Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 10

“Các ngươi sẽ sống lại”

“Các ngươi sẽ sống lại”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 37:5

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Khải tượng về sự hồi sinh của “các xương khô” và sự ứng nghiệm của khải tượng ấy trong phạm vi lớn hơn

1-3. Điều gì khiến tâm trạng của những người Do Thái ở Ba-by-lôn thay đổi? (Xem hình nơi đầu bài).

Tâm trạng của người Do Thái ở Ba-by-lôn thay đổi rất nhiều. Trong khoảng 5 năm, Ê-xê-chi-ên đã cố giúp họ từ bỏ hy vọng sai lầm, nhưng nỗ lực của ông không có kết quả. Cho dù ông có diễn dấu hiệu nào, dùng minh họa ra sao hay rao báo bất cứ thông điệp nào đi nữa thì những người bị lưu đày vẫn không chịu tin là Đức Giê-hô-va sẽ để Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Ngay cả khi biết được thành này đã bị quân Ba-by-lôn vây hãm, họ vẫn tin chắc rằng cư dân trong thành được an toàn.

2 Nhưng hai năm sau khi cuộc vây hãm bắt đầu, một người chạy thoát khỏi Giê-ru-sa-lem đã đến được Ba-by-lôn và báo tin: “Thành bị thất thủ rồi!”. Thông tin này khiến những người bị lưu đày vô cùng choáng váng. Họ cố hiểu hết ý nghĩa của thông tin ấy: thành yêu dấu, đền thờ thánh và quê hương yêu quý của họ không còn nữa. Hy vọng ấp ủ bấy lâu nay trở thành nỗi tuyệt vọng.—Ê-xê 21:7; 33:21.

3 Tuy nhiên, vào lúc tuyệt vọng đó, Ê-xê-chi-ên nhận được một khải tượng hùng hồn đem lại hy vọng. Khải tượng ấy chứa đựng thông điệp nào cho những người bị lưu đày đang tan nát cõi lòng? Khải tượng ấy có liên hệ thế nào đến dân Đức Chúa Trời ngày nay, và cá nhân chúng ta có thể nhận được lợi ích nào qua khải tượng đó? Để biết câu trả lời, hãy xem Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì với Ê-xê-chi-ên.

“Hãy tiên tri về các xương này” và “hãy nói tiên tri với gió”

4. Ê-xê-chi-ên đặc biệt chú ý đến điều gì trong khải tượng mà ông nhận được?

4 Đọc Ê-xê-chi-ên 37:1-10. Trong một khải tượng, Ê-xê-chi-ên được đặt ở một đồng bằng đầy ắp xương cốt. Dường như để chắc chắn rằng khải tượng này gây ấn tượng mạnh với Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri “đi xung quanh” các xương nằm rải rác đó. Khi đi bộ trong đồng bằng, Ê-xê-chi-ên đặc biệt chú ý đến hai điều liên quan đến các xương này: số lượng và tình trạng của chúng. Ông quan sát thấy “có rất nhiều xương... và chúng rất khô”.

5. Đức Giê-hô-va ban cho Ê-xê-chi-ên hai mệnh lệnh nào, và điều gì xảy ra sau khi ông thi hành hai mệnh lệnh ấy?

5 Sau đó, Đức Giê-hô-va ban cho Ê-xê-chi-ên hai mệnh lệnh. Hai mệnh lệnh này sẽ khởi đầu cho sự khôi phục dần dần. Mệnh lệnh đầu tiên là: “Hãy tiên tri về các xương này”, bảo chúng “sống lại” (Ê-xê 37:4-6). Ngay sau khi Ê-xê-chi-ên nói tiên tri, “có tiếng ồn, tiếng kêu lách cách và các xương bắt đầu ráp lại với nhau”, rồi “gân cùng thịt” bọc lấy các xương ấy và “da che phủ chúng” (Ê-xê 37:7, 8). Mệnh lệnh thứ hai là: “Hãy nói tiên tri với gió”, bảo gió “thổi trên” những xác này. Khi Ê-xê-chi-ên nói tiên tri, “hơi thở vào trong chúng, chúng sống lại và đứng dậy. Ấy là một đạo quân vô cùng đông đảo”.—Ê-xê 37:9, 10.

“Xương cốt chúng tôi đều khô cả, hy vọng chúng tôi đã tiêu tan”

6. Đức Giê-hô-va nói gì để giúp Ê-xê-chi-ên hiểu khải tượng?

