Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 6

“Sự kết thúc nay đến trên ngươi”

“Sự kết thúc nay đến trên ngươi”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 7:3

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Những phán quyết mang tính tiên tri nghịch lại Giê-ru-sa-lem được ứng nghiệm

1, 2. (a) Ê-xê-chi-ên có hành động kỳ lạ nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Các hành động của ông báo trước điều gì?

Thông tin về hành động kỳ lạ của nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên nhanh chóng lan truyền trong vòng những người Do Thái bị lưu đày ở xứ Ba-by-lôn. Suốt một tuần ở với họ, nhà tiên tri ngồi thẫn thờ và im lặng, nhưng rồi bỗng nhiên ông đứng dậy và giam mình trong nhà. Trước sự bối rối của những người đang chứng kiến, ông bước ra khỏi nhà, nhặt một viên gạch, đặt trước mặt mình và khắc trên đó một hình. Sau đó, không nói lời nào, Ê-xê-chi-ên bắt đầu xây một cái tường thu nhỏ.—Ê-xê 3:10, 11, 15, 24-26; 4:1, 2.

2 Chắc hẳn càng lúc càng có nhiều người đến xem hành động của Ê-xê-chi-ên. Có lẽ những người chứng kiến đã thắc mắc: “Điều này có ý nghĩa gì?”. Sau này, những người Do Thái bị lưu đày mới hiểu rõ là hành động kỳ lạ của Ê-xê-chi-ên báo trước một sự việc khủng khiếp sắp xảy ra, là biểu hiện về sự phẫn nộ chính đáng của Đức Giê-hô-va. Sự việc đó là gì? Sự việc đó tác động ra sao đến dân Y-sơ-ra-ên, và có ý nghĩa gì với những người thờ phượng thanh sạch thời nay?

“Hãy lấy một viên gạch... lấy lúa mì... lấy một thanh gươm bén”

3, 4. (a) Ê-xê-chi-ên diễn ba khía cạnh nào của án phạt từ Đức Chúa Trời? (b) Ê-xê-chi-ên diễn cảnh Giê-ru-sa-lem bị vây hãm như thế nào?

3 Vào khoảng năm 613 TCN, Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên diễn những dấu hiệu cho thấy ba khía cạnh của án phạt sắp đến với Giê-ru-sa-lem. Đó là thành này bị vây hãm, cư dân trong thành khốn khổ và cả thành lẫn cư dân đều bị hủy diệt. * Hãy xem xét ba khía cạnh này một cách cụ thể.

4 Thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Hãy lấy một viên gạch, đặt trước mặt con... Hãy vây hãm nó”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 4:1-3). Viên gạch tượng trưng cho thành Giê-ru-sa-lem, trong khi chính Ê-xê-chi-ên tượng trưng cho quân Ba-by-lôn được Đức Giê-hô-va dùng. Ê-xê-chi-ên cũng được yêu cầu xây tường thu nhỏ, đắp ụ bao vây và làm các đòn cây phá thành. Rồi ông phải đặt những đòn này xung quanh viên gạch. Chúng tượng trưng cho vũ khí chiến đấu mà kẻ thù của Giê-ru-sa-lem sẽ dùng khi vây hãm và tấn công thành. Để cho thấy sức mạnh như sắt của kẻ thù, Ê-xê-chi-ên phải đặt một khuôn, hay tấm bằng sắt, giữa ông và thành. Sau đó, ông “quay mặt nghịch lại thành”. Những hành động mang tính khiêu chiến này là “dấu hiệu cho nhà Y-sơ-ra-ên” để họ biết rằng một điều không tưởng tượng nổi sắp xảy ra. Đức Giê-hô-va sẽ dùng quân thù để vây hãm Giê-ru-sa-lem, thành quan trọng nhất của dân ngài và cũng là nơi tọa lạc của đền thờ ngài.

