Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 9

“Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng hợp nhất”

“Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng hợp nhất”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 11:19

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Chủ đề về sự khôi phục và cách chủ đề ấy được triển khai trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên

1-3. Người Ba-by-lôn nhạo báng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va như thế nào, và tại sao?

Hãy hình dung anh chị là người Do Thái trung thành đang sống ở thành Ba-by-lôn. Dân tộc của anh chị đã bị lưu đày khoảng nửa thế kỷ. Như thường lệ vào ngày Sa-bát, anh chị đi gặp những người đồng đạo để cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khi đi trên những con đường tấp nập, anh chị thấy các ngôi đền uy nghi và rất nhiều miếu thờ. Tại đây, nhiều người đang nhóm lại, dâng lễ vật và hát chúc tụng các thần như thần Mác-đúc.

2 Khi đi xa khỏi đám đông, anh chị gặp một nhóm nhỏ người đồng đạo. * Anh chị cùng họ tìm một nơi yên tĩnh, có lẽ là bên cạnh một con kênh của thành, để cùng nhau cầu nguyện, hát các bài Thi thiên và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Lúc cùng nhau cầu nguyện, anh chị có thể nghe thấy tiếng cọt kẹt của những chiếc bè được buộc bên bờ kênh. Anh chị cảm thấy nhẹ nhõm vì có một không gian yên tĩnh ở đây. Anh chị hy vọng người Ba-by-lôn sẽ không phát hiện ra nhóm của mình và phá rối buổi nhóm họp giống như họ thường làm. Tại sao họ lại làm thế?

3 Ba-by-lôn thắng nhiều trận chiến, và người Ba-by-lôn cho rằng sức mạnh của thành đến từ các thần của họ. Đối với họ, việc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt cho thấy thần Mác-đúc của họ mạnh hơn Đức Giê-hô-va. Vì thế, họ chế nhạo Đức Chúa Trời và dân ngài. Đôi khi người Ba-by-lôn nói một cách mỉa mai: “Hát cho chúng ta một bài về Si-ôn đi!” (Thi 137:3). Nhiều bài Thi thiên ca ngợi chiến thắng của Si-ôn trước kẻ thù của Đức Giê-hô-va. Có lẽ người Ba-by-lôn thích chế nhạo những bài này nhất. Tuy nhiên, cũng có các bài Thi thiên khác nói về chính người Ba-by-lôn. Chẳng hạn, một bài có câu: “[Chúng] khiến cho Giê-ru-sa-lem ra đống đổ nát... Những kẻ xung quanh chế giễu nhạo cười”.—Thi 79:1, 3, 4.

4, 5. Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên đem lại hy vọng nào, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương này? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Cũng có những người Do Thái bội đạo nhạo báng đức tin của anh chị nơi Đức Giê-hô-va và các nhà tiên tri của ngài. Bất kể sự nhạo báng đó, sự thờ phượng thanh sạch vẫn đem lại niềm an ủi cho anh chị và gia đình. Anh chị cảm thấy vui khi cùng nhau cầu nguyện và ca hát. Việc đọc Lời Đức Chúa Trời cũng đem lại sự an ủi (Thi 94:19; Rô 15:4). Hãy hình dung vào ngày đó, một người đồng đạo đem một thứ đặc biệt đến buổi nhóm họp, đó là cuộn sách chứa đựng lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên. Anh chị thích nghe lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc cho dân ngài hồi hương. Khi một trong số những lời tiên tri đó được đọc lớn tiếng, anh chị cảm thấy lên tinh thần. Anh chị suy ngẫm đến hy vọng là một ngày nào đó, cả gia đình mình sẽ được hồi hương và góp sức vào thời kỳ khôi phục đầy hào hứng đó!

5 Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên chứa đựng nhiều lời hứa về sự khôi phục. Hãy xem xét chủ đề đầy hy vọng này. Các lời hứa đó trở thành hiện thực như thế nào với những người bị lưu đày? Chúng có ý nghĩa gì cho thời hiện đại? Đối với một số lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, chúng ta cũng sẽ tìm hiểu sự ứng nghiệm lần cuối trong tương lai.

“Họ sẽ bị lưu đày, bị giam giữ”

6. Đức Chúa Trời đã nhiều lần cảnh báo dân phản nghịch của ngài như thế nào?

6 Qua Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va cho dân ngài biết rõ hình phạt nếu họ phản nghịch ngài. Đức Giê-hô-va nói: “Họ sẽ bị lưu đày, bị giam giữ” (Ê-xê 12:11). Như đã thảo luận trong Chương 6, Ê-xê-chi-ên thậm chí còn diễn án phạt đó. Nhưng đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên mà dân Y-sơ-ra-ên nhận được. Kể từ thời Môi-se, tức là gần một ngàn năm trước thời Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va đã cảnh báo dân ngài là nếu tiếp tục theo đường lối phản nghịch thì họ sẽ bị lưu đày (Phục 28:36, 37). Những nhà tiên tri như Ê-sai và Giê-rê-mi cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự.—Ê-sai 39:5-7; Giê 20:3-6.

