Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụ lục

Phụ lục

 1 NGUYÊN TẮC

Các điều luật của Đức Chúa Trời dựa trên những nguyên tắc của ngài. Nguyên tắc của Đức Chúa Trời là những sự thật cơ bản được tìm thấy trong Kinh Thánh. Những nguyên tắc này giúp chúng ta hiểu suy nghĩ và cảm xúc của Đức Chúa Trời về các vấn đề, đồng thời giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan trong đời sống và làm điều đúng. Các nguyên tắc ấy đặc biệt hữu ích trong những tình huống mà luật của Đức Chúa Trời không cho biết cụ thể phải làm gì.

Chương 1, đoạn 8

 2 VÂNG LỜI

Vâng lời Đức Giê-hô-va nghĩa là sẵn sàng làm theo những gì ngài phán dặn. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vâng lời ngài bởi vì yêu thương ngài (1 Giăng 5:3). Nếu yêu thương và tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ làm theo lời khuyên của ngài trong mọi trường hợp, ngay cả khi thấy khó làm thế. Vâng lời Đức Giê-hô-va đem lại lợi ích cho chúng ta vì ngài dạy chúng ta cách để có đời sống tốt nhất ngay bây giờ và hứa ban cho chúng ta nhiều ân phước trong tương lai.—Ê-sai 48:17.

Chương 1, đoạn 10

 3 SỰ TỰ DO Ý CHÍ

Đức Giê-hô-va ban cho mỗi người sự tự do ý chí, hay khả năng lựa chọn. Ngài không tạo ra chúng ta giống như rô-bốt (Phục truyền luật lệ 30:19; Giô-suê 24:15). Chúng ta có thể dùng sự tự do của mình để đưa ra những quyết định sáng suốt. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể quyết định thiếu khôn ngoan. Vì có sự tự do ý chí, mỗi chúng ta phải tự quyết định mình có muốn trung thành với Đức Giê-hô-va và chứng tỏ mình thật sự yêu thương ngài hay không.

Chương 1, đoạn 12

 4 TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC

Đức Giê-hô-va đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức, hay sự hướng dẫn, về hành động và hạnh kiểm của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết về những tiêu chuẩn ấy và cách những tiêu chuẩn ấy giúp chúng ta có đời sống tốt nhất (Châm ngôn 6:16-19; 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Những hướng dẫn này giúp chúng ta biết Đức Chúa Trời xem điều gì là đúng, điều gì là sai. Các hướng dẫn ấy cũng dạy chúng ta biết cách đối xử yêu thương và tử tế với người khác, cũng như đưa ra quyết định khôn ngoan. Dù tiêu chuẩn của thế gian ngày càng xuống dốc, tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va vẫn không thay đổi (Phục truyền luật lệ 32:4-6; Ma-la-chi 3:6). Khi sống theo những tiêu chuẩn ấy, chúng ta được bảo vệ khỏi nhiều mối nguy hại về thể chất và tình cảm.

Chương 1, đoạn 17

 5 LƯƠNG TÂM

Lương tâm là khả năng nhận thức điều đúng và điều sai. Đức Giê-hô-va ban cho mỗi chúng ta một lương tâm (Rô-ma 2:14, 15). Để lương tâm có thể hoạt động đúng, chúng ta phải rèn luyện nó theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, lương tâm có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 3:16). Lương tâm có thể lên tiếng cảnh báo khi chúng ta sắp đưa ra một lựa chọn dại dột, hoặc khiến chúng ta day dứt sau khi làm một điều sai. Lương tâm của chúng ta có thể mất đi sự nhạy bén nhưng nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể củng cố lại lương tâm. Một lương tâm tốt đem lại cho chúng ta sự bình an nội tâm và lòng tự trọng.

Chương 2, đoạn 3

 6 KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI

Kính sợ Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta yêu thương và kính trọng ngài đến mức không muốn làm bất cứ điều gì khiến ngài buồn lòng. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời giúp chúng ta làm điều tốt và tránh làm điều xấu (Thi thiên 111:10). Nó thúc đẩy chúng ta cẩn thận lắng nghe mọi điều Đức Giê-hô-va phán. Nó cũng giúp chúng ta giữ lời hứa với ngài vì kính trọng ngài sâu xa. Lòng kính sợ Đức Chúa Trời tác động đến lối suy nghĩ và những lựa chọn hằng ngày của chúng ta, cũng như cách chúng ta đối xử với người khác.

