Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 2

Một lương tâm tốt trước mắt Đức Chúa Trời

Một lương tâm tốt trước mắt Đức Chúa Trời

“Hãy gìn giữ một lương tâm tốt”.—1 PHI-E-RƠ 3:16.

1, 2. Tại sao bạn cần sự hướng dẫn khi đi ở một nơi xa lạ? Đức Giê-hô-va ban điều gì để hướng dẫn chúng ta?

 Hãy hình dung bạn đang băng qua một sa mạc mênh mông. Khung cảnh sa mạc thay đổi liên tục vì gió mạnh thổi cát theo các hướng khác nhau. Bạn rất dễ bị lạc. Làm sao bạn biết nên đi hướng nào? Bạn cần được hướng dẫn, có thể là nhờ la bàn, mặt trời và các vì sao, bản đồ, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hoặc một người biết rõ về sa mạc ấy. Sự hướng dẫn rất quan trọng vì có thể giúp bạn đi đúng hướng và được cứu sống.

2 Ai trong chúng ta cũng phải đương đầu với những thử thách trong đời sống, và đôi khi chúng ta cảm thấy dễ bị mất phương hướng. Nhưng để hướng dẫn chúng ta, Đức Giê-hô-va đã ban cho mỗi người một lương tâm (Gia-cơ 1:17). Hãy xem lương tâm là gì và nó hoạt động thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào để rèn luyện lương tâm, tại sao chúng ta nên để ý đến lương tâm của người khác và tại sao một lương tâm trong sạch có thể giúp đời sống của chúng ta tốt hơn.

LƯƠNG TÂM LÀ GÌ VÀ NÓ HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?

3. Lương tâm là gì?

3 Lương tâm là một món quà tuyệt vời đến từ Đức Giê-hô-va. Đó là khả năng nhận thức điều đúng và điều sai. Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “lương tâm” có nghĩa là “tự mình hiểu về mình”. Khi lương tâm hoạt động tốt, nó giúp chúng ta xem xét con người thật của mình và đánh giá trung thực về những suy nghĩ cũng như cảm xúc sâu kín nhất trong lòng. Nó cũng có thể hướng dẫn chúng ta làm điều tốt và tránh xa điều xấu. Ngoài ra, lương tâm có thể khiến chúng ta cảm thấy thanh thản vì đã quyết định đúng hoặc bị dằn vặt vì đã quyết định sai.—Xin xem Phụ lục 5.

4, 5. (a) Điều gì xảy ra khi A-đam và Ê-va lờ đi tiếng nói của lương tâm? (b) Một số ví dụ nào trong Kinh Thánh cho thấy cách hoạt động của lương tâm?

4 Mỗi chúng ta đều có thể chọn lắng nghe tiếng nói của lương tâm hay không. A-đam và Ê-va đã chọn không nghe theo lương tâm của mình, và hậu quả là họ phạm tội. Sau đó, họ cảm thấy bị dằn vặt nhưng đã quá trễ. Họ đã bất tuân với Đức Giê-hô-va (Sáng thế 3:7, 8). Dù có lương tâm hoàn hảo và biết rằng cãi lời Đức Chúa Trời là sai nhưng họ chọn lờ đi tiếng nói của lương tâm.

5 Trái lại, nhiều người bất toàn đã lắng nghe lương tâm của mình. Gióp nêu gương tốt về điều này. Vì có những quyết định khôn ngoan nên ông có thể nói: “Hễ tôi còn sống, lòng tôi sẽ không lên án mình” (Gióp 27:6). Khi nhắc tới “lòng”, Gióp đang nói đến lương tâm của mình, tức khả năng nhận thức điều đúng và điều sai. Mặt khác, có những lần Đa-vít đã không lắng nghe lương tâm và bất tuân với Đức Giê-hô-va. Nhưng sau đó, ‘lòng ông tự trách’, tức bị dằn vặt (1 Sa-mu-ên 24:5). Trong trường hợp này, lương tâm đã cho Đa-vít biết điều ông làm là sai. Nhờ lắng nghe lương tâm, ông học được cách để tránh tái phạm lỗi lầm tương tự.

6. Tại sao có thể nói lương tâm là món quà mà Đức Chúa Trời ban cho mọi người?

6 Ngay cả những người không biết Đức Giê-hô-va cũng nhận biết một số điều nào đó là đúng hay sai. Kinh Thánh nói: “Bởi tư tưởng của mình mà họ bị cáo buộc hoặc ngay cả được bào chữa” (Rô-ma 2:14, 15). Chẳng hạn, phần lớn người ta đều biết rằng giết người hoặc trộm cắp là sai. Dù có lẽ không ý thức nhưng thật ra họ đang lắng nghe lương tâm của mình, là khả năng nhận thức điều đúng và điều sai mà Đức Giê-hô-va đặt vào lòng họ. Họ cũng đang làm theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời, hay những sự thật cơ bản mà ngài ban hầu giúp một người có lựa chọn khôn ngoan trong đời sống.