7. Đức Giê-hô-va trừng phạt dân ngài qua những cách nào?

7 Đáng buồn là đa số dân chúng lờ đi những lời cảnh báo này. Đức Giê-hô-va rất đau lòng vì họ đã phản nghịch ngài, thờ thần tượng, bất trung và trở nên đồi bại dưới sự ảnh hưởng của những kẻ chăn xấu xa. Vì thế, ngài để họ phải chịu đói kém. Đó là một thảm họa và cũng là sự hổ nhục với người Do Thái vì quê hương của họ vốn là “một vùng đất tràn đầy sữa và mật” (Ê-xê 20:6, 7). Sau đó, Đức Giê-hô-va để cho dân ương ngạnh của ngài bị trừng phạt bằng hình thức lưu đày, đúng như ngài báo trước từ lâu. Vào năm 607 TCN, vua Nê-bu-cát-nết-xa của Ba-by-lôn đã giáng một đòn cuối cùng và hủy diệt cả Giê-ru-sa-lem lẫn đền thờ. Hàng ngàn người Do Thái sống sót đã bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Tại đó, họ phải chịu đựng sự chế nhạo và chống đối như được miêu tả ở phần đầu của chương này.

8, 9. Đức Chúa Trời cảnh báo hội thánh đạo Đấng Ki-tô về sự bội đạo như thế nào?

8 Phải chăng hội thánh đạo Đấng Ki-tô cũng trải qua một điều tương tự với sự lưu đày ở Ba-by-lôn? Đúng vậy! Giống như những người Do Thái thời xưa, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng được cảnh báo trước. Vào giai đoạn đầu làm thánh chức, Chúa Giê-su nói: “Hãy coi chừng những kẻ tiên tri giả, là những kẻ đội lốt cừu đến với anh em nhưng bên trong là loài lang sói háu mồi” (Mat 7:15). Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để đưa ra lời cảnh báo tương tự: “Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sói dữ sẽ vào giữa anh em và không đối xử dịu dàng với bầy. Trong vòng anh em, sẽ có những người nổi lên và giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ”.—Công 20:29, 30.

9 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô được chỉ dẫn để biết cách nhận ra và tránh xa những người nguy hiểm như thế. Các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô được chỉ dẫn để loại bỏ những kẻ bội đạo khỏi hội thánh (1 Ti 1:19; 2 Ti 2:16-19; 2 Phi 2:1-3; 2 Giăng 10). Tuy nhiên, giống như dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thời xưa, nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô dần dần không còn để ý đến những lời cảnh báo yêu thương. Đến cuối thế kỷ thứ nhất, sự bội đạo bén rễ trong hội thánh. Giăng là sứ đồ cuối cùng còn sống vào cuối thế kỷ thứ nhất CN. Ông nhận xét rằng hội thánh đang trở nên tha hóa và bị ảnh hưởng bởi sự phản nghịch lan tràn. Ông là sứ đồ duy nhất còn lại để cản trở khuynh hướng xấu xa đó (2 Tê 2:6-8; 1 Giăng 2:18). Điều gì xảy ra sau khi Giăng qua đời?

10, 11. Ngụ ngôn của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ dại đã được ứng nghiệm như thế nào kể từ thế kỷ thứ hai CN?

10 Sau khi Giăng qua đời, ngụ ngôn của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ dại bắt đầu được ứng nghiệm. (Đọc Ma-thi-ơ 13:24-30). Như Chúa Giê-su báo trước, Sa-tan gieo “cỏ dại” hay những tín đồ giả hiệu vào hội thánh, và tình trạng đồi bại của hội thánh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hẳn Đức Giê-hô-va rất đau lòng khi chứng kiến hội thánh mà Con ngài thành lập đã bị ô uế bởi việc thờ thần tượng, các ngày lễ và thực hành ngoại giáo, cũng như các giáo lý sai lầm của những triết gia không tin kính và các tôn giáo mà Sa-tan ảnh hưởng. Đức Giê-hô-va đã làm gì? Như đã đối xử với dân Y-sơ-ra-ên bất trung, Đức Giê-hô-va cũng để dân ngài bị lưu đày. Kể từ một thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ hai CN, những người giống như lúa mì đã bị lấn át vì có quá nhiều tín đồ giả hiệu. Hội thánh thật của đạo Đấng Ki-tô như thể đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm. Trong khi đó, những tín đồ giả hiệu đã bị đế quốc đồi bại này đồng hóa. Khi tín đồ giả hiệu gia tăng thì khối Ki-tô giáo hình thành.

