Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 4

Các sinh vật bốn mặt là ai?

Các sinh vật bốn mặt là ai?

Ê-XÊ-CHI-ÊN 1:15

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Các sinh vật và điều chúng ta học được khi tìm hiểu về họ

1, 2. Tại sao Đức Giê-hô-va dùng phương pháp trực quan để tiết lộ các sự thật cho tôi tớ của ngài trên đất?

Hãy tưởng tượng một gia đình đang ngồi quanh chiếc bàn và học Kinh Thánh. Để giúp các con nhỏ hiểu một sự thật trong Kinh Thánh, người cha cho chúng xem vài hình vẽ đơn giản. Những đứa con tươi cười và sốt sắng bình luận. Điều đó cho thấy cách dạy của người cha có hiệu quả. Bằng cách dùng hình vẽ, anh đã giúp các con hiểu những dạy dỗ về Đức Giê-hô-va, là những điều mà chúng không thể hiểu bằng cách khác.

2 Tương tự, Đức Giê-hô-va cũng sử dụng phương pháp trực quan để giúp con cái của ngài trên đất hiểu những điều có thật nhưng không thể thấy, là những điều mà họ không thể hiểu bằng cách khác. Chẳng hạn, để giải thích những sự thật sâu sắc về ngài, Đức Giê-hô-va cho Ê-xê-chi-ên thấy một khải tượng đầy hình ảnh ấn tượng. Giờ đây, hãy tập trung vào một hình ảnh cụ thể của khải tượng đáng kinh ngạc ấy và xem làm thế nào việc hiểu ý nghĩa của hình ảnh này có thể giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

‘Tôi thấy có gì như bốn sinh vật’

3. (a) Theo Ê-xê-chi-ên 1:4, 5, Ê-xê-chi-ên thấy điều gì trong khải tượng? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Anh chị thấy điểm nào đáng chú ý về cách Ê-xê-chi-ên miêu tả những điều ông chứng kiến?

3 Đọc Ê-xê-chi-ên 1:4, 5. Ê-xê-chi-ên miêu tả rằng “có gì như bốn sinh vật” mang đặc điểm của thiên sứ, con người và loài vật. Hãy xem Ê-xê-chi-ên đã ghi lại ấn tượng của mình một cách chính xác như thế nào. Ê-xê-chi-ên nói rằng ông thấy “có gì như” sinh vật. Khi đọc toàn bộ khải tượng được ghi nơi Ê-xê-chi-ên chương 1, anh chị sẽ thấy nhà tiên tri nhiều lần dùng những cụm từ: “giống như”, “tựa như”, “trông giống” (Ê-xê 1:13, 24, 26). Rõ ràng, Ê-xê-chi-ên nhận ra là ông chỉ thấy các hình ảnh tượng trưng cho những điều vô hình nhưng có thật ở trên trời.

4. (a) Khải tượng này tác động thế nào đến Ê-xê-chi-ên? (b) Hẳn Ê-xê-chi-ên biết điều gì về các chê-rúp?

4 Chắc hẳn Ê-xê-chi-ên kinh ngạc trước những hình ảnh và âm thanh của khải tượng. Hình dạng của bốn sinh vật giống như “than cháy đỏ”. Các sinh vật này di chuyển nhanh như tia chớp. Khi họ đập cánh, có tiếng “tựa như tiếng nước chảy xiết”. Khi các sinh vật này di chuyển, “nghe như tiếng của một đạo quân” (Ê-xê 1:13, 14, 24-28; xin xem khung “Tôi đang nhìn các sinh vật). Trong một khải tượng sau đó, Ê-xê-chi-ên cho biết bốn sinh vật này là “các chê-rúp”, tức các thiên sứ có quyền năng (Ê-xê 10:2). Vì lớn lên trong một gia đình thầy tế lễ nên hẳn Ê-xê-chi-ên biết các chê-rúp liên hệ chặt chẽ với sự hiện diện của Đức Giê-hô-va, và họ là những thiên sứ thân cận hầu việc ngài.—1 Sử 28:18; Thi 18:10.

“Mỗi vị có bốn mặt”

5. (a) Các chê-rúp và bốn mặt của họ phản ánh sức mạnh phi thường và sự vinh hiển tột bậc của Đức Giê-hô-va như thế nào? (b) Tại sao phần này của khải tượng nhắc chúng ta về ý nghĩa của danh Đức Chúa Trời? (Xem chú thích).

