Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 3

Hãy chọn làm bạn với những người yêu mến Đức Chúa Trời

Hãy chọn làm bạn với những người yêu mến Đức Chúa Trời

“Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan”.—CHÂM NGÔN 13:20.

1-3. (a) Chúng ta học được gì qua Châm ngôn 13:20? (b) Tại sao chúng ta cần chọn bạn cách khôn ngoan?

 Đã bao giờ bạn để ý cách một em bé quan sát cha mẹ chưa? Ngay cả trước khi biết nói, em đã tiếp thu mọi điều mình thấy và nghe. Khi lớn hơn, em bắt đầu bắt chước cha mẹ dù không ý thức điều đó. Không lạ gì khi người lớn cũng suy nghĩ và hành động giống với những người mà họ dành nhiều thời gian để kết hợp.

2 Qua Châm ngôn 13:20, chúng ta học được rằng: “Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan”. “Bước đi với” một người bao hàm việc dành thời gian với người ấy. Điều này không chỉ có nghĩa là ở gần người đó. Một học giả Kinh Thánh cho biết là bước đi với một người bao hàm việc yêu mến và gần gũi với người ấy. Những người mà chúng ta dành nhiều thời gian để kết hợp sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta, đặc biệt nếu chúng ta thân thiết với họ.

3 Bạn bè có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến chúng ta. Châm ngôn 13:20 nói tiếp: “Ai giao thiệp với kẻ ngu muội sẽ chịu thiệt hại”. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ “giao thiệp” có thể có nghĩa là “giao du”, hay kết bạn với một người (Châm ngôn 22:24; Quan xét 14:20). Những người bạn yêu mến Đức Chúa Trời sẽ khuyến khích chúng ta giữ trung thành với ngài. Để chọn bạn cách khôn ngoan, hãy xem xét Đức Giê-hô-va chọn người như thế nào làm bạn ngài.

NHỮNG AI LÀ BẠN ĐỨC CHÚA TRỜI?

4. Tại sao được làm bạn với Đức Chúa Trời là một vinh dự lớn lao? Tại sao Đức Giê-hô-va gọi Áp-ra-ham là “bạn ta”?

4 Đức Giê-hô-va, Đấng Cai Trị Hoàn Vũ, cho chúng ta cơ hội trở thành bạn ngài. Đây là một vinh dự lớn lao. Đức Giê-hô-va chọn bạn rất kỹ lưỡng. Ngài chọn những ai yêu mến và đặt đức tin nơi ngài làm bạn. Hãy xem trường hợp của Áp-ra-ham. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì Đức Chúa Trời. Hết lần này đến lần khác, Áp-ra-ham đều chứng tỏ là người trung thành và vâng lời. Thậm chí ông sẵn sàng hy sinh con mình là Y-sác. Áp-ra-ham tin rằng “Đức Chúa Trời có thể làm con mình sống lại” (Hê-bơ-rơ 11:17-19; Sáng thế 22:1, 2, 9-13). Vì Áp-ra-ham trung thành và vâng lời nên Đức Giê-hô-va gọi ông là “bạn ta”.—Ê-sai 41:8; Gia-cơ 2:21-23.

5. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những người trung thành với ngài?

5 Đức Giê-hô-va rất quý trọng những người bạn của ngài. Bạn của ngài là những người xem trọng việc giữ trung thành với ngài hơn bất cứ điều gì khác. (Đọc Thi thiên 4:3). Họ trung thành và vâng lời vì yêu thương ngài. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “kết tình bạn thiết với những người ngay thẳng”, tức những người vâng lời ngài (Châm ngôn 3:32). Đức Giê-hô-va mời bạn ngài làm khách quý trong “lều” của ngài. Ngài mời họ thờ phượng ngài và cầu nguyện với ngài bất cứ khi nào.—Thi thiên 15:1-5.

6. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình yêu thương Chúa Giê-su?

6 Chúa Giê-su từng nói: “Nếu ai yêu thương tôi thì giữ lời tôi, Cha tôi sẽ yêu thương người” (Giăng 14:23). Vì vậy để trở thành bạn Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng phải yêu thương Chúa Giê-su và làm theo những gì ngài dạy. Ví dụ, chúng ta vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Giăng 14:15, 21). Tình yêu thương dành cho Chúa Giê-su cũng thôi thúc chúng ta “theo sát dấu chân ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Đức Giê-hô-va rất vui lòng khi thấy chúng ta nỗ lực hết sức để noi gương Con ngài trong mọi lời nói và việc làm.

