Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 14

Hãy trung thực trong mọi việc

Hãy trung thực trong mọi việc

“Chúng tôi... muốn sống lương thiện trong mọi việc”.—HÊ-BƠ-RƠ 13:18.

1, 2. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta cố gắng sống trung thực?

 Trên đường đi học về, một cậu bé nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền bên trong. Cậu bé sẽ làm gì? Cậu có thể giữ chiếc ví đó. Nhưng thay vì giữ lại, cậu đã trả cho người đánh rơi. Khi mẹ cậu bé biết chuyện, bà rất hãnh diện về con trai mình.

2 Hầu hết các bậc cha mẹ đều vui mừng khi thấy con mình trung thực. Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, là “Đức Chúa Trời chân thật”, và ngài vui mừng khi chúng ta trung thực (Thi thiên 31:5). Chúng ta muốn làm đẹp lòng ngài và “sống lương thiện trong mọi việc” (Hê-bơ-rơ 13:18). Tuy nhiên, việc thể hiện tính trung thực có thể là một thách đố trong bốn lĩnh vực của đời sống. Chúng ta hãy xem xét những lĩnh vực này và một số lợi ích nhận được khi cố gắng sống trung thực.

TRUNG THỰC VỚI CHÍNH MÌNH

3-5. (a) Chúng ta có thể tự dối mình như thế nào? (b) Điều gì sẽ giúp chúng ta trung thực với chính mình?

3 Để trung thực với người khác, trước hết chúng ta phải trung thực với chính mình. Điều này không phải lúc nào cũng dễ. Vào thế kỷ thứ nhất, các anh em ở hội thánh Lao-đi-xê đã tự dối mình khi nghĩ rằng họ đang làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nhưng thật sự không phải vậy (Khải huyền 3:17). Chúng ta cũng có thể tự dối lòng về con người thật của mình.

4 Môn đồ Gia-cơ cảnh báo: “Nếu ai nghĩ mình là người thờ phượng Đức Chúa Trời mà không biết kìm giữ lưỡi mình thì người ấy đang lừa dối lòng mình, và sự thờ phượng của người ấy là vô ích” (Gia-cơ 1:26). Chúng ta đang tự dối lòng nếu nghĩ rằng miễn là mình làm một số điều tốt thì vẫn được Đức Chúa Trời chấp nhận, cho dù mình thô lỗ, mỉa mai hoặc nói dối. Điều gì có thể giúp chúng ta tránh tự dối mình?

5 Khi soi gương, chúng ta có thể nhìn thấy bề ngoài của mình. Còn khi đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy con người bề trong. Kinh Thánh giúp chúng ta biết mình có ưu điểm và khuyết điểm nào, cũng như mình cần thay đổi điều gì trong cách suy nghĩ, hành động và nói năng. (Đọc Gia-cơ 1:23-25). Nhưng nếu nghĩ rằng mình không có khuyết điểm nào thì chúng ta sẽ không thể thực hiện những thay đổi cần thiết. Vì vậy, chúng ta cần dùng Kinh Thánh để giúp mình có cái nhìn trung thực về bản thân (Ai ca 3:40; Ha-gai 1:5). Cầu nguyện cũng có thể giúp chúng ta biết con người thật của mình. Chúng ta có thể xin Đức Giê-hô-va dò xét và giúp chúng ta thấy khuyết điểm của bản thân để chỉnh sửa (Thi thiên 139:23, 24). Hãy nhớ rằng “Đức Giê-hô-va ghê tởm kẻ lươn lẹo, nhưng kết tình bạn thiết với những người ngay thẳng”.—Châm ngôn 3:32.