11 Trong những thế kỷ đen tối vì sự thống trị của khối Ki-tô giáo, vẫn có một số tín đồ chân chính, tức là “lúa mì” được nhắc đến trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su. Giống như những người Do Thái bị lưu đày được miêu tả nơi Ê-xê-chi-ên 6:9, họ nhớ đến Đức Chúa Trời thật. Một số đã can đảm phản bác những giáo lý sai lầm của khối Ki-tô giáo. Họ bị chế nhạo và bắt bớ. Đức Giê-hô-va có để mặc dân ngài cứ mãi ở trong bóng tối thiêng liêng không? Không. Giống như trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Giê-hô-va thể hiện sự tức giận đúng mức và trong một thời gian thích hợp (Giê 46:28). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va vẫn ban cho dân ngài hy vọng. Hãy quay lại với tình hình của những người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn xưa và xem Đức Giê-hô-va ban cho họ hy vọng thoát khỏi cảnh giam cầm như thế nào.

Trong nhiều thế kỷ, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đối mặt với sự bắt bớ của Ba-by-lôn Lớn (Xem đoạn 10, 11)

“Cơn giận ta sẽ dứt”

12, 13. Tại sao Đức Giê-hô-va nguôi cơn giận đối với những người bị lưu đày vào thời Ê-xê-chi-ên?

12 Dù thẳng thắn cho biết sự tức giận với dân ngài nhưng Đức Giê-hô-va cũng đảm bảo với họ rằng cơn giận chính đáng của ngài sẽ không kéo dài mãi. Chẳng hạn, hãy lưu ý đến lời này: “Cơn giận ta sẽ dứt, cơn thịnh nộ ta sẽ dịu đi và ta sẽ nguôi giận. Khi ta trút xong cơn thịnh nộ trên chúng thì chúng sẽ phải biết rằng vì đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc mà ta, Đức Giê-hô-va, đã lên tiếng” (Ê-xê 5:13). Tại sao Đức Giê-hô-va nguôi cơn giận?

13 Trong số những người bị giam cầm, có những người Do Thái trung thành cùng bị lưu đày với các đồng hương bất trung. Hơn nữa, qua Ê-xê-chi-ên, Đức Chúa Trời báo trước rằng một số người trong vòng dân ngài sẽ ăn năn khi bị lưu đày. Những người Do Thái biết ăn năn đó sẽ kể về những hành động phản nghịch đáng hổ thẹn của họ đối với ngài. Họ sẽ nài xin ngài tha thứ và ban ân huệ (Ê-xê 6:8-10; 12:16). Ê-xê-chi-ên cũng như Đa-ni-ên và ba người bạn của ông nằm trong số những người trung thành đó. Thực tế, Đa-ni-ên đã chứng kiến thời điểm bắt đầu và kết thúc thời kỳ lưu đày. Lời cầu nguyện chân thành của ông về sự ăn năn tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên được ghi trong sách Đa-ni-ên chương 9. Hẳn cảm nghĩ của ông cũng giống với cảm xúc của hàng ngàn người bị lưu đày, là những người mong mỏi Đức Giê-hô-va tha thứ và ban ân phước. Những lời hứa về sự giải phóng và khôi phục mà Ê-xê-chi-ên được soi dẫn để ghi lại thật hào hứng đối với họ!

14. Tại sao Đức Giê-hô-va cho dân của ngài hồi hương?

14 Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng hơn liên quan đến việc giải phóng và khôi phục dân của Đức Giê-hô-va. Thời kỳ lưu đày dài đằng đẵng sẽ chấm dứt không phải vì họ xứng đáng được tự do mà vì một lần nữa, đã đến thời điểm Đức Giê-hô-va làm thánh danh ngài trước tất cả các nước (Ê-xê 36:22). Người Ba-by-lôn sẽ phải biết rõ rằng tất cả các thần giả của họ như thần Mác-đúc không thể nào sánh được với Chúa Tối Thượng Giê-hô-va! Hãy xem xét năm lời hứa mà Đức Giê-hô-va soi dẫn Ê-xê-chi-ên nói với những người cùng bị lưu đày. Trước hết, hãy xem mỗi lời hứa này có ý nghĩa gì với những người trung thành vào thời ông. Sau đó, chúng ta sẽ xem mỗi lời hứa được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn như thế nào.

15. Sẽ có sự thay đổi nào trong việc thờ phượng của những người hồi hương?

15 LỜI HỨA THỨ NHẤT: Không còn việc thờ thần tượng hay những thực hành gớm ghiếc khác liên quan đến tôn giáo sai lầm. (Đọc Ê-xê-chi-ên 11:18; 12:24). Như được thảo luận trong Chương 5, Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị ô uế bởi những thực hành tôn giáo sai lầm, chẳng hạn như việc thờ thần tượng. Vì thế, dân chúng đã trở nên tha hóa, xa cách Đức Giê-hô-va. Qua Ê-xê-chi-ên, ngài báo trước rằng những người bị lưu đày có thể trông mong thời điểm mà họ sẽ lại được tham gia sự thờ phượng thanh sạch. Tất cả những ân phước khác của sự khôi phục sẽ tùy thuộc vào một điều chính yếu, đó là việc khôi phục sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về sự thờ phượng thanh sạch.

