Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 19

“Nơi nào dòng sông ấy chảy đến, nơi đó mọi vật đều sẽ sống”

“Nơi nào dòng sông ấy chảy đến, nơi đó mọi vật đều sẽ sống”

Ê-XÊ-CHI-ÊN 47:9

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Khải tượng về dòng sông chảy ra từ đền thờ được ứng nghiệm vào thời xưa, thời nay và trong tương lai

1, 2. Theo Ê-xê-chi-ên 47:1-12, Ê-xê-chi-ên thấy và biết được điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

Trong khải tượng về đền thờ, Ê-xê-chi-ên thấy một điều kinh ngạc khác: Có một dòng nước chảy ra từ đền thờ. Hãy hình dung ông đang men theo dòng nước trong vắt này. (Đọc Ê-xê-chi-ên 47:1-12). Nước chảy chầm chậm từ lối vào đền thờ, rồi chảy về hướng có cổng phía đông. Thiên sứ dẫn Ê-xê-chi-ên đi xa khỏi đền thờ, vừa đi vừa đo khoảng cách. Vị ấy nhiều lần hướng dẫn ông băng qua nước và chẳng mấy chốc, ông đi đến chỗ nước sâu. Rồi dòng nước trở thành một dòng sông chảy xiết và Ê-xê-chi-ên chỉ có thể sang được bờ bên kia bằng cách bơi qua.

2 Ê-xê-chi-ên biết được rằng dòng sông này chảy vào Biển Chết và đi đến đâu thì chữa lành nước mặn đến đó. Nhờ vậy, nước biển vốn không có sự sống này tràn đầy cá. Dọc hai bờ sông, ông thấy đủ loại cây. Mỗi tháng, các cây này đều ra trái bổ dưỡng. Lá của chúng được dùng để chữa lành. Hẳn việc chứng kiến tất cả những điều đó khiến lòng Ê-xê-chi-ên tràn đầy hy vọng và bình an. Nhưng phần này của khải tượng về đền thờ có ý nghĩa gì với ông, với những người cùng bị lưu đày và với chúng ta?

Dòng sông trong khải tượng có ý nghĩa gì với dân bị lưu đày?

3. Tại sao những người Do Thái vào thời xưa không hiểu khải tượng của Ê-xê-chi-ên về dòng sông theo nghĩa đen?

3 Chắc hẳn những người Do Thái vào thời xưa không hiểu dòng sông trong khải tượng là một dòng sông theo nghĩa đen. Thay vì thế, rất có thể đoạn Kinh Thánh này nhắc họ nhớ đến một lời tiên tri khác về sự khôi phục, là một lời tiên tri được Giô-ên ghi lại có lẽ hơn hai thế kỷ trước đó. (Đọc Giô-ên 3:18). Khi người Do Thái đọc những lời mà Giô-ên được soi dẫn để viết, họ không mong chờ những ngọn núi sẽ “trào ra rượu ngọt” hoặc “các đồi sẽ tuôn tràn sữa” theo nghĩa đen. Họ cũng không mong đợi “một dòng suối sẽ chảy ra từ nhà Đức Giê-hô-va”. Tương tự, hẳn những người Do Thái hiểu rằng thông điệp trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên không nói về một dòng sông theo nghĩa đen. * Vậy Đức Giê-hô-va muốn truyền đạt thông điệp nào? Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của một số chi tiết trong bức tranh mà Ê-xê-chi-ên miêu tả trong khải tượng ấy. Chúng ta sẽ xem xét ba sự đảm bảo rõ ràng và yêu thương được tìm thấy trong đoạn Kinh Thánh này.

4. (a) Dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên khiến những người Do Thái mong chờ các ân phước nào từ Đức Giê-hô-va? (b) Kinh Thánh dùng từ “sông” và “nước” như thế nào để đảm bảo với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho dân ngài? (Xem khung “Những dòng sông ân phước từ Đức Giê-hô-va”).