7. Tại sao chúng ta nên làm bạn với những người mà Đức Giê-hô-va xem là bạn?

7 Bạn của Đức Giê-hô-va là những người trung thành và vâng lời ngài, đồng thời yêu thương Con ngài. Chúng ta có chọn làm bạn với những người mà Đức Giê-hô-va xem là bạn không? Nếu bạn của chúng ta noi gương Chúa Giê-su và sốt sắng dạy người khác về Nước Trời, họ có thể giúp chúng ta trở nên tốt hơn và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.

HỌC TỪ GƯƠNG MẪU TRONG KINH THÁNH

8. Bạn thích điểm gì về tình bạn giữa Ru-tơ và Na-ô-mi?

8 Chúng ta có thể đọc về nhiều tình bạn trong Kinh Thánh, chẳng hạn như tình bạn giữa Ru-tơ và mẹ chồng là Na-ô-mi. Hai người phụ nữ này thuộc hai dân tộc khác nhau, có gốc gác khác nhau, và Na-ô-mi hơn Ru-tơ nhiều tuổi. Nhưng họ trở thành bạn thân của nhau vì cả hai đều yêu mến Đức Giê-hô-va. Khi Na-ô-mi muốn rời xứ Mô-áp để trở về Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ nhất quyết gắn bó với bà. Ru-tơ nói với Na-ô-mi: “Dân của mẹ sẽ là dân của con, Đức Chúa Trời của mẹ sẽ là Đức Chúa Trời của con” (Ru-tơ 1:14, 16). Ru-tơ đối xử rất tốt với Na-ô-mi. Khi về đến Y-sơ-ra-ên, Ru-tơ đã làm việc chăm chỉ để nuôi Na-ô-mi. Na-ô-mi cũng rất yêu mến Ru-tơ và cho cô những lời khuyên hữu ích. Ru-tơ lắng nghe bà, kết quả là cả hai nhận được nhiều ân phước.—Ru-tơ 3:6.

9. Bạn ấn tượng điều gì về tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than?

9 Một gương mẫu khác là của Đa-vít và Giô-na-than. Hai người là bạn thân và đều trung thành với Đức Giê-hô-va. Giô-na-than hơn Đa-vít khoảng 30 tuổi và là người được thừa kế ngôi vua Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 17:33; 31:2; 2 Sa-mu-ên 5:4). Nhưng khi biết Đức Giê-hô-va đã chọn Đa-vít làm vua, Giô-na-than không ghen tị hay cạnh tranh. Thay vì thế, ông làm mọi điều có thể để ủng hộ Đa-vít. Chẳng hạn, khi Đa-vít gặp nguy hiểm, Giô-na-than đã giúp ông “tìm kiếm sức mạnh nơi Đức Giê-hô-va”. Thậm chí Giô-na-than còn liều mạng sống mình vì Đa-vít (1 Sa-mu-ên 23:16, 17). Đa-vít cũng là một người bạn trung tín. Ông hứa chăm sóc gia đình Giô-na-than và đã giữ lời hứa đó ngay cả sau khi Giô-na-than qua đời.—1 Sa-mu-ên 18:1; 20:15-17, 30-34; 2 Sa-mu-ên 9:1-7.

10. Bạn học được gì về tình bạn từ gương của ba chàng trai Hê-bơ-rơ?

10 Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô là ba chàng trai Hê-bơ-rơ bị đưa đi khỏi quê hương từ khi còn trẻ. Dù sống xa gia đình, ba người bạn này đã giúp nhau giữ trung thành với Đức Giê-hô-va. Sau này lớn lên, họ phải đương đầu với thử thách về đức tin khi vua Nê-bu-cát-nết-xa ra lệnh cho họ phải thờ phượng pho tượng bằng vàng. Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô đã từ chối thờ pho tượng ấy. Họ tâu với vua: “Chúng thần sẽ không hầu việc các thần của ngài, cũng không thờ phượng pho tượng bằng vàng mà ngài đã dựng”. Trước thử thách về đức tin, cả ba người bạn này đều giữ trung thành với Đức Chúa Trời.—Đa-ni-ên 1:1-17; 3:12, 16-28.

11. Điều gì khiến Phao-lô và Ti-mô-thê trở thành bạn thân của nhau?

11 Khi sứ đồ Phao-lô gặp chàng trai trẻ Ti-mô-thê, ông nhận thấy Ti-mô-thê rất yêu mến Đức Giê-hô-va và thật sự quan tâm đến hội thánh. Vì vậy Phao-lô huấn luyện Ti-mô-thê để giúp đỡ anh em ở nhiều nơi (Công vụ 16:1-8; 17:10-14). Ti-mô-thê đã làm việc rất tận tụy. Thế nên, Phao-lô nói về ông như sau: ‘Anh ấy cùng phục vụ với tôi trong việc đẩy mạnh tin mừng’. Phao-lô biết rằng Ti-mô-thê “thật lòng chăm lo” cho anh em. Khi cùng siêng năng phụng sự Đức Giê-hô-va, Phao-lô và Ti-mô-thê trở thành bạn thân của nhau.—Phi-líp 2:20-22; 1 Cô-rinh-tô 4:17.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN BẠN TỐT?

