Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 8

Đức Giê-hô-va muốn dân ngài thanh sạch

Đức Giê-hô-va muốn dân ngài thanh sạch

“Đối cùng người trong sạch, ngài tỏ ra trong sạch”.​—THI THIÊN 18:26.

1-3. (a) Tại sao người mẹ muốn đảm bảo là con trai mình được sạch sẽ? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va muốn dân ngài thanh sạch?

 Hãy hình dung một người mẹ yêu thương đang chuẩn bị cho con trai trước khi đi học. Chị đảm bảo là con mình đã tắm và mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng. Điều này bảo vệ sức khỏe của người con, đồng thời cho người khác thấy em được cha mẹ chăm sóc.

2 Cha trên trời là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thanh sạch (Thi thiên 18:26). Ngài biết rằng sự thanh sạch đem lại lợi ích cho chúng ta. Hơn nữa khi giữ thanh sạch, chúng ta cũng mang lại sự vinh hiển cho ngài.—Ê-xê-chi-ên 36:22; đọc 1 Phi-e-rơ 2:12.

3 Vậy giữ thanh sạch bao hàm điều gì? Và việc giữ thanh sạch mang lại lợi ích nào cho chúng ta? Khi xem xét những câu hỏi này, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình cần thực hiện một số thay đổi.

TẠI SAO CẦN GIỮ THANH SẠCH?

4, 5. (a) Tại sao chúng ta cần giữ thanh sạch? (b) Công trình sáng tạo cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về sự thanh sạch?

4 Chúng ta có thể học về sự thanh sạch qua chính gương của Đức Giê-hô-va (Lê-vi 11:44, 45). Lý do chính chúng ta cần giữ thanh sạch là vì chúng ta muốn ‘bắt chước Đức Chúa Trời’.—Ê-phê-sô 5:1.

5 Công trình sáng tạo cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về sự thanh sạch. Đức Giê-hô-va đã thiết lập các chu trình thiên nhiên để làm sạch nước và bầu không khí (Giê-rê-mi 10:12). Hãy nghĩ đến những cách mà trái đất tự làm sạch, ngay cả khi bị con người làm cho ô nhiễm. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã thiết kế những sinh vật nhỏ xíu gọi là vi khuẩn mà chúng ta chỉ thấy được bằng kính hiển vi. Vi khuẩn có khả năng chuyển đổi chất thải độc hại thành chất vô hại. Quá trình này thật kỳ diệu! Thậm chí các nhà khoa học còn dùng một số loại vi khuẩn để khắc phục hậu quả của sự ô nhiễm.—Rô-ma 1:20.

6, 7. Làm thế nào Luật pháp Môi-se cho thấy những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải thanh sạch?

6 Chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của việc giữ thanh sạch qua Luật pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên thông qua Môi-se. Chẳng hạn, dân Y-sơ-ra-ên phải giữ thanh sạch về thể chất để được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của mình. Vào Ngày Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm phải tắm hai lần (Lê-vi 16:4, 23, 24). Trước khi những thầy tế lễ khác dâng vật tế lễ, họ phải rửa tay và chân (Xuất Ai Cập 30:17-21; 2 Sử ký 4:6). Trong vài trường hợp, nếu một người không làm theo quy định về sự thanh sạch thì sẽ bị xử tử.—Lê-vi 15:31; Dân số 19:17-20.

7 Còn ngày nay thì sao? Chúng ta có thể học nhiều điều về tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va qua Luật pháp (Ma-la-chi 3:6). Luật pháp cho thấy rõ những người thờ phượng Đức Giê-hô-va phải thanh sạch. Tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va không thay đổi. Ngày nay, ngài vẫn đòi hỏi những người thờ phượng ngài phải thanh sạch.—Gia-cơ 1:27.

GIỮ THANH SẠCH BAO HÀM ĐIỀU GÌ?

8. Chúng ta phải thanh sạch trong những khía cạnh nào?

8 Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, sự thanh sạch bao hàm nhiều hơn là chỉ giữ cho thân thể, quần áo và nhà cửa được sạch sẽ. Sự thanh sạch liên quan đến toàn bộ đời sống của chúng ta, bao gồm sự thờ phượng, hạnh kiểm và tâm trí. Vậy để được Đức Giê-hô-va xem là thanh sạch, chúng ta cần giữ thanh sạch trong mọi khía cạnh của đời sống.