5. Hãy miêu tả cách Ê-xê-chi-ên diễn điều sẽ xảy ra với cư dân Giê-ru-sa-lem.

5 Cư dân trong thành Giê-ru-sa-lem khốn khổ. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên: “Con phải lấy lúa mì, lúa mạch, đậu tằm, đậu lăng, hạt kê và lúa mì nâu... và làm bánh”, rồi “cân thức ăn mà ăn, mỗi ngày 20 siếc-lơ”. Rồi ngài cho biết: “Nay ta cắt nguồn lương thực ở Giê-ru-sa-lem” (Ê-xê 4:9-16). Trong cảnh này, Ê-xê-chi-ên không còn tượng trưng cho quân Ba-by-lôn nữa. Thay vì thế, ông đóng vai của cư dân Giê-ru-sa-lem. Hành động của Ê-xê-chi-ên báo trước rằng cuộc vây hãm sẽ khiến cho nguồn lương thực trong thành cạn kiệt dần. Lúc đó, bánh mì được làm từ một hỗn hợp khác thường, điều này cho thấy người ta phải ăn bất cứ thứ gì tìm được. Nạn đói trở nên trầm trọng đến mức nào? Ê-xê-chi-ên nói về cư dân Giê-ru-sa-lem: “Cha mẹ sẽ ăn thịt con cái, con cái sẽ ăn thịt cha mẹ”. Quả thật, nhiều người sẽ khốn khổ vì ‘nạn đói như tên độc’ và cư dân sẽ “chết dần chết mòn”.—Ê-xê 4:17; 5:10, 16.

6. (a) Ê-xê-chi-ên diễn hai vai nào cùng một lúc? (b) Việc Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên “dùng cân chia [râu và tóc]” hàm ý gì?

6 Giê-ru-sa-lem và cư dân trong thành bị hủy diệt. Trong phần này của màn diễn xuất mang tính tiên tri, Ê-xê-chi-ên đóng hai vai cùng một lúc. Trước hết, Ê-xê-chi-ên diễn điều Đức Giê-hô-va sẽ làm. Ngài nói với ông: “Hãy lấy một thanh gươm bén để dùng như dao cạo của thợ hớt tóc”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 5:1, 2). Tay mà Ê-xê-chi-ên dùng để cầm gươm tượng trưng cho tay của Đức Giê-hô-va, tức án phạt của ngài được thi hành qua quân Ba-by-lôn. Kế tiếp, Ê-xê-chi-ên diễn điều mà dân Do Thái sẽ trải qua. Đức Giê-hô-va bảo ông: “Hãy cạo râu và tóc con”. Hành động này tượng trưng cho việc người Do Thái bị tấn công và giết hại. Ngoài ra, mệnh lệnh “dùng cân chia [râu và tóc] thành từng phần” hàm ý rằng án phạt của Đức Giê-hô-va đối với Giê-ru-sa-lem sẽ được thi hành một cách thận trọng và thấu đáo, chứ không phải là tùy tiện.

7. Tại sao Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên chia râu và tóc thành ba phần và xử lý mỗi phần theo cách khác nhau?

 7 Tại sao Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên chia râu và tóc đã cạo thành ba phần và xử lý mỗi phần theo cách khác nhau? (Đọc Ê-xê-chi-ên 5:7-12). Trước mắt những người chứng kiến, Ê-xê-chi-ên đã đốt một phần ở “bên trong thành” để minh họa cho việc một số cư dân Giê-ru-sa-lem sẽ bị chết trong thành. Ê-xê-chi-ên dùng gươm chém phần thứ hai ở “xung quanh thành”, điều này cho thấy những cư dân khác sẽ bị giết ở ngoài thành. Ông rải phần cuối cùng trong gió để minh họa cho việc những cư dân khác nữa của Giê-ru-sa-lem sẽ bị tản mác ra các nước. Nhưng một “gươm” sẽ “đuổi theo” họ, điều này cho thấy dù những người sống sót này ở đâu đi nữa thì họ cũng sẽ không được bình an.

