Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 10

Hôn nhân—Món quà từ Đức Chúa Trời

Hôn nhân—Món quà từ Đức Chúa Trời

“Dây bện ba tao khó mà đứt được”.​—TRUYỀN ĐẠO 4:12.

1, 2. (a) Những cặp vợ chồng mới cưới thường hy vọng điều gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào trong chương này?

 Hãy hình dung cô dâu và chú rể vô cùng hạnh phúc trong ngày cưới. Họ háo hức mong chờ cuộc sống trước mắt với tràn ngập ước mơ và hy vọng. Họ hy vọng sẽ có một hôn nhân hạnh phúc và lâu bền.

2 Tuy nhiên, nhiều cuộc hôn nhân có khởi đầu tốt đẹp nhưng điều đó không kéo dài lâu. Để có hôn nhân lâu bền và hạnh phúc, một cặp vợ chồng cần được Đức Chúa Trời hướng dẫn. Hãy xem xét lời giải đáp của Kinh Thánh cho những câu hỏi sau: Hôn nhân mang lại một số lợi ích nào? Nếu kết hôn, làm sao để chọn bạn đời cách khôn ngoan? Làm thế nào bạn có thể trở thành người chồng hoặc người vợ tốt? Và điều gì có thể giúp hôn nhân được lâu bền?—Đọc Châm ngôn 3:5, 6.

CÓ NÊN KẾT HÔN KHÔNG?

3. Theo bạn, hôn nhân có phải là điều thiết yếu để có hạnh phúc không? Hãy giải thích.

3 Một số người nghĩ rằng nếu không kết hôn thì không thể có hạnh phúc. Nhưng điều đó không đúng. Chúa Giê-su nói rằng đời sống độc thân có thể là một món quà (Ma-thi-ơ 19:11, 12). Sứ đồ Phao-lô cũng cho biết có một số lợi thế khi sống độc thân (1 Cô-rinh-tô 7:32-38). Bạn có quyền quyết định kết hôn hay không. Đừng để bạn bè, gia đình hoặc nền văn hóa gây áp lực khiến bạn phải kết hôn.

4. Một số lợi thế của hôn nhân là gì?

4 Kinh Thánh cho biết hôn nhân cũng là món quà từ Đức Chúa Trời và hôn nhân đem lại một số lợi thế. Đức Giê-hô-va phán như sau về người đầu tiên là A-đam: “Người đàn ông ở một mình mãi thì không tốt. Ta sẽ làm nên một người giúp đỡ, một người bổ trợ cho nó” (Sáng thế 2:18). Đức Giê-hô-va tạo ra Ê-va để làm vợ của A-đam, và họ trở thành gia đình đầu tiên của nhân loại. Nếu một cặp vợ chồng có con thì hôn nhân của họ nên là môi trường tốt để nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, việc có con không phải là mục đích duy nhất của hôn nhân.—Thi thiên 127:3; Ê-phê-sô 6:1-4.

5, 6. Làm sao để hôn nhân có thể giống như “dây bện ba tao”?

5 Vua Sa-lô-môn viết: “Hai người hơn một, vì họ được phần thưởng tốt cho công lao chung. Nếu người này ngã, người kia có thể đỡ bạn mình dậy. Nhưng người một mình mà bị ngã, không ai đỡ dậy thì sao?... Còn dây bện ba tao khó mà đứt được”.—Truyền đạo 4:9-12.

6 Hôn nhân hạnh phúc là tình bạn mật thiết nhất giữa hai người thường xuyên giúp đỡ, an ủi và che chở cho nhau. Tình yêu thương có thể giúp hôn nhân được vững chắc, nhưng hôn nhân sẽ càng vững chắc hơn khi cả hai vợ chồng đều thờ phượng Đức Giê-hô-va. Lúc đó, hôn nhân của họ sẽ giống như “dây bện ba tao”, tức là dây gồm ba sợi bện chặt vào nhau. Dây gồm ba tao chắc hơn nhiều so với dây chỉ có hai tao. Khi có Đức Giê-hô-va trong hôn nhân thì hôn nhân sẽ vững chắc.

7, 8. Phao-lô đưa ra lời khuyên nào về việc kết hôn?