6 Kế đến, Đức Giê-hô-va tiết lộ với Ê-xê-chi-ên ý nghĩa của khải tượng này. Ngài nói: “Những xương ấy là hết thảy nhà Y-sơ-ra-ên”. Quả thật, sau khi những người bị lưu đày biết tin Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, họ cảm thấy như thể mình đã chết. Vì thế, họ kêu than: “Xương cốt chúng tôi đều khô cả, hy vọng chúng tôi đã tiêu tan. Chúng tôi hoàn toàn bị chia cắt” (Ê-xê 37:11; Giê 34:20). Trước sự kêu than của họ, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng khải tượng ảm đạm này thật ra chứa đựng một thông điệp mang hy vọng tươi sáng dành cho Y-sơ-ra-ên.

7. Như được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 37:12-14, Đức Giê-hô-va tiết lộ điều gì với Ê-xê-chi-ên? Điều này tác động đến những người bị lưu đày ra sao?

7 Đọc Ê-xê-chi-ên 37:12-14. Qua khải tượng này, Đức Giê-hô-va đảm bảo với những người bị lưu đày rằng ngài sẽ ban cho họ sức sống, đưa họ về quê hương và để họ sinh sống ở đó. Ngoài ra, một lần nữa Đức Giê-hô-va gọi họ là “dân ta”. Hẳn các lời này thật khích lệ với những người bị lưu đày đang nản lòng! Tại sao họ có thể chắc chắn rằng lời hứa về sự khôi phục này sẽ trở thành sự thật? Vì chính Đức Giê-hô-va đã đảm bảo điều đó. Ngài tuyên bố: “Chính ta, Đức Giê-hô-va, đã nói và làm điều đó”.

8. (a) “Hết thảy nhà Y-sơ-ra-ên” ở trong tình trạng giống như chết ra sao? (b) Làm thế nào Ê-xê-chi-ên 37:9 cho biết nguyên nhân Y-sơ-ra-ên bị chết theo nghĩa bóng? (Xem chú thích).

8 Nước Y-sơ-ra-ên xưa đã trải qua sự ứng nghiệm của phần ảm đạm trong khải tượng mang tính tiên tri này như thế nào? Sự chết theo nghĩa bóng của Y-sơ-ra-ên bắt đầu vào năm 740 TCN với sự sụp đổ và lưu đày của vương quốc gồm mười chi phái. Khoảng 130 năm sau, khi dân Giu-đa cũng bị trục xuất khỏi quê hương thì “hết thảy nhà Y-sơ-ra-ên” bị giam cầm (Ê-xê 37:11). Theo nghĩa bóng, hết thảy nhóm người bị lưu đày đều ở trong tình trạng đã chết giống như những xương cốt trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. * Cũng hãy nhớ rằng Ê-xê-chi-ên không chỉ nhìn thấy các xương mà còn là xương “rất khô”, điều này cho thấy họ đã ở trong tình trạng giống như chết một thời gian dài. Quả thật, nếu tính trên cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thì tình trạng này đã kéo dài hơn 200 năm, từ năm 740 TCN đến năm 537 TCN.—Giê 50:33.

9. Có sự tương đồng nào giữa nước Y-sơ-ra-ên xưa và “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”?

9 Những lời tiên tri về sự khôi phục liên quan đến Y-sơ-ra-ên, gồm cả lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, có sự ứng nghiệm lớn hơn (Công 3:21). Giống như việc nước Y-sơ-ra-ên xưa “bị giết” và tiếp tục ở trong tình trạng chết theo nghĩa bóng trong một thời gian dài, “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, tức hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu, cũng bị giết theo nghĩa bóng và trải qua tình trạng giam cầm giống như chết trong một thời gian dài (Ga 6:16). Thật ra, thời kỳ bị giam cầm của hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu tiếp tục kéo dài đến mức tình trạng thiêng liêng của họ có thể so sánh với tình trạng “rất khô” của các xương (Ê-xê 37:2). Như đã thảo luận trong chương trước, thời kỳ bị giam cầm của hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu bắt đầu vào thế kỷ thứ hai CN và kéo dài nhiều thế kỷ sau, đúng như Chúa Giê-su đã cho biết trong minh họa của ngài về lúa mì và cỏ dại.—Mat 13:24-30.

Các xương “rất khô” minh họa cho thời gian rất dài mà những người được xức dầu bị giam cầm trong tình trạng giống như chết (Xem đoạn 8, 9)

“Các xương bắt đầu ráp lại với nhau”

10. (a) Ê-xê-chi-ên 37:7, 8 báo trước điều gì liên quan đến dân của Đức Chúa Trời? (b) Những yếu tố nào hẳn đã dần khôi phục niềm tin của những người bị lưu đày?

