Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 20

“Chia xứ làm phần thừa kế”

“Chia xứ làm phần thừa kế”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 45:1

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Ý nghĩa của việc phân chia xứ

1, 2. (a) Ê-xê-chi-ên nhận được những chỉ dẫn nào từ Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Hẳn khải tượng mà Ê-xê-chi-ên vừa thấy khiến ông nghĩ đến thời Môi-se và Giô-suê, là những người sống trước thời ông gần 900 năm. Lúc đó, Đức Giê-hô-va đã cho Môi-se biết biên giới của Đất Hứa. Sau này, ngài cho Giô-suê biết xứ này phải được chia cho các chi phái Y-sơ-ra-ên như thế nào (Dân 34:1-15; Giô-suê 13:7; 22:4, 9). Nhưng giờ đây vào năm 593 TCN, Đức Giê-hô-va cũng hướng dẫn Ê-xê-chi-ên và những người cùng bị lưu đày với ông chia Đất Hứa cho các chi phái của Y-sơ-ra-ên.—Ê-xê 45:1; 47:14; 48:29.

2 Khải tượng này chứa đựng thông điệp nào dành cho Ê-xê-chi-ên và những người cùng bị lưu đày với ông? Tại sao khải tượng này đem lại sự khích lệ cho dân Đức Chúa Trời ngày nay? Trong tương lai, khải tượng có được ứng nghiệm trên phạm vi lớn hơn không?

Một khải tượng có bốn sự đảm bảo

3, 4. (a) Khải tượng cuối cùng của Ê-xê-chi-ên chứa đựng bốn sự đảm bảo nào dành cho những người bị lưu đày? (b) Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét lời đảm bảo nào?

3 Khải tượng cuối cùng của Ê-xê-chi-ên được nói đến trong chín chương của sách mang tên ông (Ê-xê 40:1–48:35). Qua khải tượng này, những người bị lưu đày nhận được bốn sự đảm bảo rất khích lệ về dân Y-sơ-ra-ên được khôi phục. Đó là những sự đảm bảo nào? Thứ nhất, sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục trong đền thờ Đức Chúa Trời. Thứ hai, các thầy tế lễ và người chăn công chính sẽ dẫn đầu dân được khôi phục. Thứ ba, xứ sẽ được chia làm phần thừa kế cho tất cả những người trở về Y-sơ-ra-ên. Thứ tư, Đức Giê-hô-va sẽ lại ở giữa họ lần nữa.

4 Trong Chương 1314, chúng ta đã xem xét hai sự đảm bảo đầu tiên, đó là việc khôi phục sự thờ phượng thật và sự dẫn đầu của những người chăn công chính. Trong chương này, chúng ta sẽ tập trung vào sự đảm bảo thứ ba là lời hứa về việc thừa kế xứ. Trong chương sau, chúng ta sẽ xem xét lời hứa liên quan đến sự hiện diện của Đức Giê-hô-va.—Ê-xê 47:13-21; 48:1-7, 23-29.

“Xứ này... là phần thừa kế thuộc về các con”

5, 6. (a) Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, vùng đất nào được phân chia? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Mục đích của khải tượng về việc chia xứ là gì?

5 Đọc Ê-xê-chi-ên 47:14. Trong khải tượng, Đức Giê-hô-va hướng sự chú ý của Ê-xê-chi-ên đến một vùng đất sẽ sớm trở nên giống như “vườn Ê-đen” (Ê-xê 36:35). Sau đó, ngài phán: “Đây là vùng đất mà các con sẽ phân chia cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên làm phần thừa kế” (Ê-xê 47:13). “Vùng đất” được chia là xứ được khôi phục của Y-sơ-ra-ên và những người bị lưu đày sẽ trở về đó. Kế đến, như được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 47:15-21, Đức Giê-hô-va miêu tả chi tiết và chính xác biên giới bao quanh của cả xứ.

