Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 5

Làm thế nào để giữ mình tách biệt khỏi thế gian?

Làm thế nào để giữ mình tách biệt khỏi thế gian?

“Anh em không thuộc về thế gian”.—GIĂNG 15:19.

1. Chúa Giê-su quan tâm đến điều gì vào đêm trước khi chết?

 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su biết ngài sắp phải rời các môn đồ, vì thế ngài quan tâm đến tương lai của họ. Ngài phán với họ: “Anh em không thuộc về thế gian” (Giăng 15:19). Sau đó, ngài cầu nguyện với Cha về họ như sau: “Họ không thuộc về thế gian, như con không thuộc về thế gian” (Giăng 17:15, 16). Ý của Chúa Giê-su là gì?

2. “Thế gian” mà Chúa Giê-su nói đến có nghĩa gì?

2 “Thế gian” mà Chúa Giê-su đề cập ở đây nói đến những người không biết Đức Chúa Trời và ở dưới sự cai trị của Sa-tan (Giăng 14:30; Ê-phê-sô 2:2; Gia-cơ 4:4; 1 Giăng 5:19). Làm thế nào để “không thuộc về thế gian”? Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận về một số cách để làm thế: trung thành với Nước Đức Chúa Trời và giữ trung lập, tức không dính líu đến chính trị; kháng cự tinh thần thế gian; có ngoại diện khiêm tốn và có quan điểm thăng bằng về tiền bạc; và mang lấy bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban.—Xin xem Phụ lục 16.

TRUNG THÀNH VỚI NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI

3. Chúa Giê-su có quan điểm nào về chính trị?

3 Khi sống trên đất, Chúa Giê-su thấy người ta gặp nhiều vấn đề và đời sống của họ rất chật vật. Ngài thật sự quan tâm đến họ và mong muốn giúp đỡ. Nhưng ngài có trở thành một nhà lãnh đạo chính trị không? Không. Ngài biết rằng điều mà người ta thật sự cần là Nước Trời, hay chính phủ của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su sẽ là Vua của Nước ấy, và Nước Trời là chủ đề chính mà ngài rao giảng (Đa-ni-ên 7:13, 14; Lu-ca 4:43; 17:20, 21). Chúa Giê-su không tham gia vào chính trị và luôn giữ trung lập. Khi đứng trước quan tổng đốc La Mã Bôn-xơ Phi-lát, ngài nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Các môn đồ của ngài cũng giữ trung lập. Một sách về lịch sử văn minh (On the Road to Civilization) nói rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu “không giữ các chức vụ chính trị”. Ngày nay, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính cũng như vậy. Chúng ta trung thành ủng hộ Nước Đức Chúa Trời và giữ trung lập trong các vấn đề chính trị của thế gian.—Ma-thi-ơ 24:14.

Bạn có thể giải thích lý do mình trung thành ủng hộ Nước Đức Chúa Trời không?

4. Bằng cách nào tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính ủng hộ Nước Đức Chúa Trời?

4 Đại sứ là người đại diện cho chính phủ của mình ở một quốc gia khác nên họ không tham gia vào chính trị của đất nước đó. Điều này cũng đúng trong trường hợp của những người được xức dầu, là những người có triển vọng cùng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời. Phao-lô viết cho các tín đồ được xức dầu như sau: “Chúng ta là đại sứ thay mặt Đấng Ki-tô” (2 Cô-rinh-tô 5:20). Những người được xức dầu đại diện cho chính phủ của Đức Chúa Trời. Họ không dính líu đến các vấn đề chính trị của thế gian (Phi-líp 3:20). Thay vì thế, họ giúp hàng triệu người học về chính phủ của Đức Chúa Trời. “Chiên khác”, tức những người có triển vọng sống mãi trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, ủng hộ những người được xức dầu. Họ cũng giữ trung lập (Giăng 10:16; Ma-thi-ơ 25:31-40). Rõ ràng, không tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính nào dính líu đến các vấn đề chính trị của thế gian.—Đọc Ê-sai 2:2-4.

5. Một lý do tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tham gia chiến tranh là gì?

5 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính xem tất cả anh em đồng đạo là gia đình, và họ hợp nhất với nhau dù đến từ quốc gia nào hay có gốc gác khác nhau (1 Cô-rinh-tô 1:10). Nếu tham gia chiến tranh, chúng ta sẽ phải chiến đấu với chính gia đình của mình, là những anh em đồng đạo mà Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta phải yêu thương (Giăng 13:34, 35; 1 Giăng 3:10-12). Hơn thế nữa, Chúa Giê-su dạy các môn đồ phải yêu thương ngay cả kẻ thù của mình.—Ma-thi-ơ 5:44; 26:52.