TRUNG THỰC TRONG GIA ĐÌNH

6. Tại sao vợ chồng nên trung thực với nhau?

6 Trung thực là đức tính không thể thiếu trong gia đình. Khi vợ chồng trò chuyện cởi mở với nhau, cả hai cảm thấy an toàn và tin tưởng nhau. Sự thiếu trung thực trong hôn nhân thể hiện dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, một người đã kết hôn nhưng lại tán tỉnh, xem tài liệu khiêu dâm hoặc có mối quan hệ lén lút với người khác. Hãy lưu ý đến những lời sau của người viết Thi thiên: “Con không ngồi chung với phường gian dối, tránh bọn che giấu bộ mặt thật mình” (Thi thiên 26:4). Nếu bạn không trung thực với người hôn phối ngay cả trong suy nghĩ thì hôn nhân của bạn sẽ bị tổn hại.

Hãy lập tức loại bỏ bất cứ điều gì có thể làm suy yếu hôn nhân của bạn

7, 8. Bạn có thể dùng Kinh Thánh như thế nào để dạy con về giá trị của tính trung thực?

7 Trẻ em cũng cần được dạy rằng tính trung thực rất quan trọng. Cha mẹ có thể dùng Kinh Thánh để dạy con về điều đó. Sách này ghi lại gương xấu của những người thiếu trung thực, chẳng hạn như A-can, kẻ ăn cắp; Ghê-ha-xi, kẻ nói dối để lấy tiền; và Giu-đa, kẻ ăn cắp tiền và sau này phản bội Chúa Giê-su để lấy 30 đồng bạc.—Giô-suê 6:17-19; 7:11-25; 2 Các vua 5:14-16, 20-27; Ma-thi-ơ 26:14, 15; Giăng 12:6.

8 Kinh Thánh cũng ghi lại nhiều gương tốt của những người trung thực, chẳng hạn như Gia-cốp, người đã bảo các con trai trả lại số tiền mà họ tìm thấy; Giép-thê và con gái ông, những người đã giữ lời hứa với Đức Chúa Trời; và Chúa Giê-su, người luôn nói sự thật ngay cả trong những tình huống khó khăn (Sáng thế 43:12; Quan xét 11:30-40; Giăng 18:3-11). Những gương này có thể giúp con cái hiểu giá trị của tính trung thực.

9. Nếu cha mẹ trung thực thì sẽ giúp ích thế nào cho con cái?

9 Cha mẹ có thể rút ra bài học qua nguyên tắc quan trọng này trong Kinh Thánh: “Anh dạy người khác mà không dạy chính mình sao? Anh rao giảng: ‘Đừng trộm cắp’, anh có trộm cắp không?” (Rô-ma 2:21). Trẻ em biết khi cha mẹ nói một đằng làm một nẻo. Nếu bạn bảo con phải trung thực nhưng bản thân mình lại không trung thực thì sẽ khiến con bối rối. Nếu con trẻ nhận ra cha mẹ nói dối, ngay cả trong chuyện nhỏ, thì rất có thể chúng sẽ bắt chước. (Đọc Lu-ca 16:10). Trái lại, khi con trẻ thấy cha mẹ trung thực thì sau này chúng có thể trở thành người cha, người mẹ đáng tin cậy khi chúng có con.—Châm ngôn 22:6; Ê-phê-sô 6:4.

TRUNG THỰC TRONG HỘI THÁNH

10. Chúng ta cho thấy mình trung thực trong các cuộc nói chuyện với anh em đồng đạo qua cách nào?

10 Chúng ta cũng cần trung thực với anh em đồng đạo. Rất dễ để những câu chuyện thường ngày trở thành chuyện thày lay, thậm chí là vu khống. Nếu chúng ta kể lại một điều mà mình không biết có đúng hay không thì có thể chúng ta đang lan truyền một điều dối trá. Vì thế, tốt hơn là nên “kìm giữ lời mình” (Châm ngôn 10:19). Trung thực không có nghĩa là phải nói mọi điều mình nghĩ, biết hoặc nghe được. Ngay cả nếu điều mình muốn nói là sự thật nhưng đó là chuyện riêng của người khác hoặc nói điều đó là không cần thiết hoặc không tích cực thì cũng không nên nói ra (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11). Một số người bào chữa cho cách nói năng thẳng thừng của mình bằng câu: “Tôi chỉ nói sự thật”. Nhưng là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta luôn muốn nói những lời hòa nhã và tử tế.—Đọc Cô-lô-se 4:6.