7 Khi kết hôn, hai vợ chồng có thể thỏa mãn ước muốn tự nhiên về tình dục của nhau (Châm ngôn 5:18). Tuy nhiên, nếu kết hôn chỉ để thỏa mãn ước muốn này thì có thể một người sẽ chọn bạn đời cách thiếu khôn ngoan. Vì thế, Kinh Thánh khuyên chỉ nên kết hôn sau khi đã qua “tuổi bồng bột”, là giai đoạn mà ước muốn tình dục trỗi lên rất mạnh mẽ (1 Cô-rinh-tô 7:36). Vậy tốt hơn là nên đợi cho đến khi ước muốn này giảm xuống. Khi ấy một người có thể suy nghĩ chín chắn hơn và có lựa chọn khôn ngoan.—1 Cô-rinh-tô 7:9; Gia-cơ 1:15.

8 Nếu bạn đang nghĩ đến việc kết hôn, hãy có cái nhìn thực tế và ý thức là cuộc hôn nhân nào cũng có khó khăn thử thách. Phao-lô nói rằng những ai kết hôn “sẽ gặp khốn khổ về xác thịt” (1 Cô-rinh-tô 7:28). Ngay cả hôn nhân hạnh phúc nhất cũng có những khó khăn. Vì vậy, nếu bạn muốn kết hôn, hãy chọn người hôn phối một cách khôn ngoan.

NÊN KẾT HÔN VỚI AI?

9, 10. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết hôn với người không thờ phượng Đức Giê-hô-va?

9 Một nguyên tắc quan trọng mà chúng ta nên ghi nhớ khi chọn người hôn phối là: “Chớ mang ách chung với người không tin đạo” (2 Cô-rinh-tô 6:14). Hình ảnh này dựa trên một thực tế trong nghề nông. Nếu hai con vật có kích cỡ hoặc sức lực rất khác nhau thì người nông dân không buộc chúng vào cùng một ách khi chúng cày ruộng. Điều này sẽ khiến cả hai con vật đều phải chịu đựng. Tương tự, khi một người thờ phượng Đức Giê-hô-va kết hôn với người không cùng đức tin thì hôn nhân của họ rất có thể sẽ gặp nhiều vấn đề. Vì vậy, Kinh Thánh đưa ra lời khuyên khôn ngoan là chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa”.—1 Cô-rinh-tô 7:39.

10 Một số tín đồ cảm thấy rằng thà kết hôn với người không thờ phượng Đức Giê-hô-va còn hơn là ở một mình. Nhưng việc lờ đi lời khuyên Kinh Thánh thường chỉ dẫn đến nỗi đau và bất hạnh. Là người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta xem việc phụng sự ngài là phần quan trọng nhất trong đời sống. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu không thể chia sẻ điều quan trọng nhất trong đời sống với người hôn phối? Nhiều người đã quyết định ở độc thân thay vì kết hôn với một người không yêu mến và không phụng sự Đức Giê-hô-va.—Đọc Thi thiên 32:8.

11. Làm thế nào bạn có thể chọn người hôn phối cách khôn ngoan?

11 Điều này không có nghĩa là bất cứ người nào phụng sự Đức Giê-hô-va cũng sẽ trở thành người hôn phối phù hợp với bạn. Nếu bạn đang nghĩ đến chuyện kết hôn, hãy tìm một người mà bạn thật sự thích và tâm đầu ý hợp. Hãy đợi cho đến khi bạn tìm được một người có cùng mục tiêu trong đời sống và đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Hãy dành thời gian để đọc và suy ngẫm những lời khuyên hữu ích về hôn nhân mà đầy tớ trung tín cung cấp trong các ấn phẩm.—Đọc Thi thiên 119:105.

12. Qua Kinh Thánh, chúng ta học được gì về những hôn nhân được sắp đặt trước?

12 Trong một số nền văn hóa, cha mẹ thường chọn người hôn phối cho con cái. Người ta nghĩ rằng cha mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con mình. Phong tục này cũng phổ biến vào thời Kinh Thánh. Vì vậy, nếu gia đình bạn chọn làm theo phong tục này thì Kinh Thánh có thể giúp các bậc cha mẹ biết nên tìm cho con mình người hôn phối có những đức tính nào. Chẳng hạn, khi Áp-ra-ham chọn vợ cho con trai là Y-sác, điều ông quan tâm trước tiên không phải là tiền bạc hay địa vị xã hội, nhưng quan trọng là người ấy phải yêu mến Đức Giê-hô-va.—Sáng thế 24:3, 67; xin xem Phụ lục 25.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUẨN BỊ CHO HÔN NHÂN?

13-15. (a) Một người nam có thể chuẩn bị ra sao để trở thành người chồng tốt? (b) Một người nữ có thể chuẩn bị ra sao để trở thành người vợ tốt?

