Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 11

Sau ngày cưới

Sau ngày cưới

“Tình yêu thương tồn tại mãi”.​—1 CÔ-RINH-TÔ 13:8.

1, 2. Các vấn đề trong hôn nhân có phải là dấu hiệu cho thấy một hôn nhân đã thất bại không? Hãy giải thích.

 Hôn nhân là món quà từ Đức Giê-hô-va. Món quà này có thể làm đời sống một người hạnh phúc hơn. Dù vậy, hôn nhân nào cũng có vấn đề riêng, thậm chí vấn đề dường như không bao giờ dứt. Điều này có thể khiến vợ chồng không còn cảm thấy gần gũi như trước đây.

2 Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu đôi khi gặp khó khăn trong hôn nhân. Những khó khăn đó không phải là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của chúng ta đã thất bại. Ngay cả những cặp vợ chồng từng gặp vấn đề rất nghiêm trọng cũng đã tìm được những cách để hàn gắn mối quan hệ và củng cố hôn nhân. Những cách đó là gì?

ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NGƯỜI HÔN PHỐI

3, 4. Đôi khi hôn nhân có thể rơi vào hoàn cảnh nào?

3 Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người khác nhau, mỗi người có sở thích, quan điểm và cách làm riêng. Hai vợ chồng cũng có thể có gốc gác và văn hóa khác nhau. Vì thế, cần thời gian và nỗ lực để hai người hiểu rõ về nhau.

4 Với thời gian, người chồng và người vợ có thể bị cuốn theo những mối quan tâm cá nhân khiến họ dần xa cách nhau, như thể mỗi người có đời sống riêng. Điều gì có thể giúp họ xích lại gần nhau?

Lời khuyên của Kinh Thánh là điều thiết yếu để có hôn nhân hạnh phúc

5. (a) Điều gì có thể giúp một tín đồ gần gũi hơn với người bạn đời? (b) Theo Hê-bơ-rơ 13:4, chúng ta nên có quan điểm nào về hôn nhân?

5 Đức Giê-hô-va cung cấp lời khuyên tuyệt vời có thể giúp bạn và người hôn phối đến gần với ngài, cũng như đến gần nhau hơn (Thi thiên 25:4; Ê-sai 48:17, 18). Ngài nói: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân” (Hê-bơ-rơ 13:4). Nếu tôn trọng một điều, bạn sẽ xem điều ấy là đáng quý và có giá trị. Bạn sẽ bảo vệ, thay vì coi thường nó. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có quan điểm như vậy về hôn nhân.

TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÓ THỂ GIÚP HÔN NHÂN CỦA BẠN

6. Ma-thi-ơ 19:4-6 cho chúng ta biết Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về hôn nhân?

6 Đức Giê-hô-va là đấng đã thiết lập cuộc hôn nhân đầu tiên. Con ngài là Chúa Giê-su nói: “Các ông chưa đọc điều này sao: Từ ban đầu, đấng tạo ra con người đã làm nên người nam và người nữ rồi phán: ‘Bởi vậy, người nam sẽ rời cha mẹ và gắn bó với vợ mình, hai người sẽ trở nên một’? Như thế họ không còn là hai nữa nhưng là một mà thôi. Vậy, những ai mà Đức Chúa Trời đã tác hợp thì loài người không được phân rẽ” (Ma-thi-ơ 19:4-6). Ngay từ ban đầu, Đức Giê-hô-va đã có ý định là hôn nhân sẽ tồn tại lâu bền. Ngài muốn các thành viên trong gia đình gần gũi với nhau và cùng vui hưởng cuộc sống hạnh phúc.

7. Làm thế nào hai vợ chồng có thể củng cố hôn nhân?

7 Tuy nhiên, các cặp vợ chồng ngày nay phải đương đầu với nhiều căng thẳng và áp lực hơn bao giờ hết. Đôi khi họ chịu áp lực lớn đến mức họ nghĩ rằng không thể cứu vãn hôn nhân và muốn bỏ cuộc. Nhưng khi hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va về hôn nhân, chúng ta có thể củng cố hôn nhân của mình.—1 Giăng 5:3.

8, 9. (a) Chúng ta nên làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về hôn nhân ngay cả trong hoàn cảnh nào? (b) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình xem hôn nhân là quý giá?

8 Sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va luôn đem lại lợi ích cho chúng ta. Như đã xem ở trên, ngài khuyên chúng ta “phải tôn trọng hôn nhân” (Hê-bơ-rơ 13:4; Truyền đạo 5:4). Nếu làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va ngay cả khi không dễ, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được lợi ích.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3; Hê-bơ-rơ 6:10.

9 Vì xem hôn nhân là quý giá, chúng ta muốn tránh nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể gây hại cho hôn nhân. Thay vì thế, chúng ta muốn thắt chặt mối quan hệ với bạn đời. Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

TÔN TRỌNG HÔN NHÂN QUA LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

10, 11. (a) Một số hôn nhân có vấn đề nghiêm trọng nào? (b) Tại sao cách chúng ta nói năng với người hôn phối rất quan trọng?