Chương 2, đoạn 9

 7 ĂN NĂN

Ăn năn bao hàm cảm xúc đau buồn vì đã làm một điều sai. Những người yêu mến Đức Chúa Trời cảm thấy rất hối hận khi nhận ra họ đã làm một điều trái với tiêu chuẩn của ngài. Nếu đã làm điều gì sai, chúng ta nên nài xin Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên cơ sở là sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 26:28; 1 Giăng 2:1, 2). Khi thành thật ăn năn và ngưng làm điều sai trái, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ. Chúng ta không cần tiếp tục mặc cảm tội lỗi về những gì mình đã làm trong quá khứ (Thi thiên 103:10-14; 1 Giăng 1:9; 3:19-22). Chúng ta phải cố gắng rút ra bài học từ lỗi lầm, điều chỉnh lối suy nghĩ sai trái và sống phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.

Chương 2, đoạn 18

 8 KHAI TRỪ

Khi một người phạm tội trọng mà không ăn năn và không chịu làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, người ấy không được tiếp tục là thành viên của hội thánh. Người ấy cần bị khai trừ. Khi một người bị khai trừ, chúng ta ngưng kết hợp và không nói chuyện với người đó nữa (1 Cô-rinh-tô 5:11; 2 Giăng 9-11). Sắp đặt về việc khai trừ bảo vệ danh của Đức Giê-hô-va và bảo vệ hội thánh (1 Cô-rinh-tô 5:6). Việc khai trừ cũng là sự sửa dạy có thể giúp một người ăn năn, nhờ thế người ấy có thể trở lại với Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 15:17.

Chương 3, đoạn 19

 9 SỰ CHỈ DẪN VÀ LỜI KHUYÊN

Đức Giê-hô-va yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta. Vì vậy, ngài ban cho chúng ta sự chỉ dẫn và lời khuyên qua Kinh Thánh và qua những người yêu mến ngài. Là người bất toàn, chúng ta rất cần sự giúp đỡ này (Giê-rê-mi 17:9). Khi tôn trọng và lắng nghe những người Đức Giê-hô-va dùng để đưa ra sự hướng dẫn, chúng ta cho thấy mình tôn trọng và muốn vâng lời ngài.—Hê-bơ-rơ 13:7.

Chương 4, đoạn 2

 10 KIÊU NGẠO VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Là người bất toàn, chúng ta dễ trở nên ích kỷ và kiêu ngạo. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phải khiêm nhường. Thường thì chúng ta học được tính khiêm nhường khi so sánh mình với Đức Giê-hô-va và nhận ra mình thật nhỏ bé (Gióp 38:1-4). Một khía cạnh quan trọng khác của tính khiêm nhường là tập nghĩ đến người khác và lợi ích của họ hơn là nghĩ đến bản thân. Sự kiêu ngạo thường khiến một người nghĩ rằng mình hơn người khác. Một người khiêm nhường sẽ thành thật xem xét bản thân và nhận ra cả ưu điểm lẫn nhược điểm của mình. Người ấy không ngại thừa nhận lỗi lầm, xin lỗi và chấp nhận lời đề nghị hay lời khuyên. Người khiêm nhường nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và làm theo chỉ dẫn của ngài.—1 Phi-e-rơ 5:5.

Chương 4, đoạn 4

 11 QUYỀN HÀNH

Quyền hành là quyền ban mệnh lệnh và đưa ra quyết định. Đức Giê-hô-va là đấng có quyền hành cao nhất ở trên trời lẫn dưới đất. Vì đã tạo ra muôn vật, ngài là đấng có quyền lực lớn nhất trong toàn vũ trụ. Ngài luôn dùng quyền hành vì lợi ích của người khác. Đức Giê-hô-va đã giao cho một số người trách nhiệm chăm lo cho chúng ta. Ví dụ, cha mẹ, các trưởng lão trong hội thánh và chính phủ có một số quyền hành, và Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hợp tác với họ (Rô-ma 13:1-5; 1 Ti-mô-thê 5:17). Tuy nhiên, khi luật pháp của con người đi ngược với luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời hơn là loài người (Công vụ 5:29). Khi chấp nhận quyền hành của những người Đức Giê-hô-va dùng, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình tôn trọng sự sắp đặt của ngài.

Chương 4, đoạn 7

 12 TRƯỞNG LÃO

Đức Giê-hô-va dùng các trưởng lão, là những anh có kinh nghiệm, để chăm lo cho hội thánh (Phục truyền luật lệ 1:13; Công vụ 20:28). Những anh này giúp chúng ta giữ mối quan hệ với Đức Giê-hô-va luôn vững mạnh và thờ phượng ngài trong sự hòa thuận và theo cách trật tự (1 Cô-rinh-tô 14:33, 40). Để được bổ nhiệm bởi thần khí thánh, các trưởng lão phải hội đủ những điều kiện cụ thể ghi trong Kinh Thánh (1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9; 1 Phi-e-rơ 5:2, 3). Vì tin cậy và ủng hộ tổ chức của Đức Chúa Trời, chúng ta vui vẻ hợp tác với các trưởng lão.—Thi thiên 138:6; Hê-bơ-rơ 13:17.