8. (a) Màn diễn xuất của Ê-xê-chi-ên chứa đựng tia hy vọng nào? (b) Lời tiên tri về “một ít” được ứng nghiệm như thế nào?

8 Tuy nhiên, màn diễn xuất của Ê-xê-chi-ên cũng chứa đựng một tia hy vọng. Đối với phần râu và tóc mà nhà tiên tri đã cạo, Đức Giê-hô-va bảo ông: “Con cũng phải lấy một ít... rồi bọc trong vạt áo” (Ê-xê 5:3). Mệnh lệnh này cho thấy một số ít người Do Thái bị tản mác ra các nước sẽ được bảo toàn. Một số người thuộc “một ít” này sẽ nằm trong số những người trở về Giê-ru-sa-lem sau 70 năm lưu đày ở Ba-by-lôn (Ê-xê 6:8, 9; 11:17). Lời tiên tri đó có được ứng nghiệm không? Có. Nhiều năm sau khi cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn chấm dứt, nhà tiên tri Ha-gai cho biết một số người Do Thái bị tản mác đã quay trở về Giê-ru-sa-lem. Họ là “những người lớn tuổi từng thấy nhà trước kia”, tức là đền thờ Sa-lô-môn (Ê-xơ-ra 3:12; Ha-gai 2:1-3). Đức Giê-hô-va bảo toàn sự thờ phượng thanh sạch như ngài đã hứa. Chương 9 sẽ thảo luận kỹ hơn về sự khôi phục này.—Ê-xê 11:17-20.

Lời tiên tri này cho biết điều gì về các biến cố sắp đến?

9, 10. Các màn diễn xuất của Ê-xê-chi-ên giúp chúng ta nhớ đến những biến cố quan trọng nào được báo trước?

9 Những sự việc mà Ê-xê-chi-ên diễn khiến chúng ta nhớ đến các biến cố quan trọng trong tương lai mà Kinh Thánh báo trước. Một số biến cố đó là gì? Như điều đã xảy ra với thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-hô-va sẽ dùng các thế lực của thế gian này để làm điều không tưởng tượng nổi, đó là tấn công tất cả các tổ chức tôn giáo sai lầm trên đất (Khải 17:16-18). Sự hủy diệt Giê-ru-sa-lem là “thảm họa có một không hai”. Tương tự thế, “hoạn nạn lớn” với đỉnh điểm là cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ là một biến cố “chưa từng có”.—Ê-xê 5:9; 7:5; Mat 24:21.

10 Lời Đức Chúa Trời cho biết những người ủng hộ tôn giáo sai lầm sẽ sống sót khi các tổ chức tôn giáo bị hủy diệt. Vì sợ hãi nên họ sẽ cùng người thuộc mọi tầng lớp tìm nơi ẩn nấp (Xa 13:4-6; Khải 6:15-17). Tình thế của họ khiến chúng ta nhớ đến điều xảy ra với cư dân Giê-ru-sa-lem đã sống sót và tản mác “trong gió” khi thành này bị hủy diệt. Như đã thảo luận trong  đoạn 7, dù những người này sống sót trong một thời gian, nhưng Đức Giê-hô-va đã “rút gươm đuổi theo” họ (Ê-xê 5:2). Tương tự, dù sẽ có những người sống sót khi tôn giáo bị tấn công nhưng không nơi ẩn nấp nào có thể che chở họ khỏi gươm của Đức Giê-hô-va. Tại Ha-ma-ghê-đôn, họ sẽ bị hủy diệt cùng với những người cũng bị xét là “dê”.—Ê-xê 7:4; Mat 25:33, 41, 46; Khải 19:15, 18.

Chúng ta sẽ “bị câm” trong việc chia sẻ tin mừng

11, 12. (a) Việc hiểu lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về Giê-ru-sa-lem bị vây hãm tác động thế nào đến quan điểm của chúng ta về thánh chức? (b) Công việc rao giảng và thông điệp của chúng ta có lẽ sẽ có sự thay đổi nào?