4 Một sông ân phước. Trong Kinh Thánh, dòng sông và nước thường tượng trưng cho những ân phước mang lại sự sống đến từ Đức Giê-hô-va. Ê-xê-chi-ên thấy một dòng sông như thế chảy ra từ đền thờ, vì vậy khải tượng này sẽ khiến dân của Đức Giê-hô-va mong chờ rằng ngài sẽ đổ những ân phước về mặt thiêng liêng xuống cho họ, miễn là họ theo sát sự thờ phượng thanh sạch. Những ân phước đó là gì? Họ sẽ lại nhận được chỉ dẫn về mặt thiêng liêng từ các thầy tế lễ. Với những vật tế lễ được dâng tại đền thờ, dân của Đức Giê-hô-va lại có thể tin chắc rằng họ sẽ được chuộc tội (Ê-xê 44:15, 23; 45:17). Vì thế, một lần nữa họ sẽ trở nên thanh sạch như thể được tẩy rửa bằng nước tinh khiết chảy ra từ đền thờ.

5. Làm thế nào dòng sông trong khải tượng cho thấy sẽ luôn có đủ ân phước cho tất cả mọi người?

5 Liệu sẽ luôn có đủ ân phước cho tất cả mọi người không? Khải tượng này xóa đi những băn khoăn như thế khi cho thấy dòng nước được mở rộng một cách kỳ diệu. Chỉ trong khoảng 2km, dòng nước chảy chầm chậm đã trở thành một dòng sông chảy xiết (Ê-xê 47:3-5). Sau khi người Do Thái trở về quê hương được khôi phục, có lẽ dân số của họ gia tăng. Tuy nhiên, những ân phước của Đức Giê-hô-va cũng gia tăng để đáp ứng nhu cầu của họ. Dòng sông là một hình ảnh tượng trưng cho sự dư dật và phong phú.

6. (a) Hình ảnh mang tính tiên tri truyền đạt lời hứa khích lệ nào? (b) Khải tượng cũng truyền đạt một lời cảnh báo nào? (Xem chú thích).

6 Nước ban sự sống. Trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, dòng sông chảy vào Biển Chết và làm hồi sinh nhiều khu vực. Hãy lưu ý rằng dòng sông này đem lại sự sống nhiều đến mức số loài cá ở Biển Chết có thể sánh với số loài cá được thấy ở Biển Lớn, tức Địa Trung Hải. Thậm chí nghề đánh cá rất phát triển dọc theo bờ Biển Chết, đoạn nằm giữa hai thị trấn ở cách xa nhau. Thiên sứ nói: “Nơi nào dòng sông ấy chảy đến, nơi đó mọi vật đều sẽ sống”. Dù vậy, điều ấy có nghĩa là nước từ nhà của Đức Giê-hô-va chảy đến mọi khu vực của Biển Chết không? Không. Thiên sứ cho biết có một số khu vực đầm lầy mà dòng nước ban sự sống không chảy đến. Những nơi này “bị bỏ mặc cho muối” * (Ê-xê 47:8-11). Vì thế, hình ảnh mang tính tiên tri này truyền tải một lời hứa đảm bảo rằng sự thờ phượng thanh sạch sẽ đem lại sự sống cho dân chúng, khiến họ thịnh vượng. Nhưng hình ảnh ấy cũng chứa đựng sự cảnh báo là không phải tất cả mọi người đều chấp nhận ân phước của Đức Giê-hô-va và không phải ai cũng được chữa lành.

7. Hình ảnh những cây ở dọc bờ sông trong khải tượng đem lại sự đảm bảo nào cho những người Do Thái bị lưu đày?

7 Cây để ăn trái và chữa lành. Nói sao về các cây ở dọc bờ sông? Chúng không chỉ tô điểm cho bức tranh mà còn làm tăng ý nghĩa của bức tranh ấy. Chắc hẳn Ê-xê-chi-ên và những người đồng hương thích nghĩ đến trái thơm ngon của những cây mà mỗi tháng đều ra trái. Chi tiết thú vị này cũng đảm bảo với họ rằng Đức Giê-hô-va sẽ nuôi dưỡng họ về mặt thiêng liêng. Còn chi tiết nào khác không? Hãy lưu ý rằng lá của những cây này được “dùng để chữa lành” (Ê-xê 47:12). Đức Giê-hô-va biết nhu cầu quan trọng nhất của những người hồi hương là được chữa lành về mặt thiêng liêng, và ngài hứa sẽ đáp ứng nhu cầu đó. Như đã thảo luận trong Chương 9, cách ngài chữa lành về mặt thiêng liêng được nói đến trong những lời tiên tri khác về sự khôi phục.

