Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đi tìm vận mệnh con người

Đi tìm vận mệnh con người

Đi tìm vận mệnh con người

TẠI SAO niềm tin nơi định mệnh lại phổ biến như thế? Trải qua các thời đại, con người đã cố tìm cách giải các bí ẩn của đời sống và tìm mục đích nào đó trong các biến cố đang diễn ra chung quanh. “Chính ở đây các khái niệm như ‘thần thánh’, ‘vận mệnh’ và ‘may rủi’ nảy sinh, gọi như thế nào thì tùy thuộc vào việc những biến cố đó là do một quyền lực có trí năng, một trật tự vô nhân cách, hay sự vô trật tự” gây ra, sử gia Helmer Ringgren giải thích. Lịch sử đầy những tin tưởng, huyền thoại và chuyện hoang đường về định mệnh và vận mệnh.

Học giả về nền văn minh cổ đại A-si-ri Jean Bottéro nói: “Trong mọi khía cạnh văn hóa, chúng ta phần lớn chịu ảnh hưởng của nền văn minh Mê-sô-bô-ta-mi”. Ông nói thêm rằng chính ở Mê-sô-bô-ta-mi hay Ba-by-lôn cổ đại, chúng ta tìm thấy “dấu vết cụ thể về cách phản ứng và suy tưởng xa xưa nhất của nhân loại về hiện tượng siêu nhiên, tức cấu trúc tôn giáo cổ xưa nhất có thể nhận ra được”. Cũng chính tại đây chúng ta tìm thấy nguồn gốc của định mệnh.

Nguồn gốc xa xưa của định mệnh

Giữa những tàn tích xa xưa ở vùng Mê-sô-bô-ta-mi, ở nơi hiện nay là I-rắc, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số bản viết xưa nhất mà con người biết được. Hàng ngàn bảng đá viết bằng hình nêm cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về đời sống trong các nền văn minh cổ xưa vùng Sumer và Akkad và trong thành Ba-by-lôn nổi tiếng. Theo nhà khảo cổ Samuel N. Kramer, người Sumer “bị phiền muộn về vấn đề đau khổ của con người, nhất là về các nguyên nhân rất khó hiểu của sự đau khổ”. Cuộc tìm kiếm lời giải đáp đưa họ đến ý niệm định mệnh.

Trong sách Babylon, nhà khảo cổ Joan Oates nói rằng “mỗi người Ba-by-lôn đều có một thần hay nữ thần riêng”. Người Ba-by-lôn tin rằng các thần thánh “định đoạt vận mệnh của cả nhân loại, cho từng người lẫn tập thể”. Theo Kramer, người Sumer tin rằng “các thần thánh kiểm soát vũ trụ đã định ra và lập nên sự gian ác, sự giả dối và bạo lực, như một phần của văn minh”. Niềm tin nơi định mệnh rất phổ biến và được xem trọng.

Người Ba-by-lôn nghĩ rằng có thể biết được kế hoạch của các thần thánh qua bói toán—“một phương tiện giao tiếp với thần thánh”. Khoa bói toán bao gồm việc cố tiên đoán tương lai bằng cách quan sát, giải thích và giải đoán ý nghĩa các điềm và biến cố. Điển hình là việc xem xét giấc mơ, hành vi và lục phủ ngũ tạng của thú vật. (So sánh Ê-xê-chi-ên 21:21; Đa-ni-ên 2:1-4). Họ ghi lại trên những bảng đất sét những điều xảy ra bất thường hoặc không ngờ mà họ cho là tiết lộ tương lai.

Theo học giả người Pháp Édouard Dhorme, chuyên về văn minh cổ, thì “ngay từ giai đoạn đầu của lịch sử Mê-sô-bô-ta-mi, chúng ta đã thấy có khái niệm bói toán và người đoán điềm”. Bói toán là một khía cạnh chủ yếu của đời sống. Thật vậy, Giáo Sư Bottéro nói rằng “vật nào cũng có thể xem là đối tượng khảo sát và suy luận bằng bói khoa... Toàn thể vũ trụ vật chất được coi như bằng chứng mà từ đó có thể rút ra sự hiểu biết về tương lai sau khi đã nghiên cứu cẩn thận”. Như thế, những người Mê-sô-bô-ta-mi hăng say thực hành thuật chiêm tinh, xem đó là phương tiện tiên đoán tương lai.—So sánh Ê-sai 47:13.