11 Việc hiểu lời tiên tri này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về thánh chức và tính cấp bách của công việc ấy? Nhờ hiểu lời tiên tri này, chúng ta thấy mình cần cố gắng hết sức để giúp người khác trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì không còn nhiều thời gian để “đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” (Mat 28:19, 20; Ê-xê 33:14-16). Khi “cái roi” (các thế lực của thế gian) bắt đầu tấn công tôn giáo, chúng ta sẽ không còn rao báo thông điệp cứu rỗi (Ê-xê 7:10). Vào lúc đó, chúng ta sẽ “bị câm” trong việc chia sẻ tin mừng, giống như Ê-xê-chi-ên cũng có những thời điểm trở nên câm lặng hay ngưng rao báo thông điệp (Ê-xê 3:26, 27; 33:21, 22). Sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, người ta sẽ cố gắng “tìm khải tượng từ nhà tiên tri”, nhưng họ sẽ không nhận được chỉ dẫn nào để bảo toàn mạng sống (Ê-xê 7:26). Lúc đó, thời điểm để nhận chỉ dẫn như thế và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su đã qua đi.

12 Tuy nhiên, công việc rao giảng của chúng ta sẽ không dừng lại. Tại sao? Trong hoạn nạn lớn, có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu việc rao báo thông điệp phán xét, là việc được ví như tai vạ mưa đá. Thông điệp ấy sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự kết thúc của thế gian gian ác đã gần kề.—Khải 16:21.

“Này, ngày ấy sắp đến!”

13. Tại sao Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên nằm nghiêng bên trái và sau đó nằm nghiêng bên phải?

13 Ngoài việc báo trước cách Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, màn diễn xuất của Ê-xê-chi-ên cũng cho biết thời điểm điều đó xảy ra. Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên nằm nghiêng bên trái suốt 390 ngày và nằm nghiêng bên phải trong 40 ngày. Mỗi ngày tượng trưng cho một năm. (Đọc Ê-xê-chi-ên 4:4-6; Dân 14:34). Có lẽ Ê-xê-chi-ên dành ra một khoảng thời gian mỗi ngày để diễn cảnh này. Màn diễn xuất đó chỉ ra năm mà Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Ba trăm chín mươi năm tội lỗi của nhà Y-sơ-ra-ên hẳn bắt đầu từ năm 997 TCN, đó là năm mà vương quốc gồm 12 chi phái bị chia làm hai (1 Vua 12:12-20). Trong khi đó, 40 năm tội lỗi của nhà Giu-đa rất có thể bắt đầu từ năm 647 TCN, là năm mà Giê-rê-mi được bổ nhiệm làm nhà tiên tri để cảnh báo vương quốc Giu-đa về sự hủy diệt sắp đến (Giê 1:1, 2, 17-19; 19:3, 4). Vì thế, cả hai giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 607 TCN, chính là năm mà Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ và hủy diệt y như Đức Giê-hô-va báo trước. *

Làm thế nào Ê-xê-chi-ên cho biết chính xác năm mà Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt? (Xem đoạn 13)

14. (a) Làm thế nào Ê-xê-chi-ên cho thấy ông tin cậy Đức Giê-hô-va là đấng giữ đúng kỳ hạn? (b) Những việc gì xảy ra trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt?

14 Vào thời điểm Ê-xê-chi-ên nhận được lời tiên tri về 390 ngày và 40 ngày, có lẽ ông không biết chính xác năm mà Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Dù vậy, trong những năm trước khi thành này bị hủy diệt, ông đã nhiều lần cảnh báo người Do Thái rằng án phạt của Đức Giê-hô-va sắp được thi hành. Ông đã rao báo: “Sự kết thúc nay đến trên ngươi”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 7:3, 5-10). Ê-xê-chi-ên không nghi ngờ việc Đức Giê-hô-va là đấng giữ đúng kỳ hạn (Ê-sai 46:10). Nhà tiên tri này cũng báo trước những việc xảy ra trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt: “Tai họa chồng chất tai họa”. Những việc này dẫn đến sự sụp đổ của các cơ cấu xã hội, tôn giáo và chính phủ.—Ê-xê 7:11-13, 25-27.