Chương 4, đoạn 8

 13 ĐẦU GIA ĐÌNH

Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình. Tuy nhiên, Kinh Thánh giải thích rằng người chồng là đầu của gia đình. Nhưng trong gia đình không có người cha thì người mẹ trở thành người làm đầu. Người làm đầu gia đình có trách nhiệm cung cấp thức ăn, áo mặc và nhà ở cho gia đình. Một điều vô cùng quan trọng là người làm đầu gia đình cần dẫn đầu trong việc giúp gia đình thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ví dụ, người làm đầu phải đảm bảo sao cho gia đình đều đặn dự nhóm họp, tham gia thánh chức và học hỏi Kinh Thánh cùng nhau. Người ấy cũng có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng cho gia đình. Người ấy luôn cố gắng noi gương Chúa Giê-su bằng cách đối xử tử tế và phải lẽ, không bao giờ cay nghiệt hay khắt khe. Điều này góp phần tạo nên bầu không khí yêu thương để mọi thành viên trong gia đình cảm thấy an toàn và phát triển mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.

Chương 4, đoạn 12

 14 HỘI ĐỒNG LÃNH ĐẠO

Hội đồng Lãnh đạo là nhóm người nam có hy vọng lên trời được Đức Chúa Trời dùng để hướng dẫn công việc của dân ngài. Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va đã dùng một hội đồng lãnh đạo để hướng dẫn hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu trong việc thờ phượng và rao giảng (Công vụ 15:2). Ngày nay, một nhóm các anh phụng sự với tư cách Hội đồng Lãnh đạo đang dẫn đầu trong việc hướng dẫn và bảo vệ dân Đức Chúa Trời. Khi đưa ra quyết định, Hội đồng Lãnh đạo dựa trên sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh. Chúa Giê-su gọi nhóm người được xức dầu này là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”.—Ma-thi-ơ 24:45-47.

Chương 4, đoạn 15

 15 TRÙM ĐẦU

Đôi khi một chị có thể được nhờ làm một việc trong hội thánh mà thường do các anh đảm trách. Khi làm công việc đó, chị cho thấy mình tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va bằng cách trùm đầu. Tuy nhiên chị chỉ cần trùm đầu trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ, một chị cần trùm đầu khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh nếu có chồng hoặc một anh đã báp-têm cùng tham dự.—1 Cô-rinh-tô 11:11-15.

Chương 4, đoạn 17

 16 TRUNG LẬP

Trung lập nghĩa là từ chối dính líu đến các vấn đề chính trị (Giăng 17:16). Dân Đức Giê-hô-va ủng hộ Nước của ngài. Chúng ta giữ trung lập trong các vấn đề của thế gian, giống như gương của Chúa Giê-su.

Đức Giê-hô-va lệnh cho chúng ta “vâng lời chính phủ cùng các bậc cầm quyền” (Tít 3:1, 2; Rô-ma 13:1-7). Nhưng luật pháp Đức Chúa Trời cũng dạy rằng chúng ta không được giết người. Vì vậy lương tâm của một tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cho phép người ấy tham gia chiến tranh. Nếu một tín đồ có thể chọn thực hiện nghĩa vụ dân sự để thay thế cho nghĩa vụ quân sự, người ấy phải xem xét lương tâm có cho phép mình làm thế hay không.

Chúng ta chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va vì ngài là Đấng Tạo Hóa. Dù tôn trọng các biểu tượng quốc gia nhưng chúng ta không chào cờ hoặc hát quốc ca (Ê-sai 43:11; Đa-ni-ên 3:1-30; 1 Cô-rinh-tô 10:14). Ngoài ra, vì đứng về phía chính phủ của Đức Giê-hô-va nên mỗi tôi tớ ngài quyết định là không bỏ phiếu cho bất cứ phe phái hoặc ứng cử viên chính trị nào.—Ma-thi-ơ 22:21; Giăng 15:19; 18:36.

Chương 5, đoạn 2

 17 TINH THẦN CỦA THẾ GIAN

Thế gian cổ vũ lối suy nghĩ của Sa-tan. Lối suy nghĩ này rất phổ biến trong vòng những người không yêu mến Đức Giê-hô-va, không noi gương ngài và lờ đi các tiêu chuẩn của ngài (1 Giăng 5:19). Lối suy nghĩ ấy và những hành động mà nó dẫn đến được gọi là tinh thần của thế gian (Ê-phê-sô 2:2). Dân Đức Giê-hô-va cố gắng không để cho tinh thần này chi phối (Ê-phê-sô 6:10-18). Thay vì thế, chúng ta yêu mến các đường lối của Đức Giê-hô-va và nỗ lực có cùng lối suy nghĩ với ngài.