8. Điều gì cho thấy khải tượng của Ê-xê-chi-ên được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn?

8 Tuy nhiên, như cũng đã thảo luận trong Chương 9, những người Do Thái hồi hương chỉ chứng kiến những lời tiên tri về sự khôi phục được ứng nghiệm trong phạm vi giới hạn. Chính dân chúng đã tự gây ra sự giới hạn này. Làm sao Đức Giê-hô-va có thể ban phước cho họ một cách trọn vẹn khi nhiều người trong số họ trở lại đường lối xấu, không vâng lời ngài và lơ là với sự thờ phượng thanh sạch? Những người trung thành rất đau lòng và thất vọng trước hạnh kiểm của các đồng hương. Tuy nhiên, những người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va biết rằng lời hứa của ngài sẽ luôn thành hiện thực. (Đọc Giô-suê 23:14). Vì thế, một ngày nào đó khải tượng của Ê-xê-chi-ên sẽ được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn. Nhưng đó là khi nào?

Dòng sông đang chảy vào thời nay!

9. Khi nào khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ được ứng nghiệm trong phạm vi lớn hơn?

9 Như được thảo luận trong Chương 14, khải tượng của Ê-xê-chi-ên về đền thờ được ứng nghiệm trên phạm vi lớn hơn “trong những ngày sau cùng”, là thời điểm mà sự thờ phượng thanh sạch được nâng lên cao hơn bao giờ hết (Ê-sai 2:2). Phần này trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên đang được ứng nghiệm ngay bây giờ theo nghĩa nào?

10, 11. (a) Ngày nay, những ân phước nào đổ xuống chúng ta như một dòng sông? (b) Dòng sông ân phước đến từ Đức Giê-hô-va được mở rộng như thế nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong những ngày sau cùng?

10 Một sông ân phước. Dòng nước chảy ra từ nhà Đức Giê-hô-va nhắc chúng ta nhớ đến những ân phước nào ngày nay? Quả thật, chúng ta được nhắc về những điều giúp mình lớn mạnh về thiêng liêng. Quan trọng nhất là quyền lực tẩy sạch của sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, nhờ đó chúng ta được tha tội. Những sự thật thanh khiết của Lời Đức Chúa Trời cũng được ví như nước ban sự sống và tẩy sạch (Ê-phê 5:25-27). Những ân phước như thế đổ xuống vào thời chúng ta như thế nào?

11 Vào năm 1919, chỉ có vài ngàn tôi tớ của Đức Giê-hô-va và họ vui mừng nhận đồ ăn thiêng liêng cần thiết. Trong những thập niên sau đó, số lượng tôi tớ của Đức Chúa Trời tiếp tục gia tăng đáng kể. Ngày nay, dân ngài đã tăng lên đến hơn tám triệu người. Dòng nước chân lý có theo kịp sự gia tăng đó không? Có. Chúng ta nhận được rất nhiều sự hiểu biết về mặt thiêng liêng. Hàng tỉ cuốn Kinh Thánh, sách, sách mỏng, tạp chí và tờ chuyên đề được cung cấp cho dân của Đức Chúa Trời trong thế kỷ qua. Giống như dòng sông mà Ê-xê-chi-ên thấy trong khải tượng, những dòng nước chân lý đã được mở rộng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của những người khao khát về thiêng liêng. Từ lâu, các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh đã được phát hành dưới dạng bản in. Ngày nay, qua trang web jw.org, những tài liệu như thế cũng có ở dạng điện tử trong hơn 900 ngôn ngữ. Dòng nước chân lý này tác động đến những người có lòng thành như thế nào?

12. (a) Những sự thật trong Kinh Thánh mang lại lợi ích nào? (b) Ngày nay, khải tượng này truyền đạt lời cảnh báo nào? (Cũng xem chú thích).