Khi Giê-ru-sa-lem bị vây hãm, thành này giống như chiếc nồi được đặt “trên lửa” (Xem đoạn 15)

15. Những phần nào trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên bắt đầu được ứng nghiệm từ năm 609 TCN trở đi?

15 Vài năm sau khi Ê-xê-chi-ên rao báo về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem, lời tiên tri bắt đầu được ứng nghiệm. Vào năm 609 TCN, ông nhận được tin là Giê-ru-sa-lem bắt đầu bị tấn công. Lúc đó, tiếng kèn kêu gọi cư dân bảo vệ thành của họ, nhưng như Ê-xê-chi-ên báo trước: “Chẳng ai ra trận” (Ê-xê 7:14). Cư dân Giê-ru-sa-lem không hợp sức lại để đánh đuổi những kẻ xâm lược từ Ba-by-lôn. Có lẽ một số người Do Thái nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu họ. Trước đây, ngài từng làm vậy khi dân A-si-ri đe dọa xâm chiếm Giê-ru-sa-lem. Lúc đó, một thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hủy diệt hầu hết quân A-si-ri (2 Vua 19:32). Nhưng lần này không có sự giúp đỡ của thiên sứ. Chẳng bao lâu, thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm giống như chiếc nồi được đặt “trên lửa” và cư dân trong thành bị mắc kẹt giống như ‘miếng thịt’ nằm trong nồi (Ê-xê 24:1-10). Sau 18 tháng bị vây hãm khổ cực, Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt.

“Hãy tích trữ của báu ở trên trời”

16. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng giữ đúng kỳ hạn?

16 Chúng ta có thể học được gì từ phần này trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên? Nó có liên hệ đến thông điệp trong thánh chức và phản ứng của những người mà chúng ta rao giảng không? Đức Giê-hô-va đã xác định thời điểm hủy diệt tôn giáo sai lầm, và một lần nữa ngài sẽ chứng tỏ là đấng giữ đúng kỳ hạn (2 Phi 3:9, 10; Khải 7:1-3). Chúng ta không biết chính xác thời điểm đó. Nhưng như Ê-xê-chi-ên, chúng ta tiếp tục làm theo sự chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va là cảnh báo người ta nhiều lần: “Sự kết thúc nay đến trên ngươi”. Tại sao chúng ta cần nhắc đi nhắc lại thông điệp này? Chúng ta có lý do giống với Ê-xê-chi-ên. * Đa số người nghe Ê-xê-chi-ên báo trước về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem đều không tin điều đó (Ê-xê 12:27, 28). Nhưng sau này, một số người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn cho thấy họ có lòng ngay thẳng, và họ đã trở về quê hương (Ê-sai 49:8). Tương tự, ngày nay nhiều người bác bỏ ý tưởng là thế gian này sẽ đến hồi kết thúc (2 Phi 3:3, 4). Dù vậy, chừng nào vẫn còn thời gian cho nhân loại chấp nhận thông điệp của Đức Chúa Trời, thì chừng đó chúng ta vẫn muốn giúp những người có lòng thành tìm được con đường dẫn đến sự sống.—Mat 7:13, 14; 2 Cô 6:2.