7. Tại sao đôi khi lương tâm của chúng ta có thể sai lầm?

7 Nhưng đôi khi lương tâm của chúng ta có thể sai lầm. Chẳng hạn, nó có thể bị những ý tưởng và cảm xúc bất toàn của chính chúng ta làm cho lệch lạc và dẫn chúng ta đi sai hướng. Một lương tâm tốt không phải tự nhiên mà có (Sáng thế 39:1, 2, 7-12). Nó cần được rèn luyện. Để giúp chúng ta làm điều này, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta thần khí thánh và các nguyên tắc Kinh Thánh (Rô-ma 9:1). Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể rèn luyện lương tâm.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM?

8. (a) Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến lương tâm của chúng ta như thế nào? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì trước khi đưa ra một quyết định?

8 Một số người cho rằng lắng nghe lương tâm có nghĩa là hành động theo cảm xúc của mình. Họ nghĩ mình có thể làm mọi điều mình muốn miễn là không cảm thấy áy náy. Vì là người bất toàn nên cảm xúc của chúng ta không luôn đáng tin cậy, có thể khiến mình lầm lạc. Nó có thể trở nên rất mạnh và ảnh hưởng đến lương tâm của chúng ta. Kinh Thánh nói: “Lòng là gian trá hơn hết và thật khó lường. Ai có thể biết được lòng?” (Giê-rê-mi 17:9). Vì thế, có thể chúng ta bắt đầu nghĩ điều sai là đúng. Chẳng hạn, trước khi Phao-lô trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, ông bắt bớ dân Đức Chúa Trời dữ dội và nghĩ rằng điều mình làm là đúng. Theo quan điểm của ông thì ông có một lương tâm tốt. Nhưng sau này, ông nói: “Đấng tra xét tôi là Đức Giê-hô-va” (1 Cô-rinh-tô 4:4; Công vụ 23:1; 2 Ti-mô-thê 1:3). Khi Phao-lô biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về điều ông làm, ông nhận ra mình cần thay đổi. Vậy trước khi làm điều gì đó, chúng ta cần tự hỏi: “Đức Giê-hô-va muốn mình làm gì?”.

9. Kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì?

9 Khi yêu thương ai đó, bạn không muốn làm người ấy buồn. Tương tự, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta kính sợ ngài, tức sợ làm ngài buồn lòng. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời phải chi phối cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thấy điều này trong trường hợp của Nê-hê-mi. Ông đã không lợi dụng chức quan tổng đốc để làm giàu. Tại sao? Ông cho biết đó là vì ông “kính sợ Đức Chúa Trời” (Nê-hê-mi 5:15). Nê-hê-mi không muốn làm điều gì khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng. Giống như Nê-hê-mi, chúng ta cũng sợ làm buồn lòng Đức Giê-hô-va, vì thế chúng ta cố gắng tránh làm điều sai trái. Qua việc đọc Kinh Thánh, chúng ta biết được điều gì làm hài lòng Đức Giê-hô-va.—Xin xem Phụ lục 6.

10, 11. Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng liên quan đến rượu bia?

10 Chẳng hạn, một tín đồ có lẽ cần quyết định sẽ uống rượu bia hay không. Những nguyên tắc nào sẽ giúp người ấy đưa ra quyết định đúng? Hãy xem vài nguyên tắc: Kinh Thánh không lên án việc uống rượu. Thực tế, Kinh Thánh cho biết rượu là món quà đến từ Đức Chúa Trời (Thi thiên 104:14, 15). Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ không nên “say sưa” (Lu-ca 21:34). Phao-lô cũng khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô hãy tránh “những cuộc truy hoan trác táng, say sưa” (Rô-ma 13:13). Ông cho biết kẻ say sưa “sẽ chẳng được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời”.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.