13 Nếu bạn đang có ý định kết hôn, hãy chắc chắn rằng mình đã sẵn sàng. Có lẽ bạn nghĩ mình đã sẵn sàng nhưng hãy cùng xem điều này thật sự bao hàm những gì. Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Hãy dành thời gian để đọc và suy ngẫm những lời khuyên về hôn nhân trong Lời Đức Chúa Trời

14 Kinh Thánh cho biết người chồng và người vợ có vai trò khác nhau trong gia đình. Vì vậy, điều hợp lý là những gì người nam cần làm để chuẩn bị cho hôn nhân sẽ khác với những gì người nữ cần làm. Nếu một người nam đang dự tính kết hôn, anh cần tự hỏi xem mình đã sẵn sàng để làm đầu gia đình hay chưa. Đức Giê-hô-va đòi hỏi người chồng chăm lo cho vợ và con về cả nhu cầu vật chất lẫn tình cảm. Quan trọng hơn hết, người chồng cần dẫn đầu gia đình trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết người nam nào không chăm sóc cho gia đình mình thì còn “tệ hơn người không có đức tin” (1 Ti-mô-thê 5:8). Vậy một người nam đang nghĩ đến chuyện kết hôn cần xem xét mình đã áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh sau như thế nào: “Hãy thu xếp công việc bên ngoài, chuẩn bị xong mọi việc trên đồng, rồi sau đó xây dựng nhà mình”. Nói cách khác, trước khi kết hôn, người ấy cần chắc chắn rằng mình có thể trở thành mẫu người chồng mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi.—Châm ngôn 24:27.

15 Một người nữ đang nghĩ đến chuyện kết hôn cần tự hỏi xem mình đã sẵn sàng để đảm nhận trách nhiệm làm vợ và làm mẹ hay chưa. Kinh Thánh cho biết một số cách mà người vợ tốt có thể chăm sóc cho chồng con (Châm ngôn 31:10-31). Ngày nay, nhiều người chỉ nghĩ đến những gì người hôn phối sẽ làm cho mình. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nghĩ đến những gì mình có thể làm cho người hôn phối.

16, 17. Nếu muốn kết hôn, bạn nên suy ngẫm về điều gì?

16 Trước khi kết hôn, bạn hãy suy ngẫm về vai trò mà Đức Giê-hô-va giao cho người chồng và người vợ. Dù là đầu gia đình nhưng người nam không được gia trưởng, đối xử tệ bạc khiến vợ bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần. Một người chủ gia đình tốt sẽ noi gương Chúa Giê-su, đấng luôn đối xử yêu thương và tử tế với những người mà ngài chăm sóc (Ê-phê-sô 5:23). Về phần người vợ, chị cần suy nghĩ việc ủng hộ các quyết định của chồng và hợp tác với anh bao hàm điều gì (Rô-ma 7:2). Chị cần tự hỏi xem mình có sẵn sàng vâng phục một người chồng bất toàn hay không. Nếu cảm thấy khó làm thế, có lẽ chị quyết định tốt hơn là nên sống độc thân thêm một thời gian.

17 Người chồng và người vợ cần quan tâm đến hạnh phúc của người hôn phối hơn là của bản thân. (Đọc Phi-líp 2:4). Phao-lô viết: “Mỗi người phải yêu vợ như yêu chính mình, còn vợ thì phải kính trọng chồng sâu xa” (Ê-phê-sô 5:21-33). Cả người nam lẫn người nữ đều cần được yêu thương và tôn trọng. Nhưng để hôn nhân thành công thì người chồng đặc biệt cần cảm thấy được vợ tôn trọng, và người vợ đặc biệt cần cảm thấy được chồng yêu thương.

18. Tại sao những cặp đang hẹn hò nên cẩn thận trong giai đoạn tìm hiểu?

18 Giai đoạn tìm hiểu là khoảng thời gian thú vị để hai người biết rõ về nhau hơn. Đó cũng là lúc mà cả hai cần thực tế và trung thực để quyết định xem mình có thật sự muốn gắn bó cuộc đời với người kia không. Trong thời gian tìm hiểu, người nam và người nữ học cách trò chuyện với nhau và cố gắng nhận ra điều gì thật sự ở trong lòng của người kia. Khi mối quan hệ của hai người càng sâu đậm thì điều tự nhiên là họ cảm thấy muốn gần gũi nhau về thể xác. Tuy nhiên, họ cần tự chủ trong việc thể hiện cảm xúc trước khi kết hôn để tránh làm điều vô luân. Tình yêu đích thực sẽ giúp họ tự chủ và ngăn cản họ làm những điều gây hại cho mối quan hệ giữa hai người và với Đức Giê-hô-va.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:6.