12 Nước ban sự sống. Thiên sứ phán với Ê-xê-chi-ên: “Nơi nào dòng sông ấy chảy đến, nơi đó mọi vật đều sẽ sống”. Hãy nghĩ tới cách mà thông điệp của chân lý đến với tất cả những ai bước vào xứ thiêng liêng được khôi phục. Những sự thật trong Kinh Thánh đã mang lại sự sống và sức khỏe thiêng liêng cho hàng triệu người có lòng thành. Tuy nhiên, khải tượng này cũng truyền đạt một lời cảnh báo đúng lúc: Không phải tất cả mọi người đều tiếp tục hưởng ứng chân lý. Giống như các bưng và đầm lầy ở Biển Chết trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, có những người trở nên cứng lòng, không chấp nhận và áp dụng chân lý. * Mong sao chúng ta không bao giờ giống như vậy!—Đọc Phục truyền luật lệ 10:16-18.

13. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ các cây trong khải tượng?

13 Cây để ăn trái và chữa lành. Cây ở dọc bờ sông trong khải tượng có đem lại những bài học khích lệ cho chúng ta vào thời nay không? Chắc chắn là có. Hãy nhớ rằng các cây này ra những trái thơm ngon mỗi tháng, và lá của chúng được dùng để chữa lành (Ê-xê 47:12). Vì thế, các cây này nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời rộng rãi nuôi dưỡng và chữa lành cho chúng ta về khía cạnh thiêng liêng, là khía cạnh quan trọng nhất. Thế giới ngày nay đang bị đau bệnh và đói khát về thiêng liêng. Nhưng hãy nghĩ đến điều Đức Giê-hô-va cung cấp. Sau khi đọc một bài trong tạp chí của chúng ta, hát bài hát kết thúc tại hội nghị, hay xem xong một video hoặc chương trình Kênh truyền thông, anh chị có cảm thấy được ban phước vì có thức ăn thiêng liêng tuyệt vời như thế không? Quả thật, chúng ta được nuôi dưỡng tốt về thiêng liêng (Ê-sai 65:13, 14). Thức ăn này có giúp chúng ta khỏe mạnh về mặt thiêng liêng không? Lời khuyên hữu ích dựa trên Kinh Thánh giúp chúng ta tránh những tội như vô luân, tham lam và thiếu đức tin. Đức Giê-hô-va cũng cung cấp sự sắp đặt để giúp các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vượt qua tình trạng đau bệnh về mặt thiêng liêng khi phạm tội trọng. (Đọc Gia-cơ 5:14). Như được thấy trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên về các cây, chúng ta thật sự được ban phước.

14, 15. (a) Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ những đầm lầy không được chữa lành trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên? (b) Dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên đem lại lợi ích nào cho chúng ta?

14 Đồng thời, chúng ta có thể rút ra một bài học từ những đầm lầy không được chữa lành. Chúng ta không bao giờ muốn từ chối những ân phước đến từ Đức Giê-hô-va. Quả là điều tai hại khi không được chữa lành, giống như nhiều người trong thế gian đau bệnh về thiêng liêng! (Mat 13:15). Thay vì thế, chúng ta thật vui mừng khi nhận được lợi ích từ sông ân phước. Khi tha thiết uống nước chân lý từ Lời Đức Chúa Trời, khi chia sẻ những sự thật trong Kinh Thánh với người khác qua công việc rao giảng, khi nhận được sự hướng dẫn, an ủi và giúp đỡ yêu thương từ các trưởng lão, là những người được đầy tớ trung tín huấn luyện, chúng ta có thể nghĩ đến dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Dòng sông ấy mang lại sự sống và chữa lành khi chảy đến bất cứ nơi nào.

15 Nhưng còn sự ứng nghiệm trong tương lai của lời tiên tri về dòng sông thì sao? Như chúng ta sẽ xem xét, lời tiên tri này được ứng nghiệm theo nghĩa trọn vẹn trong địa đàng sắp đến.

Khải tượng có ý nghĩa gì trong địa đàng?

