Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG 22

“Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời”

“Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời”

KHẢI HUYỀN 22:9

TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG: Ôn lại những chủ đề trong sách Ê-xê-chi-ên và ý nghĩa của những chủ đề đó đối với thời nay và tương lai

1, 2. (a) Tất cả chúng ta đối mặt với sự lựa chọn nào? (b) Một thiên sứ trung thành phản ứng thế nào khi Giăng sấp mình để thờ lạy?

Mỗi người chúng ta cần trả lời một câu hỏi quan trọng: “Mình sẽ thờ phượng ai?”. Có lẽ nhiều người nói rằng đây là một vấn đề phức tạp và việc chọn thờ phượng ai là điều gây bối rối. Nhưng thật ra, sự lựa chọn này rất rõ ràng và đơn giản. Chúng ta chỉ có thể chọn thờ phượng Đức Giê-hô-va hoặc thờ phượng Sa-tan Ác Quỷ.

2 Sa-tan thèm muốn sự thờ phượng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi hắn cám dỗ Chúa Giê-su. Như đã thảo luận trong Chương 1, Sa-tan dùng một điều rất đáng chú ý để cám dỗ ngài, đó là quyền hành trên tất cả các nước của thế gian. Đổi lại hắn muốn điều gì? Hắn cố thuyết phục Chúa Giê-su “sấp mình xuống thờ lạy [hắn]” (Mat 4:9). Ngược lại, vị thiên sứ truyền sự mạc khải cho sứ đồ Giăng nhất quyết không muốn được người khác thờ lạy. (Đọc Khải huyền 22:8, 9). Khi Giăng sấp mình để thờ lạy, con thần linh khiêm nhường này của Đức Chúa Trời đã đáp lại: “Đừng làm vậy!”. Thay vì nói: “Hãy thờ phượng ta”, thiên sứ ấy nói: “Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời”.

3. (a) Mục tiêu của ấn phẩm này là gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì?

3 Mục tiêu của ấn phẩm này là củng cố quyết tâm của chúng ta để làm theo điều mà thiên sứ ấy nói, đó là chỉ thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va (Phục 10:20; Mat 4:10). Chúng ta hãy ôn lại vắn tắt điều đã học được về sự thờ phượng thanh sạch từ những lời tiên tri và khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Sau đó, qua việc xem xét Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhìn đến một thời điểm trong tương lai khi mỗi người trên đất phải đối mặt với thử thách cuối cùng. Thử thách ấy xác định ai sẽ tiếp tục được sống để thấy sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục hoàn toàn và mãi mãi.

Ba chủ đề được nhấn mạnh trong sách Ê-xê-chi-ên

4. Ba chủ đề nào được nhấn mạnh trong sách Ê-xê-chi-ên?

4 Sách Ê-xê-chi-ên giúp chúng ta hiểu rằng sự thờ phượng thanh sạch đòi hỏi chúng ta (1) dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, (2) duy trì sự hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch, và (3) thể hiện tình yêu thương với người khác. Hãy xem những lời tiên tri và khải tượng được thảo luận trong ấn phẩm này làm nổi bật ba chủ đề đó ra sao.

Chủ đề thứ nhất: Dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc

5-9. Chúng ta học được gì về việc dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc?

5 Chương 3: * Trong một khải tượng đáng kinh ngạc, Ê-xê-chi-ên thấy Đức Giê-hô-va ngự ở phía trên những tạo vật thần linh mạnh mẽ và bao quanh ngài là cầu vồng. Khải tượng này nhấn mạnh một sự thật cơ bản là chỉ mình Đấng Toàn Năng mới xứng đáng nhận sự thờ phượng của chúng ta.—Ê-xê 1:4, 15-28.