16. Đức Giê-hô-va đưa ra lời hứa nào liên quan đến quê hương của dân ngài?

16 LỜI HỨA THỨ HAI: Được trở về quê hương. Đức Giê-hô-va nói với những người bị lưu đày: “Ta sẽ ban đất Y-sơ-ra-ên cho các ngươi” (Ê-xê 11:17). Đây là lời hứa đáng chú ý, vì chắc hẳn người Ba-by-lôn hay chế nhạo đã không cho những người bị lưu đày tia hy vọng được trở về quê hương yêu dấu của mình (Ê-sai 14:4, 17). Hơn nữa, miễn là những người được hồi hương vẫn giữ lòng trung thành thì đất đai sẽ màu mỡ để họ được no đủ và có công việc hữu ích. Nỗi hổ nhục và sự khốn khổ mà nạn đói gây ra sẽ chỉ là quá khứ.—Đọc Ê-xê-chi-ên 36:30.

17. Điều gì xảy ra với việc dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va?

17 LỜI HỨA THỨ BA: Việc dâng lễ vật tại bàn thờ của Đức Giê-hô-va lại được diễn ra. Như đã thảo luận trong Chương 2, theo Luật pháp, những vật tế lễ và lễ vật là một phần thiết yếu của sự thờ phượng thanh sạch. Miễn là những người được hồi hương vẫn vâng lời và giữ sự thanh sạch về thiêng liêng thì lễ vật của họ sẽ được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nhờ thế, dân chúng có thể được chuộc tội và giữ mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời của họ. Đức Giê-hô-va hứa: “Cả nhà Y-sơ-ra-ên, hết thảy chúng nó, sẽ hầu việc ta trong xứ. Tại đó, ta sẽ chấp nhận các ngươi, yêu cầu các ngươi dâng phần đóng góp và các lễ vật tốt nhất, là mọi vật thánh của các ngươi” (Ê-xê 20:40). Sự thờ phượng thanh sạch chắc chắn được khôi phục, điều này sẽ mang lại những ân phước cho dân của Đức Chúa Trời.

18. Đức Giê-hô-va chăn dắt dân ngài như thế nào?

18 LỜI HỨA THỨ TƯ: Loại bỏ những kẻ chăn xấu xa. Một lý do khiến dân của Đức Chúa Trời mắc sai lầm nghiêm trọng là sự ảnh hưởng của những người dẫn đầu bị tha hóa. Đức Giê-hô-va hứa rằng ngài sẽ thay đổi điều đó. Khi nói về những kẻ chăn xấu xa này, ngài cho biết: “Ta sẽ... không cho chúng nuôi chiên ta... Ta sẽ cứu chiên ta khỏi miệng chúng”. Trái lại, Đức Giê-hô-va đảm bảo với những người trung thành: “Ta cũng sẽ chăm sóc chiên ta” (Ê-xê 34:10, 12). Ngài sẽ làm thế bằng cách nào? Đức Giê-hô-va sẽ dùng những người trung thành làm người chăn.

19. Đức Giê-hô-va hứa điều gì về sự hợp nhất?

19 LỜI HỨA THỨ NĂM: Sự hợp nhất trong vòng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hãy hình dung những người thờ phượng trung thành cảm thấy đau buồn thế nào khi chứng kiến sự chia rẽ trong vòng dân của Đức Chúa Trời trước khi bị lưu đày. Bị các tiên tri giả và những người chăn tha hóa ảnh hưởng, dân chúng đã chống lại các nhà tiên tri trung thành đại diện cho Đức Giê-hô-va. Thậm chí còn có sự chia bè kết phái trong vòng dân chúng. Vì thế, một điểm khích lệ của sự khôi phục là lời hứa mà Ê-xê-chi-ên ghi lại: “Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng hợp nhất và đặt trong chúng một tinh thần mới” (Ê-xê 11:19). Không kẻ chống đối nào có thể đánh bại họ, miễn là những người Do Thái hồi hương vẫn giữ sự hợp nhất với Đức Giê-hô-va và với nhau. Với tư cách là một nước, người Do Thái một lần nữa có thể đem lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va thay vì khiến ngài bị sỉ nhục.

20, 21. Các lời hứa của Đức Chúa Trời trở thành hiện thực như thế nào đối với những người lưu đày được hồi hương?