5 Đọc Ê-xê-chi-ên 1:6, 10. Ê-xê-chi-ên cũng cho biết mỗi chê-rúp có bốn mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt bò đực và mặt đại bàng. Việc thấy bốn mặt của họ hẳn khiến Ê-xê-chi-ên rất ấn tượng về sức mạnh phi thường và sự vinh hiển tột bậc của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Thật đáng chú ý, mỗi mặt là của một tạo vật tượng trưng cho sự uy nghi, sức mạnh và sự oai hùng. Sư tử là một loài thú hoang rất oai phong, bò đực là loài vật nuôi rất mạnh mẽ, đại bàng là loài chim có sức mạnh, và con người là công trình bậc nhất trong số các tạo vật trên đất của Đức Chúa Trời và được cai quản tất cả các sinh vật khác trên trái đất (Thi 8:4-6). Tuy nhiên, trong khải tượng này, Ê-xê-chi-ên thấy cả bốn đại diện mạnh mẽ này của sự sáng tạo, biểu hiện qua bốn mặt của mỗi chê-rúp, đều ở phía dưới ngai của Đức Giê-hô-va, là Đấng Cai Trị Tối Thượng. Quả là sự miêu tả phù hợp cho thấy Đức Giê-hô-va có thể dùng các tạo vật để thực hiện ý định của ngài! * Thật vậy, điều mà người viết Thi thiên miêu tả về Đức Giê-hô-va là đúng: “Uy nghi ngài trổi hơn cả đất trời”.—Thi 148:13.

Bốn sinh vật và bốn mặt của họ tiết lộ điều gì về sức mạnh, sự vinh hiển và các phẩm chất của Đức Giê-hô-va? (Xem đoạn 5, 13)

6. Có lẽ điều gì giúp Ê-xê-chi-ên hiểu được ý nghĩa tượng trưng của bốn mặt?

6 Sau khi nhận được khải tượng và suy ngẫm về điều đã chứng kiến, có lẽ Ê-xê-chi-ên nhớ lại là các tôi tớ của Đức Chúa Trời sống trước thời ông từng dùng các loài vật để so sánh. Chẳng hạn, tộc trưởng Gia-cốp so sánh con trai ông là Giu-đa với sư tử và con trai khác là Bên-gia-min với sói (Sáng 49:9, 27). Tại sao? Vì sư tử và sói tượng trưng cho các phẩm chất nổi bật mà họ và con cháu của họ sẽ có. Khi nhớ đến những ví dụ như thế do Môi-se ghi lại, Ê-xê-chi-ên có lẽ đã kết luận rằng các mặt của chê-rúp cũng tượng trưng cho những phẩm chất nổi bật. Nhưng đó là những phẩm chất nào?

Phẩm chất của cả Đức Giê-hô-va lẫn gia đình trên trời của ngài

7, 8. Những phẩm chất nào thường được liên kết với bốn mặt của các chê-rúp?

7 Những người viết Kinh Thánh sống trước thời Ê-xê-chi-ên đã liên kết sư tử, đại bàng và bò đực với các đặc điểm nào? Hãy lưu ý đến những câu sau trong Kinh Thánh: “Người can đảm có trái tim sư tử” (2 Sa 17:10; Châm 28:1). “Đại bàng bay lên,... mắt nó nhìn thật xa” (Gióp 39:27, 29). “Nhờ sức bò đực, mùa màng được bội thu” (Châm 14:4). Dựa vào những câu Kinh Thánh như thế, chúng ta hiểu rằng mặt của sư tử tượng trưng cho công lý đi kèm lòng can đảm, mặt của đại bàng tượng trưng cho sự khôn ngoan với khả năng nhìn xa trông rộng, mặt của bò đực tượng trưng cho quyền năng vô địch. Sự giải thích này được đề cập nhiều lần trong các ấn phẩm của chúng ta.

8 Vậy còn “mặt người” thì sao? (Ê-xê 10:14). Hẳn mặt người đề cập đến một phẩm chất mà chỉ con người, chứ không phải loài vật, mới có thể đại diện được, vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:27). Trên trái đất chỉ có con người mới có phẩm chất đó, là phẩm chất được nhấn mạnh qua mệnh lệnh của Đức Chúa Trời: “[Ngươi] phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời [ngươi] hết lòng” và “ngươi phải yêu người đồng loại như chính mình” (Phục 6:5; Lê 19:18). Chúng ta vâng theo những mệnh lệnh này bằng cách thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. Khi làm thế, chúng ta phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Điều này đúng như sứ đồ Giăng viết: “Chúng ta yêu vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:8, 19). Vì thế, “mặt người” tượng trưng cho tình yêu thương.

