Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KHUNG THÔNG TIN 15A

Hai chị em gái điếm

Hai chị em gái điếm

Trong chương 23 của sách Ê-xê-chi-ên, chúng ta thấy một sự lên án mạnh mẽ đối với dân của Đức Chúa Trời vì họ đã bất trung. Chương này có nhiều điểm tương đồng với chương 16. Giống với thông điệp trong chương 16, chương 23 dùng hình ảnh gái điếm. Giê-ru-sa-lem được ví là em và Sa-ma-ri được ví là chị. Cả hai chương này đều cho thấy người em học theo thói đàng điếm của người chị nhưng sau đó lại trở nên gian ác và đồi bại hơn. Trong chương 23, Đức Giê-hô-va đặt tên cho hai chị em: Ô-hô-la là tên của người chị, tượng trưng cho Sa-ma-ri, thủ đô của vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái; Ô-hô-li-ba là tên của người em, tượng trưng cho Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Giu-đa. *Ê-xê 23:1-4.

Hai chương này có những điểm tương đồng khác. Có lẽ những điểm tương đồng sau đây là quan trọng nhất: Lúc đầu, những cô gái này là vợ của Đức Giê-hô-va, sau đó họ phản bội ngài. Ngoài ra, cả hai chương đều có lời hứa mang lại hy vọng. Chương 23 không nói rõ về hy vọng được khôi phục bằng chương 16, nhưng chương này tương đồng với chương 16 khi đề cập đến lời phán của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ chấm dứt hành vi bẩn thỉu và thói đàng điếm [của] ngươi”.—Ê-xê 16:16, 20, 21, 37, 38, 41, 42; 23:4, 11, 22, 23, 27, 37.

Họ có tượng trưng cho khối Ki-tô giáo không?

Trước đây, các ấn phẩm của chúng ta nói rằng hai chị em Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba tượng trưng cho khối Ki-tô giáo, đặc biệt là hai nhánh chính: Công giáo và Tin Lành. Tuy nhiên, việc cầu nguyện, suy ngẫm và nghiên cứu thêm đã dẫn đến một số câu hỏi sâu sắc. Khối Ki-tô giáo có bao giờ là vợ của Đức Giê-hô-va theo bất cứ nghĩa nào đó không? Khối Ki-tô giáo có từng dự phần vào giao ước với ngài không? Rõ ràng là không. Khối đạo này thậm chí chưa hiện hữu vào thời điểm Chúa Giê-su làm trung gian của “giao ước mới” với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Khối Ki-tô giáo cũng chưa bao giờ là một phần của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm các tín đồ được xức dầu (Giê 31:31; Lu 22:20). Rất lâu sau khi các sứ đồ qua đời, khối Ki-tô giáo mới hình thành. Khối đạo này bắt đầu hiện hữu vào thế kỷ thứ tư CN với tư cách là một tổ chức bội đạo gồm “cỏ dại”, tức các tín đồ giả hiệu, được nói đến trong lời tiên tri của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ dại.—Mat 13:24-30.

Hai chị em này còn khác khối Ki-tô giáo ở một điểm quan trọng nữa: Đức Giê-hô-va cho biết một hy vọng là Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri bất trung sẽ thay đổi để được khôi phục (Ê-xê 16:41, 42, 53-55). Kinh Thánh có cho biết hy vọng tương tự về khối Ki-tô giáo không? Không. Chẳng có hy vọng là khối đạo này cũng như phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn sẽ thay đổi.

Vì thế, Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba không tượng trưng cho khối Ki-tô giáo. Tuy nhiên, hai nhân vật này giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng hơn: cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về những người xuyên tạc danh thánh của ngài và bóp méo các tiêu chuẩn của ngài dành cho sự thờ phượng thanh sạch. Đặc biệt khối Ki-tô giáo mắc tội này vì các đạo của nó tự nhận là đại diện cho Đức Chúa Trời. Ngoài ra, họ còn tự nhận Con yêu dấu của Đức Giê-hô-va, tức Chúa Giê-su Ki-tô, là đấng lãnh đạo của họ. Nhưng họ làm ngược lại với điều họ tự nhận bằng cách miêu tả Chúa Giê-su là một phần của Chúa Ba Ngôi và không làm theo mệnh lệnh rõ ràng của ngài là “không thuộc về thế gian” (Giăng 15:19). Vì dính líu đến việc thờ thần tượng và chính trị, khối Ki-tô giáo chứng tỏ mình là một phần của “đại kỹ nữ” (Khải 17:1). Chắc chắn, khối đạo này phải lãnh tai vạ sẽ giáng trên đế quốc tôn giáo sai lầm.

^ đ. 3 Các tên này đều có ý nghĩa. Ô-hô-la nghĩa là “lều [thờ phượng của] nó”. Tên này ám chỉ việc Y-sơ-ra-ên tự dựng những trung tâm thờ phượng riêng thay vì đến đền thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem. Trong khi đó, Ô-hô-li-ba nghĩa là “Lều [thờ phượng của] ta ở nơi nó”. Giê-ru-sa-lem là nơi tọa lạc của nhà thờ phượng Đức Giê-hô-va.