Chương 5, đoạn 7

 18 BỘI ĐẠO

Bội đạo là chống lại chân lý trong Kinh Thánh. Những kẻ bội đạo phản nghịch lại Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, vị Vua được bổ nhiệm của Nước Trời, cũng như tìm cách lôi kéo người khác theo mình (Rô-ma 1:25). Họ muốn gieo rắc mối nghi ngờ trong trí của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Một số người trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã trở thành kẻ bội đạo, và ngày nay cũng có những người như vậy (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Những người trung thành với Đức Giê-hô-va kiên quyết tránh xa kẻ bội đạo. Chúng ta không bao giờ để cho sự tò mò hoặc áp lực của người khác khiến mình đọc hoặc nghe những ý tưởng bội đạo. Chúng ta trung thành với Đức Giê-hô-va và chỉ thờ phượng một mình ngài.

Chương 5, đoạn 9

 19 CHUỘC TỘI

Theo sắp đặt trong Luật pháp Môi-se, nước Y-sơ-ra-ên cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ lỗi lầm của họ bằng cách mang những vật tế lễ chuộc tội là ngũ cốc, dầu và thú vật đến đền thờ. Khi làm thế, dân Y-sơ-ra-ên được nhắc để nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho họ, cả với tư cách một nước lẫn tư cách cá nhân. Sau khi Chúa Giê-su hy sinh mạng sống để che lấp tội lỗi của chúng ta thì không cần đến những vật tế lễ chuộc tội như thế nữa. Chúa Giê-su đã dâng vật tế lễ hoàn hảo “một lần đủ cả”.—Hê-bơ-rơ 10:1, 4, 10.

Chương 7, đoạn 6

 20 TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CỦA THÚ VẬT

Theo Luật pháp Môi-se, dân chúng được phép dùng thú vật làm thức ăn. Họ cũng được lệnh là phải dâng thú vật làm vật tế lễ (Lê-vi 1:5, 6). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ cho phép dân ngài đối xử tàn nhẫn với thú vật (Châm ngôn 12:10). Thật thế, Luật pháp còn chứa đựng những điều luật giúp bảo vệ thú vật để không bị đối xử tàn nhẫn. Dân Y-sơ-ra-ên được lệnh phải chăm sóc tốt cho thú vật.—Phục truyền luật lệ 22:6, 7.

Chương 7, đoạn 6

 21 CÁC CHẤT CHIẾT XUẤT TỪ MÁU VÀ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP Y KHOA

Các chất chiết xuất từ máu. Máu gồm bốn thành phần chính là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Bốn thành phần này có thể được tách ra thành những thành phần nhỏ hơn gọi là các chất chiết xuất từ máu. *

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không chấp nhận tiếp máu toàn phần hoặc một trong bốn thành phần chính của máu. Nhưng họ có nên chấp nhận các chất chiết xuất từ máu không? Kinh Thánh không cung cấp những chi tiết về điều này. Vì vậy, mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tự quyết định dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện.

Một số tín đồ quyết định không nhận bất cứ chất chiết xuất nào từ máu. Có thể họ lý luận rằng Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên đòi hỏi là toàn bộ máu lấy từ con vật phải được đổ ra trên đất.—Phục truyền luật lệ 12:22-24.

Một số tín đồ thì quyết định khác. Lương tâm cho phép họ chấp nhận một số chất chiết xuất từ máu. Có thể họ lý luận rằng những chất chiết xuất nhỏ không còn tượng trưng cho sự sống của người hay thú vật mà người ta đã lấy máu ra.

Khi quyết định nhận hay không nhận các chất chiết xuất từ máu, hãy xem xét những câu hỏi sau:

  • Tôi có biết rằng việc từ chối tất cả các chất chiết xuất từ máu có nghĩa là tôi sẽ không chấp nhận một số thuốc phòng và chữa bệnh hoặc giúp cầm máu không?

  • Làm thế nào tôi có thể giải thích với bác sĩ lý do tôi từ chối hay chấp nhận dùng một hoặc nhiều chất chiết xuất từ máu?

Những phương pháp y khoa. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không hiến máu và cũng không trữ máu trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, có một số phương pháp khác dùng máu của chính bệnh nhân. Mỗi tín đồ phải tự quyết định về việc máu của mình sẽ được sử dụng theo cách nào trong quá trình phẫu thuật, xét nghiệm hoặc điều trị hiện tại. Trong khi những quá trình này được thực hiện, một lượng máu có thể được hoàn toàn tách khỏi bệnh nhân trong một thời gian.—Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 15-10-2000, trang 30, 31.

Chẳng hạn, có một phương pháp gọi là pha loãng máu. Ngay trước khi phẫu thuật, một phần máu của bệnh nhân được dẫn ra khỏi cơ thể và được thay thế bằng chất làm tăng thể tích. Sau đó, máu sẽ được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật hoặc ít lâu sau khi phẫu thuật.