6 Mục đích của khải tượng về việc chia xứ là gì? Sự miêu tả về các biên giới được đo chính xác đảm bảo với Ê-xê-chi-ên và những người cùng bị lưu đày với ông rằng xứ yêu dấu của họ chắc chắn sẽ được khôi phục. Hẳn những người bị lưu đày được khích lệ rất nhiều khi Đức Giê-hô-va dùng những từ mang tính chất miêu tả chi tiết để đưa ra sự đảm bảo ấy. Dân của Đức Chúa Trời vào thời xưa có thật sự nhận phần đất đã được chia cho họ làm phần thừa kế không? Có.

7. (a) Những sự kiện nào bắt đầu vào năm 537 TCN, và các sự kiện đó nhắc chúng ta nhớ đến điều gì? (b) Trước hết chúng ta cần trả lời câu hỏi nào?

7 Vào năm 537 TCN, khoảng 56 năm sau khi Ê-xê-chi-ên nhận được khải tượng, hàng ngàn người bị lưu đày bắt đầu trở về Y-sơ-ra-ên và sở hữu xứ đó. Các sự kiện đáng chú ý và đã xảy ra từ lâu này nhắc chúng ta nhớ đến điều tương tự diễn ra trong vòng dân của Đức Chúa Trời thời hiện đại. Theo một nghĩa nào đó, họ cũng được chia đất. Như thế nào? Đức Giê-hô-va cho các tôi tớ của ngài được vào xứ thiêng liêng và sở hữu xứ đó. Thế nên, việc khôi phục Đất Hứa vào thời xưa có thể dạy chúng ta nhiều điều về sự khôi phục xứ thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời ngày nay. Nhưng trước khi xem xét những bài học này, chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Tại sao có thể kết luận rằng xứ thiêng liêng thật sự tồn tại ngày nay?”.

8. (a) Đức Giê-hô-va thay thế dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống bằng dân nào? (b) Xứ thiêng liêng, hay địa đàng thiêng liêng, là gì? (c) Xứ này hiện hữu từ khi nào, và ai sống trong xứ đó?

8 Trong một khải tượng mà Ê-xê-chi-ên nhận được trước đó, Đức Giê-hô-va cho biết những lời tiên tri về sự khôi phục của Y-sơ-ra-ên sẽ được ứng nghiệm trên phạm vi lớn hơn sau khi “Đa-vít tôi tớ” ngài, tức Chúa Giê-su Ki-tô, bắt đầu làm Vua (Ê-xê 37:24). Sự kiện này xảy ra vào năm 1914 CN. Trước đó rất lâu, dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống được thay thế bằng dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm những tín đồ được xức dầu. (Đọc Ma-thi-ơ 21:43; 1 Phi-e-rơ 2:9). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không chỉ thay thế dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống bằng một dân thiêng liêng mà còn thay thế xứ Y-sơ-ra-ên bằng một xứ thiêng liêng, tức địa đàng thiêng liêng (Ê-sai 66:8). Như được thấy trong Chương 17, xứ thiêng liêng này là môi trường hay tình trạng an toàn về thiêng liêng mà ở đó những người được xức dầu còn sót lại thờ phượng Đức Giê-hô-va từ năm 1919. (Xin xem khung 9B “Tại sao là năm 1919?”). Theo thời gian, những người có hy vọng sống trên đất, tức “chiên khác”, cũng bắt đầu sống trong xứ thiêng liêng này (Giăng 10:16). Dù địa đàng thiêng liêng tiếp tục phát triển và mở rộng ngày nay nhưng chỉ sau Ha-ma-ghê-đôn, những ân phước mà địa đàng ấy mang lại mới đạt đến mức trọn vẹn nhất.

Đất được chia đều và chính xác

9. Đức Giê-hô-va ban những chỉ dẫn chi tiết nào về việc chia xứ?

