Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 1

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời tồn tại mãi

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời tồn tại mãi

“Yêu thương Đức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài; và điều răn của ngài chẳng hề nặng nề”.—1 GIĂNG 5:3.

1, 2. Tại sao bạn yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời?

 Bạn có yêu thương Đức Chúa Trời không? Có lẽ bạn yêu thương ngài rất nhiều nên đã dâng mình cho ngài. Có thể bạn cảm thấy ngài là Bạn tốt nhất của mình. Nhưng ngay cả trước khi bạn yêu thương Đức Giê-hô-va, ngài đã yêu thương bạn. Kinh Thánh nói: “Chúng ta yêu vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước”.—1 Giăng 4:19.

2 Hãy nghĩ về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm để thể hiện tình yêu thương với chúng ta. Ngài ban cho chúng ta ngôi nhà xinh đẹp là trái đất cùng mọi thứ khác mà chúng ta cần để vui hưởng cuộc sống (Ma-thi-ơ 5:43-48; Khải huyền 4:11). Ngài muốn chúng ta có mối quan hệ tốt với ngài và mở đường cho chúng ta tìm hiểu về ngài. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đang lắng nghe Đức Giê-hô-va. Còn khi chúng ta cầu nguyện thì ngài lắng nghe chúng ta (Thi thiên 65:2). Ngài dùng thần khí thánh mạnh mẽ để hướng dẫn và thêm sức cho chúng ta (Lu-ca 11:13). Thậm chí ngài còn phái người Con yêu dấu xuống đất để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết.—Đọc Giăng 3:16; Rô-ma 5:8.

3. Làm thế nào chúng ta có thể gìn giữ mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

3 Hãy nghĩ đến người bạn thân nhất của bạn, người luôn ở bên bạn cả lúc vui lẫn lúc buồn. Để giữ tình bạn như thế bền chặt đòi hỏi sự nỗ lực. Điều này cũng đúng đối với tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va, người Bạn thân nhất mà chúng ta có thể có. Tình bạn của chúng ta với ngài có thể tồn tại mãi mãi. Vì vậy, Kinh Thánh khuyên chúng ta “giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời” (Giu-đe 21). Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Kinh Thánh cho biết: “Yêu thương Đức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài; và điều răn của ngài chẳng hề nặng nề”.—1 Giăng 5:3.

“YÊU THƯƠNG ĐỨC CHÚA TRỜI” CÓ NGHĨA GÌ?

4, 5. (a) “Yêu thương Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? (b) Tình yêu thương của bạn dành cho Đức Giê-hô-va bắt đầu nảy nở như thế nào?

4 Trong Kinh Thánh, cụm từ “yêu thương Đức Chúa Trời” có nghĩa gì? Cụm từ này nói đến cảm xúc sâu xa mà mỗi cá nhân chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Bạn có nhớ khi mình bắt đầu yêu thương Đức Giê-hô-va không?

Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm, bạn cho thấy mình yêu thương ngài và muốn vâng lời ngài mãi mãi

5 Hãy nhớ lại cảm xúc của mình khi lần đầu biết rằng Đức Giê-hô-va muốn bạn sống mãi mãi trong thế giới mới. Bạn đã học về mọi điều ngài làm để hy vọng này có thể trở thành hiện thực, và bạn nhận ra Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta một món quà vô cùng quý giá khi phái chính Con của ngài xuống đất (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 8:29; Rô-ma 5:12, 18). Khi biết Đức Giê-hô-va yêu thương mình đến mức nào, lòng bạn cảm động và bạn bắt đầu yêu thương ngài.—Đọc 1 Giăng 4:9, 10.

6. Yêu thương một người bao hàm điều gì? Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời đã thúc đẩy bạn làm gì?

6 Tuy nhiên, cảm xúc yêu thương Đức Chúa Trời chỉ là sự khởi đầu. Giống như khi yêu thương một người, chúng ta không chỉ đơn thuần nói: “Mình rất yêu quý bạn”. Nhưng hơn thế, tình yêu thương thôi thúc chúng ta muốn làm những điều khiến bạn mình vui. Tương tự, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thúc đẩy bạn muốn sống theo cách làm đẹp lòng ngài. Khi tình yêu thương ấy lớn mạnh, rất có thể bạn đã dâng mình cho ngài và chịu phép báp-têm. Qua đó, bạn hứa sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va mãi mãi. (Đọc Rô-ma 14:7, 8). Làm thế nào bạn có thể giữ lời hứa đó?