Một phương pháp khác được gọi là thu hồi tế bào máu. Trong phương pháp này, máu của bệnh nhân bị chảy ra trong khi phẫu thuật sẽ được thu hồi lại, làm sạch rồi đưa trở lại cơ thể bệnh nhân trong khi hoặc ít lâu sau khi phẫu thuật.

Mỗi bác sĩ có thể có cách thực hiện những phương pháp này khác nhau một chút. Vì vậy trước khi chấp nhận phẫu thuật, xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị hiện tại thì một tín đồ cần tìm hiểu để biết rõ máu của mình sẽ được sử dụng theo cách nào.

Khi quyết định về những phương pháp y khoa liên quan đến việc dùng máu của chính mình, hãy xem xét những câu hỏi sau:

  • Nếu một lượng máu được dẫn ra khỏi cơ thể và ngay cả có lẽ dòng chảy bị gián đoạn trong một thời gian, thì lương tâm có cho phép tôi xem máu này vẫn thuộc một phần của tôi, và như thế không cần “đổ nó trên đất” không?—Phục truyền luật lệ 12:23, 24.

  • Nếu trong lúc phẫu thuật, một lượng máu của tôi được rút ra, pha trộn với chất khác và truyền lại cơ thể, thì lương tâm tôi được Kinh Thánh rèn luyện có bị cắn rứt không?

  • Tôi có biết rằng khi từ chối mọi phương pháp y khoa có liên quan đến việc dùng chính máu mình có nghĩa là tôi không chấp nhận thử máu, lọc máu hoặc dùng máy tim phổi nhân tạo không?

Trước khi đưa ra quyết định về những chất chiết xuất từ máu và phương pháp trị liệu liên quan đến việc dùng máu của chính mình, chúng ta cần cầu xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và tra cứu kỹ lưỡng (Gia-cơ 1:5, 6). Sau đó, hãy dùng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện để đưa ra quyết định. Chúng ta không nên hỏi người khác là họ sẽ làm gì nếu ở trong trường hợp của mình. Người khác cũng không nên cố tác động đến quyết định của chúng ta.—Rô-ma 14:12; Ga-la-ti 6:5.

Chương 7, đoạn 11

 22 THANH SẠCH VỀ ĐẠO ĐỨC

Thanh sạch về đạo đức nghĩa là hạnh kiểm và hành động của chúng ta thanh sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Thanh sạch về đạo đức liên quan đến lối suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Đức Giê-hô-va lệnh cho chúng ta phải tránh mọi hình thức ô uế về tình dục và sự gian dâm (Châm ngôn 1:10; 3:1). Chúng ta phải kiên quyết làm theo tiêu chuẩn thanh sạch của Đức Giê-hô-va ngay từ trước khi gặp tình huống có thể cám dỗ mình làm điều sai. Chúng ta phải luôn cầu xin Đức Chúa Trời giúp mình giữ tâm trí trong sạch và quyết tâm kháng cự cám dỗ phạm tội vô luân.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10, 18; Ê-phê-sô 5:5.

Chương 8, đoạn 11

 23 HÀNH VI TRÂNG TRÁO VÀ SỰ Ô UẾ

Hành vi trâng tráo là nói năng hoặc hành động theo cách vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và có thái độ không biết xấu hổ. Một người có hành vi như thế cho thấy họ không tôn trọng luật pháp của Đức Chúa Trời. Nếu một người có hành vi trâng tráo thì ủy ban tư pháp sẽ được lập để xem xét vụ việc. Sự ô uế bao gồm nhiều loại hành vi sai trái khác nhau. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, một số vấn đề liên quan đến hành vi ô uế có thể phải được đưa ra để ủy ban tư pháp của hội thánh xem xét.—Ga-la-ti 5:19-21; Ê-phê-sô 4:19; để biết thêm thông tin, xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-7-2006.

Chương 9, đoạn 7; Chương 12, đoạn 10

 24 THỦ DÂM

Theo ý định của Đức Giê-hô-va, quan hệ tình dục là cách trong sạch để thể hiện tình yêu giữa vợ chồng. Tuy nhiên, khi thủ dâm, tức lạm dụng bộ phận sinh dục của mình để thỏa mãn ham muốn nhục dục, một người đang thực hiện tình dục theo cách ô uế. Thói quen này gây hại cho mối quan hệ của người ấy với Đức Giê-hô-va. Nó có thể khơi dậy những ham muốn đồi bại và khiến người ấy có quan điểm lệch lạc về tình dục (Cô-lô-se 3:5). Nếu một người có thói quen ô uế này và thấy khó để từ bỏ thì không nên bỏ cuộc (Thi thiên 86:5; 1 Giăng 3:20). Nếu bạn ở trong trường hợp đó, hãy chân thành cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và xin ngài giúp đỡ. Hãy tránh những điều có thể khơi dậy ý nghĩ ô uế, chẳng hạn như tài liệu khiêu dâm. Hãy tâm sự với cha mẹ đạo Đấng Ki-tô hoặc một người bạn thành thục, tôn trọng luật pháp Đức Giê-hô-va (Châm ngôn 1:8, 9; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; Tít 2:3-5). Bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va thấy và quý trọng nỗ lực của bạn để giữ trong sạch về đạo đức.—Thi thiên 51:17; Ê-sai 1:18.