9 Đọc Ê-xê-chi-ên 48:1, 28. Sau khi thiết lập biên giới bao quanh xứ, Đức Giê-hô-va miêu tả chi tiết cách chia xứ. Ngài chỉ dẫn là phải chia đều và chính xác phần đất thừa kế từ phía bắc đến phía nam cho 12 chi phái, bắt đầu với chi phái Đan ở phía bắc và kết thúc với chi phái Gát ở phía nam. Mỗi phần trong 12 phần đất thừa kế là một mảnh nằm ngang trải dài từ biên giới phía đông của xứ đến Biển Lớn, tức Địa Trung Hải ở phía tây.—Ê-xê 47:20.

10. Phần này của khải tượng truyền đạt những sự đảm bảo nào cho những người bị lưu đày?

10 Phần này của khải tượng truyền đạt sự đảm bảo nào cho những người bị lưu đày? Hẳn sự miêu tả chi tiết của Ê-xê-chi-ên về việc chia xứ giúp những người bị lưu đày nhận ra rằng việc ấy sẽ diễn ra một cách trật tự. Hơn nữa, việc chia đất một cách chính xác cho 12 chi phái nhấn mạnh rằng mỗi người hồi hương chắc chắn sẽ nhận một phần đất thừa kế trong xứ được khôi phục. Không ai trong số họ trở về quê hương mà lại không có đất hoặc chỗ ở.

11. Chúng ta có thể rút ra các bài học nào từ khải tượng mang tính tiên tri về việc chia xứ? (Xem khung “Việc chia xứ”).

11 Ngày nay, chúng ta có thể rút ra những bài học khích lệ nào từ khải tượng này? Đất Hứa được khôi phục không chỉ có chỗ cho các thầy tế lễ, người Lê-vi và thủ lĩnh mà còn có chỗ cho tất cả những thành viên khác của 12 chi phái (Ê-xê 45:4, 5, 7, 8). Tương tự, địa đàng thiêng liêng ngày nay không chỉ có chỗ cho những người được xức dầu còn sót lại và những người dẫn đầu trong vòng “đám đông lớn” mà còn có chỗ cho tất cả các thành viên khác thuộc đám đông lớn * (Khải 7:9). Dù có vai trò nào đi nữa trong tổ chức, chúng ta đều có một chỗ vững chắc và một nhiệm vụ quý giá trong xứ thiêng liêng. Quả là một sự đảm bảo ấm lòng!

Dù chúng ta có trách nhiệm nào trong tổ chức Đức Giê-hô-va, ngài đều quý trọng mọi nỗ lực của chúng ta (Xem đoạn 11)

Hai sự khác biệt quan trọng—Chúng có ý nghĩa gì với chúng ta?

12, 13. Đức Giê-hô-va ban chỉ dẫn cụ thể nào về việc chia xứ cho các chi phái?

12 Một số chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va về việc chia xứ có thể khiến Ê-xê-chi-ên bối rối vì các chỉ dẫn ấy khác biệt so với những chỉ dẫn mà ngài ban cho Môi-se. Hãy xem xét hai sự khác biệt ấy: sự khác biệt liên quan đến đất, và sự khác biệt liên quan đến cư dân.

13 Sự khác biệt thứ nhất liên quan đến đất. Môi-se nhận được chỉ dẫn là những chi phái lớn sẽ được chia nhiều đất hơn so với những chi phái nhỏ (Dân 26:52-54). Tuy nhiên, trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va ban chỉ dẫn cụ thể là chia các “phần bằng nhau [“mỗi người như nhau”, chú thích]” cho tất cả các chi phái (Ê-xê 47:14). Vì thế, khoảng cách từ biên giới phía bắc đến biên giới phía nam của 12 phần thừa kế phải bằng nhau. Dù thuộc chi phái nào đi nữa, tất cả người Y-sơ-ra-ên sống trong Đất Hứa tươi tốt đều sẽ có cơ hội hưởng sản vật thiên nhiên như nhau.