Ngoài ra, người Ba-by-lôn dùng con súc sắc hay cái thăm trong khoa bói toán. Trong sách Randomness, Deborah Bennett giải thích rằng những vật này nhằm “loại bỏ khả năng có bàn tay con người nhúng vào và do đó cho các thần thánh một phương tiện rõ ràng để biểu lộ ý muốn”. Tuy nhiên, các quyết định của thần thánh thì lại không được xem là bất di bất dịch. Người ta có thể van lơn các thần thánh, xin được giúp đỡ để tránh định mệnh xấu.

Định mệnh trong thời cổ Ai Cập

Trong thế kỷ 15 TCN, có sự tiếp xúc rộng rãi giữa Ba-by-lôn và Ai Cập. Cuộc giao lưu văn hóa tiếp theo sau đó bao gồm các thực hành tôn giáo liên quan tới định mệnh. Tại sao người Ai Cập chấp nhận niềm tin nơi định mệnh? Theo John R. Baines, giáo sư về Ai Cập học tại Đại Học Oxford, thì “tôn giáo [của người Ai Cập] phần nhiều liên hệ đến các nỗ lực nhằm lĩnh hội và phản ứng trước những điều không ngờ và điều bất hạnh”.

Nước Ai Cập có nhiều thần thánh, trong số đó Isis được mô tả là “nữ thần của sự sống, và nữ hoàng của định mệnh và vận mệnh”. Người Ai Cập cũng thực hành khoa bói toán và chiêm tinh. (So sánh Ê-sai 19:3). Một sử gia nói: “Họ có khả năng khéo léo vô cùng trong việc cầu vấn thần thánh”. Tuy nhiên, Ai Cập không phải là nền văn minh duy nhất đã vay mượn ý niệm định mệnh của Ba-by-lôn.

Hy Lạp và La Mã

Xét về các vấn đề tôn giáo, “Hy Lạp thời cổ cũng không thoát khỏi ảnh hưởng sâu rộng nhưng mãnh liệt của Ba-by-lôn”, Jean Bottéro viết. Giáo Sư Peter Green giải thích tại sao niềm tin nơi định mệnh rất phổ biến ở Hy Lạp: “Trong một thế giới không có gì là chắc chắn, người ta ngày càng ngại chịu trách nhiệm về những quyết định của chính mình, và trên thực tế thường cảm thấy bản thân họ chỉ là những con rối, bị các đòi hỏi của Định Mệnh xô đẩy, một định mệnh vừa khó hiểu vừa bất di bất dịch, thì người ta xem quy định của thần thánh là một cách qua đó tương lai được hoạch định từng li từng tí cho mỗi cá nhân. Những gì Định Mệnh định đoạt có thể đoán trước được, nếu có tài năng hoặc sự hiểu biết đặc biệt. Có thể đó không phải là điều một người muốn nghe; nhưng nếu biết trước thì ít ra cũng có thể chuẩn bị”.

Ngoài việc trấn an người ta về tương lai mình, niềm tin nơi định mệnh cũng góp phần vào những mục đích ác độc hơn. Ý niệm về định mệnh giúp khuất phục được quần chúng, và chính vì lý do đó mà “niềm tin cho rằng thế giới hoàn toàn do thần thánh cai trị rất hấp dẫn đối với tầng lớp nắm quyền của một dân tộc thống trị”, theo lời sử gia F. H. Sandbach.

Tại sao? Giáo Sư Green giải thích rằng “bản chất” niềm tin này “là lý lẽ bào chữa—về luân lý, về thần học, về ngữ nghĩa—cho một trật tự xã hội và chính trị cố định: đó là công cụ mạnh mẽ và tinh vi nhất mà giới cầm quyền Hy Lạp đã từng nghĩ ra nhằm kéo dài sự tồn tại của mình. Bất cứ điều gì xảy ra đều đã được định sẵn; và bởi lẽ quy luật thiên nhiên có khuynh hướng giúp đỡ con người, nên những gì được định đoạt sẵn chắc chắn tốt cho mọi người”. Trên thực tế, nó cung cấp “lý lẽ bào chữa cho việc bảo vệ quyền lợi riêng một cách tàn bạo”.