Dù nhiều người không nghe nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm những người có lòng thành (Xem đoạn 16)

Tại sao cư dân Giê-ru-sa-lem “quăng bạc của mình ra đường”? (Xem đoạn 17)

17. Chúng ta sẽ chứng kiến điều gì trong hoạn nạn lớn sắp đến?

17 Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cũng nhắc chúng ta nhớ là trong tương lai, khi cuộc tấn công các tổ chức tôn giáo xảy ra, những thành viên thuộc các tổ chức đó sẽ không “ra trận” để bảo vệ tôn giáo. Thay vì thế, “tay [họ] đều sẽ bủn rủn” và họ sẽ “run sợ” khi nhận ra rằng tiếng kêu cứu “lạy Chúa, lạy Chúa” của họ không được đáp lại (Ê-xê 7:3, 14, 17, 18; Mat 7:21-23). Họ còn làm gì nữa? (Đọc Ê-xê-chi-ên 7:19-21). Đức Giê-hô-va nói: “Chúng sẽ quăng bạc của mình ra đường”. Đây là lời miêu tả dành cho cư dân Giê-ru-sa-lem, nhưng cũng là lời miêu tả sống động về điều sẽ xảy ra trong hoạn nạn lớn. Lúc đó, người ta sẽ nhận ra rằng tiền bạc không thể bảo vệ họ trước thảm họa sắp đến.

18. Qua lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, chúng ta có thể rút ra bài học nào về việc đặt thứ tự ưu tiên?

18 Qua phần này trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, anh chị rút ra bài học nào cho mình? Đó là chúng ta cần đặt đúng thứ tự ưu tiên. Hãy xem xét điều này: Chỉ sau khi nhận ra thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt, tính mạng bị đe dọa và của cải vật chất không mang lại sự bảo vệ, cư dân trong thành này mới thay đổi thứ tự ưu tiên của mình. Họ quăng tài sản đi và bắt đầu “tìm khải tượng từ nhà tiên tri”. Nhưng sự thay đổi đó đã quá muộn (Ê-xê 7:26). Trái lại, chúng ta hiểu rõ rằng thời điểm kết thúc của thế gian gian ác này đã gần kề. Vì thế, đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta đặt đúng thứ tự ưu tiên trong đời sống. Nhờ thế, chúng ta chú tâm theo đuổi sự giàu có về thiêng liêng, là điều có giá trị lâu dài và sẽ không bao giờ bị quăng “ra đường”.—Đọc Ma-thi-ơ 6:19-21, 24.

19. Những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên tác động thế nào đến chúng ta?

19 Vậy những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem tác động đến chúng ta qua một số cách nào? Những lời đó nhắc chúng ta nhớ rằng không còn nhiều thời gian để giúp người khác trở thành tôi tớ của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta cần thực hiện công việc đào tạo môn đồ một cách cấp bách. Chúng ta rất vui mừng khi những người có lòng thành bắt đầu thờ phượng Cha trên trời của chúng ta là Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, ngay cả đối với những ai chưa làm thế, chúng ta vẫn tiếp tục cảnh báo họ giống như Ê-xê-chi-ên cảnh báo dân chúng vào thời ông: “Sự kết thúc nay đến trên ngươi” (Ê-xê 3:19, 21; 7:3). Đồng thời, chúng ta cũng quyết tâm luôn tin cậy Đức Giê-hô-va và đặt sự thờ phượng thanh sạch lên hàng đầu trong đời sống.—Thi 52:7, 8; Châm 11:28; Mat 6:33.

^ đ. 3 Thật hợp lý để kết luận là Ê-xê-chi-ên diễn tất cả các dấu hiệu này trước mắt những người chứng kiến. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va đưa ra mệnh lệnh cụ thể là khi diễn một số màn, chẳng hạn như nướng bánh hoặc vác hành trang, Ê-xê-chi-ên phải diễn “trước mắt họ”.Ê-xê 4:12; 12:7.

^ đ. 13 Qua việc để Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, Đức Giê-hô-va thi hành án phạt của ngài đối với cả vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái lẫn vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái (Giê 11:17; Ê-xê 9:9, 10). Xin xem sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures), Tập 1, trg 462, “Chronology—From 997 B.C.E. to Desolation of Jerusalem”.

^ đ. 16 Hãy lưu ý là trong đoạn Kinh Thánh ngắn nơi Ê-xê-chi-ên 7:5-7, Đức Giê-hô-va đã dùng từ “đến” sáu lần.