Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tóm lược sự hiểu biết được điều chỉnh

Tóm lược sự hiểu biết được điều chỉnh

Trong nhiều năm qua, Tháp Canh đã điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về một số điểm trong lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên. Sách Sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục! có thêm một số sự hiểu biết được điều chỉnh. Hãy thử trả lời những câu hỏi sau:

Bốn mặt của các sinh vật tượng trưng cho gì?

Sự hiểu biết trước đây: Mỗi mặt của các sinh vật, tức các chê-rúp, tượng trưng cho một trong bốn phẩm chất chính của Đức Giê-hô-va.

Sự điều chỉnh: Đúng là mỗi mặt của các sinh vật tượng trưng cho một trong bốn phẩm chất chính của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, bốn mặt của sinh vật khi hợp lại với nhau tượng trưng cho tất cả các phẩm chất của ngài. Ngoài ra, bốn mặt này khiến chúng ta ấn tượng trước sức mạnh phi thường và sự vinh hiển tột bậc của Đức Giê-hô-va.

Lý do điều chỉnh: Trong Kinh Thánh, số bốn thường được dùng để chỉ sự trọn vẹn hay việc bao gồm tất cả. Vì thế, khi bốn mặt hợp lại với nhau, chúng không chỉ tượng trưng cho bốn phẩm chất riêng lẻ mà còn là nền tảng của tính cách đáng thán phục của Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, mỗi mặt là của một tạo vật tượng trưng cho sự uy nghi, sức mạnh và sự oai hùng. Dù vậy, cả bốn đại diện mạnh mẽ này của sự sáng tạo, biểu hiện qua bốn mặt của mỗi chê-rúp, đều ở phía dưới ngai của Đức Giê-hô-va. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Cai Trị Tối Cao trên muôn vật.

Người nam đeo hộp mực của thư ký tượng trưng cho ai?

Sự hiểu biết trước đây: Người nam đeo hộp mực tượng trưng cho những người được xức dầu còn sót lại. Qua việc rao giảng và đào tạo môn đồ, những người được xức dầu đang đánh dấu theo nghĩa tượng trưng lên trán của những người thuộc “đám đông lớn”.—Khải 7:9.

Sự điều chỉnh: Người nam đeo hộp mực của thư ký tượng trưng cho Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài sẽ đánh dấu đám đông lớn khi họ được xét là chiên trong “hoạn nạn lớn”.—Mat 24:21.

Lý do điều chỉnh: Đức Giê-hô-va đã giao việc phán xét cho Con ngài (Giăng 5:22, 23). Theo Ma-thi-ơ 25:31-33, Chúa Giê-su sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về ai là “chiên” và ai là “dê”.

Phải chăng hai chị em gái điếm là Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba tượng trưng cho khối Ki-tô giáo, đặc biệt hai nhánh chính là Công giáo và Tin Lành?

Sự hiểu biết trước đây: Người chị Ô-hô-la (Sa-ma-ri, thủ đô của Y-sơ-ra-ên) tượng trưng cho Công giáo; người em Ô-hô-li-ba (Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Giu-đa) tượng trưng cho Tin Lành.

Sự điều chỉnh: Hai chị em gái điếm này không tượng trưng cho bất cứ phần nào của khối Ki-tô giáo. Thay vì thế qua trường hợp của hai chị em này, chúng ta hiểu được cảm xúc của Đức Giê-hô-va khi một dân từng trung thành với ngài lại phạm tội đàng điếm về mặt thờ phượng. Ngài cũng có cảm xúc tương tự với tất cả các tôn giáo sai lầm.

Lý do điều chỉnh: Kinh Thánh không cho biết Ô-hô-la và Ô-hô-li-ba tượng trưng cho khối Ki-tô giáo. Y-sơ-ra-ên và Giu-đa từng giống như người vợ chung thủy của Đức Giê-hô-va, nhưng khối Ki-tô giáo chưa bao giờ có mối quan hệ như thế với ngài. Hơn nữa, những sự so sánh giữa dân bất trung của Đức Chúa Trời với gái điếm trong chương 1623 của sách Ê-xê-chi-ên đem lại hy vọng về sự thay đổi và khôi phục. Trái lại, là một phần của Ba-by-lôn Lớn, khối Ki-tô giáo không có hy vọng như thế.

Giê-ru-sa-lem xưa có tượng trưng cho khối Ki-tô giáo không?

Sự hiểu biết trước đây: Giê-ru-sa-lem bất trung tượng trưng cho khối Ki-tô giáo. Vì thế, sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem là hình bóng cho sự hủy diệt của khối Ki-tô giáo.

Sự điều chỉnh: Tình trạng ở Giê-ru-sa-lem bất trung, trong đó có việc thờ thần tượng và sự bại hoại lan tràn, nhắc chúng ta nhớ đến khối Ki-tô giáo. Nhưng chúng ta không còn nói rằng Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho khối Ki-tô giáo.

Lý do điều chỉnh: Không có cơ sở rõ ràng dựa trên Kinh Thánh cho việc hiểu ý nghĩa tượng trưng như vậy. Khác với Giê-ru-sa-lem xưa, khối Ki-tô giáo chưa bao giờ thực hành sự thờ phượng thanh sạch. Hơn nữa, Giê-ru-sa-lem nhận được sự tha thứ của Đức Giê-hô-va trong một thời gian, nhưng khối Ki-tô giáo không có triển vọng đó.