6. Các tôi tớ đã dâng mình của Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về chính quyền?

6 Dù giữ trung lập, tín đồ đạo Đấng Ki-tô luôn cố gắng là những công dân tốt. Chẳng hạn, chúng ta cho thấy mình tôn trọng chính quyền bằng cách tuân thủ pháp luật và nộp thuế. Nhưng chúng ta phải luôn đảm bảo rằng mình ‘trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời’ (Mác 12:17; Rô-ma 13:1-7; 1 Cô-rinh-tô 6:19, 20). “Những gì của Đức Chúa Trời” bao gồm tình yêu thương, sự vâng lời và sự thờ phượng của chúng ta dành cho ngài. Thậm chí, chúng ta sẵn sàng hy sinh mạng sống thay vì bất tuân với Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 4:8; 10:27; đọc Công vụ 5:29; Rô-ma 14:8.

KHÁNG CỰ “TINH THẦN CỦA THẾ GIAN”

7, 8. “Tinh thần của thế gian” là gì, và nó tác động thế nào đến người ta?

7 Tách biệt khỏi thế gian của Sa-tan có nghĩa là chúng ta không để cho “tinh thần của thế gian” chi phối mình. “Tinh thần của thế gian” là gì? Đó là cách suy nghĩ và hành động đến từ Sa-tan, và nó chi phối những ai không phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô kháng cự tinh thần đó. Giống như Phao-lô nói, “chúng ta đã tiếp nhận thần khí từ Đức Chúa Trời chứ chẳng phải tinh thần của thế gian”.—1 Cô-rinh-tô 2:12; Ê-phê-sô 2:2, 3; xin xem Phụ lục 17.

8 Tinh thần của thế gian khiến người ta trở nên ích kỷ, kiêu ngạo và bất phục tùng. Nó khiến người ta nghĩ rằng họ không cần vâng lời Đức Chúa Trời. Sa-tan muốn người ta làm bất cứ điều gì mình muốn mà không cần nghĩ đến hậu quả. Hắn muốn người ta tin rằng “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt” là những điều quan trọng nhất trong đời sống (1 Giăng 2:16; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Ác Quỷ đặc biệt ra sức lừa gạt các tôi tớ của Đức Giê-hô-va để họ có lối suy nghĩ giống như hắn.—Giăng 8:44; Công vụ 13:10; 1 Giăng 3:8.

9. Tinh thần của thế gian có thể ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

9 Giống như không khí mà chúng ta hít thở, tinh thần của thế gian bao trùm xung quanh chúng ta. Nếu không nỗ lực kháng cự tinh thần ấy thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. (Đọc Châm ngôn 4:23). Điều này có thể bắt đầu theo những cách dường như vô hại, chẳng hạn như chúng ta để cho mình bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ và thái độ của những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Hoặc chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi những điều như tài liệu khiêu dâm, sự bội đạo hoặc những môn thể thao có tính cạnh tranh cao.—Xin xem Phụ lục 18.

10. Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự tinh thần của thế gian?

10 Vậy làm thế nào để tránh bị tinh thần của thế gian chi phối? Chúng ta cần gắn bó với Đức Giê-hô-va và để sự khôn ngoan của ngài hướng dẫn. Chúng ta cũng cần thường xuyên cầu nguyện để xin ngài ban thần khí thánh và tiếp tục bận rộn trong việc phụng sự ngài. Đức Giê-hô-va là đấng quyền năng nhất trong vũ trụ. Thế nên, chúng ta tin chắc rằng ngài có thể giúp chúng ta kháng cự tinh thần của thế gian.—1 Giăng 4:4.

CÓ NGOẠI DIỆN TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI

11. Tinh thần thế gian ảnh hưởng thế nào đến cách người ta ăn mặc?

11 Một cách khác để cho thấy mình không thuộc về thế gian là qua ngoại diện. Nhiều người trong thế gian ăn mặc theo cách nhằm thu hút sự chú ý của người khác, khơi dậy ý tưởng vô luân, thể hiện tinh thần nổi loạn hoặc khoe khoang của cải. Những người khác thì không để ý đến ngoại diện của mình. Họ cố tình ăn mặc luộm thuộm hoặc bẩn thỉu. Chúng ta không muốn để những thái độ như vậy ảnh hưởng đến ngoại diện của mình.

Mình có mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va qua cách ăn mặc không?

12, 13. Những nguyên tắc nào nên ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta về cách ăn mặc?

