Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 12

“Ta sẽ làm cho họ trở thành một nước”

“Ta sẽ làm cho họ trở thành một nước”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 37:22

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Lời hứa của Đức Giê-hô-va về việc thu nhóm dân ngài; lời tiên tri về hai thanh gỗ

1, 2. (a) Có lẽ điều gì khiến những người bị lưu đày lo lắng? (b) Tại sao họ ngạc nhiên? (c) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Ê-xê-chi-ên đã truyền đạt nhiều lời tiên tri cho những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn bằng cách diễn xuất. Lời tiên tri đầu tiên mà ông diễn chứa đựng thông điệp phán xét. Lời tiên tri thứ hai, thứ ba và các lời tiên tri khác cũng vậy (Ê-xê 3:24-26; 4:1-7; 5:1; 12:3-6). Thực tế, tất cả các lời tiên tri mà ông đã diễn đều truyền đạt thông điệp phán xét dành cho người Do Thái.

2 Vì thế, hãy hình dung những người bị lưu đày đã lo lắng ra sao khi Ê-xê-chi-ên lại xuất hiện trước mặt họ, sẵn sàng diễn một lời tiên tri khác. Hẳn họ nghĩ: “Lần này chúng ta sẽ nhận thông điệp khủng khiếp nào?”. Nhưng họ đã ngạc nhiên. Lời tiên tri mà Ê-xê-chi-ên diễn lần này rất khác biệt. Nó chứa đựng một lời hứa tươi sáng, chứ không phải là một sự phán xét u ám (Ê-xê 37:23). Ê-xê-chi-ên truyền đạt thông điệp nào cho những người bị lưu đày? Thông điệp đó có ý nghĩa gì? Nó tác động đến tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay ra sao? Hãy cùng tìm lời giải đáp.

“Chúng sẽ thành một trong tay ta”

3. (a) Thanh gỗ “cho Giu-đa” tượng trưng cho điều gì? (b) Tại sao “thanh gỗ của Ép-ra-im” tượng trưng cho vương quốc gồm mười chi phái?

3 Đức Giê-hô-va bảo Ê-xê-chi-ên lấy hai thanh gỗ, rồi viết chữ “cho Giu-đa” lên một thanh và chữ “cho Giô-sép, là thanh gỗ của Ép-ra-im” lên thanh kia. (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:15, 16). Hai thanh gỗ này tượng trưng cho điều gì? Thanh gỗ “cho Giu-đa” tượng trưng cho vương quốc gồm hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min. Các vua thuộc dòng Giu-đa cai trị hai chi phái này. Chức tế lễ cũng gắn liền với hai chi phái này vì các thầy tế lễ phụng sự tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem (2 Sử 11:13, 14; 34:30). Do đó, các vua thuộc dòng Đa-vít và chức tế lễ Lê-vi thuộc về vương quốc Giu-đa. “Thanh gỗ của Ép-ra-im” tượng trưng cho vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái. Tại sao có thể kết luận như vậy? Vua đầu tiên của vương quốc gồm mười chi phái là Giê-rô-bô-am ra từ chi phái Ép-ra-im. Với thời gian, Ép-ra-im trở thành chi phái nổi trội nhất của Y-sơ-ra-ên (Phục 33:17; 1 Vua 11:26). Hãy lưu ý rằng vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái không bao gồm các vua thuộc dòng Đa-vít hoặc các thầy tế lễ người Lê-vi.

4. Điều kế tiếp mà Ê-xê-chi-ên làm với hai thanh gỗ minh họa cho điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Ê-xê-chi-ên cũng được bảo là ráp hai thanh gỗ ấy lại “để chúng thành một”. Khi hồi hộp xem Ê-xê-chi-ên diễn, những người bị lưu đày đã hỏi: “Ông không nói cho chúng tôi biết những điều ấy có nghĩa gì sao?”. Ê-xê-chi-ên cho biết màn diễn xuất này minh họa cho điều chính Đức Giê-hô-va sẽ làm. Về hai thanh gỗ, Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ ráp chúng thành một thanh, rồi chúng sẽ thành một trong tay ta”.Ê-xê 37:17-19.