16, 17. (a) Nước sự sống sẽ mở rộng hơn trong địa đàng theo nghĩa nào? (b) Trong địa đàng, chúng ta nhận được những lợi ích nào từ dòng sông ân phước?

16 Anh chị có hình dung chính mình đang ở trong địa đàng với gia đình, bạn bè và cùng họ tận hưởng cuộc sống không? Việc tìm hiểu về dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên giúp anh chị hình dung cảnh tượng đó một cách sống động hơn. Như thế nào? Một lần nữa, hãy xem xét ba khía cạnh rõ ràng và khích lệ của khải tượng.

17 Một sông ân phước. Dòng sông mang ý nghĩa tượng trưng này sẽ mở rộng hơn nhiều trong địa đàng, vì nó không chỉ đem lại lợi ích về mặt thiêng liêng mà còn mang lại lợi ích về mặt thể chất. Trong suốt Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su, Nước Trời sẽ giúp những người trung thành nhận được nhiều lợi ích hơn từ giá chuộc. Dần dần họ sẽ trở nên hoàn hảo. Sẽ không còn bệnh tật, bác sĩ, y tá, bệnh viện và bảo hiểm y tế. Nước sự sống sẽ chảy đến hàng triệu người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Họ là “một đám đông lớn” vượt qua “hoạn nạn lớn” (Khải 7:9, 14). Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng khúc đầu của dòng sông ân phước chỉ chảy chầm chậm so với khúc sau. Như được thấy trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, dòng sông sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu lớn hơn.

Trong địa đàng, dòng sông ân phước sẽ khiến mọi người tươi trẻ và khỏe mạnh (Xem đoạn 17)

18. “Sông nước sự sống” sẽ chảy xiết trong Triều Đại Một Ngàn Năm theo nghĩa nào?

18 Nước ban sự sống. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, “sông nước sự sống” sẽ chảy xiết (Khải 22:1). Hàng triệu người, thậm chí hàng tỉ người, sẽ được sống lại và có cơ hội sống mãi trong địa đàng. Những ân phước của Đức Giê-hô-va thông qua Nước Trời sẽ bao gồm việc làm sống lại vô số người bất lực trong sự chết (Ê-sai 26:19). Tuy nhiên, tất cả những người được sống lại có sống đời đời không?

19. (a) Điều gì cho thấy trong địa đàng sẽ có những sự thật mới từ Đức Chúa Trời? (b) Trong tương lai, việc một số người “bị bỏ mặc cho muối” có nghĩa gì?

19 Mỗi người sẽ phải lựa chọn. Vào thời kỳ đó, những cuộn sách mới được mở ra. Vì thế, dòng nước thanh khiết đến từ Đức Giê-hô-va sẽ bao gồm những sự thật mới được tiết lộ, tức là các chỉ dẫn mới. Thật hào hứng khi nghĩ đến triển vọng này! Tuy nhiên, một số người sẽ không chấp nhận ân phước đó và chọn không vâng lời Đức Giê-hô-va. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, có thể một số người sẽ phản nghịch nhưng họ không được phép quấy rối địa đàng (Ê-sai 65:20). Tình trạng này khiến chúng ta nghĩ đến các đầm lầy “bị bỏ mặc cho muối”, tức vẫn không có sự sống, trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Họ thật dại dột khi ngoan cố không chịu uống nước sự sống quý giá. Sau Triều Đại Một Ngàn Năm, sẽ có những kẻ đứng về phía Sa-tan. Tất cả những ai bác bỏ sự cai trị công chính của Đức Giê-hô-va sẽ có chung một kết cuộc là bị hủy diệt vĩnh viễn.—Khải 20:7-12.