Chương 9, đoạn 9

 25 TỤC ĐA THÊ

Đa thê là có nhiều hơn một người hôn phối. Đức Giê-hô-va thiết lập hôn nhân là mối quan hệ giữa một người nam và một người nữ. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời cho phép đàn ông có nhiều hơn một vợ, nhưng đây không phải là ý định ban đầu của ngài. Ngày nay, Đức Giê-hô-va không cho phép dân ngài giữ tục đa thê. Một người chồng chỉ được phép có một vợ, và một người vợ cũng chỉ được phép có một chồng.—Ma-thi-ơ 19:9; 1 Ti-mô-thê 3:2.

Chương 10, đoạn 12

 26 LY DỊ VÀ LY THÂN

Ý định của Đức Giê-hô-va là vợ chồng chung sống với nhau trong suốt thời gian họ còn sống (Sáng thế 2:24; Ma-la-chi 2:15, 16; Ma-thi-ơ 19:3-6; 1 Cô-rinh-tô 7:39). Ngài chỉ cho phép ly dị khi một trong hai người phạm tội ngoại tình. Trong trường hợp đó, Đức Giê-hô-va cho người hôn phối vô tội có quyền quyết định có ly dị hay không.—Ma-thi-ơ 19:9.

Có trường hợp một số tín đồ đạo Đấng Ki-tô quyết định ly thân dù người hôn phối không phạm tội gian dâm (1 Cô-rinh-tô 7:11). Dưới đây là vài trường hợp mà một số người xem là lý do để ly thân:

  • Cố tình không cấp dưỡng: Người chồng không chịu chu cấp cho gia đình về vật chất đến mức gia đình không có tiền bạc hay thức ăn.—1 Ti-mô-thê 5:8.

  • Bạo hành về thể xác: Bạo hành về thể xác đến mức người hôn phối cảm thấy sức khỏe hoặc tính mạng của mình bị đe dọa.—Ga-la-ti 5:19-21.

  • Chắc chắn nguy hại đến mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va: Người chồng hoặc người vợ gây khó khăn khiến người hôn phối không thể phụng sự Đức Giê-hô-va.—Công vụ 5:29.

Chương 11, đoạn 19

 27 KHEN VÀ KHÍCH LỆ

Ai trong chúng ta cũng cần được khen và khích lệ (Châm ngôn 12:25; 16:24). Chúng ta có thể dùng những lời tử tế, yêu thương để an ủi và làm người khác vững mạnh. Những lời nói như thế có thể giúp anh em của chúng ta chịu đựng và tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể khó khăn, thử thách (Châm ngôn 12:18; Phi-líp 2:1-4). Nếu một người cảm thấy nản lòng, chúng ta nên lắng nghe với thái độ tôn trọng và cố gắng hiểu cảm xúc của người ấy. Nhờ thế, chúng ta sẽ biết nên nói hay làm gì để trợ giúp (Gia-cơ 1:19). Hãy đặt mục tiêu biết rõ các anh chị em để thật sự hiểu nhu cầu của họ. Khi ấy, bạn sẽ có thể giúp họ đến với Đức Giê-hô-va, nguồn của mọi sự an ủi và khích lệ, nhờ đó họ được lại sức.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.

Chương 12, đoạn 16

 28 ĐÁM CƯỚI

Kinh Thánh không có các điều luật cụ thể về cách tổ chức đám cưới. Quy định pháp luật và phong tục địa phương ở mỗi nơi mỗi khác (Sáng thế 24:67; Ma-thi-ơ 1:24; 25:10; Lu-ca 14:8). Phần quan trọng nhất trong đám cưới là lời hứa nguyện của cô dâu và chú rể trước mắt Đức Giê-hô-va. Nhiều cặp muốn gia đình cùng bạn thân có mặt khi họ hứa nguyện và họ mời một trưởng lão làm bài giảng dựa trên Kinh Thánh. Mỗi cặp có thể tự quyết định có tổ chức tiệc hay không và tổ chức như thế nào sau khi đám cưới diễn ra (Lu-ca 14:28; Giăng 2:1-11). Dù quyết định tổ chức thế nào, một cặp tín đồ nên đảm bảo rằng đám cưới của mình đem lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va (Sáng thế 2:18-24; Ma-thi-ơ 19:5, 6). Các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp họ đưa ra quyết định khôn ngoan (1 Giăng 2:16, 17). Nếu chọn đãi rượu bia trong tiệc, cô dâu và chú rể nên đảm bảo là buổi tiệc được giám sát cẩn thận (Châm ngôn 20:1; Ê-phê-sô 5:18). Nếu quyết định mở nhạc hoặc tổ chức chương trình giải trí, họ nên chắc chắn là những điều ấy đem lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Một cặp tín đồ nên tập trung vào mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời và với nhau thay vì chỉ chú tâm vào ngày cưới.—Châm ngôn 18:22; để biết thêm một số đề nghị, xin xem Tháp Canh ngày 15-10-2006, trang 18-31.