5. Điều Ê-xê-chi-ên diễn có ý nghĩa gì? (Xem khung “Hai thanh gỗ được hợp thành một”).

5 Tiếp theo, Đức Giê-hô-va giải thích ý nghĩa của việc ráp hai thanh gỗ ấy lại. (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:21, 22). Những người bị lưu đày từ cả vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái lẫn vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái (Ép-ra-im) sẽ được đưa về xứ Y-sơ-ra-ên, nơi mà họ sẽ trở thành “một nước”.—Giê 30:1-3; 31:2-9; 33:7.

6. Những lời tiên tri nào trong sách Ê-xê-chi-ên chương 37 bổ sung cho nhau?

6 Thật thú vị khi thấy những lời tiên tri về sự khôi phục được ghi nơi Ê-xê-chi-ên chương 37 bổ sung cho nhau! Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài không chỉ khôi phục sự sống (câu 1-14) mà còn khôi phục sự hợp nhất (câu 15-28). Hai lời tiên tri này chứa đựng một thông điệp khích lệ: Sự chết có thể được đảo ngược và sự chia rẽ cũng vậy.

Đức Giê-hô-va “thâu họ về” như thế nào?

7. Làm thế nào lời tường thuật nơi 1 Sử ký 9:2, 3 cho thấy “với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể”?

7 Theo quan điểm của con người, những người bị lưu đày dường như không thể được tự do và hợp nhất. * Nhưng “với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể” (Mat 19:26). Đức Giê-hô-va đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của ngài. Thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn kết thúc vào năm 537 TCN, và sau đó người dân thuộc cả hai vương quốc đã đến Giê-ru-sa-lem để giúp khôi phục sự thờ phượng thật. Lời Đức Chúa Trời cho biết điều ấy đã xảy ra: “Một số con cháu Giu-đa, Bên-gia-min, Ép-ra-im và Ma-na-se trở về sinh sống tại Giê-ru-sa-lem” (1 Sử 9:2, 3; Ê-xơ-ra 6:17). Quả thật, y như Đức Giê-hô-va báo trước, những người thuộc vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái đã “ráp lại” hay hợp nhất với những người thuộc vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái.

8. (a) Ê-sai đã tiên tri điều gì? (b) Hai khía cạnh quan trọng nào được tìm thấy nơi Ê-xê-chi-ên 37:21?

8 Khoảng 200 năm trước đó, nhà tiên tri Ê-sai đã tiên tri về điều sẽ xảy ra với Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sau khi kết thúc thời kỳ lưu đày. Ông báo trước rằng Đức Giê-hô-va sẽ thu nhóm “những người bị tản mác của Y-sơ-ra-ên” và “những người Giu-đa bị phân tán về từ bốn góc trái đất”, kể cả từ A-si-ri (Ê-sai 11:12, 13, 16). Quả thật, đúng như Đức Giê-hô-va báo trước, ngài đã đem “dân Y-sơ-ra-ên về từ các nước” (Ê-xê 37:21). Hãy lưu ý đến hai khía cạnh quan trọng: Lúc này, Đức Giê-hô-va không còn gọi những người bị lưu đày là “Giu-đa” và “Ép-ra-im” mà gọi họ là “dân Y-sơ-ra-ên”, một tập thể. Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên cũng được miêu tả là về từ nhiều nước, thật ra là “từ khắp các phương trời”, chứ không phải đến từ một nước là Ba-by-lôn.

9. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp những người hồi hương trở nên hợp nhất?

9 Sau khi những người bị lưu đày trở về Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va giúp họ hợp nhất như thế nào? Ngài cung cấp cho họ những người chăn về mặt thiêng liêng như Xô-rô-ba-bên, thầy tế lễ thượng phẩm Giô-suê, Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi. Ngài cũng dấy lên các nhà tiên tri Ha-gai, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Tất cả những người trung thành này đã nỗ lực khuyến khích dân chúng làm theo các chỉ dẫn của Đức Chúa Trời (Nê 8:2, 3). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên bằng cách phá vỡ âm mưu đến từ kẻ thù của dân ngài.—Ê-xơ-tê 9:24, 25; Xa 4:6.