6 Chương 5: Thật sốc khi thấy khải tượng về việc đền thờ của Đức Giê-hô-va bị làm ô uế! Khải tượng này cho thấy không gì có thể qua mắt Đức Giê-hô-va. Ngài thấy các hành động bất trung, chẳng hạn khi dân ngài quay sang thờ thần tượng, ngay cả khi con người không thấy những hành động đó. Ngài rất đau lòng khi thấy người ta có những hành động như thế và sẽ trừng phạt họ.—Ê-xê 8:1-18.

7 Chương 7: Các nước xung quanh đối xử “khinh miệt” với dân Y-sơ-ra-ên phải nhận án phạt. Án phạt đó cho thấy Đức Giê-hô-va buộc những người đối xử tệ với dân ngài phải chịu trách nhiệm (Ê-xê 25:6). Nhưng chúng ta cũng rút ra một bài học khác từ mối quan hệ của dân Y-sơ-ra-ên với các nước này, đó là chúng ta phải đặt lòng trung thành với Đức Giê-hô-va lên trên mọi điều khác. Chúng ta không bao giờ hạ thấp các tiêu chuẩn để làm hài lòng người thân không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng không tin cậy nơi của cải vật chất hoặc đánh mất sự trung lập qua việc trung thành với các chính phủ loài người. Chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng để chúng ta tuyệt đối trung thành.

8 Chương 13 14: Khải tượng về đền thờ trên núi cao cho thấy chúng ta cần sống phù hợp với các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta công nhận ngài vượt trội hơn tất cả các thần khác.—Ê-xê 40:1–48:35.

9 Chương 15: Y-sơ-ra-ên và Giu-đa được miêu tả là những gái điếm. Sự miêu tả mang tính tiên tri này nhắc chúng ta nhớ rằng việc ngoại tình về mặt thờ phượng là điều rất ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va.—Ê-xê chg 16, 23.

Chủ đề thứ hai: Duy trì sự hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch

10-14. Việc cần duy trì sự hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch được nhấn mạnh như thế nào?

10 Chương 8: Một số lời tiên tri cho biết Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên “một người chăn” để chăm sóc dân ngài. Những lời tiên tri ấy nhấn mạnh rằng chúng ta cần làm việc một cách hợp nhất và hòa thuận dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su.—Ê-xê 34:23, 24; 37:24-28.

11 Chương 9: Ê-xê-chi-ên tiên tri về việc dân Đức Chúa Trời được giải thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn và trở về quê hương. Các lời tiên tri ấy chứa đựng thông điệp dành cho những người muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va vào thời nay. Những người thờ phượng ngài phải thoát khỏi sự ảnh hưởng tai hại của tôn giáo sai lầm và tiếp tục ở ngoài vòng ảnh hưởng đó. Dù xuất thân từ nhiều tôn giáo, nền kinh tế và chủng tộc nhưng chúng ta phải giữ vững sự hợp nhất, là dấu hiệu giúp nhận diện chúng ta là dân của Đức Chúa Trời.—Ê-xê 11:17, 18; 12:24; Giăng 17:20-23.

12 Chương 10: Khải tượng về các xương khô được hồi sinh nhấn mạnh chủ đề về sự hợp nhất. Quả là một đặc ân khi chúng ta thuộc về những người thờ phượng được khôi phục và tẩy sạch, là những người cùng làm việc như một đạo quân!—Ê-xê 37:1-14.

13 Chương 12: Sự hợp nhất được nhấn mạnh rõ ràng qua lời tiên tri về hai thanh gỗ hợp thành một. Việc chứng kiến những người được xức dầu và chiên khác làm ứng nghiệm lời tiên tri này giúp chúng ta thật sự được củng cố đức tin. Dù sống trong thế gian bị chia rẽ về tôn giáo và chính trị nhưng chúng ta hợp nhất với nhau nhờ có tình yêu thương và sự trung thành.—Ê-xê 37:15-23.