11 Một tín đồ cần tự hỏi: “Rượu bia quan trọng với mình đến mức nào? Mình có cần đến nó để thư giãn hoặc để cảm thấy tự tin hơn không? Mình có kiểm soát được liều lượng và số lần uống rượu bia không? * Mình có cần phải có rượu bia thì cuộc họp mặt với bạn bè mới vui không?”. Chúng ta cũng có thể xin Đức Giê-hô-va giúp mình đưa ra quyết định khôn ngoan. (Đọc Thi thiên 139:23, 24). Khi làm thế, chúng ta đang rèn luyện lương tâm để nhạy bén nhận ra các nguyên tắc Kinh Thánh. Nhưng việc rèn luyện lương tâm bao hàm nhiều hơn thế.

TẠI SAO CẦN ĐỂ Ý ĐẾN LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI KHÁC?

12, 13. Tại sao lương tâm của mỗi người mỗi khác? Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự khác biệt đó?

12 Lương tâm của mỗi người mỗi khác. Lương tâm của bạn có thể cho phép bạn làm một điều nào đó nhưng lương tâm của người khác thì không. Chẳng hạn, bạn nghĩ mình có thể uống rượu bia, trong khi người khác nghĩ là họ không nên uống. Tại sao lại có sự khác biệt như thế?

Một lương tâm được rèn luyện có thể giúp bạn quyết định sẽ uống rượu bia hay không

13 Lương tâm của một người thường bị ảnh hưởng bởi môi trường lớn lên, quan điểm của gia đình, trải nghiệm trong đời sống và những yếu tố khác. Về vấn đề rượu bia, có lẽ một người từng phải tranh đấu để tự chủ bản thân nên họ quyết định không uống (1 Các vua 8:38, 39). Vậy nếu bạn mời một người uống rượu bia nhưng người ấy từ chối, bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn có cảm thấy phật lòng không? Bạn có cố ép người ấy uống không? Bạn có buộc người ấy phải cho biết lý do không? Hẳn là không, vì bạn tôn trọng lương tâm của người ấy.

14, 15. Tình huống nào xảy ra vào thời của Phao-lô? Phao-lô đưa ra lời khuyên hữu ích nào?

14 Vào thời sứ đồ Phao-lô, một tình huống đã nảy sinh cho thấy mỗi người có thể có lương tâm khác nhau. Một số loại thịt bán ngoài chợ đã được dùng trong sự thờ phượng sai lầm và dâng cho thần tượng (1 Cô-rinh-tô 10:25). Phao-lô nghĩ rằng mua loại thịt đó để ăn không có gì sai. Đối với ông, mọi loại thức ăn đều đến từ Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, một số tín đồ từng thờ thần tượng thì có quan điểm khác. Họ cảm thấy ăn loại thịt ấy là không đúng. Liệu Phao-lô có suy nghĩ: “Lương tâm mình không áy náy khi ăn loại thịt ấy. Mình có quyền ăn thứ mình muốn”?

15 Phao-lô không suy nghĩ như thế. Cảm xúc của anh em đồng đạo quan trọng với ông đến mức ông sẵn sàng từ bỏ một số quyền cá nhân. Phao-lô khuyên chúng ta “chớ làm hài lòng mình”. Ông nói thêm: “Vì ngay cả Đấng Ki-tô cũng không làm hài lòng mình” (Rô-ma 15:1, 3). Giống như Chúa Giê-su, Phao-lô quan tâm đến người khác hơn là bản thân.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:13; 10:23, 24, 31-33.

16. Tại sao chúng ta không nên xét đoán người khác khi lương tâm của họ cho phép họ làm một điều gì đó?

16 Nhưng nói sao nếu lương tâm của một người cho phép người ấy làm điều mà chúng ta nghĩ là sai? Chúng ta cần cẩn thận để không chỉ trích và khăng khăng cho rằng mình đúng còn người kia sai. (Đọc Rô-ma 14:10). Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta lương tâm để xét đoán mình, chứ không phải xét đoán người khác (Ma-thi-ơ 7:1). Chúng ta không bao giờ muốn lựa chọn của mình gây chia rẽ trong hội thánh. Thay vì thế, chúng ta tìm cách để đẩy mạnh tình yêu thương và sự hợp nhất.—Rô-ma 14:19.

LƯƠNG TÂM TỐT MANG LẠI NHỮNG LỢI ÍCH NÀO?

17. Điều gì đã xảy ra với lương tâm của một số người?

17 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy gìn giữ một lương tâm tốt” (1 Phi-e-rơ 3:16). Đáng buồn là khi người ta tiếp tục lờ đi nguyên tắc của Đức Giê-hô-va thì lương tâm của họ không còn cảnh báo họ nữa. Phao-lô nói rằng một lương tâm như thế bị “chai cứng như vết sẹo của dấu sắt nung” (1 Ti-mô-thê 4:2). Bạn đã bao giờ bị bỏng nặng chưa? Nếu thế thì vết bỏng sẽ để lại sẹo và không còn cảm giác. Nếu một người tiếp tục làm điều sai, lương tâm của người ấy có thể trở nên “chai cứng”, và với thời gian nó sẽ không còn hoạt động.