Chương 13, đoạn 18

 29 ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN

Chúng ta muốn đưa ra những quyết định khôn ngoan dựa trên các nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời. Ví dụ, một tín đồ có thể được người hôn phối không phải Nhân Chứng rủ đi dự bữa ăn chung với họ hàng vào một ngày lễ của thế gian. Nếu ở trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì? Nếu lương tâm cho phép bạn đi, bạn có thể giải thích cho người hôn phối rằng mình sẽ không tham gia vào những phong tục ngoại giáo trong bữa ăn. Bạn cũng nên cân nhắc xem liệu người khác có bị vấp ngã không nếu biết mình đi dự bữa ăn.—1 Cô-rinh-tô 8:9; 10:23, 24.

Một trường hợp khác là chủ muốn bạn nhận tiền thưởng trong dịp lễ. Bạn có nên từ chối không? Không nhất thiết. Để quyết định có nhận hay không, hãy xem người chủ có quan điểm nào về điều ấy. Người chủ có xem tiền thưởng là một phần của ngày lễ không? Hay đó chỉ đơn thuần là cách thể hiện lòng quý trọng đối với công sức của nhân viên? Sau khi cân nhắc những điều này và các yếu tố khác, bạn phải tự quyết định có nhận tiền thưởng hay không.

Cũng có thể một người tặng quà cho bạn trong dịp lễ và nói: “Tôi biết bạn không cử hành lễ nhưng tôi vẫn muốn tặng bạn món quà này”. Có thể người ấy muốn thể hiện lòng tử tế với bạn. Mặt khác, có lý do nào đó khiến bạn nghĩ rằng người ấy đang cố thử đức tin của bạn hoặc khiến bạn dính líu đến ngày lễ không? Sau khi suy xét điều này, bạn cần tự quyết định có nhận món quà đó hay không. Trong mọi quyết định của mình, chúng ta muốn có lương tâm trong sạch và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.—Công vụ 23:1.

Chương 13, đoạn 22

 30 VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN KINH DOANH VÀ PHÁP LÝ

Trong đa số trường hợp, nếu mâu thuẫn được nhanh chóng giải quyết trong sự bình an thì sẽ không trở thành vấn đề lớn (Ma-thi-ơ 5:23-26). Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên ưu tiên việc đem lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va và giữ sự hợp nhất trong hội thánh.—Giăng 13:34, 35; 1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

Nếu các tín đồ có mâu thuẫn liên quan đến vấn đề kinh doanh, họ nên cố gắng dàn xếp thay vì đưa nhau ra tòa. Nơi 1 Cô-rinh-tô 6:1-8 ghi lại lời khuyên của sứ đồ Phao-lô về việc anh em đồng đạo kiện cáo nhau. Nếu đưa anh em ra tòa thì sẽ gây tiếng xấu cho Đức Giê-hô-va và hội thánh. Ma-thi-ơ 18:15-17 liệt kê ba bước mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên làm theo để dàn xếp những vụ việc nghiêm trọng, chẳng hạn như buộc tội một người là vu khống hoặc lừa đảo. (1) Trước tiên hai bên cố gắng giải quyết vấn đề riêng với nhau. (2) Nếu không thành công, họ có thể nhờ một hoặc hai tín đồ thành thục trong hội thánh trợ giúp. (3) Kế tiếp nếu cần, họ có thể nhờ các trưởng lão trong hội thánh xử lý vấn đề. Nếu vấn đề đã đến bước thứ ba, các trưởng lão sẽ cố gắng dùng nguyên tắc Kinh Thánh để giúp những người liên quan cùng đi đến thỏa thuận. Nếu những người liên quan không muốn làm theo nguyên tắc Kinh Thánh thì có thể các trưởng lão sẽ phải đưa ra xét xử tư pháp.

Trong vài trường hợp, việc xin tòa án xét xử có thể là điều luật pháp đòi hỏi, chẳng hạn những vụ việc liên quan đến ly dị, quyền nuôi con, tiền cấp dưỡng cho người hôn phối sau khi ly hôn, tiền bồi thường bảo hiểm, vụ phá sản hoặc di chúc. Nếu một tín đồ cần đưa vụ việc ra tòa trong những trường hợp như thế và cố gắng hết sức để giải quyết một cách hòa thuận thì người ấy không làm trái với lời khuyên của Phao-lô.