20 Năm lời hứa này có trở thành hiện thực đối với những người Do Thái được hồi hương không? Chúng ta nên nhớ đến lời của người trung thành Giô-suê thời xưa: “Trong các lời hứa tốt lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán với anh em, chẳng một lời nào không thành hiện thực. Tất cả đều được ứng nghiệm. Chẳng một lời nào không thành hiện thực” (Giô-suê 23:14). Đức Giê-hô-va đã giữ đúng lời hứa vào thời Giô-suê và ngài cũng làm vậy vào thời những người lưu đày được hồi hương.

21 Những người Do Thái đã từ bỏ việc thờ thần tượng và các thực hành gớm ghiếc khác của tôn giáo sai lầm, là những thực hành khiến họ xa cách Đức Giê-hô-va. Họ lại được sinh sống ở quê nhà, chăm sóc đất đai và vui hưởng cuộc sống thỏa nguyện tại đó, dù trước đây điều này dường như không thể xảy ra. Một trong những điều đầu tiên mà họ làm là khôi phục bàn thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem và dâng những lễ vật được ngài chấp nhận tại đó (Ê-xơ-ra 3:2-6). Đức Giê-hô-va đã ban cho họ những người chăn tốt như thầy tế lễ kiêm người sao chép trung thành Ê-xơ-ra, quan tổng đốc Nê-hê-mi và Xô-rô-ba-bên, thầy tế lễ thượng phẩm Giô-suê và các nhà tiên tri can đảm là Ha-gai, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Dân chúng được hưởng một sự hợp nhất mà từ rất lâu họ không được cảm nghiệm, và họ sẽ tiếp tục được hưởng điều đó nếu làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 61:1-4; đọc Giê-rê-mi 3:15.

22. Làm thế nào chúng ta biết sự ứng nghiệm lần đầu của những lời tiên tri về sự khôi phục cho thấy trước một sự ứng nghiệm lớn hơn?

22 Chắc hẳn người Do Thái được khích lệ khi thấy các lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự khôi phục được ứng nghiệm lần đầu. Nhưng sự ứng nghiệm đó cho thấy trước một sự ứng nghiệm lớn hơn nhiều. Làm thế nào chúng ta biết được điều đó? Các lời hứa của Đức Giê-hô-va có điều kiện. Đức Giê-hô-va giữ lời hứa chỉ khi dân chúng vẫn vâng lời ngài. Tuy nhiên sau này, người Do Thái lại bất tuân và phản nghịch. Nhưng như Giô-suê cho biết, lời của Đức Giê-hô-va luôn trở thành sự thật. Vì thế, những lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn và lâu dài hơn. Hãy xem điều đó xảy ra như thế nào.

“Ta sẽ chấp nhận các ngươi”

23, 24. “Kỳ khôi phục mọi sự” bắt đầu khi nào và như thế nào?

23 Là học viên Kinh Thánh, chúng ta hiểu rằng thế gian gian ác này đã bước vào thời kỳ suy tàn, tức những ngày sau cùng, từ năm 1914. Dù vậy, đối với các tôi tớ của Đức Giê-hô-va, đây không phải là thời kỳ đáng buồn. Thực tế, Kinh Thánh cho thấy năm 1914 đã chứng kiến sự khởi đầu của một giai đoạn hào hứng, đó là “kỳ khôi phục mọi sự” (Công 3:21). Làm thế nào chúng ta biết được điều đó? Hãy xem chuyện gì xảy ra ở trên trời vào năm 1914. Chúa Giê-su Ki-tô được phong làm Vua Mê-si vào năm ấy. Đó là một sự khôi phục theo nghĩa nào? Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va đã hứa với vua Đa-vít rằng vương quyền của dòng dõi ông sẽ kéo dài mãi mãi (1 Sử 17:11-14). Vương quyền đó bị gián đoạn vào năm 607 TCN khi người Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem và chấm dứt sự cai trị của các vua thuộc dòng Đa-vít.

24 Với vị thế “Con Người”, Chúa Giê-su là con cháu của Đa-vít và vì thế trở thành người có quyền hợp pháp để thừa kế vương quyền của Đa-vít (Mat 1:1; 16:13-16; Lu 1:32, 33). Vào năm 1914, khi Đức Giê-hô-va ban vương quyền cho Chúa Giê-su thì “kỳ khôi phục mọi sự” bắt đầu. Điều đó mở đường cho việc Đức Giê-hô-va dùng vị Vua hoàn hảo này để tiếp tục việc khôi phục.

25, 26. (a) Khi nào thời kỳ lưu đày dài đằng đẵng ở Ba-by-lôn Lớn chấm dứt, và làm thế nào chúng ta biết được điều đó? (Cũng xem khung “Tại sao là năm 1919?”). (b) Điều gì bắt đầu được ứng nghiệm kể từ năm 1919?