9. Ai có những phẩm chất được tượng trưng bởi bốn mặt của các chê-rúp?

9 Ai có những phẩm chất này? Vì bốn mặt là của chê-rúp nên những phẩm chất ấy là của tất cả những ai mà chê-rúp tượng trưng, tức là gia đình trên trời của Đức Giê-hô-va gồm các tạo vật thần linh trung thành (Khải 5:11). Ngoài ra, vì Đức Giê-hô-va là nguồn sự sống của các chê-rúp nên ngài cũng là nguồn của những phẩm chất đó (Thi 36:9). Vì thế, các mặt của chê-rúp tượng trưng cho những phẩm chất của chính Đức Giê-hô-va (Gióp 37:23; Thi 99:4; Châm 2:6; Mi 7:18). Vậy Đức Giê-hô-va thể hiện những phẩm chất nổi bật này qua một số cách nào?

10, 11. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ bốn phẩm chất chính của Đức Giê-hô-va?

10 Công lý. Là đấng “yêu chuộng công lý”, Đức Giê-hô-va “không đối xử thiên vị với ai” (Thi 37:28; Phục 10:17). Vì thế, cơ hội để làm tôi tớ của ngài và nhận những ân phước vĩnh cửu được dành cho tất cả chúng ta, bất kể gốc gác hoặc địa vị xã hội. Sự khôn ngoan. Là đấng “có lòng khôn ngoan”, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta một sách đầy “sự khôn ngoan thiết thực” (Gióp 9:4; Châm 2:7). Việc áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh giúp chúng ta đối phó với những khó khăn hằng ngày và có đời sống ý nghĩa. Quyền năng. Là đấng “có quyền năng vĩ đại”, Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh để ban cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường”. Điều này giúp chúng ta được thêm sức để đương đầu với những thử thách cam go.—Na 1:3; 2 Cô 4:7; Thi 46:1.

11 Tình yêu thương. Là đấng “giàu tình yêu thương thành tín”, Đức Giê-hô-va không bao giờ từ bỏ những người trung thành thờ phượng ngài (Thi 103:8; 2 Sa 22:26). Có lẽ chúng ta buồn rầu vì vấn đề sức khỏe hoặc tuổi tác khiến mình không thể phụng sự Đức Giê-hô-va được nhiều như trước. Nhưng chúng ta cảm thấy an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va luôn nhớ những việc mình đã làm vì yêu thương ngài (Hê 6:10). Rõ ràng, chúng ta đã nhận được nhiều lợi ích từ cách Đức Giê-hô-va thể hiện công lý, sự khôn ngoan, quyền năng và tình yêu thương. Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được lợi ích từ bốn phẩm chất chính này của ngài.

12. Chúng ta nên nhớ điều gì về khả năng của con người trong việc hiểu các phẩm chất của Đức Giê-hô-va?

12 Dĩ nhiên, chúng ta nên nhớ là những gì con người có thể hiểu về các phẩm chất của Đức Giê-hô-va “chỉ là phần rìa của đường lối ngài” (Gióp 26:14). “Hiểu biết về Đấng Toàn Năng nằm ngoài tầm với của chúng ta” vì “sự vĩ đại của ngài không thể nào dò thấu” (Gióp 37:23; Thi 145:3). Vì thế, chúng ta nhận biết rằng các phẩm chất của Đức Giê-hô-va không thể đo đếm hoặc tách biệt được và cũng không bị giới hạn về phạm vi (Thi 139:17, 18; đọc Rô-ma 11:33, 34). Thực tế, chính khải tượng của Ê-xê-chi-ên cho thấy sự thật này. Khía cạnh nào của khải tượng nhấn mạnh sự thật quan trọng ấy?

“Bốn mặt... bốn cánh... bốn phía”

13, 14. Bốn mặt của các chê-rúp tượng trưng cho gì, và tại sao có thể kết luận như vậy?

13 Trong khải tượng, Ê-xê-chi-ên thấy mỗi chê-rúp không chỉ có một mặt mà có tới bốn mặt. Điều đó cho thấy gì? Hãy nhớ rằng trong Kinh Thánh, số bốn thường được dùng để chỉ sự trọn vẹn hay việc bao gồm tất cả (Ê-sai 11:12; Mat 24:31; Khải 7:1). Điều đáng chú ý là trong khải tượng này, Ê-xê-chi-ên đề cập đến số bốn hơn mười lần! (Ê-xê 1:5-18). Vậy chúng ta có thể kết luận được điều gì? Giống như bốn chê-rúp tượng trưng cho tất cả tạo vật thần linh trung thành, bốn mặt của các chê-rúp khi hợp lại với nhau tượng trưng cho tất cả các phẩm chất của Đức Giê-hô-va. *

14 Để minh họa cho việc bốn mặt của chê-rúp có thể tượng trưng nhiều hơn là chỉ bốn phẩm chất, hãy xem bốn bánh xe trong khải tượng này. Mỗi bánh xe rất ấn tượng, nhưng khi hợp lại với nhau, các bánh xe này không chỉ là những bánh xe riêng lẻ mà còn là nền tảng của cỗ xe. Tương tự, khi bốn mặt hợp lại với nhau, chúng không chỉ tượng trưng cho bốn phẩm chất riêng lẻ, mà còn là nền tảng của tính cách đáng thán phục của Đức Giê-hô-va.