“VÂNG GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN NGÀI”

7. Nếu yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ làm gì? Một số điều răn của ngài là gì?

7 Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta “vâng giữ các điều răn ngài”. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được ngài muốn chúng ta sống như thế nào. Ví dụ, Đức Giê-hô-va cho biết say sưa, trộm cắp, nói dối, ăn nằm với người không phải vợ hay chồng mình, hoặc thờ bất cứ ai hay điều gì ngoài Đức Giê-hô-va là sai trái.—1 Cô-rinh-tô 5:11; 6:18; 10:14; Ê-phê-sô 4:28; Cô-lô-se 3:9.

8, 9. Làm sao để biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì trong những tình huống không có điều luật cụ thể trong Kinh Thánh? Hãy cho ví dụ.

8 Nhưng để làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ vâng theo các điều răn của ngài. Ngài không đưa ra một danh sách dài các điều luật chi phối mọi tình huống trong đời sống. Vì vậy, đôi khi sẽ không có điều luật cụ thể trong Kinh Thánh cho chúng ta biết phải làm gì. Làm thế nào chúng ta có thể quyết định đúng? (Ê-phê-sô 5:17). Kinh Thánh chứa đựng các nguyên tắc, tức những sự thật cơ bản dạy chúng ta về quan điểm của Đức Giê-hô-va. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta hiểu ngài là đấng như thế nào. Chúng ta biết được lối suy nghĩ của ngài, bao gồm những điều ngài yêu chuộng và những điều ngài ghét.—Đọc Thi thiên 97:10; Châm ngôn 6:16-19; xin xem Phụ lục 1.

9 Ví dụ, làm sao để quyết định mình sẽ xem gì trên ti-vi hoặc Internet? Đức Giê-hô-va không nói rõ chúng ta phải làm gì. Nhưng các nguyên tắc ngài ban giúp chúng ta quyết định đúng. Ngày nay, nhiều chương trình giải trí chứa đầy các cảnh vô luân và bạo lực. Qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết là “ngài ghét kẻ nào yêu sự hung bạo” và ngài “sẽ kết án người gian dâm” (Thi thiên 11:5; Hê-bơ-rơ 13:4). Những nguyên tắc này giúp chúng ta như thế nào để đưa ra quyết định đúng? Khi biết Đức Giê-hô-va ghét hoặc xem điều gì đó là sai trái thì chúng ta nên tránh điều ấy.

10, 11. Tại sao chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va?

10 Tại sao chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va? Chúng ta vâng lời không phải chỉ để tránh hình phạt hay những hậu quả do quyết định sai (Ga-la-ti 6:7). Chúng ta làm thế vì yêu thương Đức Giê-hô-va. Như con cái muốn làm cha mình vui, chúng ta muốn làm Cha trên trời vui lòng. Không gì tuyệt vời hơn khi biết rằng ngài hài lòng về chúng ta!—Thi thiên 5:12; Châm ngôn 12:2; xin xem Phụ lục 2.

11 Chúng ta không chỉ vâng lời Đức Giê-hô-va khi dễ làm hoặc vì không có lựa chọn khác. Chúng ta cũng không chọn chỉ vâng theo một số điều luật và tiêu chuẩn, còn số khác thì không (Phục truyền luật lệ 12:32). Thay vì vậy, chúng ta vâng lời ngài tuyệt đối, như người viết Thi thiên đã nói: “Con chuộng các điều răn ngài, thật, con yêu các điều răn ấy” (Thi thiên 119:47; Rô-ma 6:17). Chúng ta cũng muốn giống như Nô-ê, người đã thể hiện tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va bằng cách làm theo mọi điều ngài phán dặn. Kinh Thánh nói rằng Nô-ê “làm y như vậy” (Sáng thế 6:22). Bạn có muốn Đức Giê-hô-va nói như thế về bạn không?

12. Bằng cách nào chúng ta có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va?

12 Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta vâng lời ngài? Chúng ta ‘làm cho lòng ngài vui mừng’ (Châm ngôn 11:20; 27:11). Hãy thử nghĩ, chúng ta có thể làm cho Đấng Tạo Hóa của vũ trụ vui lòng khi vâng lời ngài! Nhưng ngài không bao giờ ép chúng ta phải làm thế. Thay vì vậy, ngài ban cho chúng ta sự tự do ý chí. Điều này có nghĩa là chúng ta có quyền tự do chọn làm điều đúng hoặc điều sai. Đức Giê-hô-va mong muốn rằng tình yêu thương mà chúng ta dành cho ngài sẽ thôi thúc chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan để hưởng được đời sống tốt nhất.—Phục truyền luật lệ 30:15, 16, 19, 20; xin xem Phụ lục 3.