12 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta luôn muốn chọn quần áo trang nhã, gọn gàng, sạch sẽ và phù hợp với hoàn cảnh. Chúng ta ăn mặc với “lòng khiêm tốn và óc suy xét”, qua đó thể hiện “lòng sùng kính với Đức Chúa Trời”.—1 Ti-mô-thê 2:9, 10; Giu-đe 21.

13 Ngoại diện của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá về Đức Giê-hô-va và dân ngài. Chúng ta muốn làm “mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:31). “Lòng khiêm tốn” bao hàm việc tôn trọng cảm xúc và quan điểm của người khác. Vì vậy, khi lựa chọn trang phục hoặc những điều khác liên quan đến ngoại diện, chúng ta nhớ rằng lựa chọn của mình ảnh hưởng đến người khác.—1 Cô-rinh-tô 4:9; 2 Cô-rinh-tô 6:3, 4; 7:1.

14. Chúng ta nên nghĩ đến điều gì khi chọn quần áo để tham gia các hoạt động thần quyền?

14 Chúng ta cũng cần để ý đến cách ăn mặc của mình khi đi nhóm họp hoặc tham gia thánh chức. Ngoại diện của chúng ta có thu hút sự chú ý thái quá đến mình không, hoặc có làm người khác cảm thấy ngượng hay khó chịu không? Chúng ta có nghĩ rằng việc lựa chọn quần áo là quyền của mình và người khác không nên xen vào không? (Phi-líp 4:5; 1 Phi-e-rơ 5:6). Dĩ nhiên là chúng ta muốn có ngoại diện ưa nhìn, nhưng điều thật sự thu hút người khác đến với chúng ta là phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Đây là những đức tính mà Đức Giê-hô-va chú ý đến khi nhìn vào chúng ta. Chúng cho thấy “con người bề trong” của chúng ta, “là điều có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 3:3, 4.

15. Tại sao Đức Giê-hô-va không ban những điều luật cụ thể về cách ăn mặc và ngoại diện?

15 Đức Giê-hô-va không cung cấp một danh sách các điều luật quy định chúng ta nên hay không nên mặc gì. Thay vì thế, ngài ban các nguyên tắc Kinh Thánh để giúp chúng ta quyết định khôn ngoan (Hê-bơ-rơ 5:14). Đức Giê-hô-va muốn những quyết định chúng ta đưa ra, dù nhỏ hay lớn, đều dựa trên tình yêu thương của mình dành cho ngài và cho người khác. (Đọc Mác 12:30, 31). Dân Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới có những cách ăn mặc khác nhau tùy theo văn hóa hay sở thích cá nhân. Sự đa dạng này góp phần tạo nên vẻ đẹp và làm chúng ta thích thú.

CÓ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ TIỀN BẠC

16. Quan điểm của thế gian về tiền bạc đi ngược với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su như thế nào? Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

16 Sa-tan muốn người ta nghĩ rằng tiền bạc và của cải vật chất đem lại hạnh phúc, nhưng tôi tớ của Đức Giê-hô-va biết rằng điều đó không đúng. Chúng ta tin nơi lời của Chúa Giê-su, ngài nói: “Dù một người có dư dật thì của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy” (Lu-ca 12:15). Thật vậy, tiền bạc không đem lại hạnh phúc thật sự. Nó không thể giúp chúng ta có được những người bạn đích thực, bình an tâm trí hay sự sống vĩnh cửu. Dĩ nhiên là chúng ta có một số nhu cầu về vật chất, và chúng ta muốn vui hưởng cuộc sống. Nhưng Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta sẽ hạnh phúc nếu có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời và đặt việc thờ phượng ngài lên hàng đầu trong đời sống (Ma-thi-ơ 5:3; 6:22, chú thích). Hãy tự hỏi: “Quan điểm của thế gian về tiền bạc có ảnh hưởng đến mình không? Tiền bạc có phải là điều mình hay nghĩ đến hoặc nói về không?”.—Lu-ca 6:45; 21:34-36; 2 Giăng 6.

17. Đời sống của bạn có thể được cải thiện ra sao nếu bạn bác bỏ quan điểm của thế gian về tiền bạc?

17 Nếu tập trung phụng sự Đức Giê-hô-va và bác bỏ quan điểm của thế gian về tiền bạc, chúng ta sẽ có đời sống đầy ý nghĩa (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Chúng ta sẽ thỏa nguyện và có được bình an nội tâm (Ma-thi-ơ 6:31, 32; Rô-ma 15:13). Chúng ta cũng sẽ bớt lo lắng về của cải vật chất. (Đọc 1 Ti-mô-thê 6:910). Chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui của việc ban cho (Công vụ 20:35). Ngoài ra, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho những người thân yêu. Thậm chí chúng ta sẽ ngủ ngon hơn.—Truyền đạo 5:12.