25 Một trong những việc đầu tiên mà Chúa Giê-su thực hiện khi làm Vua là cùng Cha ngài thanh tra sự sắp đặt về sự thờ phượng thanh sạch trên đất (Mal 3:1-5). Như Chúa Giê-su báo trước trong minh họa về lúa mì và cỏ dại, trong một thời gian dài, không thể phân biệt được lúa mì và cỏ dại, tức các tín đồ được xức dầu chân chính và những kẻ giả mạo. * Nhưng mùa gặt đến vào năm 1914, và sự khác biệt giữa lúa mì và cỏ dại trở nên rõ ràng. Trong những thập kỷ trước năm 1914, các Học viên Kinh Thánh trung thành đã vạch trần những sai lầm nghiêm trọng của khối Ki-tô giáo và bắt đầu tách biệt khỏi tổ chức đồi bại này. Đã đến thời điểm Đức Giê-hô-va khôi phục dân ngài một cách trọn vẹn. Vì thế, vào đầu năm 1919, chỉ vài năm sau khi “mùa gặt” bắt đầu, dân của Đức Chúa Trời đã hoàn toàn được giải thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn (Mat 13:30). Thời kỳ lưu đày đã chấm dứt!

26 Những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự khôi phục bắt đầu có sự ứng nghiệm lớn hơn bất cứ sự ứng nghiệm nào vào thời xưa. Hãy xem xét sự ứng nghiệm lớn hơn của năm lời hứa của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã thảo luận.

27. Đức Chúa Trời loại bỏ việc thờ thần tượng khỏi dân của ngài như thế nào?

27 LỜI HỨA THỨ NHẤT: Chấm dứt việc thờ thần tượng và những thực hành tôn giáo gớm ghiếc khác. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô trung thành được thu nhóm và bắt đầu loại bỏ các thực hành tôn giáo sai lầm. Họ bác bỏ giáo lý Chúa Ba Ngôi, linh hồn bất tử và hỏa ngục vì xem đó là những dạy dỗ trái với Kinh Thánh và có nguồn gốc từ tôn giáo sai lầm. Việc dùng hình tượng để thờ phượng được xác định là thờ thần tượng. Dần dần, dân của Đức Chúa Trời cũng nhận ra việc dùng thập tự giá trong sự thờ phượng là một hình thức thờ thần tượng.—Ê-xê 14:6.

28. Dân Đức Giê-hô-va được trở lại xứ của họ theo nghĩa nào?

28 LỜI HỨA THỨ HAI: Dân Đức Chúa Trời được trở lại xứ thiêng liêng. Khi ra khỏi các tôn giáo của Ba-by-lôn, tín đồ đạo Đấng Ki-tô trung thành được sống trong xứ thiêng liêng của họ, tức là một tình trạng hay một môi trường được ban phước mà trong đó họ sẽ không bao giờ bị đói khát về thiêng liêng nữa. (Đọc Ê-xê-chi-ên 34:13, 14). Như sẽ thảo luận kỹ hơn trong Chương 19, Đức Giê-hô-va đã ban cho vùng đất đó dồi dào thức ăn thiêng liêng đến mức chưa từng có.—Ê-xê 11:17.

29. Vào năm 1919, công việc rao giảng được đẩy mạnh như thế nào?

29 LỜI HỨA THỨ BA: Việc dâng lễ vật tại bàn thờ của Đức Giê-hô-va lại được diễn ra. Vào thế kỷ thứ nhất CN, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô được dạy rằng thay vì dâng những con thú làm vật tế lễ, họ cần dâng cho Đức Chúa Trời những lễ vật có giá trị hơn nhiều, đó là những lời ngợi khen Đức Giê-hô-va và rao giảng về ngài (Hê 13:15). Trong những thế kỷ bị lưu đày, không có tổ chức nào dẫn đầu trong việc dâng các lễ vật như thế. Tuy nhiên, vào cuối thời kỳ lưu đày, dân của Đức Chúa Trời đã dâng những vật tế lễ là lời ngợi khen. Họ bận rộn với công việc rao giảng và vui mừng ngợi khen Đức Chúa Trời tại các buổi nhóm họp. Kể từ năm 1919, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rao giảng và đã tổ chức công việc này một cách kỹ càng hơn (Mat 24:45-47). Vì thế, bàn thờ của Đức Giê-hô-va tràn đầy các vật tế lễ của một đạo quân ngợi khen danh thánh ngài, và đạo quân này ngày càng gia tăng.