11, 12. (a) Tại sao một người phạm tội trọng sẽ khiến vấn đề tồi tệ hơn nếu che giấu sự thật? (b) Nếu phát hiện bạn của mình phạm tội trọng, bạn nên tránh lối suy nghĩ nào, và tại sao? (c) Chúng ta có thể trung thực với tổ chức Đức Giê-hô-va qua cách nào?

11 Đức Giê-hô-va giao cho trưởng lão trách nhiệm giúp đỡ hội thánh. Các trưởng lão sẽ dễ trợ giúp chúng ta hơn khi chúng ta trung thực với họ. Tại sao? Giả sử nếu bạn bị bệnh và đến gặp bác sĩ để xin giúp đỡ, bạn có giấu bác sĩ một số triệu chứng của bệnh không? Nếu bạn làm thế thì làm sao bác sĩ có thể giúp bạn? Tương tự, nếu phạm tội trọng thì chúng ta không nên che giấu. Thay vì vậy, hãy đến gặp các trưởng lão và nói thật với họ (Thi thiên 12:2; Công vụ 5:1-11). Còn nói sao nếu bạn phát hiện bạn của mình phạm tội trọng? (Lê-vi 5:1). Bạn có nghĩ: “Phải giữ kín mọi chuyện mới là bạn thật”? Hay bạn nhớ rằng các trưởng lão có thể cung cấp sự trợ giúp cần thiết để người ấy sửa chữa và củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?—Hê-bơ-rơ 13:17; Gia-cơ 5:14, 15.

12 Ngoài ra, chúng ta cần trung thực với tổ chức của Đức Giê-hô-va khi điền các báo cáo, chẳng hạn như báo cáo rao giảng. Chúng ta cũng trung thực khi điền đơn làm tiên phong hoặc tham gia những hình thức phụng sự khác.—Đọc Châm ngôn 6:16-19.

13. Nếu làm việc chung với anh em đồng đạo, chúng ta thể hiện tính trung thực bằng cách nào?

13 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên để công việc kinh doanh lẫn lộn với sự thờ phượng. Chẳng hạn, chúng ta không kinh doanh khi ở Phòng Nước Trời hoặc khi tham gia thánh chức. Chúng ta cũng không lợi dụng anh em trong công việc làm ăn. Nếu bạn thuê Nhân Chứng làm việc, hãy trả lương đúng kỳ hạn, đúng với số tiền đã thỏa thuận và cho họ hưởng những quyền lợi được luật pháp quy định. Điều này có thể bao gồm bảo hiểm y tế hoặc ngày nghỉ (1 Ti-mô-thê 5:18; Gia-cơ 5:1-4). Nếu làm thuê cho một Nhân Chứng, chúng ta không nên đòi hỏi được đối xử đặc biệt (Ê-phê-sô 6:5-8). Hãy đảm bảo là mình làm việc đủ số giờ đã thỏa thuận và thực hiện đúng công việc được giao.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.

14. Trước khi hợp tác kinh doanh với nhau, tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên làm gì?

14 Nói sao nếu chúng ta hợp tác kinh doanh với anh em đồng đạo, chẳng hạn như hùn vốn hoặc cho vay tiền? Trong những trường hợp như thế, Kinh Thánh đưa ra một nguyên tắc rất hữu ích: Hãy ghi trên giấy trắng mực đen! Khi nhà tiên tri Giê-rê-mi mua một mảnh đất, ông viết hai bản văn tự, đưa một bản cho các nhân chứng ký, rồi lưu giữ cẩn thận cả hai bản để làm bằng chứng sau này (Giê-rê-mi 32:9-12; cũng xem Sáng thế 23:16-20). Một số người nghĩ rằng ghi ra thỏa thuận trên giấy cho thấy mình không tin tưởng anh em. Nhưng thật ra việc đó có thể ngăn ngừa sự hiểu lầm, thất vọng và mâu thuẫn. Ngay cả trong vấn đề kinh doanh, hãy nhớ rằng sự bình an của hội thánh là điều quan trọng hơn bất cứ thỏa thuận kinh doanh nào.—1 Cô-rinh-tô 6:1-8; xin xem Phụ lục 30.