Đức Giê-hô-va đã cung cấp những người chăn thiêng liêng để giúp dân ngài hợp nhất (Xem đoạn 9)

10. Sa-tan thành công trong việc gì?

10 Tuy nhiên, bất kể những sự cung cấp yêu thương của Đức Giê-hô-va, đa số người Y-sơ-ra-ên không theo sát sự thờ phượng thanh sạch. Hành động của họ được ghi lại trong một số sách của Kinh Thánh. Các sách này được viết sau khi những người bị lưu đày hồi hương (Ê-xơ-ra 9:1-3; Nê 13:1, 2, 15). Thực tế, trong một thế kỷ kể từ khi hồi hương, người Y-sơ-ra-ên đã bị trôi dạt khỏi sự thờ phượng thanh sạch đến mức Đức Giê-hô-va phải kêu gọi họ: “Hãy trở lại cùng ta” (Mal 3:7). Đến thời điểm Chúa Giê-su xuống trái đất, Do Thái giáo được chia thành một số giáo phái do các người chăn bất trung dẫn đầu (Mat 16:6; Mác 7:5-8). Sa-tan đã thành công trong việc ngăn cản sự hợp nhất trọn vẹn. Dù vậy, lời tiên tri của Đức Giê-hô-va về sự hợp nhất chắc chắn sẽ được ứng nghiệm. Như thế nào?

“Đa-vít tôi tớ ta sẽ là vua của họ”

11. (a) Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì liên quan đến lời tiên tri về sự hợp nhất? (b) Một lần nữa Sa-tan cố làm gì sau khi bị quăng xuống đất?

11 Đọc Ê-xê-chi-ên 37:24. Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng lời tiên tri về sự hợp nhất sẽ được ứng nghiệm trọn vẹn trong vòng dân ngài chỉ sau khi “Đa-vít tôi tớ” ngài, tức Chúa Giê-su, bắt đầu làm Vua. Ngài lên ngôi vào năm 1914 * (2 Sa 7:16; Lu 1:32). Đến thời điểm đó, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống đã được thay thế bởi dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức các tín đồ được xức dầu (Giê 31:33; Ga 3:29). Một lần nữa Sa-tan cố phá hủy sự hợp nhất của dân Đức Chúa Trời, đặc biệt sau khi hắn bị quăng xuống đất (Khải 12:7-10). Chẳng hạn, sau khi anh Russell qua đời vào năm 1916, Sa-tan tận dụng cơ hội để gây chia rẽ trong vòng những người được xức dầu bằng cách dùng các kẻ bội đạo. Nhưng không lâu sau, những kẻ bội đạo đã rời bỏ tổ chức. Sa-tan cũng thành công trong việc khiến các anh dẫn đầu bị bỏ tù, nhưng ngay cả điều đó cũng không thể xóa sổ được dân của Đức Giê-hô-va. Các anh được xức dầu đã trung thành với Đức Giê-hô-va và duy trì sự hợp nhất của họ.

12. Tại sao Sa-tan thất bại trong việc chia rẽ dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?

12 Vì thế, trái với dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng vẫn đứng vững trước âm mưu gây chia rẽ của Sa-tan. Tại sao nỗ lực của Sa-tan bị thất bại? Vì những người được xức dầu đã gắng hết sức để theo sát các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, họ nhận được sự che chở của Vua Giê-su, đấng tiếp tục cuộc chinh phục Sa-tan.—Khải 6:2.

Đức Giê-hô-va sẽ khiến những người thờ phượng ngài hợp “thành một”

13. Lời tiên tri về hai thanh gỗ hợp thành một dạy chúng ta sự thật quan trọng nào?

13 Lời tiên tri về hai thanh gỗ hợp “thành một” có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Hãy nhớ rằng mục đích của lời tiên tri là để minh họa việc hai nhóm sẽ hợp nhất. Trên hết, lời tiên tri nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va là đấng mang lại sự hợp nhất này. Vậy minh họa về hai thanh gỗ hợp “thành một” nhấn mạnh sự thật quan trọng nào về sự thờ phượng thanh sạch? Đó là chính Đức Giê-hô-va sẽ khiến những người thờ phượng ngài hợp “thành một”.—Ê-xê 37:19.

14. Kể từ năm 1919, lời tiên tri về hai thanh gỗ hợp thành một được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn như thế nào?