30. Chúa Giê-su đã làm gì để đáp ứng nhu cầu về những người chăn tốt lành?

30 LỜI HỨA THỨ TƯ: Loại bỏ những kẻ chăn xấu xa. Đấng Ki-tô đã giải thoát dân Đức Chúa Trời khỏi những kẻ chăn vô đạo đức và ích kỷ của khối Ki-tô giáo. Trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô, những người chăn hành động giống như những kẻ chăn giả dối đó đã bị tước đặc ân (Ê-xê 20:38). Chúa Giê-su, tức Người Chăn Tốt Lành, đã lo liệu để chiên của ngài được chăm sóc. Vào năm 1919, ngài bổ nhiệm đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Nhóm nhỏ những tín đồ trung thành được xức dầu này đã dẫn đầu trong việc cung cấp thức ăn thiêng liêng. Vì thế, dân của Đức Chúa Trời được chăm sóc chu đáo. Sau này, các trưởng lão được huấn luyện để hỗ trợ việc chăm sóc “bầy của Đức Chúa Trời” (1 Phi 5:1, 2). Lời miêu tả được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 34:15, 16 thường được dùng để nhắc những người chăn của đạo Đấng Ki-tô về tiêu chuẩn mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã thiết lập.

31. Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 11:19 như thế nào?

31 LỜI HỨA THỨ NĂM: Sự hợp nhất trong vòng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Qua hàng thế kỷ, khối Ki-tô giáo đã chia rẽ thành hàng chục ngàn tôn giáo và giáo phái bất đồng với nhau. Trái lại, Đức Giê-hô-va đã làm một điều thật sự kỳ diệu với dân được khôi phục của ngài. Qua Ê-xê-chi-ên, ngài hứa: “Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng hợp nhất”. Lời hứa này đã trở thành hiện thực một cách tuyệt diệu (Ê-xê 11:19). Trên khắp thế giới, Đấng Ki-tô có hàng triệu môn đồ đến từ mọi chủng tộc, tôn giáo, nền kinh tế và địa vị xã hội. Nhưng tất cả đều được dạy những sự thật giống nhau và cùng thực hiện một công việc trong sự hòa hợp phi thường. Vào đêm cuối cùng của đời sống trên đất, Chúa Giê-su đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đồ được hợp nhất với nhau. (Đọc Giăng 17:11, 20-23). Vào thời chúng ta, Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu xin đó theo cách đáng chú ý.

32. Anh chị cảm thấy thế nào về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri về sự khôi phục? (Cũng xem khung “Các lời tiên tri về sự giam cầm và sự khôi phục”).

32 Chẳng lẽ anh chị không vui mừng khi được sống trong thời kỳ khôi phục đầy hào hứng này sao? Chúng ta chứng kiến các lời tiên tri mà Ê-xê-chi-ên ghi lại được ứng nghiệm trong mọi khía cạnh của sự thờ phượng của chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể tin chắc rằng giờ đây Đức Giê-hô-va hài lòng với dân ngài, như ngài đã báo trước qua Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ chấp nhận các ngươi” (Ê-xê 20:41). Quả là đặc ân lớn khi thuộc về một dân hợp nhất và được chăm sóc chu đáo, là dân đang dâng lời ngợi khen cho Đức Giê-hô-va và được giải thoát sau hàng thế kỷ bị giam cầm về thiêng liêng! Nhưng một số lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự khôi phục sẽ được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn nữa.

“Như vườn Ê-đen”

33-35. (a) Lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 36:35 có ý nghĩa gì với những người Do Thái bị lưu đày? (b) Lời tiên tri đó có ý nghĩa gì với dân của Đức Giê-hô-va ngày nay? (Cũng xem khung “Kỳ khôi phục mọi sự”).

33 Như chúng ta đã thấy, “kỳ khôi phục mọi sự” bắt đầu với sự khôi phục dòng vua Đa-vít khi Chúa Giê-su lên ngôi vào năm 1914 (Ê-xê 37:24). Sau đó, Đức Giê-hô-va ban cho Chúa Giê-su quyền khôi phục sự thờ phượng thanh sạch trong vòng dân ngài sau nhiều thế kỷ bị giam cầm về thiêng liêng. Tuy nhiên, công việc khôi phục của Đấng Ki-tô có dừng lại ở đó không? Hoàn toàn không. Công việc này sẽ tiếp diễn một cách đáng kinh ngạc trong tương lai, và những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cung cấp cho chúng ta các chi tiết đầy hào hứng.

34 Chẳng hạn, hãy xem lời được soi dẫn sau đây: “Người ta sẽ nói: ‘Xứ hoang vu đã trở nên như vườn Ê-đen’” (Ê-xê 36:35). Lời hứa đó có nghĩa gì với Ê-xê-chi-ên và những người cùng bị lưu đày? Chắc hẳn họ không mong chờ một sự ứng nghiệm trọn vẹn theo nghĩa đen, đó là vùng đất được khôi phục sẽ đẹp như vườn địa đàng ban đầu được chính Đức Giê-hô-va trồng (Sáng 2:8). Thay vì thế, hẳn họ hiểu rằng Đức Giê-hô-va đang đảm bảo với họ là vùng đất được khôi phục sẽ rất đẹp đẽ và màu mỡ.