14 Chương 16: Khải tượng về người đeo hộp mực và những người cầm vũ khí để đập tan chứa đựng một lời cảnh báo quan trọng. Đó là lúc “hoạn nạn lớn” xảy ra, chỉ những ai đang dâng cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng thanh sạch mới được đánh dấu để sống sót.—Mat 24:21; Ê-xê 9:1-11.

Chủ đề thứ ba: Thể hiện tình yêu thương với người khác

15-18. Tại sao chúng ta cần tiếp tục thể hiện tình yêu thương, và chúng ta có thể làm vậy như thế nào?

15 Chương 4: Khải tượng về bốn sinh vật giúp chúng ta hiểu về các phẩm chất của Đức Giê-hô-va, trong đó nổi bật nhất là tình yêu thương. Khi nói năng và hành động một cách yêu thương, chúng ta cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của mình.—Ê-xê 1:5-14; 1 Giăng 4:8.

16 Chương 6 11: Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va thúc đẩy ngài bổ nhiệm những người canh, trong đó có Ê-xê-chi-ên. Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương nên ngài không muốn bất cứ ai bị hủy diệt khi ngài chấm dứt sự cai trị của Sa-tan trên trái đất (2 Phi 3:9). Chúng ta có đặc ân là phản ánh tình yêu thương của Đức Chúa Trời bằng cách ủng hộ công việc của người canh thời nay.—Ê-xê 33:1-9.

17 Chương 17 18: Đức Giê-hô-va biết rằng nhiều người sẽ chối bỏ lòng thương xót của ngài và họ sẽ nỗ lực xóa sổ những người thờ phượng trung thành. Tình yêu thương sẽ thúc đẩy Đức Giê-hô-va bảo vệ dân ngài khi “Gót ở xứ Ma-gót” tấn công những người trung thành. Tình yêu thương dành cho người khác thúc đẩy chúng ta cảnh báo cho càng nhiều người càng tốt về việc Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt những kẻ đàn áp dân ngài.—Ê-xê 38:1–39:20; 2 Tê 1:6, 7.

18 Chương 19, 20 21: Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho con người được thấy rõ qua các khải tượng về dòng nước ban sự sống và việc phân chia xứ. Những khải tượng này cho thấy lợi ích mà hành động yêu thương nhất của Đức Giê-hô-va đem lại. Ngài đã ban sự sống của Con ngài để chúng ta được tha tội và hưởng sự sống hoàn hảo với tư cách là thành viên trong gia đình của ngài. Cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương với người khác là nói cho họ về tương lai tươi đẹp mà Đức Giê-hô-va đã chuẩn bị cho những ai đặt đức tin nơi Con ngài.—Ê-xê 45:1-7; 47:1–48:35; Khải 21:1-4; 22:17.

Một hành động rất khiêm nhường sau Triều Đại Một Ngàn Năm

19. Chúa Giê-su sẽ làm gì trong Triều Đại Một Ngàn Năm? (Xem khung “Đối mặt với thử thách cuối cùng”).

19 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su sẽ làm hàng tỉ người sống lại và xóa bỏ nỗi đau mà “kẻ thù... là sự chết” gây ra (1 Cô 15:26; Mác 5:38-42; Công 24:15). Lịch sử nhân loại giống như một câu chuyện đau lòng chan chứa nỗi buồn và mất mát. Nhưng khi mỗi thế hệ của nhân loại được hồi sinh, Chúa Giê-su xóa bỏ câu chuyện đau buồn ấy và ban cho những người được sống lại cơ hội viết lên câu chuyện vui mừng. Dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc, Chúa Giê-su sẽ sửa chữa tổn hại mà bệnh tật, chiến tranh và đói kém gây ra. Chưa dừng lại ở đó, ngài sẽ giúp chúng ta loại bỏ tận gốc nguyên nhân khiến con người đau khổ là tội lỗi di truyền từ A-đam (Rô 5:18, 19). Chúa Giê-su sẽ hoàn toàn “phá hủy công việc của Ác Quỷ” (1 Giăng 3:8). Điều gì xảy ra sau đó?