Nếu xảy ra một tội ác nghiêm trọng, chẳng hạn như hãm hiếp, lạm dụng trẻ em, hành hung, trộm cướp hoặc giết người, thì việc một tín đồ báo cho chính quyền không trái với lời khuyên của Phao-lô.

Chương 14, đoạn 14

 31 NHỮNG THỦ ĐOẠN LỪA GẠT CỦA SA-TAN

Kể từ trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã tìm cách lừa gạt con người (Sáng thế 3:1-6; Khải huyền 12:9). Hắn biết rằng nếu làm lệch lạc lối suy nghĩ của chúng ta thì hắn có thể khiến chúng ta làm điều xấu (2 Cô-rinh-tô 4:4; Gia-cơ 1:14, 15). Sa-tan dùng chính trị, tôn giáo, thương mại, giải trí, giáo dục và nhiều điều khác để cổ xúy lối suy nghĩ của hắn và khiến người ta nghĩ lối suy nghĩ ấy có vẻ chấp nhận được.—Giăng 14:30; 1 Giăng 5:19.

Sa-tan biết hắn không còn nhiều thời gian để lừa gạt người ta, thế nên hắn ra sức lừa được càng nhiều người càng tốt. Hắn đặc biệt nhắm vào những người phụng sự Đức Giê-hô-va (Khải huyền 12:12). Nếu chúng ta không cẩn thận, Ác Quỷ có thể dần dần làm lệch lạc lối suy nghĩ của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 10:12). Ví dụ, Đức Giê-hô-va muốn hôn nhân tồn tại lâu bền (Ma-thi-ơ 19:5, 6, 9). Nhưng nhiều người ngày nay xem hôn nhân là cam kết tạm thời, có thể dễ dàng phá vỡ. Nhiều phim ảnh và chương trình truyền hình cũng cổ vũ ý tưởng đó. Chúng ta phải cẩn thận không để cho quan điểm của thế gian về hôn nhân ảnh hưởng đến mình.

Sa-tan cố lừa gạt chúng ta qua một cách khác, đó là hắn cổ vũ tinh thần độc lập (2 Ti-mô-thê 3:4). Nếu không cẩn thận, có thể chúng ta không còn tôn trọng quyền hành của những người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm. Ví dụ, một anh có thể bắt đầu chống lại sự hướng dẫn của các trưởng lão trong hội thánh (Hê-bơ-rơ 12:5). Hoặc một chị có thể bắt đầu nghi ngờ sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu trong gia đình.—1 Cô-rinh-tô 11:3.

Chúng ta phải quyết tâm không để cho Ác Quỷ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của mình. Thay vì thế, chúng ta muốn bắt chước lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va và tiếp tục “chú tâm đến những điều ở trên cao”.—Cô-lô-se 3:2; 2 Cô-rinh-tô 2:11.

Chương 16, đoạn 9

 32 PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Ai trong chúng ta cũng muốn khỏe mạnh và nhận được sự chăm sóc tốt nhất về y khoa khi bị bệnh (Ê-sai 38:21; Mác 5:25, 26; Lu-ca 10:34). Ngày nay, bác sĩ và những người khác có thể đưa ra nhiều kỹ thuật y học và phương pháp điều trị khác nhau. Khi quyết định sẽ chấp nhận phương pháp điều trị nào, điều quan trọng là chúng ta cần làm theo nguyên tắc Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng chỉ Nước Đức Chúa Trời mới có thể chữa lành cho mình vĩnh viễn. Chúng ta không muốn chú tâm quá mức đến sức khỏe mà lơ là việc thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 33:24; 1 Ti-mô-thê 4:16.

Chúng ta phải cẩn thận tránh bất cứ phương pháp điều trị nào dường như dính líu đến quyền lực của các quỷ (Phục truyền luật lệ 18:10-12; Ê-sai 1:13). Vậy trước khi chấp nhận dùng một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đó, chúng ta cần cố gắng tìm hiểu kỹ điều gì nằm sau nó và nó có liên hệ đến ma thuật hay không (Châm ngôn 14:15). Đừng quên là Sa-tan muốn lừa gạt và khiến chúng ta dính líu đến ma thuật. Dù chỉ nghi ngờ một phương pháp có liên quan đến ma thuật thì tốt nhất cũng nên tránh xa.—1 Phi-e-rơ 5:8.

Chương 16, đoạn 18

^ Có thể một số bác sĩ xem bốn thành phần chính của máu là các chất chiết xuất từ máu. Vì thế, có lẽ bạn cần giải thích tại sao mình quyết định không chấp nhận tiếp máu toàn phần hoặc bốn thành phần chính của máu là hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.