14 Kể từ năm 1919, sau khi dân của Đức Chúa Trời được làm sạch về thiêng liêng và bắt đầu bước vào địa đàng thiêng liêng, lời tiên tri về hai thanh gỗ hợp “thành một” đã bắt đầu được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn. Vào thời điểm đó, phần lớn những người được hợp nhất có hy vọng trở thành vua và thầy tế lễ ở trên trời (Khải 20:6). Theo nghĩa bóng, những người được xức dầu giống như thanh gỗ “cho Giu-đa”, tức một nước bao gồm các vua thuộc dòng Đa-vít và các thầy tế lễ người Lê-vi. Tuy nhiên, theo thời gian, những người Do Thái thiêng liêng này được hợp nhất với một nhóm ngày càng đông đảo, là những người có hy vọng sống trên đất. Nhóm này giống như “thanh gỗ của Ép-ra-im”, tức một nước không bao gồm các vua thuộc dòng Đa-vít và các thầy tế lễ người Lê-vi. Cả hai nhóm này hợp thành một dân của Đức Giê-hô-va và hợp nhất phụng sự dưới quyền cai trị của một Vua là Chúa Giê-su Ki-tô.—Ê-xê 37:24.

“Họ sẽ là dân ta”

15. Ngày nay lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 37:26, 27 đang được ứng nghiệm như thế nào?

15 Chính lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho biết nhiều người sẽ được thúc đẩy để kết hợp với những người được xức dầu trong sự thờ phượng thanh sạch. Đức Giê-hô-va nói về dân ngài: “Ta sẽ... khiến họ gia tăng” “lều của ta sẽ ở trên họ” (Ê-xê 37:26, 27; chú thích). Những lời này nhắc chúng ta nhớ đến lời tiên tri mà Giăng nhận được khoảng 700 năm sau thời Ê-xê-chi-ên, đó là “đấng ngồi trên ngai sẽ giăng lều của ngài” trên “một đám đông lớn” (Khải 7:9, 15). Ngày nay, những người được xức dầu và đám đông lớn hợp thành một nước, là dân của Đức Chúa Trời, và họ ở dưới lều bảo vệ của ngài.

16. Xa-cha-ri đưa ra lời tiên tri nào về sự hợp nhất giữa dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng với những người có hy vọng sống trên đất?

16 Sự hợp nhất giữa những người Do Thái thiêng liêng với những người có hy vọng sống trên đất cũng được Xa-cha-ri tiên tri. Chính ông là một người bị lưu đày được hồi hương. Ông nói rằng ‘mười người từ các nước sẽ nắm thật chặt áo của một người Do Thái’ và nói: “Chúng tôi muốn đi theo các anh vì chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời ở cùng các anh” (Xa 8:23). Cụm từ “các anh” cho thấy “một người Do Thái” trong câu này không nói đến một cá nhân, nhưng nói đến một nhóm người. Ngày nay, nhóm người này gồm những người được xức dầu còn sót lại, tức những người Do Thái thiêng liêng (Rô 2:28, 29). “Mười người” tượng trưng cho những người có hy vọng sống trên đất. Họ “nắm thật chặt” và “đi theo” những người được xức dầu (Ê-sai 2:2, 3; Mat 25:40). Cụm từ “nắm thật chặt” và “đi theo các anh” cho thấy sự hợp nhất trọn vẹn của hai nhóm người này.

17. Chúa Giê-su miêu tả thế nào về sự hợp nhất mà hiện nay chúng ta có?

17 Có lẽ Chúa Giê-su nghĩ đến lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự hợp nhất khi miêu tả chính mình là người chăn giúp chiên ngài (những người được xức dầu) và “chiên khác” (những người có hy vọng sống trên đất) trở thành “một bầy” (Giăng 10:16; Ê-xê 34:23; 37:24, 25). Những lời của Chúa Giê-su và các nhà tiên tri thời xưa miêu tả thật chính xác sự hợp nhất đáng kinh ngạc của chúng ta về mặt thiêng liêng, dù chúng ta có hy vọng nào đi nữa! Trong khi các tôn giáo sai lầm bị chia rẽ thành vô số giáo phái thì chúng ta lại có sự hợp nhất kỳ diệu.