Những người được sống lại sẽ có cơ hội để viết lên một câu chuyện vui mừng

20. Làm thế nào Chúa Giê-su và 144.000 người thể hiện sự khiêm nhường đáng chú ý? Hãy giải thích. (Xem hình nơi đầu bài).

20 Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:24-28. Khi tất cả nhân loại có sự sống hoàn hảo, khi trái đất biến thành địa đàng theo ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và 144.000 người đồng cai trị sẽ thể hiện sự khiêm nhường rất đáng chú ý. Họ sẽ giao lại Nước Trời cho Đức Giê-hô-va. Họ sẵn sàng và vui lòng từ bỏ uy quyền mà họ có trong một ngàn năm. Tất cả những thành quả của Nước Trời sẽ tồn tại mãi mãi.

Thử thách cuối cùng

21, 22. (a) Thế giới sẽ ra sao vào cuối một ngàn năm? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va thả Sa-tan và các quỷ ra?

21 Lúc ấy, Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện một điều phi thường, một điều cho thấy ngài rất tin cậy thần dân trên đất. Ngài sẽ cho Sa-tan và các quỷ được thả ra khỏi vực sâu, nơi mà chúng bị giam giữ trong một ngàn năm. (Đọc Khải huyền 20:1-3). Thế giới mà chúng thấy lúc đó sẽ hoàn toàn khác với thế giới mà chúng từng biết. Trước Ha-ma-ghê-đôn, đa phần nhân loại bị Sa-tan lừa gạt và loài người bị chia rẽ bởi sự thù ghét cũng như thành kiến (Khải 12:9). Nhưng vào cuối một ngàn năm, cả nhân loại sẽ thờ phượng Đức Giê-hô-va với tư cách là một gia đình hợp nhất và yêu thương. Lúc đó, trái đất là một địa đàng thanh bình.

22 Tại sao Đức Giê-hô-va cho những kẻ ác như Sa-tan và các quỷ được vào môi trường trong sạch này? Vì đa phần những người sống ở cuối triều đại một ngàn năm chưa bao giờ bị thử thách về lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Phần lớn những người ấy qua đời mà không biết đến Đức Giê-hô-va và sau này họ được sống lại trong địa đàng. Đức Giê-hô-va không chỉ ban cho họ sự sống mà còn đáp ứng tất cả những nhu cầu vật chất và thiêng liêng của họ. Thay vì phải đối mặt với các ảnh hưởng tai hại, những người ấy nhận được tác động tích cực của những người tốt. Xung quanh họ là những người yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va. Sa-tan có thể cáo buộc những người được sống lại giống như hắn đã làm với Gióp. Có thể hắn sẽ cáo buộc rằng những người ấy phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì được ngài che chở và ban phước (Gióp 1:9, 10). Vì thế, trước khi tên của chúng ta được Đức Giê-hô-va viết và lưu lại mãi mãi trong sách sự sống, ngài sẽ cho chúng ta cơ hội chứng tỏ chắc chắn rằng chúng ta trung thành với ngài và xem ngài là Cha và Chúa Tối Thượng của chúng ta.—Khải 20:12, 15.

23. Mỗi người sẽ đối mặt với vấn đề nào?

23 Trong một thời gian ngắn, Sa-tan sẽ có cơ hội để dụ dỗ nhân loại hầu khiến họ không phụng sự Đức Chúa Trời nữa. Họ sẽ bị thử thách như thế nào? Chắc hẳn, mỗi người sẽ phải đối mặt với một vấn đề tương tự vấn đề của A-đam và Ê-va. Đó là chọn chấp nhận các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, ủng hộ sự cai trị của ngài và thờ phượng ngài hay là chọn phản nghịch Đức Giê-hô-va và ủng hộ Sa-tan.