Đức Giê-hô-va ở gần tất cả tôi tớ trung thành của ngài

15. Qua khải tượng đầu tiên, Ê-xê-chi-ên học được sự thật ấm lòng nào?

15 Qua khải tượng đầu tiên này, Ê-xê-chi-ên học được một sự thật quan trọng và ấm lòng về mối quan hệ của ông với Đức Giê-hô-va. Đó là gì? Sự thật đó được tìm thấy trong những lời mở đầu của sách mang tên ông. Sau khi cho biết mình ở “trong xứ người Canh-đê”, Ê-xê-chi-ên nói về trải nghiệm của bản thân: “Tại đó, tay của Đức Giê-hô-va đặt trên ông” (Ê-xê 1:3). Hãy lưu ý là Ê-xê-chi-ên cho biết ông nhận được khải tượng ở tại đó, tức là Ba-by-lôn, chứ không phải là ở Giê-ru-sa-lem. * Sự kiện này giúp Ê-xê-chi-ên biết được gì? Dù là một người bị lưu đày thấp hèn và tách biệt khỏi Giê-ru-sa-lem cũng như đền thờ, nhưng ông không bị tách biệt khỏi Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng dành cho ngài. Việc Đức Giê-hô-va hiện ra với Ê-xê-chi-ên ở Ba-by-lôn cho thấy sự thờ phượng thanh sạch dành cho ngài không phụ thuộc vào địa điểm hoặc vị thế. Thay vì vậy, điều đó phụ thuộc vào tình trạng lòng của Ê-xê-chi-ên và ước muốn của ông trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

16. (a) Khải tượng của Ê-xê-chi-ên đảm bảo với chúng ta điều gì? (b) Điều gì thúc đẩy anh chị phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng?

16 Tại sao sự thật mà Ê-xê-chi-ên học được là niềm an ủi lớn đối với chúng ta? Sự thật đó đảm bảo rằng khi chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, ngài sẽ ở gần chúng ta cho dù chúng ta sống tại bất cứ nơi nào, bị nản lòng đến đâu hoặc rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào (Thi 25:14; Công 17:27). Đức Giê-hô-va, đấng dành tình yêu thương thành tín cho mỗi tôi tớ của ngài, không vội từ bỏ chúng ta (Xuất 34:6). Vì thế, chúng ta không bao giờ nằm ngoài tầm tay yêu thương thành tín của ngài (Thi 100:5; Rô 8:35-39). Ngoài ra, khải tượng đáng kinh ngạc của Ê-xê-chi-ên về sự thánh khiết và sức mạnh phi thường của Đức Giê-hô-va cũng nhắc chúng ta nhớ rằng ngài xứng đáng nhận được sự thờ phượng của chúng ta (Khải 4:9-11). Thật biết ơn là Đức Giê-hô-va đã dùng những khải tượng như thế để giúp chúng ta hiểu một số sự thật quan trọng về ngài và các phẩm chất của ngài! Việc hiểu rõ hơn về các phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đến gần ngài hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta ngợi khen và phụng sự ngài hết lòng và hết sức.—Lu 10:27.

Chúng ta không bao giờ nằm ngoài tầm tay yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 16)

17. Các chương kế tiếp sẽ xem xét những câu hỏi nào?

17 Tuy nhiên, đáng buồn là vào thời Ê-xê-chi-ên, sự thờ phượng thanh sạch đã trở nên ô uế. Điều đó diễn ra như thế nào? Đức Giê-hô-va phản ứng ra sao? Những sự kiện đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Các chương kế tiếp sẽ xem xét những câu hỏi này.

^ đ. 5 Những lời miêu tả của Ê-xê-chi-ên về các sinh vật nhắc chúng ta nhớ đến danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Chúng ta hiểu rằng danh này có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”, bao hàm việc Đức Giê-hô-va có thể khiến tạo vật của ngài trở thành bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành ý định của ngài.—Xin xem Phụ lục A4 của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới.

^ đ. 13 Trong nhiều năm, ấn phẩm của chúng ta xem xét khoảng 50 phẩm chất của Đức Giê-hô-va.—Xin xem mục “Đặc tính của Đức Giê-hô-va” trong mục “Giê-hô-va Đức Chúa Trời” trong Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va.

^ đ. 15 Về cụm từ “tại đó”, một nhà bình luận Kinh Thánh nói: “Từ này lột tả sự kinh ngạc vào giây phút ấy hơn bất cứ từ nào... Đức Chúa Trời ở tại đó, tức là Ba-by-lôn! Thật là an ủi!”.