Ngày nay, những người được xức dầu và “chiên khác” hợp nhất thờ phượng Đức Giê-hô-va với tư cách “một bầy” (Xem đoạn 17)

“Nơi thánh ta ở giữa họ mãi mãi”

18. Theo Ê-xê-chi-ên 37:28, tại sao việc dân của Đức Chúa Trời “không thuộc về thế gian” là vô cùng quan trọng?

18 Những lời cuối cùng trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự hợp nhất cho thấy lý do khiến sự hợp nhất của chúng ta không bao giờ bị phá vỡ. (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:28). Dân Đức Giê-hô-va hợp nhất với nhau vì nơi thánh của ngài, tức sự thờ phượng thanh sạch, “ở giữa họ”. Nơi thánh ngài vẫn ở trong vòng họ miễn là họ giữ cho chính mình được nên thánh, hay được biệt riêng ra khỏi thế gian của Sa-tan (1 Cô 6:11; Khải 7:14). Chúa Giê-su đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không thuộc về thế gian. Trong lời cầu nguyện chân thành cho các môn đồ, Chúa Giê-su nói: “Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ... để họ trở nên một... Họ không thuộc về thế gian... Xin Cha dùng chân lý khiến họ nên thánh” (Giăng 17:11, 16, 17). Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su đã liên kết việc trở nên một với việc “không thuộc về thế gian”.

19. (a) Làm thế nào để chứng tỏ mình là người ‘bắt chước Đức Chúa Trời’? (b) Vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su nhấn mạnh sự thật quan trọng nào về sự hợp nhất?

19 Đây là trường hợp duy nhất trong Kinh Thánh mà Chúa Giê-su gọi Đức Chúa Trời là “Cha thánh”. Đức Giê-hô-va hoàn toàn thanh khiết và ngay thẳng. Ngài ban mệnh lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh” (Lê 11:45). Là người ‘bắt chước Đức Chúa Trời’, chúng ta muốn vâng theo mệnh lệnh đó trong mọi cách ăn ở của mình (Ê-phê 5:1; 1 Phi 1:14, 15). Khi từ “thánh” được dùng cho con người, từ này có nghĩa là “được biệt riêng ra”. Vì thế, vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng các môn đồ của ngài sẽ giữ được sự hợp nhất miễn là họ tách biệt khỏi thế gian chia rẽ này.

“Xin Cha gìn giữ họ vì cớ Kẻ Ác”

20, 21. (a) Điều gì khiến chúng ta càng tin cậy sự che chở của Đức Giê-hô-va hơn? (b) Anh chị quyết tâm làm gì?

20 Sự hợp nhất đáng kinh ngạc trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va có thể được thấy rõ trên toàn thế giới. Đó là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va nhậm lời thỉnh cầu của Chúa Giê-su: “Xin Cha gìn giữ họ vì cớ Kẻ Ác”. (Đọc Giăng 17:14, 15). Quả thật, chúng ta càng tin cậy sự che chở của Đức Chúa Trời hơn khi thấy Sa-tan không thể phá hủy sự hợp nhất trong vòng dân ngài. Trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va cho biết hai thanh gỗ trở nên một trong tay ngài. Vì thế, chính Đức Giê-hô-va đã hợp nhất dân ngài một cách kỳ diệu dưới bàn tay che chở của ngài để Sa-tan không thể làm hại họ.

21 Chúng ta nên quyết tâm làm gì? Hãy tiếp tục nỗ lực góp phần vào sự hợp nhất quý báu mà hiện nay chúng ta đang hưởng. Mỗi người chúng ta có thể làm thế bằng cách nào? Đó là đều đặn tham gia sự thờ phượng thanh sạch tại đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Những chương kế tiếp sẽ cho biết sự thờ phượng đó bao hàm điều gì.

^ đ. 7 Khoảng hai thế kỷ trước khi Ê-xê-chi-ên nhận được lời tiên tri này, cư dân của vương quốc gồm mười chi phái (“thanh gỗ của Ép-ra-im”) bị quân A-si-ri bắt đi lưu đày.—2 Vua 17:23.

^ đ. 11 Lời tiên tri này được thảo luận chi tiết trong Chương 8.