Việc định mệnh được chấp nhận rộng rãi thể hiện rõ trong văn chương Hy Lạp. Trong số các phong cách văn chương cổ xưa có thiên anh hùng ca, huyền thoại và thảm kịch—trong các loại hình nghệ thuật này định mệnh đóng vai trò quan trọng. Trong thần thoại Hy Lạp, vận mệnh con người được tượng trưng bởi ba nữ thần gọi chung là Moirai. Clotho là nữ thần quay sợi chỉ tượng trưng sự sống, Lachesis định đoạt đời sống dài bao nhiêu và Atropos cắt đứt sự sống khi đã mãn thời gian ấn định. Người La Mã có một bộ ba thần tương tự mà họ gọi là Parcae.

Người La Mã và Hy Lạp rất muốn biết vận mệnh họ sẽ ra sao. Vì thế, họ vay mượn thuật chiêm tinh và bói toán của Ba-by-lôn và khai triển ra thêm. Người La Mã gọi những sự kiện dùng để tiên đoán tương lai là portenta, hoặc điềm. Họ gọi các điều mà những điềm này báo là omina. Vào khoảng thế kỷ thứ ba TCN, khoa chiêm tinh đã trở nên phổ biến ở Hy Lạp, và vào năm 62 TCN, biểu đồ số tử vi xuất hiện, đây là biểu đồ xưa nhất mà người ta biết ở Hy Lạp. Theo Giáo Sư Gilbert Murray, người Hy Lạp say mê thuật chiêm tinh đến nỗi thuật này thâm nhập đầu óc người Hy Lạp như một căn bệnh mới thâm nhập cơ thể người dân trên hòn đảo xa xôi nào đó”.

Nhằm cố tìm cách biết được tương lai, người Hy Lạp và người La Mã sử dụng đồng cốt một cách rộng rãi. Người ta cho rằng các thần thánh giao tiếp với loài người qua những người này. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 16:16-19). Những niềm tin này có tác dụng gì? Triết gia Bertrand Russell nói: “Sự lo sợ thế chỗ hy vọng; mục tiêu đời sống là thoát khỏi sự rủi ro thay vì làm những việc tốt và tích cực”. Các đề tài tương tự trở nên chủ đề tranh luận trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ.

“Tín đồ Đấng Christ” tranh luận về định mệnh

Tín đồ Đấng Christ thời đầu sống trong một nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng Hy Lạp và La Mã về vận mệnh và định mệnh. Thí dụ, những người được gọi là Giáo Phụ đã chủ yếu dựa vào tác phẩm của các triết gia Hy Lạp như Aristotle và Plato. Một vấn đề họ cố giải quyết là: Làm sao Đức Chúa Trời có thể vừa toàn năng, toàn trí, Đấng “rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”, mà lại vừa là Đức Chúa Trời yêu thương? (Ê-sai 46:10; 1 Giăng 4:8) Họ lý luận rằng nếu Đức Chúa Trời biết sự cuối cùng ngay từ đầu, thì chắc chắn Ngài cũng biết trước loài người sẽ rơi vào tội lỗi và hậu quả thảm khốc mà sự sa ngã này mang lại.

Origen, một trong những tác giả viết nhiều nhất của đạo Đấng Christ thời đầu, biện luận rằng một trong những yếu tố quan trọng cần nhớ là khái niệm về tự do ý chí. Ông viết: “Quả là có vô số đoạn trong Kinh Thánh chứng minh hết sức rõ ràng rằng có tự do ý chí”.

Origen nói rằng quy trách nhiệm cho một lực bên ngoài về các hành động của chúng ta “không đúng mà cũng không hợp với luận lý, nhưng là lời của người muốn phá hủy khái niệm tự do ý chí”. Origen lý luận rằng mặc dù Đức Chúa Trời có thể biết trước những sự kiện xảy ra theo thứ tự thời gian, điều này không có nghĩa là Ngài gây ra một sự kiện hay buộc nó xảy ra. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đồng ý.