10 Một người có thể khiến bạn đời bị tổn thương qua nhiều cách. Chúng ta biết rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bao giờ được đánh hoặc làm bất cứ điều gì khiến người hôn phối bị tổn hại về thể chất. Tuy nhiên, chúng ta có thể khiến bạn đời bị tổn thương qua lời nói của mình. Lời nói có thể trở thành vũ khí lợi hại. Một phụ nữ tâm sự: “Chồng tôi dùng lời nói để ‘tra tấn’ tôi. Trên mình tôi không bị bầm tím, nhưng những lời lăng mạ của anh ấy như ‘Đồ ăn bám!’ hay ‘Đồ vô dụng!’ đã để lại trong tôi những vết thương lòng sâu sắc”. Một người chồng kể lại là vợ anh luôn chửi rủa và dùng lời nói để hạ thấp anh. Anh nói: “Cô ấy nói nặng đến mức tôi không dám lặp lại những lời ấy với ai. Đó là lý do tôi không thể nói chuyện với cô ấy và thường ở lại chỗ làm trễ. Thà ở lại còn an toàn hơn là về nhà”. Những lời xúc phạm, tức những lời thô lỗ và thiếu tử tế gây tổn thương, rất phổ biến ngày nay.

11 Nếu vợ chồng nói năng cay nghiệt với nhau thì sẽ gây ra những vết thương lòng khó mà chữa lành. Chắc chắn Đức Giê-hô-va không muốn vợ chồng đối xử với nhau như thế. Nhưng có thể chúng ta đang làm bạn đời bị tổn thương mà không nhận ra. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình đối xử tử tế với bạn đời, nhưng người ấy thì cảm thấy thế nào? Nếu điều bạn nói khiến người hôn phối bị tổn thương, bạn có sẵn sàng thay đổi không?—Ga-la-ti 5:15; đọc Ê-phê-sô 4:31.

12. Điều gì có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va?

12 Đức Giê-hô-va quan tâm đến cách bạn nói năng với người hôn phối, dù là trước mặt người khác hay khi chỉ có hai người. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:7). Gia-cơ 1:26 nhắc nhở chúng ta: “Nếu ai nghĩ mình là người thờ phượng Đức Chúa Trời mà không biết kìm giữ lưỡi mình thì người ấy đang lừa dối lòng mình, và sự thờ phượng của người ấy là vô ích”.

13. Một người có thể khiến người hôn phối bị tổn thương qua cách nào khác?

13 Mỗi người cũng nên nhạy bén để ý đến cảm xúc của bạn đời qua một số cách khác nữa. Chẳng hạn, người hôn phối sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn bắt đầu dành nhiều thời gian cho một người khác? Dù có thể có lý do chính đáng, chẳng hạn như cùng người ấy tham gia thánh chức hoặc giúp họ giải quyết vấn đề, nhưng liệu người hôn phối có cảm thấy bị tổn thương không? Một chị kể: “Biết chồng dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho một chị khác trong hội thánh khiến tôi bị tổn thương. Tôi cảm thấy mình bị xem thường”.

14. (a) Chúng ta học được sự thật cơ bản nào nơi Sáng thế 2:24? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?

14 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta có trách nhiệm đối với cha mẹ và anh chị em trong hội thánh. Dù vậy, khi kết hôn, trách nhiệm của chúng ta với bạn đời là điều ưu tiên. Đức Giê-hô-va nói rằng người chồng sẽ “gắn bó với vợ mình” (Sáng thế 2:24). Cảm xúc của bạn đời phải là điều quan trọng với chúng ta. Vậy hãy tự hỏi: “Mình có dành đủ thời gian, sự quan tâm và tình yêu thương mà người hôn phối cần và xứng đáng nhận được không?”.

15. Tại sao những tín đồ đã kết hôn không nên quá gần gũi với người không phải là vợ hay chồng mình?

15 Nếu chúng ta quá gần gũi với một người không phải là vợ hay chồng mình thì sẽ gây ra căng thẳng trong hôn nhân. Dần dần chúng ta có thể nảy sinh tình cảm lãng mạn với người ấy (Ma-thi-ơ 5:28). Những cảm xúc này có thể phát triển và khiến bạn có hành động thiếu tôn trọng hôn nhân.

“ĐỪNG ĐỂ MỐI QUAN HỆ HÔN NHÂN BỊ Ô UẾ”

16. Kinh Thánh đưa ra mệnh lệnh nào liên quan đến hôn nhân?

16 Sau khi khuyên chúng ta “phải tôn trọng hôn nhân”, Kinh Thánh nói: “Đừng để mối quan hệ hôn nhân bị ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ kết án người gian dâm lẫn kẻ ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Cụm từ “mối quan hệ hôn nhân” trong câu này nói đến quan hệ tình dục giữa vợ và chồng (Châm ngôn 5:18). Làm thế nào chúng ta cho thấy mình tôn trọng và không làm cho mối quan hệ này bị ô uế?