10 Vào thời xưa, Đức Giê-hô-va đã báo trước rằng dân ngài sẽ dần được hồi sinh (Ê-xê 37:7, 8). Vậy một số yếu tố nào đã dần khôi phục niềm tin của những người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời về hy vọng được hồi hương? Hẳn một yếu tố đem lại hy vọng là lời của các nhà tiên tri trước đó. Chẳng hạn, Ê-sai báo trước rằng một nhóm người còn sót lại, tức “dòng dõi thánh”, sẽ được hồi hương (Ê-sai 6:13; Gióp 14:7-9). Những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên về sự khôi phục chắc hẳn cũng giúp họ tiếp tục ấp ủ hy vọng đó. Ngoài ra, việc những người trung thành như nhà tiên tri Đa-ni-ên có mặt ở Ba-by-lôn, cũng như sự sụp đổ đáng kinh ngạc của thành Ba-by-lôn vào năm 539 TCN, chắc hẳn đã củng cố niềm hy vọng được hồi hương của những người bị lưu đày.

11, 12. (a) Một sự khôi phục dần dần đã diễn ra trong vòng “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” như thế nào? (Cũng xem khung “Sự thờ phượng thanh sạch dần được khôi phục”). (b) Câu hỏi nào được nêu lên liên quan đến Ê-xê-chi-ên 37:10?

11 Tương tự, một sự khôi phục dần dần đã diễn ra trong vòng “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, tức hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu. Như thế nào? Nhiều thế kỷ kể từ khi bị giam cầm trong tình trạng giống như chết, có “tiếng ồn, tiếng kêu lách cách” khi những người kính sợ Đức Chúa Trời trỗi dậy vì sự thờ phượng thật. Chẳng hạn, vào thế kỷ 16, ông William Tyndale đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh. Nhờ thế, dân thường cũng có thể đọc Kinh Thánh. Điều này khiến hàng giáo phẩm của Công giáo La Mã rất tức giận. Cuối cùng, ông Tyndale đã bị giết. Dù vậy, những người can đảm khác tiếp tục sản xuất các bản dịch Kinh Thánh trong những ngôn ngữ khác và ánh sáng thiêng liêng dần được chiếu rọi trong thế gian tối tăm.

12 Sau đó, anh Charles Russell cùng cộng sự bắt đầu sốt sắng làm việc để khôi phục các sự thật trong Kinh Thánh. Điều này như thể là “gân cùng thịt” bọc lấy xương. Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) và các ấn phẩm khác đã giúp những người có lòng thành nhận ra các sự thật trong Kinh Thánh, điều này thôi thúc họ kết hợp với các tôi tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời. Vào đầu thập niên 1900, dân được xức dầu của Đức Chúa Trời được tiếp thêm sức qua những công cụ như “Kịch ảnh về sự sáng tạo” (“Photo-Drama of Creation”) và sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery). Không lâu sau, đã đến thời điểm Đức Chúa Trời khiến dân ngài “đứng dậy” (Ê-xê 37:10). Điều đó xảy ra khi nào và như thế nào? Những sự kiện diễn ra ở Ba-by-lôn xưa giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó.

“Chúng sống lại và đứng dậy”

13. (a) Bắt đầu vào năm 537 TCN, những lời ghi nơi Ê-xê-chi-ên 37:10, 14 được ứng nghiệm như thế nào? (b) Các câu Kinh Thánh nào cho thấy có những người thuộc vương quốc gồm mười chi phái đã quay về Y-sơ-ra-ên?

13 Bắt đầu vào năm 537 TCN, người Do Thái ở Ba-by-lôn chứng kiến sự ứng nghiệm của khải tượng. Như thế nào? Đức Giê-hô-va khiến dân ngài “sống lại” và “đứng dậy” bằng cách giải thoát họ khỏi sự giam cầm và cho họ trở về Y-sơ-ra-ên. Một nhóm gồm 42.360 người Y-sơ-ra-ên và khoảng 7.000 dân ngoại đã rời Ba-by-lôn để tái thiết Giê-ru-sa-lem và đền thờ, đồng thời sinh sống ở vùng đất của Y-sơ-ra-ên (Ê-xơ-ra 1:1-4; 2:64, 65; Ê-xê 37:14). Rồi khoảng 70 năm sau, chừng 1.750 người bị lưu đày đã cùng Ê-xơ-ra trở về Giê-ru-sa-lem (Ê-xơ-ra 8:1-20). Vì thế, tổng cộng có hơn 44.000 người Do Thái hồi hương. Đó là một ‘đạo quân đông đảo’ (Ê-xê 37:10). Ngoài ra, Lời Đức Chúa Trời cho biết cũng có những người thuộc vương quốc gồm mười chi phái, là những người có tổ phụ bị quân A-si-ri trục xuất vào thế kỷ thứ tám TCN, đã quay về Y-sơ-ra-ên để hỗ trợ việc tái thiết đền thờ.—1 Sử 9:3; Ê-xơ-ra 6:17; Giê 33:7; Ê-xê 36:10.