Khải tượng về đồng bằng đầy xương khô được ứng nghiệm như thế nào?

Sự hiểu biết trước đây: Vào năm 1918, trong khi chịu sự bắt bớ, những người được xức dầu bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm. Họ trải qua tình trạng giống như chết, tức gần như không hoạt động. Thời kỳ giam cầm ngắn đó kết thúc vào năm 1919 khi Đức Giê-hô-va làm cho họ sống lại với tư cách người công bố Nước Trời.

Sự điều chỉnh: Sự giam cầm về thiêng liêng giống như trong tình trạng chết đã bắt đầu rất lâu trước năm 1918 và đã kéo dài. Thời kỳ giam cầm này bắt đầu vào thế kỷ thứ hai CN và kết thúc vào năm 1919 CN. Về cơ bản, thời kỳ đó tương đương với giai đoạn phát triển kéo dài được nói đến trong ngụ ngôn của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ dại.

Lý do điều chỉnh: Y-sơ-ra-ên xưa bị giam cầm trong một thời gian dài, bắt đầu từ năm 740 TCN và kết thúc vào năm 537 TCN. Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho biết rằng các xương ấy “khô” hoặc “rất khô”. Điều này cho thấy những người được tượng trưng bởi các xương ấy đã chết từ lâu. Sự khôi phục của các xương được miêu tả là một quá trình diễn ra dần dần và đòi hỏi phải có thời gian.

Hai thanh gỗ hợp thành một có ý nghĩa gì?

Sự hiểu biết trước đây: Sau một giai đoạn ngắn thiếu sự hợp nhất vào thời Thế Chiến I, các thành viên trung thành thuộc nhóm người được xức dầu còn sót lại đã hợp nhất trở lại vào năm 1919.

Sự điều chỉnh: Lời tiên tri nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va sẽ khiến những người thờ phượng ngài hợp thành một. Sau năm 1919, dần dần những thành viên của nhóm người được xức dầu còn sót lại được hợp nhất với nhóm người có hy vọng sống trên đất ngày càng đông đảo. Cả hai nhóm này đang cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va với tư cách là một dân.

Lý do điều chỉnh: Lời tiên tri không miêu tả một thanh gỗ ban đầu được tách ra thành hai, rồi được ráp lại thành một. Do đó, lời tiên tri không miêu tả một nhóm người bị phân rẽ và sau đó lại được hợp nhất. Thay vì vậy, lời tiên tri miêu tả cách hai nhóm người khác nhau sẽ trở nên hợp nhất.

Gót ở xứ Ma-gót là ai?

Sự hiểu biết trước đây: Gót ở xứ Ma-gót là một tên mang tính tiên tri ám chỉ Sa-tan sau khi hắn bị quăng xuống từ trời.

Sự điều chỉnh: Gót ở xứ Ma-gót ám chỉ một liên minh các nước ở trên đất tấn công những người thờ phượng thanh sạch trong hoạn nạn lớn.

Lý do điều chỉnh: Sự miêu tả về việc Gót bị phó làm thức ăn cho chim săn mồi và nhận một chỗ làm mồ chôn trên đất cho thấy Gót không phải là một tạo vật thần linh. Hơn nữa, có sự tương đồng giữa cuộc tấn công của Gót với cuộc tấn công của các nước nhắm vào dân Đức Chúa Trời được nói đến trong sách Đa-ni-ên và Khải huyền.—Đa 11:40, 44, 45; Khải 17:14; 19:19.

Có phải Ê-xê-chi-ên đã thấy và tham quan đền thờ thiêng liêng vĩ đại mà sau này sứ đồ Phao-lô miêu tả không?

Sự hiểu biết trước đây: Đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên là đền thờ thiêng liêng mà sứ đồ Phao-lô miêu tả.

Sự điều chỉnh: Đền thờ mà Ê-xê-chi-ên thấy không phải là đền thờ thiêng liêng bắt đầu hiện hữu vào năm 29 CN. Thay vì thế, ông đã thấy khải tượng về khuôn mẫu hoàn hảo của sự thờ phượng thanh sạch theo Luật pháp Môi-se. Sự miêu tả được soi dẫn của Phao-lô về đền thờ thiêng liêng tập trung vào công việc mà Chúa Giê-su đã làm từ năm 29 CN đến năm 33 CN với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn. Khải tượng của Ê-xê-chi-ên không đề cập đến thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng tập trung vào việc khôi phục về mặt thiêng liêng bắt đầu từ năm 1919 CN. Do đó, chúng ta không tìm ý nghĩa tượng trưng cho tất cả những chi tiết và kích thước của đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên. Thay vì thế, chúng ta nên tập trung vào những bài học về các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thanh sạch được rút ra từ khải tượng của Ê-xê-chi-ên.

Lý do điều chỉnh: Đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên khác với đền thờ thiêng liêng ở một số điểm quan trọng. Chẳng hạn, đền thờ trong khải tượng của Ê-xê-chi-ên có nhiều con sinh tế. Trong khi đó, chỉ có một vật tế lễ được dâng “một lần đủ cả” tại đền thờ thiêng liêng (Hê 9:11, 12). Những thế kỷ trước thời Đấng Ki-tô đến chưa phải là thời điểm Đức Giê-hô-va tiết lộ các sự thật sâu sắc về đền thờ thiêng liêng.