20. Sự sắp đặt nào trong Triều Đại Một Ngàn Năm nhắc chúng ta nhớ đến những cây mà Ê-xê-chi-ên thấy?

20 Cây để ăn trái và chữa lành. Đức Giê-hô-va không muốn bất cứ ai trong chúng ta mất sự sống vĩnh cửu. Để giúp chúng ta nắm lấy cơ hội tuyệt vời này, một lần nữa Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng sẽ có một sự sắp đặt mang lại lợi ích giống như những cây mà Ê-xê-chi-ên thấy. Trong địa đàng, những người trung thành sẽ nhận được lợi ích về mặt thể chất lẫn thiêng liêng. Trên trời, Chúa Giê-su Ki-tô và 144.000 người đồng cai trị sẽ làm vua trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Với tư cách là lớp thầy tế lễ, 144.000 người này sẽ giúp những ai trung thành nhận lợi ích từ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và đạt đến sự hoàn hảo (Khải 20:6). Sự sắp đặt này giúp chúng ta được chữa lành về mặt thể chất lẫn thiêng liêng và nhắc chúng ta nhớ đến những cây mà Ê-xê-chi-ên thấy ở dọc bờ sông, là những cây ra trái bổ dưỡng và có lá để chữa lành. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên cũng có điểm tương đồng với một đoạn Kinh Thánh mang tính tiên tri được sứ đồ Giăng ghi lại. (Đọc Khải huyền 22:1, 2). Lá của những cây mà Giăng thấy thì được “dùng để chữa lành các nước”. Hàng triệu người trung thành sẽ nhận được lợi ích từ công việc của 144.000 thầy tế lễ.

21. Việc nghĩ đến dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên tác động đến anh chị như thế nào, và chúng ta sẽ xem xét điều gì? (Xem khung “Dòng nước chảy chầm chậm trở thành dòng sông chảy xiết”).

21 Khi nghĩ đến dòng sông trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên, chẳng phải lòng của anh chị tràn đầy sự bình an và hy vọng hay sao? Một tương lai huy hoàng đang chờ đón chúng ta! Hãy nghĩ đến điều này: Hàng ngàn năm trước, Đức Giê-hô-va đã dùng các từ gợi hình để vẽ những bức tranh giúp chúng ta hình dung về địa đàng. Ngài kiên nhẫn mời chúng ta có mặt ở đó để chứng kiến sự ứng nghiệm vĩ đại, chứng kiến những điều ngài hứa trở thành hiện thực. Anh chị sẽ có mặt ở đó không? Có thể anh chị tự hỏi là liệu mình sẽ có một chỗ trong địa đàng hay không. Hãy xem phần cuối trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên mang lại sự đảm bảo cho chúng ta như thế nào.

^ đ. 3 Hơn nữa, hẳn một số người Do Thái bị lưu đày đã nhớ lại địa hình của quê hương họ. Rất có thể họ hiểu rằng dòng sông này không thể là dòng sông theo nghĩa đen vì nó bắt đầu chảy từ đền thờ trên một ngọn núi rất cao, là ngọn núi không tồn tại ở địa điểm được miêu tả. Ngoài ra, có thể khải tượng cũng ngụ ý rằng dòng sông chảy thẳng xuống Biển Chết mà không có gì ngăn cản, cũng là điều không thể theo mặt địa lý.

^ đ. 6 Một số nhà bình luận xem đây là một cụm từ có ý nghĩa tích cực, vì việc thu hoạch muối dùng làm chất bảo quản là một nghề từ lâu đã đem lại nhiều lợi nhuận cho vùng Biển Chết. Tuy nhiên, lời tường thuật nói rằng những đầm lầy này “sẽ không được chữa lành”. Chúng sẽ tiếp tục không có sự sống, không được chữa lành vì nước ban sự sống chảy ra từ nhà Đức Giê-hô-va không chảy đến đó. Vì thế, dường như trong trường hợp này, việc những đầm lầy có độ mặn cao mang ý nghĩa tiêu cực.—Thi 107:33, 34; Giê 17:6.

^ đ. 12 Tương tự, hãy xem minh họa của Chúa Giê-su về lưới kéo. Nhiều cá được kéo lên nhưng không phải tất cả đều là cá tốt. Những cá không ăn được sẽ bị ném đi. Qua đó, Chúa Giê-su cảnh báo rằng sau khi vào tổ chức của Đức Giê-hô-va, khá nhiều người có thể không còn trung thành.—Mat 13:47-50; 2 Ti 2:20, 21.