9, 10. Giữ sự thờ phượng thanh sạch có nghĩa gì?

9 Giữ sự thờ phượng thanh sạch. Chúng ta không được dính líu đến tôn giáo sai lầm theo bất cứ cách nào. Khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn, họ phải sống giữa những người theo tôn giáo đồi bại. Ê-sai báo trước rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở về quê hương để khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Vì thế, Đức Giê-hô-va phán với họ: “[Hãy] ra khỏi đó! Đừng động đến điều gì ô uế! Hãy ra khỏi nó, giữ mình trong sạch!”. Sự thờ phượng của họ không được pha trộn với những sự dạy dỗ, thực hành hoặc phong tục đến từ tôn giáo sai lầm của Ba-by-lôn.—Ê-sai 52:11.

10 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ngày nay cũng tránh dính líu đến tôn giáo sai lầm. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:21). Nhiều truyền thống, phong tục và niềm tin phổ biến trên thế giới dựa vào những dạy dỗ của tôn giáo sai lầm. Chẳng hạn trong nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng một phần bên trong chúng ta vẫn còn tồn tại sau khi chúng ta chết, và nhiều phong tục dựa trên niềm tin này (Truyền đạo 9:5, 6, 10). Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần tránh những phong tục như thế. Các thành viên trong gia đình có thể gây áp lực để chúng ta tham gia những phong tục ấy. Nhưng vì muốn được Đức Giê-hô-va xem là thanh sạch nên chúng ta sẽ không thỏa hiệp trước áp lực.—Công vụ 5:29.

11. Giữ hạnh kiểm thanh sạch có nghĩa gì?

11 Giữ hạnh kiểm thanh sạch. Để được Đức Giê-hô-va xem là thanh sạch, chúng ta phải tránh mọi hình thức gian dâm. (Đọc Ê-phê-sô 5:5). Qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta hãy “chạy trốn sự gian dâm”. Ngài cho biết rõ là những ai thực hành sự gian dâm mà không ăn năn “sẽ chẳng được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10, 18; xin xem Phụ lục 22.

12, 13. Tại sao chúng ta cần giữ tâm trí thanh sạch?

12 Giữ tâm trí thanh sạch. Suy nghĩ thường dẫn đến hành động (Ma-thi-ơ 5:28; 15:18, 19). Nếu có những suy nghĩ thanh sạch, chúng ta sẽ có những hành động thanh sạch. Dĩ nhiên, vì là người bất toàn nên đôi khi chúng ta có những suy nghĩ sai trái. Khi những suy nghĩ như thế nảy sinh, hãy lập tức loại bỏ chúng. Nếu không thì sớm muộn gì lòng của chúng ta sẽ không còn thanh sạch. Chúng ta có thể bắt đầu muốn làm điều mà mình cứ nghĩ đến. Vậy hãy làm đầy tâm trí mình bằng những điều thanh sạch. (Đọc Phi-líp 4:8). Chúng ta phải tránh những hình thức giải trí vô luân hoặc hung bạo, đồng thời cẩn thận chọn những điều mình đọc, xem hoặc nói đến.—Thi thiên 19:8, 9.

13 Để luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta cần giữ cho sự thờ phượng, hạnh kiểm và tâm trí của mình được thanh sạch. Nhưng việc chúng ta giữ thanh sạch về thể chất cũng quan trọng đối với Đức Giê-hô-va.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ THANH SẠCH VỀ THỂ CHẤT?

14. Tại sao giữ thanh sạch về thể chất là quan trọng?

14 Khi giữ cho thân thể và môi trường xung quanh sạch sẽ, cả chúng ta và người khác đều nhận được lợi ích. Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và người khác sẽ muốn ở gần chúng ta. Nhưng có một lý do quan trọng hơn để giữ thanh sạch về thể chất, đó là sự thanh sạch của chúng ta mang lại vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Hãy thử nghĩ: Nếu nhìn thấy một đứa trẻ luôn dơ bẩn, có lẽ bạn sẽ nghĩ không tốt về cha mẹ của em. Tương tự, nếu chúng ta không chăm sóc bản thân và không giữ cho thân thể được sạch sẽ, người khác có thể nghĩ không tốt về Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói: “Chúng tôi chẳng làm điều gì gây cớ vấp ngã, hầu không tìm thấy bất cứ lỗi nào trong thánh chức của chúng tôi; nhưng bằng mọi cách, chúng tôi cho thấy mình là người phụng sự Đức Chúa Trời”.—2 Cô-rinh-tô 6:3, 4.

Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta cần giữ cho thân thể và những vật xung quanh sạch sẽ

15, 16. Chúng ta có thể làm gì để giữ sạch sẽ?

15 Giữ thân thể và quần áo sạch sẽ. Giữ sạch sẽ phải là thói quen hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta tắm thường xuyên, nếu có thể thì mỗi ngày. Chúng ta rửa tay bằng xà bông trước khi ăn hoặc nấu ăn và nhất là sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào đồ dơ. Việc rửa tay tưởng chừng là đơn giản nhưng rất cần thiết để ngăn ngừa vi trùng và bệnh tật lây lan. Thậm chí điều này có thể cứu mạng chúng ta. Nếu nơi mình ở không có nhà vệ sinh hay hệ thống cống rãnh, chúng ta vẫn có thể tìm những cách hiệu quả để xử lý chất thải. Thời xưa, dân Y-sơ-ra-ên không có hệ thống cống rãnh nên họ chôn chất thải dưới đất, cách xa nơi ở và nguồn nước.—Phục truyền luật lệ 23:12, 13.

16 Quần áo của chúng ta không cần phải cầu kỳ, đắt tiền hoặc theo mốt mới nhất, nhưng nên gọn gàng và sạch sẽ. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:9, 10). Chúng ta luôn muốn ngoại diện của mình mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va.—Tít 2:10.

17. Tại sao chúng ta muốn giữ nhà cửa và những vật xung quanh sạch sẽ?

17 Giữ nhà cửa và những vật xung quanh sạch sẽ. Dù sống ở bất cứ đâu, chúng ta đều phải giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Chúng ta cũng cần giữ cho xe hơi, xe máy, xe đạp hay phương tiện khác của mình được sạch, đặc biệt nếu chúng ta dùng phương tiện đó để đi nhóm họp hoặc tham gia thánh chức. Suy cho cùng, khi rao giảng, chúng ta chia sẻ với người khác về đời sống trong một địa đàng thanh sạch (Lu-ca 23:43; Khải huyền 11:18). Việc giữ nhà cửa và những vật xung quanh sạch sẽ cho thấy chúng ta đang chuẩn bị để sống trong thế giới mới thanh sạch đó.

18. Tại sao chúng ta muốn giữ nơi thờ phượng sạch sẽ?

18 Giữ nơi thờ phượng sạch sẽ. Chúng ta cho thấy mình xem trọng sự sạch sẽ bằng cách giữ cho nơi thờ phượng được sạch, dù là Phòng Nước Trời hay nơi tổ chức hội nghị. Khi đến Phòng Nước Trời lần đầu tiên, người ta thường ấn tượng về sự sạch sẽ của nơi đó. Điều này mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Là thành viên trong hội thánh, tất cả chúng ta có cơ hội giúp làm sạch và bảo trì Phòng Nước Trời.—2 Sử ký 34:10.

TỪ BỎ NHỮNG THÓI QUEN Ô UẾ

19. Chúng ta cần tránh những thói quen xấu nào?

19 Dù Kinh Thánh không liệt kê mọi thói quen xấu mà chúng ta nên tránh, nhưng sách này cung cấp những nguyên tắc giúp chúng ta hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về những điều như thế. Ngài không muốn chúng ta hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc dùng ma túy. Nếu là bạn của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tránh những điều này. Tại sao? Vì chúng ta quý trọng sâu xa món quà sự sống. Những thói quen này có thể rút ngắn đời sống chúng ta, hủy hoại sức khỏe và gây hại cho người xung quanh. Nhiều người cố gắng từ bỏ những thói xấu đó vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, là bạn Đức Giê-hô-va, chúng ta có lý do quan trọng nhất để làm thế, đó là vì yêu thương ngài. Một chị cho biết: “Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, tôi đã hoàn toàn thay đổi đời sống và từ bỏ những thói nghiện ngập... Tôi nghĩ tự mình thì không bao giờ làm được như thế”. Giờ đây hãy xem năm nguyên tắc Kinh Thánh giúp một người từ bỏ những thói quen tai hại.