35 Lời hứa đó có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Chúng ta không mong chờ một sự ứng nghiệm theo nghĩa đen khi đang sống giữa thế gian gian ác do Sa-tan Ác Quỷ cai trị. Thay vì thế, chúng ta hiểu rằng ngày nay lời hứa đó được ứng nghiệm theo nghĩa thiêng liêng. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta đang sống trong một xứ thiêng liêng được khôi phục, tức một tình trạng hoặc môi trường mà trong đó chúng ta phụng sự một cách hiệu quả và đặt việc phụng sự ngài làm trọng tâm trong đời sống. Xứ thiêng liêng này ngày càng tốt đẹp hơn. Vậy còn tương lai thì sao?

36, 37. Những lời hứa nào sẽ trở thành hiện thực trong địa đàng tương lai?

36 Sau cuộc đại chiến Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ mở rộng công việc khôi phục của ngài bằng cách khôi phục trái đất. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, ngài sẽ hướng dẫn nhân loại để làm cho cả hành tinh này trở thành địa đàng như vườn Ê-đen đúng như ý định của Đức Giê-hô-va (Lu 23:43). Rồi tất cả nhân loại sẽ sống hòa hợp với nhau và với ngôi nhà trái đất của họ. Sẽ không có sự nguy hiểm hoặc mối đe dọa ở bất cứ đâu. Hãy hình dung thời điểm mà lời hứa này trở thành hiện thực: “Ta sẽ lập giao ước bình an với chúng và làm cho các loài mãnh thú không còn trong xứ, hầu chúng được sống an ổn nơi hoang mạc và ngủ yên trong rừng”.—Ê-xê 34:25.

37 Anh chị có thể hình dung được cảnh tượng đó không? Anh chị có thể tham quan bất cứ nơi nào trên trái đất rộng lớn này mà không phải sợ hãi. Không có loài vật nào làm hại anh chị. Không có mối nguy hiểm nào đe dọa sự bình an. Anh chị có thể một mình đi bộ vào khu rừng sâu nhất, chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ, thậm chí ngủ ở đó mà vẫn tuyệt đối an toàn, khi tỉnh dậy anh chị cảm thấy thoải mái và vẫn bình yên vô sự!

Hãy hình dung thời điểm mà chúng ta được an toàn ngay cả khi ‘ngủ trong rừng’ (Xem đoạn 36, 37)

38. Anh chị cảm thấy thế nào về việc chứng kiến lời hứa được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 28:26 trở thành hiện thực?

38 Chúng ta cũng sẽ thấy lời hứa sau đây trở thành hiện thực: “Chúng sẽ sống an ổn..., xây nhà và trồng vườn nho. Chúng sẽ sống an ổn khi ta thi hành án phạt trên mọi kẻ xung quanh từng miệt thị chúng; rồi chúng sẽ phải biết ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng” (Ê-xê 28:26). Sau khi tất cả kẻ thù của Đức Giê-hô-va không còn, chúng ta sẽ vui hưởng sự bình an và yên ổn trên khắp đất. Trong khi chăm sóc trái đất, chúng ta cũng có thể chăm sóc chính mình và những người thân yêu, xây nhà cửa tiện nghi và trồng vườn nho.

39. Tại sao anh chị có thể tin chắc những lời tiên tri về địa đàng mà Ê-xê-chi-ên ghi lại sẽ được ứng nghiệm?

39 Có phải những lời hứa này dường như chỉ là giấc mơ không? Hãy nhớ đến điều mà anh chị đã chứng kiến trong thời kỳ “khôi phục mọi sự” này. Dù Sa-tan chống đối dữ dội nhưng Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời ban quyền và đã khôi phục sự thờ phượng thanh sạch trong thời kỳ đen tối nhất của thế gian này. Quả là bằng chứng hùng hồn cho thấy tất cả các lời hứa của Đức Chúa Trời được nói qua Ê-xê-chi-ên đều sẽ trở thành sự thật!

^ đ. 2 Đa số người Do Thái bị lưu đày đều sống ở các khu vực cách xa thành Ba-by-lôn. Chẳng hạn, Ê-xê-chi-ên sống trong vòng những người Do Thái ở gần sông Kê-ba (Ê-xê 3:15). Tuy nhiên, có một số người Do Thái bị lưu đày sống ngay trong thành, trong đó có “những người thuộc dòng dõi hoàng gia và quý tộc”.—Đa 1:3, 6; 2 Vua 24:15.

^ đ. 25 Chẳng hạn, trong số những nhà cải cách tôn giáo vào thế kỷ 16, có thể có tín đồ được xức dầu của đạo Đấng Ki-tô. Nhưng chúng ta không thể xác định ai trong số đó là người được xức dầu.