt 5:15). Dù ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể trung thành với Đức Giê-hô-va. Một anh trẻ đã gặp thử thách về đức tin tại trường học. Một bạn học đề nghị sẽ quan hệ với anh nếu anh giúp cô làm bài kiểm tra toán. Anh đã làm gì? Anh hành động giống như Giô-sép. Anh kể: “Tôi từ chối ngay lập tức. Nhờ kiên quyết trung thành, tôi giữ được phẩm giá và lòng tự trọng”. Đành rằng sự vô luân có thể đem lại lạc thú nhưng những lạc thú chóng qua ấy thường chỉ dẫn đến đau khổ (Hê-bơ-rơ 11:25). Trái lại, việc vâng lời Đức Giê-hô-va luôn đem lại hạnh phúc lâu dài.—Châm ngôn 10:22.

HÃY NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

22, 23. Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta như thế nào ngay cả khi chúng ta phạm tội trọng?

22 Sa-tan sẽ tìm cách dùng sự gian dâm để khiến chúng ta mắc bẫy, và đây có thể là một thử thách lớn cho chúng ta. Có lẽ ai trong chúng ta cũng có lúc nảy sinh những ý tưởng sai trái (Rô-ma 7:21-25). Đức Giê-hô-va hiểu điều này và nhớ rằng “chúng ta chỉ là bụi đất” (Thi thiên 103:14). Nhưng nói sao nếu một tín đồ phạm tội gian dâm? Phải chăng trường hợp của người ấy là vô vọng? Hoàn toàn không. Nếu một người thật sự ăn năn thì sẽ được Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Đức Chúa Trời là đấng “sẵn lòng thứ tha”.—Thi thiên 86:5; Gia-cơ 5:16; đọc Châm ngôn 28:13.

23 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn ban “món quà là những con người”, tức những trưởng lão đầy yêu thương để chăm sóc cho chúng ta (Ê-phê-sô 4:8, 12; Gia-cơ 5:14, 15). Ngài ban các trưởng lão để giúp chúng ta hàn gắn mối quan hệ với ngài.—Châm ngôn 15:32.

HÃY VẬN DỤNG “SỰ KHÔN SÁNG”

24, 25. Làm thế nào “sự khôn sáng” có thể giúp chúng ta tránh phạm tội gian dâm?

24 Để quyết định khôn ngoan, chúng ta cần hiểu luật pháp Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích thế nào cho mình. Chúng ta không muốn giống như chàng thanh niên được miêu tả nơi Châm ngôn 7:6-23. Vì thiếu “khôn sáng”, anh ta đã rơi vào bẫy của sự gian dâm. “Khôn sáng” không chỉ có nghĩa là thông minh, nhưng bao hàm việc cố gắng hiểu lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời và áp dụng vào đời sống. Hãy ghi nhớ những lời khôn ngoan sau: “Ai có được sự khôn sáng là yêu chính mình. Ai quý trọng sự thông sáng ắt sẽ thành công”.—Châm ngôn 19:8.

25 Bạn có tin chắc rằng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là đúng không? Bạn có thật sự tin rằng nếu làm theo tiêu chuẩn ấy thì mình sẽ hạnh phúc không? (Thi thiên 19:7-10; Ê-sai 48:17, 18). Nếu bạn chưa tin chắc, hãy nhớ lại những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho mình. Lời ngài khuyến khích: “Hãy nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!” (Thi thiên 34:8). Khi càng làm thế, bạn sẽ càng yêu mến Đức Chúa Trời hơn. Hãy yêu những gì ngài yêu và ghét những gì ngài ghét. Cũng hãy lấp đầy tâm trí bằng những ý tưởng tốt lành, chẳng hạn như những điều chân thật, công chính, trong sạch, đáng yêu quý và có nhân đức (Phi-líp 4:8, 9). Giống như Giô-sép, chúng ta cũng có thể nhận được lợi ích từ sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 64:8.

26. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì tiếp theo?

26 Dù bạn còn độc thân hay đã kết hôn, Đức Giê-hô-va muốn bạn vui hưởng đời sống và có hạnh phúc. Hai chương kế tiếp chứa đựng những thông tin có thể giúp chúng ta thành công trong hôn nhân.