Một lương tâm tốt có thể hướng dẫn chúng ta trong đời sống, giúp chúng ta có niềm vui và bình an nội tâm

18, 19. (a) Cảm giác day dứt và xấu hổ giúp ích thế nào cho chúng ta? (b) Chúng ta có thể làm gì nếu vẫn còn mặc cảm tội lỗi dù đã ăn năn?

18 Khi chúng ta cảm thấy day dứt, áy náy thì có lẽ lương tâm đang lên tiếng cho biết mình đã làm điều gì đó không đúng. Cảm giác này có thể giúp chúng ta xem xét mình đã làm gì sai và dừng lại. Chúng ta muốn học từ lỗi lầm của mình để tránh tái phạm. Chẳng hạn, dù vua Đa-vít phạm tội nhưng lương tâm đã thôi thúc ông ăn năn. Ông ghét điều mình đã làm và quyết tâm sẽ luôn vâng lời Đức Giê-hô-va. Qua kinh nghiệm của bản thân, Đa-vít có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là đấng “thật tốt, sẵn lòng thứ tha”.—Thi thiên 51:1-19; 86:5; xin xem Phụ lục 7.

19 Tuy vậy, một thời gian dài sau khi đã ăn năn, có thể một người vẫn cảm thấy day dứt về tội lỗi của mình. Mặc cảm tội lỗi có thể khiến người ấy khổ sở và nghĩ rằng mình vô giá trị. Nếu có lúc bạn cảm thấy như thế, hãy nhớ là bạn không thể thay đổi quá khứ. Dù lúc ấy bạn có hiểu rõ điều gì là đúng, điều gì là sai hay không, Đức Giê-hô-va đã hoàn toàn tha thứ cho bạn, và những tội lỗi ấy đã được xóa bỏ. Giờ đây, bạn có vị thế trong sạch trước mắt Đức Giê-hô-va và biết rằng mình đang làm điều đúng. Dù có thể bạn vẫn bị lòng mình lên án, nhưng Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời lớn hơn lòng chúng ta”. (Đọc 1 Giăng 3:19, 20). Điều này có nghĩa là tình yêu thương và sự tha thứ của ngài mạnh hơn bất cứ cảm giác tội lỗi hay xấu hổ nào của chúng ta. Bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho bạn. Khi một người đón nhận sự tha thứ của Đức Giê-hô-va, lương tâm của người ấy sẽ thanh thản và người ấy có thể vui mừng phụng sự ngài.—1 Cô-rinh-tô 6:11; Hê-bơ-rơ 10:22.

20, 21. (a) Sách này được biên soạn để giúp bạn làm gì? (b) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự tự do? Chúng ta nên dùng sự tự do ấy ra sao?

20 Sách này được biên soạn để giúp bạn rèn luyện lương tâm của mình, nhờ thế nó có thể cảnh báo và bảo vệ bạn trong những ngày sau cùng đầy khó khăn. Sách này cũng sẽ giúp bạn áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh vào những khía cạnh khác nhau trong đời sống. Dĩ nhiên, sách này sẽ không liệt kê một danh sách các điều luật liên quan đến mọi tình huống. Chúng ta sống theo “luật pháp của Đấng Ki-tô”, là luật pháp dựa trên nguyên tắc của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 6:2). Đức Giê-hô-va cho chúng ta tự do quyết định dựa trên lương tâm và nguyên tắc thay vì những điều luật được viết thành văn. Tuy nhiên, chúng ta không muốn viện cớ để làm điều sai khi không có luật cụ thể về một tình huống nào đó (2 Cô-rinh-tô 4:1, 2; Hê-bơ-rơ 4:13; 1 Phi-e-rơ 2:16). Thay vì thế, chúng ta dùng sự tự do của mình để thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va.

21 Khi suy ngẫm và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ học được cách vận dụng “khả năng nhận thức” và có lối suy nghĩ giống như Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 5:14). Kết quả là lương tâm của chúng ta được rèn luyện. Nhờ thế, lương tâm sẽ hướng dẫn chúng ta trong đời sống và giúp chúng ta luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

^ Nhiều bác sĩ nói rằng người nghiện rượu bia rất khó để kiểm soát liều lượng. Các bác sĩ khuyên những người như thế nên hoàn toàn kiêng rượu bia.