BÀI 51
Làm vui lòng Đức Giê-hô-va qua lời nói của bạn
Khi tạo ra chúng ta, Đức Giê-hô-va đã ban cho một món quà tuyệt vời, đó là khả năng giao tiếp bằng lời nói. Ngài có quan tâm đến cách chúng ta dùng món quà này không? Chắc chắn có! (Đọc Gia-cơ 1:26). Vậy, làm thế nào chúng ta có thể dùng lời nói theo cách làm vui lòng Đức Giê-hô-va?
1. Chúng ta nên dùng món quà lời nói như thế nào?
Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Bạn nghĩ có ai đang cần được khích lệ không? Bạn có thể làm gì để giúp họ lên tinh thần? Hãy nói với họ là bạn quan tâm đến họ, và cho họ biết bạn quý điều gì nơi họ. Ngoài ra, có rất nhiều câu Kinh Thánh mà bạn có thể dùng để khích lệ họ. Cũng hãy nhớ rằng cách nói quan trọng không kém gì lời nói. Vì thế, hãy cố gắng để luôn nói một cách nhân từ và mềm mại.—Châm ngôn 15:1.
2. Chúng ta không nên nói những lời như thế nào?
Kinh Thánh nói: “Chớ để lời dữ nào ra khỏi miệng anh em”. (Đọc Ê-phê-sô 4:29). Điều này có nghĩa là chúng ta phải tránh nói những lời tục tĩu và những lời độc địa gây tổn thương. Đồng thời, chúng ta cũng cần tránh thày lay và vu khống.—Đọc Châm ngôn 16:28.
3. Điều gì giúp chúng ta nói những lời khích lệ?
Lời nói thường bộc lộ những suy nghĩ cũng như cảm xúc trong lòng chúng ta (Lu-ca 6:45). Vì thế, chúng ta cần cố gắng tập trung vào những điều tích cực như điều công chính, trong sạch, đáng yêu quý và đáng khen ngợi (Phi-líp 4:8). Để làm thế, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn bạn và giải trí (Châm ngôn 13:20). Ngoài ra, chúng ta cũng cần suy nghĩ trước khi nói vì Kinh Thánh cho biết: “Lời nói thiếu suy nghĩ như bao nhát gươm đâm, nhưng lưỡi người khôn ngoan là phương thuốc chữa lành”.—Châm ngôn 12:18.
ĐÀO SÂU
Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể dùng lời nói theo cách làm vui lòng Đức Giê-hô-va và khích lệ người khác.
4. Kiểm soát lời nói
Ai trong chúng ta cũng có khi lỡ nói những lời mà sau này mình phải hối tiếc (Gia-cơ 3:2). Đọc Ga-la-ti 5:22, 23, rồi thảo luận các câu hỏi sau:
-
Trong số những đức tính ấy, bạn muốn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình vun trồng những đức tính nào để kiểm soát lời nói? Những đức tính ấy có thể giúp bạn như thế nào?
Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:33, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Việc lựa chọn bạn bè và loại giải trí có thể ảnh hưởng thế nào đến lời bạn nói?
Đọc Truyền đạo 3:1, 7, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Khi nào thì chúng ta nên im lặng hoặc chờ đến thời điểm thuận lợi hơn để nói?
5. Nói tốt về người khác
Làm thế nào để tránh nói những lời thiếu tử tế hoặc gây tổn thương? Mở VIDEO, rồi thảo luận các câu hỏi bên dưới.
-
Tại sao anh trong video muốn thay đổi cách anh thường nói về người khác?
-
Anh đã làm gì để thay đổi cách nói năng?
Đọc Truyền đạo 7:16, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Chúng ta nên nhớ điều gì khi định nói tiêu cực về người khác?
Đọc Truyền đạo 7:21, 22, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Những câu Kinh Thánh này có thể giúp bạn như thế nào để tránh nổi giận khi người khác nói xấu mình?
6. Nói năng tử tế với gia đình
Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nói năng tử tế và yêu thương với gia đình. Mở VIDEO, rồi thảo luận câu hỏi bên dưới.
-
Điều gì sẽ giúp bạn nói năng tử tế với gia đình?
Đọc Ê-phê-sô 4:31, 32, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Những lời như thế nào giúp củng cố gia đình?
Đức Giê-hô-va cho biết ngài cảm thấy thế nào về Con ngài là Chúa Giê-su. Đọc Ma-thi-ơ 17:5, rồi thảo luận câu hỏi sau:
-
Bạn có thể noi gương Đức Giê-hô-va như thế nào trong việc nói chuyện với gia đình?
MỘT SỐ NGƯỜI NÓI: “Tôi nghĩ sao thì nói vậy, còn ai không thích thì kệ họ”.
-
Bạn có đồng ý không? Tại sao?
ĐIỂM CHÍNH
Lời nói có sức mạnh. Vì thế, chúng ta cần suy nghĩ kỹ để biết mình nên nói gì, nói khi nào và nói theo cách nào.
Ôn lại
-
Bạn có thể dùng lời nói như thế nào để mang lại lợi ích cho người khác?
-
Bạn muốn tránh những lời nói như thế nào?
-
Điều gì có thể giúp chúng ta luôn nói lời tử tế và giúp vững mạnh?
KHÁM PHÁ
Điều gì có thể giúp chúng ta nói những lời khích lệ?
Bí quyết để tránh nói tục.
“Nói tục chửi thề có thật sự xấu không?” (bài trên trang web)
Cách bạn có thể tránh nhiều chuyện.
Cách Đức Giê-hô-va giúp một người bỏ thói chửi thề.
“Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc, đời mình đang đi về đâu” (Tháp Canh ngày 1-8-2013)