12, 13. (a) Tại sao chúng ta cần cẩn thận chọn bạn ngay cả trong hội thánh? (b) Tại sao sứ đồ Phao-lô đưa ra lời cảnh báo nơi 1 Cô-rinh-tô 15:33?

12 Khi kết hợp với hội thánh, chúng ta có thể học hỏi từ các anh em và giúp nhau giữ vững đức tin. (Đọc Rô-ma 1:11, 12). Nhưng ngay cả trong hội thánh, chúng ta vẫn cần cẩn thận khi chọn bạn thân. Chúng ta có một đoàn thể anh em vô cùng phong phú về văn hóa và gốc gác. Có một số anh chị mới vào hội thánh, còn số khác thì đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm. Giống như trái cây cần có thời gian để chín thì cũng cần có thời gian để mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va phát triển. Vì vậy chúng ta nên kiên nhẫn và yêu thương nhau, đồng thời hãy luôn chọn bạn cách khôn ngoan.—Rô-ma 14:1; 15:1; Hê-bơ-rơ 5:12–6:3.

13 Đôi khi một vấn đề nghiêm trọng có thể nảy sinh trong hội thánh và chúng ta cần đặc biệt cẩn thận trong những trường hợp đó. Có thể một anh chị nào đó đang làm điều trái với Kinh Thánh. Hoặc ai đó bắt đầu có thái độ phàn nàn, gây nguy hại cho hội thánh. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này vì ngay cả vào thế kỷ thứ nhất đôi khi cũng có vấn đề nảy sinh trong hội thánh. Thật thế, sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo các tín đồ vào thời đó rằng: “Đừng để bị lừa dối. Kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:12, 33). Phao-lô cũng cảnh báo Ti-mô-thê nên thận trọng khi chọn bạn thân. Ngày nay chúng ta cũng nên làm như thế.—Đọc 2 Ti-mô-thê 2:20-22.

14. Cách chúng ta chọn bạn ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

14 Chúng ta phải bảo vệ mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va. Đây là điều quý giá nhất mà chúng ta có. Do đó, chúng ta tránh kết thân với bất cứ ai có thể làm suy yếu đức tin hoặc gây hại cho mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời. Giống như chiếc khăn ở trong chậu nước dơ thì không thể thấm đầy nước tinh khiết, chúng ta không thể kết bạn với những người làm điều sai trái và nghĩ rằng mình vẫn có thể dễ dàng làm điều đúng. Vậy, chúng ta cần cẩn thận lựa chọn bạn thân.—1 Cô-rinh-tô 5:6; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6, 7, 14.

Bạn có thể tìm được những người bạn tốt yêu mến Đức Giê-hô-va

15. Làm thế nào để tìm được bạn thân trong hội thánh?

15 Bạn có thể tìm được những người thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va trong hội thánh. Họ có thể trở thành bạn thân của bạn (Thi thiên 133:1). Đừng chỉ tìm bạn trong vòng những người có cùng độ tuổi hay gốc gác. Hãy nhớ rằng Giô-na-than hơn Đa-vít nhiều tuổi, còn Ru-tơ thì ít tuổi hơn nhiều so với Na-ô-mi. Chúng ta muốn làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là: “Hãy mở rộng lòng mình” (2 Cô-rinh-tô 6:13; đọc 1 Phi-e-rơ 2:17). Khi bạn càng bắt chước Đức Giê-hô-va thì người khác càng muốn làm bạn với bạn.

KHI VẤN ĐỀ NẢY SINH

16, 17. Nếu ai đó trong hội thánh làm mình tổn thương, chúng ta không nên làm gì?

16 Trong mọi gia đình đều có những người có tính tình, quan điểm và cách làm việc khác nhau. Trong hội thánh cũng vậy. Sự khác biệt này làm cho đời sống phong phú và chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ nhau. Tuy nhiên, đôi khi sự khác biệt có thể khiến chúng ta hiểu lầm anh chị em và bực tức với họ. Hoặc chúng ta có thể bị xúc phạm hay cảm thấy tổn thương (Châm ngôn 12:18). Chúng ta có nên để những vấn đề như thế khiến mình nản lòng và rời bỏ hội thánh không?