TRUNG THỰC TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY

15. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về hành động thiếu trung thực trong việc buôn bán?

15 Chúng ta phải trung thực với tất cả mọi người, kể cả những người không phải là Nhân Chứng. Việc chúng ta giữ trung thực rất quan trọng với Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói: “Cái cân gian thì đáng ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va, nhưng trái cân đúng làm đẹp lòng ngài” (Châm ngôn 11:1; 20:10, 23). Vào thời Kinh Thánh, người ta thường dùng cân trong việc buôn bán. Nhưng một số nhà buôn lừa gạt khách hàng bằng cách cân gian, tức cân cho khách ít hơn số lượng đã thỏa thuận hoặc khiến họ trả nhiều tiền hơn so với số tiền họ phải trả. Giống như vào thời Kinh Thánh, ngày nay sự thiếu trung thực cũng rất phổ biến trong việc làm ăn buôn bán. Đức Giê-hô-va ghét sự thiếu trung thực vào thời xưa, và ngày nay quan điểm của ngài vẫn không thay đổi.

16, 17. Chúng ta cần tránh những hành vi thiếu trung thực nào rất phổ biến ngày nay?

16 Tất cả chúng ta đều đối mặt với những tình huống có thể khiến mình khó giữ trung thực, chẳng hạn như khi xin việc, điền vào các mẫu đơn của chính phủ hoặc làm bài kiểm tra ở trường. Nhiều người cho rằng không có gì sai khi nói dối, phóng đại hoặc khai gian. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này. Kinh Thánh đã báo trước rằng trong những ngày sau cùng của thế gian này, “người ta chỉ biết yêu bản thân, ham tiền,... không yêu điều lành”.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

17 Đôi khi những người thiếu trung thực có vẻ thành công trong thế gian ngày nay (Thi thiên 73:1-8). Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể bị mất việc, chịu thiệt thòi về tài chính hoặc bị đối xử tệ tại nơi làm việc vì giữ trung thực. Tuy nhiên, việc cố gắng sống trung thực đáng công hơn bất cứ sự hy sinh nào. Tại sao?

TÍNH TRUNG THỰC MANG LẠI ÂN PHƯỚC

18. Tại sao danh tiếng tốt là điều rất có giá trị?

18 Được tiếng là người trung thực và đáng tin cậy là điều quý báu và hiếm thấy trong thế gian này. Mỗi chúng ta đều có cơ hội tạo dựng danh tiếng như thế (Mi-chê 7:2). Một số người có lẽ sẽ chế giễu khi thấy bạn giữ trung thực và bảo bạn làm thế là dại. Nhưng những người khác sẽ quý mến tính trung thực của bạn và tin cậy bạn. Trên khắp thế giới, Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến là những người trung thực. Một số người chủ thích thuê Nhân Chứng vì họ biết Nhân Chứng rất trung thực. Có trường hợp các nhân viên khác bị sa thải vì thiếu trung thực nhưng các Nhân Chứng vẫn giữ được việc làm.

Chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách làm việc siêng năng

19. Sự trung thực ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va?

19 Giữ trung thực trong mọi việc sẽ giúp bạn có lương tâm tốt và bình an tâm trí. Giống như Phao-lô, chúng ta có thể nói: “Chúng tôi tin mình có lương tâm thật thà” (Hê-bơ-rơ 13:18). Quan trọng hơn hết, Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va sẽ nhìn thấy và quý trọng những nỗ lực của bạn khi giữ trung thực trong mọi việc.—Đọc Thi thiên 15:1, 2; Châm ngôn 22:1.