24. Tại sao những kẻ phản nghịch được gọi là Gót và Ma-gót?

24 Đọc Khải huyền 20:7-10. Đáng chú ý là những kẻ phản nghịch vào cuối một ngàn năm được gọi là Gót và Ma-gót. Chúng thể hiện đặc tính giống với những kẻ phản nghịch được nói đến trong sách Ê-xê-chi-ên, là những kẻ tấn công dân của Đức Chúa Trời trong hoạn nạn lớn. Những kẻ ấy, tức “Gót ở xứ Ma-gót”, được chia thành các nước chống lại sự cai trị của Đức Giê-hô-va (Ê-xê 38:2). Tương tự, những kẻ phản nghịch vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô được miêu tả là “những nước”. Đây là sự miêu tả đáng chú ý. Tại sao? Vì trong Triều Đại Một Ngàn Năm, sự chia rẽ giữa các nước được xóa bỏ, mọi người đều làm thần dân của một chính phủ là Nước Trời. Chúng ta sẽ thuộc về một nước duy nhất. Khi gọi những kẻ phản nghịch này là Gót và Ma-gót cũng như nói rằng chúng là “những nước”, lời tiên tri cho thấy Sa-tan sẽ thành công trong việc gây chia rẽ trong vòng dân Đức Chúa Trời. Không ai sẽ bị buộc phải đứng về phía Đức Giê-hô-va hoặc Sa-tan. Mỗi người hoàn hảo sẽ có sự lựa chọn riêng của mình.

Những kẻ phản nghịch được gọi là Gót và Ma-gót (Xem đoạn 24)

25, 26. Có bao nhiêu người theo Sa-tan, và điều gì xảy ra với họ?

25 Bao nhiêu người sẽ đứng về phía Sa-tan? Số những kẻ phản nghịch sẽ “nhiều như cát biển”. Cụm từ này không có nghĩa là những kẻ phản nghịch sẽ chiếm một tỉ lệ lớn trong vòng nhân loại. Làm thế nào chúng ta biết được điều đó? Hãy xem xét lời hứa dành cho Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va nói với Áp-ra-ham là dòng dõi ông sẽ “như cát bờ biển” (Sáng 22:17, 18). Nhưng cuối cùng số người hợp thành dòng dõi ông là 144.001 người (Ga 3:16, 29). Dù đây là một con số đáng kể nhưng chỉ là phần nhỏ so với tổng số người sống trên đất từ trước đến nay. Tương tự, có thể số người đứng về phía Sa-tan cũng đáng kể, nhưng không phải là con số gây choáng ngợp. Những kẻ phản nghịch sẽ không gây ra mối đe dọa nào cho các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va.

26 Những kẻ tham gia cuộc phản nghịch sẽ nhanh chóng bị hủy diệt. Cùng với Sa-tan và các quỷ, họ sẽ không còn hiện hữu và không có triển vọng được hồi sinh. Người ta chỉ còn nhớ đến các quyết định sai lầm của những kẻ phản nghịch và hậu quả của những quyết định đó.—Khải 20:10.

27-29. Điều gì chờ đón những người vượt qua thử thách cuối cùng?

27 Mặt khác, tên của những người vượt qua thử thách cuối cùng sẽ được lưu lại mãi mãi “trong sách sự sống” (Khải 20:15). Lúc đó, với tư cách là một gia đình hợp nhất, tất cả con trai và con gái trung thành của Đức Giê-hô-va sẽ dâng cho ngài sự thờ phượng mà chỉ ngài mới xứng đáng nhận.

28 Hãy nghĩ đến tương lai tuyệt vời đó. Phía trước anh chị là một đời sống có công việc thỏa nguyện và những tình bạn đầy ý nghĩa. Anh chị và những người thân yêu không bao giờ phải đau khổ nữa. Là người hoàn hảo, anh chị sẽ không còn cần đến giá chuộc để có vị thế công chính trước mắt Đức Giê-hô-va. Tình bạn của mỗi người với Đức Chúa Trời sẽ không bị giới hạn. Điều quan trọng nhất là sự thờ phượng thanh sạch sẽ được thực hiện một cách hoàn hảo ở trên trời và dưới đất. Đó là lúc sự thờ phượng thanh sạch được khôi phục đến mức tột bậc.