14. (a) Làm thế nào Ê-xê-chi-ên 37:24 giúp chúng ta xác định thời điểm mà lời tiên tri được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn? (b) Điều gì xảy ra vào năm 1919? (Cũng xem khung “‘Các xương khô’ và ‘hai nhân chứng’—Có mối liên hệ nào?”).

14 Phần này của lời tiên tri mà Ê-xê-chi-ên ghi lại được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn như thế nào? Như Đức Giê-hô-va đã tiết lộ với Ê-xê-chi-ên trong một lời tiên tri có liên quan, lời tiên tri về sự khôi phục này sẽ được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn vào một thời điểm nào đó sau khi Đa-vít Lớn, tức Chúa Giê-su Ki-tô, bắt đầu làm Vua * (Ê-xê 37:24). Quả thật, vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã đặt thần khí vào dân ngài. Nhờ vậy, họ được “sống lại” và được giải thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn (Ê-sai 66:8). Sau đó, Đức Giê-hô-va cho phép họ sinh sống ở “vùng đất” của họ, tức là địa đàng thiêng liêng. Nhưng dân của Đức Giê-hô-va vào thời hiện đại đã trở thành một ‘đạo quân đông đảo’ như thế nào?

15, 16. (a) Dân của Đức Giê-hô-va vào thời hiện đại trở thành một ‘đạo quân đông đảo’ như thế nào? (b) Lời tiên tri này của Ê-xê-chi-ên giúp chúng ta đương đầu với những thử thách ra sao? (Xem khung “Được giúp để ‘đứng dậy’”).

15 Không lâu sau khi Chúa Giê-su bổ nhiệm đầy tớ trung tín vào năm 1919, các tôi tớ của Đức Chúa Trời bắt đầu trải nghiệm điều mà Xa-cha-ri đã báo trước. Khi phụng sự trong vòng những người bị lưu đày được hồi hương, ông nói: “Nhiều dân tộc và các nước mạnh sẽ đến tìm kiếm Đức Giê-hô-va”. Nhà tiên tri miêu tả những người tìm kiếm Đức Giê-hô-va là “mười người từ mọi ngôn ngữ của các nước”. Những người này sẽ nắm chặt áo của “một người Do Thái”, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và nói: “Chúng tôi muốn đi theo các anh vì chúng tôi nghe rằng Đức Chúa Trời ở cùng các anh”.—Xa 8:20-23.

16 Ngày nay, có một “đạo quân vô cùng đông đảo” lên đến hàng triệu người. Đạo quân này gồm những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức những người được xức dầu còn sót lại, và theo nghĩa rộng hơn cũng gồm “mười người”, tức các chiên khác (Ê-xê 37:10). Là người lính của Đấng Ki-tô trong đạo quân ngày càng gia tăng đó, chúng ta theo sát Vua là Chúa Giê-su để hướng tới những ân phước ở phía trước.—Thi 37:29; Ê-xê 37:24; Phi-líp 2:25; 1 Tê 4:16, 17.

17. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương tới?

17 Việc khôi phục sự thờ phượng thanh sạch đi kèm với một trách nhiệm quan trọng dành cho dân của Đức Chúa Trời. Trách nhiệm đó là gì? Để biết câu trả lời, chúng ta cần quay trở lại và xem xét một nhiệm vụ mà Ê-xê-chi-ên nhận được từ Đức Giê-hô-va trước khi Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt. Chúng ta sẽ xem xét điều đó trong chương tới.

^ đ. 8 Các xương mà Ê-xê-chi-ên thấy trong khải tượng là của “những người đã bị giết”, chứ không phải của những người qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên (Ê-xê 37:9). Quả thật, “hết thảy nhà Y-sơ-ra-ên” đã bị giết theo nghĩa bóng. Điều này xảy ra khi cư dân của cả vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái lẫn vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái lần lượt bị người A-si-ri và Ba-by-lôn chinh phục, bắt giữ và trục xuất.

^ đ. 14 Lời tiên tri này về Đấng Mê-si đã được thảo luận trong Chương 8.