Trong thời gian tìm hiểu, người nam và người nữ có thể học cách trò chuyện với nhau

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HÔN NHÂN ĐƯỢC LÂU BỀN?

19, 20. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có quan điểm nào về hôn nhân?

19 Nhiều sách báo và phim ảnh kết thúc câu chuyện bằng một đám cưới linh đình và hạnh phúc. Nhưng trong đời sống thực tế, đám cưới chỉ là sự khởi đầu. Ý định của Đức Giê-hô-va là hôn nhân sẽ tồn tại lâu bền.—Sáng thế 2:24.

20 Ngày nay, nhiều người xem hôn nhân chỉ là sắp đặt tạm thời. Người ta dễ dàng kết hôn và cũng dễ dàng ly dị. Một số người nghĩ nếu hôn nhân gặp vấn đề thì họ có thể bỏ người hôn phối và chấm dứt hôn nhân. Nhưng hãy nhớ hình ảnh trong Kinh Thánh về sợi dây chắc chắn được tạo thành bởi ba tao bện chặt vào nhau. Sợi dây như thế sẽ không bị đứt ngay cả khi phải chịu lực rất lớn. Vậy khi chúng ta hướng đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ, hôn nhân của chúng ta có thể tồn tại lâu bền. Chúa Giê-su nói: “Những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ”.—Ma-thi-ơ 19:6.

21. Điều gì sẽ giúp hai vợ chồng yêu thương nhau?

21 Ai trong chúng ta cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Chúng ta thường có khuynh hướng tập trung vào khuyết điểm của người khác, nhất là của người hôn phối. Nhưng nếu làm thế, chúng ta sẽ không hạnh phúc. Trái lại, nếu tập trung vào những đức tính tốt của người hôn phối, chúng ta có thể có một hôn nhân hạnh phúc. Có quan điểm như thế về người hôn phối bất toàn có thực tế không? Chắc chắn có! Đức Giê-hô-va biết chúng ta là người bất toàn, mắc nhiều lầm lỗi, nhưng ngài tập trung vào những đức tính tốt của chúng ta. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu ngài không làm thế! Người viết Thi thiên nói: “Lạy Gia, nếu ngài để ý lầm lỗi thì Đức Giê-hô-va ôi, còn ai đứng nổi?” (Thi thiên 130:3). Những người chồng và người vợ có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách tìm điểm tốt nơi người hôn phối và nhanh chóng tha thứ.—Đọc Cô-lô-se 3:13.

22, 23. Áp-ra-ham và Sa-ra nêu gương tốt nào cho các cặp vợ chồng?

22 Hôn nhân có thể trở nên bền chặt hơn qua năm tháng. Áp-ra-ham và Sa-ra có một hôn nhân lâu bền và hạnh phúc. Khi Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham rời bỏ nhà cửa ở thành U-rơ, lúc đó có lẽ Sa-ra đã hơn 60 tuổi. Hãy hình dung việc phải rời ngôi nhà thoải mái để sống trong lều khó khăn thế nào đối với Sa-ra. Nhưng Sa-ra là người bạn đời tốt và rất tôn trọng chồng. Bà đã ủng hộ các quyết định của Áp-ra-ham, giúp cho những quyết định ấy được thành công.—Sáng thế 18:12; 1 Phi-e-rơ 3:6.

23 Dĩ nhiên, một hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là hai vợ chồng luôn đồng ý với nhau về mọi điều. Có lần khi Áp-ra-ham không đồng ý với Sa-ra, Đức Giê-hô-va phán với ông: “Hãy nghe vợ con”. Áp-ra-ham đã làm thế và điều đó mang lại kết quả tốt (Sáng thế 21:9-13). Nếu có lúc bạn và người hôn phối bất đồng ý kiến thì đừng nản lòng. Điều quan trọng là khi bất đồng xảy ra, cả hai vẫn đối xử với nhau cách yêu thương và tôn trọng.

Hãy để Lời Đức Chúa Trời đóng vai trò quan trọng trong đời sống hôn nhân của bạn ngay từ ban đầu

24. Làm thế nào hôn nhân của chúng ta có thể mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va?

24 Hội thánh đạo Đấng Ki-tô có hàng ngàn cặp vợ chồng hạnh phúc. Nếu bạn có ước muốn kết hôn, hãy nhớ rằng việc chọn bạn đời là một trong những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến suốt quãng đời còn lại của bạn, vì vậy hãy tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Nếu làm thế, bạn sẽ có thể chọn người hôn phối cách khôn ngoan, chuẩn bị tốt cho hôn nhân, và xây dựng một hôn nhân vững bền, đầy yêu thương, qua đó mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va.