14. Làm thế nào chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va cho thấy ngoại kiều sẽ nhận được nhiều quyền lợi hơn so với những gì được quy định trong Luật pháp Môi-se?

14 Sự khác biệt thứ hai liên quan đến cư dân. Luật pháp Môi-se bảo vệ ngoại kiều và cho họ được dự phần vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng họ không được chia đất (Lê 19:33, 34). Tuy nhiên, điều Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên cho thấy họ sẽ nhận được nhiều quyền lợi hơn so với những gì ngài quy định trong Luật pháp. Đức Giê-hô-va hướng dẫn ông: “Phải chia cho ngoại kiều một phần thừa kế trong vùng đất của chi phái mà người ấy đang cư ngụ”. Qua mệnh lệnh này, Đức Giê-hô-va xóa bỏ sự khác biệt lớn giữa “người Y-sơ-ra-ên bản xứ” và ngoại kiều sống trong xứ (Ê-xê 47:22, 23). Trong khải tượng về xứ được khôi phục, Ê-xê-chi-ên quan sát thấy có sự bình đẳng và hợp nhất liên quan đến sự thờ phượng trong vòng cư dân.—Lê 25:23.

15. Hai chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va về đất và cư dân cho thấy một sự thật không thay đổi nào?

15 Hẳn hai chỉ dẫn đáng chú ý này về đất và cư dân đã an ủi những người bị lưu đày. Họ biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho họ một vị trí như nhau, cho dù họ là người Y-sơ-ra-ên theo huyết thống hay là ngoại kiều thờ phượng Đức Giê-hô-va (Ê-xơ-ra 8:20; Nê 3:26; 7:6, 25; Ê-sai 56:3, 8). Những chỉ dẫn này cũng cho thấy một sự thật khích lệ và không thể thay đổi là đối với Đức Giê-hô-va, tất cả các tôi tớ của ngài đều quý giá như nhau. (Đọc Ha-gai 2:7). Ngày nay, dù có hy vọng lên trời hoặc hy vọng sống trên đất, chúng ta đều quý trọng sự thật này.

16, 17. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào qua việc xem xét những chi tiết về đất và cư dân? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương kế tiếp?

16 Chúng ta nhận được lợi ích nào qua việc xem xét những chi tiết liên quan đến đất và cư dân? Chúng ta được nhắc nhở rằng sự bình đẳng và hợp nhất phải là những đặc điểm nổi bật của đoàn thể anh em quốc tế ngày nay. Đức Giê-hô-va không thiên vị. Hãy tự hỏi: “Mình có phản ánh tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va không? Mình có thật lòng tôn trọng anh em đồng đạo dù họ thuộc chủng tộc hoặc có hoàn cảnh nào đi nữa không?” (Rô 12:10). Chúng ta vui mừng vì Đức Giê-hô-va ban cho tất cả mọi người cơ hội như nhau để vào địa đàng thiêng liêng. Tại đó, chúng ta hết lòng phụng sự Cha trên trời và vui hưởng những ân phước mà ngài ban cho.—Ga 3:26-29; Khải 7:9.

Chúng ta có phản ánh tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va và thật lòng tôn trọng người khác không? (Xem đoạn 15, 16)

17 Giờ đây, chúng ta hãy xem xét sự đảm bảo thứ tư được nhắc đến trong khải tượng cuối cùng của Ê-xê-chi-ên, đó là Đức Giê-hô-va hứa rằng ngài sẽ ở cùng những người bị lưu đày. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ lời hứa đó? Hãy tìm lời giải đáp cho câu hỏi này trong chương kế tiếp.

^ đ. 11 Xin xem Chương 14 để biết thông tin về một chỗ và nhiệm vụ đặc biệt mà Đức Giê-hô-va đã biệt riêng ra cho các thầy tế lễ và thủ lĩnh trong xứ thiêng liêng.