Một Giáo Phụ có nhiều ảnh hưởng, Augustine (354-430 CN), làm cho lý luận nói trên phức tạp bằng cách hạ bớt vai trò của tự do ý chí trong các sự kiện. Augustine đã đặt cho thuyết tiền định một nền tảng thần học trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Các cuộc thảo luận trong thời Trung Cổ xoay quanh tác phẩm của ông, nhất là De libero arbitrio. Cuộc tranh luận cuối cùng lên đến tột đỉnh trong thời Cải Cách, kết quả là các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ chia rẽ sâu xa về thuyết tiền định. *

Một niềm tin phổ biến

Tuy nhiên, khái niệm về định mệnh tuyệt nhiên không phải chỉ ở thế giới Tây Phương mới có. Khi gặp tai họa, nhiều người đạo Hồi nói “mektoub”—nghĩa là tạo hóa an bài—cho thấy rằng họ tin nơi vận mệnh. Đành rằng nhiều tôn giáo Đông Phương nhấn mạnh vai trò của mỗi người trong vận mệnh cá nhân; tuy nhiên, có những yếu tố về thuyết định mệnh trong các điều họ dạy.

Thí dụ, Nghiệp Báo trong Ấn Độ Giáo và Phật Giáo là vận mệnh không ai thoát khỏi, gây nên do hành động trong kiếp trước. Ở Trung Hoa, người ta phát hiện được những bản viết xa xưa nhất trên mai rùa dùng trong việc bói toán. Định mệnh cũng hình thành nên một phần các niềm tin của các dân bản xứ ở Mỹ Châu. Thí dụ, người Aztec đặt ra lịch bói toán dùng để biểu hiện vận mệnh người. Các niềm tin về định mệnh cũng thông thường ở Phi Châu.

Việc nhiều người chấp nhận khái niệm định mệnh thật ra chứng tỏ rằng con người có một nhu cầu cơ bản: ấy là niềm tin nơi một quyền lực siêu phàm. Trong sách Man’s Religions, tác giả John B. Noss thừa nhận: “Qua cách này hay cách khác, hết thảy các tôn giáo đều nói rằng con người không đứng và không thể đứng độc lập. Con người có liên hệ thiết yếu với Thiên Nhiên và Xã Hội bên ngoài mình. Dù chỉ lờ mờ hay rõ ràng, con người biết mình không phải là trung tâm quyền lực độc lập, có thể đứng tách biệt khỏi thế gian”.

Ngoài nhu cầu tin nơi Đức Chúa Trời, chúng ta cũng có một nhu cầu cơ bản muốn hiểu những gì đang diễn ra chung quanh mình. Tuy nhiên, thừa nhận có một Đấng Tạo Hóa toàn năng thì khác với việc tin rằng Ngài định đoạt một cách bất di bất dịch vận mệnh chúng ta. Chúng ta đóng vai trò nào trong việc định đoạt vận mệnh mình? Đức Chúa Trời đóng vai trò nào?

[Chú thích]

^ đ. 24 Xin xem tạp chí song hành với tạp chí này, Tháp Canh, số ra ngày 15-2-1995, trang 3, 4.

[Hình nơi trang 5]

Lịch chiêm tinh của người Ba-by-lôn, năm 1000 TCN

[Nguồn tư liệu]

Musée du Louvre, Paris

[Hình nơi trang 7]

Người Hy Lạp và La Mã tin rằng vận mệnh con người do ba nữ thần định đoạt

[Nguồn tư liệu]

Musée du Louvre, Paris

[Hình nơi trang 7]

Isis của Ai Cập, “thần cai trị định mệnh và vận mệnh”

[Nguồn tư liệu]

Musée du Louvre, Paris

[Hình nơi trang 8]

Các bản viết xưa nhất của người Trung Hoa trên mai rùa dùng trong việc bói toán

[Nguồn tư liệu]

Viện Lịch Sử và Ngữ Văn, Academia Sinica, Taipei

[Hình nơi trang 8]

Các ký hiệu hoàng đạo trên mặt hộp Ba Tư

[Nguồn tư liệu]

Photograph taken by courtesy of the British Museum