20, 21. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta từ bỏ điều gì?

20 “Hỡi anh em yêu dấu, vì có những lời hứa ấy, chúng ta hãy tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế về thể xác lẫn tinh thần, và ngày càng trở nên thánh sạch trong sự kính sợ Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta từ bỏ những thói quen ô uế có thể gây hại cho mình về thể chất hoặc tâm trí.

21 Một lý do mạnh mẽ để chúng ta “tẩy sạch mình khỏi mọi sự ô uế” được nói đến nơi 2 Cô-rinh-tô 6:17, 18. Đức Giê-hô-va phán với chúng ta: “Đừng động đến đồ ô uế nữa”. Rồi ngài hứa: “Ta sẽ tiếp nhận các con... Ta sẽ làm cha các con, các con sẽ làm con trai con gái ta”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va sẽ yêu thương chúng ta như người cha yêu thương con cái nếu chúng ta tránh làm bất cứ điều gì khiến mình trở nên ô uế trước mắt ngài.

22-25. Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta tránh những thói quen ô uế?

22 “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí” (Ma-thi-ơ 22:37). Đây là điều răn quan trọng nhất trong các điều răn (Ma-thi-ơ 22:38). Đức Giê-hô-va xứng đáng được chúng ta yêu thương cách trọn vẹn. Làm sao chúng ta có thể yêu thương ngài trọn vẹn nếu chọn làm những điều có thể rút ngắn đời sống hoặc gây hại cho bộ não của chúng ta? Chắc chắn chúng ta muốn làm mọi điều có thể để cho thấy mình tôn trọng sự sống mà ngài ban.

23 “[Đức Giê-hô-va] ban cho mọi người sự sống, hơi thở và mọi thứ” (Công vụ 17:24, 25). Nếu được một người bạn tặng món quà quý, chúng ta có vứt bỏ hay phá hủy nó không? Sự sống là một món quà tuyệt diệu đến từ Đức Giê-hô-va. Chúng ta rất quý trọng món quà này. Vì thế, chúng ta muốn dùng đời sống theo cách tôn vinh ngài.—Thi thiên 36:9.

24 “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Ma-thi-ơ 22:39). Những thói quen ô uế không chỉ gây hại cho chúng ta mà còn gây hại cho người xung quanh, thường là những người mà mình yêu thương nhất. Chẳng hạn, người sống chung nhà với người hút thuốc lá có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì thường xuyên hít phải khói thuốc. Thế nên khi từ bỏ thói quen xấu, chúng ta cho những người xung quanh thấy mình yêu thương họ.—1 Giăng 4:20, 21.

25 “Hãy tiếp tục nhắc nhở họ phải phục tùng và vâng lời chính phủ cùng các bậc cầm quyền” (Tít 3:1). Luật pháp ở nhiều nơi cấm tàng trữ hoặc dùng ma túy. Vì Đức Giê-hô-va lệnh cho chúng ta phải tôn trọng các bậc cầm quyền nên chúng ta muốn tuân theo những điều luật mà họ ban hành.—Rô-ma 13:1.

Khi giữ thanh sạch, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va

26. (a) Để được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng của mình, chúng ta cần làm gì? (b) Tại sao giữ thanh sạch trước mắt Đức Chúa Trời là lối sống tốt nhất?

26 Nếu muốn trở thành bạn của Đức Giê-hô-va, có lẽ chúng ta thấy mình cần thay đổi một số điều. Đừng chần chừ làm thế nhưng hãy bắt đầu ngay. Đúng là không luôn dễ để từ bỏ một thói quen ô uế, nhưng chúng ta có thể làm được! Đức Giê-hô-va hứa sẽ giúp đỡ chúng ta. Ngài nói: “Ta, Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của con, đấng dạy dỗ con hầu con được ích, đấng hướng dẫn con trên đường phải đi” (Ê-sai 48:17). Khi nỗ lực hết sức để giữ thanh sạch, chúng ta có thể chắc chắn là mình đang mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.