17. (a) Nhiều người ngày nay có quan điểm nào về việc ngoại tình? (b) Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có quan điểm nào về việc ngoại tình?

17 Một số người ngày nay xem việc ngoại tình là không có gì sai trái. Chúng ta không nên để cho tinh thần đó ảnh hưởng đến mình. Đức Giê-hô-va cho thấy rõ là ngài ghét sự gian dâm và việc ngoại tình. (Đọc Rô-ma 12:9; Hê-bơ-rơ 10:31; 12:29). Nếu ăn nằm với một người không phải là vợ hay chồng mình, chúng ta sẽ làm cho hôn nhân bị ô uế. Chúng ta sẽ cho thấy mình không tôn trọng tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ với ngài. Vì vậy, chúng ta cần tránh ngay từ đầu những điều có thể dẫn đến việc ngoại tình, bao gồm những ý tưởng sai trái về người khác.—Gióp 31:1.

18. (a) Có điểm tương đồng nào giữa tội ngoại tình và tội thờ thần giả? (b) Đức Giê-hô-va xem tội ngoại tình như thế nào?

18 Theo Luật pháp Môi-se được ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, ngoại tình là một tội vô cùng nghiêm trọng, tương đương với tội thờ thần giả. Hình phạt của cả hai tội này đều là án tử hình (Lê-vi 20:2, 10). Tội ngoại tình có điểm gì tương đồng với tội thờ thần giả? Nếu một người Y-sơ-ra-ên thờ thần giả thì người ấy đang phá vỡ lời hứa giữ trung thành với Đức Giê-hô-va. Còn nếu phạm tội ngoại tình, người ấy đang phá vỡ lời hứa giữ chung thủy với bạn đời (Xuất Ai Cập 19:5, 6; Phục truyền luật lệ 5:9; đọc Ma-la-chi 2:14). Rõ ràng, vào thời xưa, Đức Giê-hô-va xem ngoại tình là một tội vô cùng nghiêm trọng.

19. Điều gì có thể giúp chúng ta quyết tâm không phạm tội ngoại tình?

19 Còn ngày nay thì sao? Dù chúng ta không còn ở dưới Luật pháp Môi-se nhưng quan điểm của Đức Giê-hô-va về việc ngoại tình vẫn không thay đổi. Chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ thờ thần giả, cũng vậy, chúng ta không bao giờ muốn phản bội người hôn phối (Thi thiên 51:1, 4; Cô-lô-se 3:5). Nếu thiếu chung thủy, chúng ta cho thấy mình xem thường hôn nhân và cả Đức Giê-hô-va.—Xin xem Phụ lục 26.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CỦNG CỐ HÔN NHÂN?

20. Sự khôn ngoan có thể đem lại lợi ích nào cho hôn nhân?

20 Làm thế nào bạn có thể củng cố hôn nhân? Lời Đức Chúa Trời nói: “Nhờ sự khôn ngoan, nhà được xây dựng, nhờ sự thông sáng, nó được bền vững” (Châm ngôn 24:3). Một ngôi nhà có thể lạnh lẽo và trống trải hoặc là nơi ấm cúng, thoải mái và an toàn. Điều này cũng tương tự với hôn nhân. Một người khôn ngoan sẽ đảm bảo rằng hôn nhân của mình là mái ấm an toàn và hạnh phúc.

21. Tri thức có thể giúp bạn như thế nào để củng cố hôn nhân?

21 Kinh Thánh nói tiếp về ngôi nhà đó như sau: “Nhờ có tri thức, các phòng đầy ắp đủ loại báu vật vừa tốt vừa quý” (Châm ngôn 24:4). Những điều bạn học từ Lời Đức Chúa Trời có thể giúp bạn cải thiện hôn nhân (Rô-ma 12:2; Phi-líp 1:9). Khi hai vợ chồng bạn cùng đọc Kinh Thánh và ấn phẩm, hãy thảo luận về cách để áp dụng những gì học được. Hãy tìm những cách cụ thể để biểu lộ tình yêu thương và lòng tôn trọng với nhau, cũng như những cách để thể hiện sự tử tế và quan tâm. Cũng hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn vun trồng những đức tính để củng cố hôn nhân và trở nên đáng yêu hơn trong mắt bạn đời.—Châm ngôn 15:16, 17; 1 Phi-e-rơ 1:7.

Hãy tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong buổi thờ phượng của gia đình

22. Tại sao chúng ta nên yêu thương và tôn trọng bạn đời?

22 Chúng ta nên nỗ lực hết sức để đối xử với bạn đời cách yêu thương và tôn trọng. Khi làm thế, hôn nhân của chúng ta sẽ nồng ấm và bền chặt hơn. Quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng.—Thi thiên 147:11; Rô-ma 12:10.