Khi trở nên hoàn hảo, anh chị sẽ không còn cần đến giá chuộc để có vị thế công chính trước mắt Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 28)

29 Anh chị sẽ có mặt vào thời điểm đó để chứng kiến ngày tuyệt vời ấy không? Anh chị có thể làm thế nếu tiếp tục áp dụng ba bài học quan trọng được rút ra từ sách Ê-xê-chi-ên, đó là dâng cho Đức Giê-hô-va lòng sùng kính chuyên độc, duy trì sự hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch và thể hiện tình yêu thương với người khác. Những lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên đưa ra một bài học cuối cùng và quan trọng khác. Đó là gì?

Hãy hình dung niềm vui khi tất cả các tạo vật trên trời và dưới đất được hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch (Xem đoạn 27-29)

“Phải biết ta là Đức Giê-hô-va”

30, 31. Lời tuyên bố “phải biết ta là Đức Giê-hô-va” sẽ có nghĩa gì với (a) kẻ thù của Đức Chúa Trời? (b) dân của Đức Chúa Trời?

30 Xuyên suốt sách Ê-xê-chi-ên, lời tuyên bố “phải biết ta là Đức Giê-hô-va” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần (Ê-xê 6:7; 39:7). Đối với kẻ thù của Đức Chúa Trời, lời tuyên bố đó đồng nghĩa với chiến tranh và sự chết. Chúng sẽ buộc phải công nhận rằng Đức Giê-hô-va hiện hữu. Nhưng chưa dừng lại ở đó, qua kinh nghiệm cay đắng, kẻ thù sẽ hiểu được rằng danh vĩ đại của ngài có nghĩa là “Đấng làm cho trở thành”. “Đức Giê-hô-va vạn quân” sẽ trở thành “chiến binh dũng mãnh” chiến đấu với chúng (1 Sa 17:45; Xuất 15:3). Nhưng đã quá muộn khi chúng biết được một sự thật cơ bản về Đức Giê-hô-va, đó là không gì có thể cản trở ngài thực hiện ý định của ngài.

31 Đối với dân của Đức Chúa Trời, lời tuyên bố “phải biết ta là Đức Giê-hô-va” đồng nghĩa với sự bình an và sự sống. Theo ý định ban đầu, Đức Giê-hô-va sẽ khiến chúng ta trở thành con cái phản ánh hoàn hảo các phẩm chất của ngài (Sáng 1:26). Đức Giê-hô-va đã trở thành người Cha yêu thương và Đấng Chăn Giữ. Chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ trở thành Vua chiến thắng của chúng ta. Trước khi ngày ấy đến, hãy ghi nhớ thông điệp của Ê-xê-chi-ên. Qua lời nói và hành động hằng ngày, chúng ta hãy chứng tỏ rằng mình biết Đức Giê-hô-va là ai và ngài có những tiêu chuẩn nào. Rồi khi những ngọn gió hủy diệt của hoạn nạn lớn được thả ra, chúng ta sẽ không sợ hãi. Ngược lại, chúng ta sẽ ngước đầu lên, vì biết rằng sự giải cứu đã gần kề (Lu 21:28). Từ giờ đến lúc đó, mong sao chúng ta giúp mọi người ở khắp nơi biết đến và yêu thương Đức Giê-hô-va, là đấng duy nhất xứng đáng nhận sự thờ phượng và là đấng có danh vĩ đại nhất trong mọi danh.—Ê-xê 28:26.

^ đ. 5 Những số chương muốn nói đến các chương của ấn phẩm này