“ĐIỀU RĂN CỦA NGÀI CHẲNG HỀ NẶNG NỀ”

13, 14. Tại sao chúng ta biết điều răn của Đức Chúa Trời không quá khó để vâng theo? Hãy minh họa.

13 Nói sao nếu chúng ta nghĩ rằng điều răn của Đức Giê-hô-va quá khó để vâng theo hoặc sẽ hạn chế sự tự do của mình? Kinh Thánh nói rõ rằng: “Điều răn của ngài chẳng hề nặng nề” (1 Giăng 5:3). Từ Hy Lạp được dịch là “nặng nề” trong câu này cũng được dùng trong một số câu Kinh Thánh khác để nói đến những điều luật vô lý hoặc những người tìm cách kiểm soát và làm hại người khác (Ma-thi-ơ 23:4; Công vụ 20:29, 30). Điều răn của Đức Giê-hô-va chẳng hề “nặng nề”, tức không quá khó để vâng theo. Những gì ngài muốn chúng ta làm luôn luôn hợp lý.

14 Hãy hình dung bạn đang giúp một người bạn chuyển nhà. Người bạn ấy đã xếp hết đồ đạc vào thùng. Một số thùng thì nhẹ và dễ khiêng, nhưng số khác thì nặng đến mức cần hai người khiêng. Liệu người bạn đó có nhờ bạn khiêng một mình những thùng quá nặng không? Hẳn là không! Tại sao? Vì người ấy không muốn bạn bị thương. Như người bạn đó, Đức Giê-hô-va không bao giờ bảo chúng ta phải làm điều gì quá khó (Phục truyền luật lệ 30:11-14). Ngài hiểu chúng ta và “biết rõ chúng ta nắn nên bởi gì, ngài luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất”.—Thi thiên 103:14.

15. Tại sao có thể tin chắc rằng các điều răn của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích cho chúng ta?

15 Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng các điều răn của Đức Giê-hô-va mang lại “lợi ích lâu dài” cho họ, và nếu vâng lời thì họ sẽ được “tiếp tục sống” (Phục truyền luật lệ 5:28-33; 6:24). Ngày nay cũng vậy, mọi điều Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm đều giúp cải thiện đời sống chúng ta. (Đọc Ê-sai 48:17). Cha Giê-hô-va luôn biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta (Rô-ma 11:33). Kinh Thánh nói rằng: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Điều đó có nghĩa là mọi điều Đức Giê-hô-va nói và làm đều xuất phát từ tình yêu thương.

16. Dù là người bất toàn và đang sống trong một thế gian gian ác, tại sao chúng ta có thể vâng lời Đức Chúa Trời?

16 Không phải lúc nào cũng dễ để vâng lời Đức Chúa Trời. Chúng ta đang sống trong thế gian gian ác do Ác Quỷ cai trị. Hắn tìm mọi cách để khiến người ta làm điều xấu (1 Giăng 5:19). Ngoài ra, chúng ta cũng phải đấu tranh với những suy nghĩ và cảm xúc bất toàn, là những điều có thể khiến chúng ta bất tuân với Đức Chúa Trời (Rô-ma 7:21-25). Nhưng tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va cho chúng ta sức mạnh để làm điều đúng. Ngài thấy những nỗ lực của chúng ta để vâng lời ngài, và ngài giúp đỡ chúng ta bằng cách ban thần khí thánh mạnh mẽ (1 Sa-mu-ên 15:22, 23; Công vụ 5:32). Thần khí thánh giúp chúng ta vun trồng những đức tính giúp mình dễ vâng lời Đức Chúa Trời hơn.—Ga-la-ti 5:22, 23.

17, 18. (a) Chúng ta sẽ học điều gì trong sách này? (b) Chúng ta sẽ thảo luận về đề tài nào trong chương kế tiếp?

17 Trong sách này, chúng ta sẽ học cách sống sao cho vừa lòng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng học cách áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức của ngài vào đời sống của chính mình. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ ép chúng ta phải vâng lời ngài. Nếu chọn vâng lời ngài, chúng ta sẽ có đời sống tốt hơn và có một tương lai tuyệt diệu. Quan trọng hơn hết là khi vâng lời, chúng ta cho Đức Chúa Trời thấy mình yêu thương ngài nhiều đến mức nào.—Xin xem Phụ lục 4.

18 Để giúp chúng ta biết điều gì đúng, điều gì sai, Đức Giê-hô-va đã ban cho mỗi chúng ta một lương tâm. Nếu được rèn luyện, lương tâm có thể giúp chúng ta “vâng giữ các điều răn ngài”. Vậy lương tâm là gì và làm thế nào để rèn luyện nó? Chúng ta hãy cùng xem.