“MANG TRỌN BỘ KHÍ GIỚI”

18. Sa-tan đang tìm cách làm gì với chúng ta?

18 Sa-tan tìm mọi cách để phá hủy mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va, vì vậy chúng ta phải nỗ lực hết sức để bảo vệ mối quan hệ ấy. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến với “các thế lực ác thần” (Ê-phê-sô 6:12). Sa-tan và các quỷ không muốn chúng ta hạnh phúc hoặc được sống mãi mãi (1 Phi-e-rơ 5:8). Những kẻ thù mạnh mẽ này đang chiến đấu chống lại chúng ta, nhưng chúng ta có thể chiến thắng nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va.

19. Ê-phê-sô 6:14-18 miêu tả thế nào về “bộ khí giới” của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

19 Thời xưa, người lính thường mang bộ khí giới để bảo vệ mình trên chiến trường. Tương tự, để được bảo vệ, chúng ta cần mang “bộ khí giới” mà Đức Giê-hô-va ban (Ê-phê-sô 6:13). Chúng ta có thể đọc về bộ khí giới này nơi Ê-phê-sô 6:14-18, đoạn này nói: “Vậy, hãy đứng vững, đeo dây thắt lưng là chân lý, mặc giáp che ngực là sự công chính, chân mang giày là sự sẵn sàng rao truyền tin mừng bình an. Ngoài ra, hãy cầm cái khiên lớn là đức tin, để có thể dập tắt mọi mũi tên lửa của Kẻ Ác. Cũng hãy nhận lấy mũ trận là sự giải cứu và gươm thần khí là lời Đức Chúa Trời, đồng thời tiếp tục cầu nguyện vào mọi dịp nhờ quyền năng của thần khí, dùng đủ mọi hình thức cầu nguyện và nài xin”.

20. Chúng ta cần làm gì để được “bộ khí giới” bảo vệ?

20 Nếu người lính bỏ quên một bộ phận trong bộ khí giới thì kẻ thù sẽ tấn công vào đúng phần cơ thể không được bảo vệ. Tương tự, nếu muốn được “bộ khí giới” bảo vệ thì chúng ta không được quên bất cứ bộ phận nào. Chúng ta cần luôn mang bộ khí giới ấy và giữ cho nó ở trong tình trạng tốt. Cuộc chiến của chúng ta sẽ tiếp tục cho đến khi thế gian của Sa-tan bị hủy diệt và Sa-tan cùng các quỷ bị loại trừ khỏi đất (Khải huyền 12:17; 20:1-3). Vì vậy, nếu đang phải đấu tranh với ham muốn sai trái hoặc khuyết điểm nào đó thì chúng ta đừng bỏ cuộc!—1 Cô-rinh-tô 9:27.

21. Làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng Ác Quỷ?

21 Với sức riêng thì chúng ta không thể mạnh hơn Ác Quỷ. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chiến thắng hắn! Để giữ trung thành, chúng ta cần cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, học hỏi Lời ngài và kết hợp với anh em đồng đạo (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Những điều này sẽ giúp chúng ta giữ trung thành với Đức Chúa Trời và sẵn sàng để bênh vực đức tin.

SẴN SÀNG ĐỂ BÊNH VỰC ĐỨC TIN

22, 23. (a) Làm sao để luôn sẵn sàng bênh vực đức tin? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong chương sau?

22 Chúng ta cần sẵn sàng để bênh vực đức tin vào mọi lúc (Giăng 15:19). Trong một số lĩnh vực, Nhân Chứng Giê-hô-va có lập trường rất khác với đa số người ta. Hãy tự hỏi: “Mình có hiểu rõ tại sao Nhân Chứng giữ lập trường này không? Mình có tin chắc những điều Kinh Thánh cũng như đầy tớ trung tín và khôn ngoan nói là đúng không? Mình có tự hào vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va không? (Thi thiên 34:2; Ma-thi-ơ 10:32, 33). Mình có thể giải thích niềm tin cho người khác không?”.—Ma-thi-ơ 24:45; Giăng 17:17; đọc 1 Phi-e-rơ 3:15.

23 Trong nhiều trường hợp, chúng ta thấy rõ mình cần làm gì để giữ tách biệt khỏi thế gian. Nhưng có những trường hợp thì không rõ ràng. Sa-tan tìm nhiều cách khác nhau để gài bẫy chúng ta. Một trong những cạm bẫy hắn thường dùng là giải trí. Làm thế nào chúng ta có thể chọn hình thức giải trí cách khôn ngoan? Chúng ta sẽ xem xét điều này trong chương sau.