17 Không. Dù ai đó có thể làm một điều khiến chúng ta thất vọng nhưng chúng ta không nên rời bỏ hội thánh. Người xúc phạm chúng ta không phải là Đức Giê-hô-va. Ngài đã ban cho chúng ta sự sống và mọi điều khác. Ngài xứng đáng được chúng ta yêu thương và trung thành (Khải huyền 4:11). Ngoài ra, hội thánh là món quà Đức Giê-hô-va ban để giúp chúng ta giữ đức tin vững mạnh (Hê-bơ-rơ 13:17). Chúng ta không bao giờ muốn chối bỏ món quà đó chỉ vì có người làm chúng ta thất vọng.—Đọc Thi thiên 119:165.

18. (a) Điều gì có thể giúp chúng ta giữ hòa thuận với anh em? (b) Tại sao chúng ta nên tha thứ cho người khác?

18 Chúng ta yêu thương anh em và muốn hòa thuận với họ. Đức Giê-hô-va không đòi hỏi bất cứ người nào phải hoàn hảo, và chúng ta cũng không nên làm thế (Châm ngôn 17:9; 1 Phi-e-rơ 4:8). Ai ai cũng có lúc lầm lỗi, nhưng tình yêu thương sẽ giúp chúng ta “rộng lòng tha thứ nhau” (Cô-lô-se 3:13). Tình yêu thương sẽ ngăn chúng ta biến một hiểu lầm nhỏ thành một vấn đề lớn. Đúng là khi có người làm chúng ta tổn thương thì rất khó để thôi nghĩ về chuyện đó. Chúng ta dễ có khuynh hướng bực tức và nuôi lòng oán giận người ấy. Nhưng làm thế chỉ khiến chúng ta cay đắng và mất niềm vui. Trái lại, nếu tha thứ cho người xúc phạm mình, chúng ta sẽ có bình an tâm trí, giữ được sự hợp nhất trong hội thánh, và quan trọng hơn hết là có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 6:14, 15; Lu-ca 17:3, 4; Rô-ma 14:19.

KHI CÓ NGƯỜI BỊ KHAI TRỪ

19. Khi nào chúng ta cần ngưng kết hợp với một ai đó trong hội thánh?

19 Trong một gia đình thương yêu nhau, mỗi thành viên sẽ làm phần của mình để mang lại niềm vui cho người khác. Nhưng hãy tưởng tượng nếu trong gia đình có một người ngỗ nghịch. Cả nhà đã cố gắng giúp người đó hết lần này đến lần khác nhưng người đó không chịu nghe. Cuối cùng, có thể người đó quyết định rời khỏi nhà hoặc người chủ gia đình buộc phải bảo người đó làm thế. Điều tương tự có thể xảy ra trong hội thánh. Có thể một người cứ cố tình làm điều khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng và gây hại cho hội thánh. Người ấy từ chối sự giúp đỡ và thể hiện qua hành động là không muốn tiếp tục là thành viên của hội thánh. Có thể người ấy tự quyết định rời bỏ hội thánh hoặc bị khai trừ. Nếu vấn đề như thế xảy ra, Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta nên “ngưng kết hợp” với người ấy. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 2 Giăng 9-11). Điều này có thể rất khó nếu đó là bạn hoặc thành viên trong gia đình của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lòng trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va phải mạnh hơn tình cảm gắn bó với bất kỳ ai khác.—Xin xem Phụ lục 8.

20, 21. (a) Tại sao khai trừ là một sắp đặt yêu thương? (b) Tại sao chọn bạn cách khôn ngoan là điều quan trọng?

20 Khai trừ là một sắp đặt yêu thương của Đức Giê-hô-va. Sắp đặt này giữ cho hội thánh được an toàn, không bị ảnh hưởng bởi những người xem thường tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (1 Cô-rinh-tô 5:7; Hê-bơ-rơ 12:15, 16). Sắp đặt này cũng cho chúng ta cơ hội thể hiện tình yêu thương với chính Đức Giê-hô-va, cũng như danh thánh và tiêu chuẩn cao cả của ngài (1 Phi-e-rơ 1:15, 16). Ngoài ra, việc khai trừ còn cho thấy tình yêu thương đối với người không còn là thành viên của hội thánh. Hình thức sửa phạt này có thể giúp người ấy nhận ra điều mình làm là sai trái và thúc đẩy người ấy thay đổi. Nhiều người từng bị khai trừ sau này đã quay lại với Đức Giê-hô-va và được nồng nhiệt chào đón trở về với hội thánh.—Hê-bơ-rơ 12:11.

21 Bạn bè sẽ ảnh hưởng đến chúng ta theo cách này hay cách khác. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần cẩn thận chọn bạn. Nếu yêu mến những người Đức Giê-hô-va yêu mến, chúng ta sẽ có những người bạn giúp mình giữ trung thành với ngài mãi mãi.