Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đi tìm đời sống tốt đẹp

Đi tìm đời sống tốt đẹp

Đi tìm đời sống tốt đẹp

“Khi thế kỷ 20 trôi qua, tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã... thay đổi cuộc sống hàng ngày của nhiều người”.—The Oxford History of the Twentieth Century.

MỘT trong những biến đổi lớn trong kỷ nguyên này liên quan đến dân số. Không có thế kỷ nào khác có sự tăng vọt về dân số thế giới đến như thế. Có khoảng một tỷ người vào đầu thập niên 1800 và khoảng 1,6 tỷ vào năm 1900. Trong năm 1999, dân số thế giới đạt mức sáu tỷ! Và trong số dân ngày càng tăng này, nhiều người hơn muốn có những thứ mà người ta cho là tốt đẹp trong đời sống.

Y khoa tiến bộ và nhiều người hơn được hưởng phúc lợi y tế góp phần gia tăng dân số. Tuổi thọ dự tính trung bình tăng thêm ở các nơi như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc—từ dưới 50 tuổi vào đầu thế kỷ 20 lên đến hơn 70 tuổi hiện nay. Tuy nhiên, chiều hướng tốt này không thấy rõ ở các nơi khác. Ở ít nhất 25 quốc gia, người ta vẫn có tuổi thọ dự tính là 50 tuổi hay thấp hơn.

‘Người ta đã sống thế nào trước khi có... ?’

Giới trẻ đôi khi thấy khó hiểu việc cha ông họ đã sống thế nào khi không có máy bay, máy điện toán, ti vi—những thứ mà ngày nay trong các nước giàu người ta xem là tất nhiên và thậm chí còn cần thiết. Thí dụ, hãy xem xe hơi đã thay đổi đời sống chúng ta thế nào. Xe hơi được sáng chế vào cuối thế kỷ 19, nhưng như tạp chí Time gần đây lưu ý: “Xe hơi là một trong các sáng chế xác định nét đặc thù của thế kỷ 20 từ đầu chí cuối”.

Vào năm 1975, người ta ước tính rằng một trong mười công nhân Âu Châu sẽ mất việc làm nếu xe hơi bỗng nhiên biến mất. Ngoài các hậu quả hiển nhiên mà chính kỹ nghệ xe hơi phải chịu, các ngân hàng, các khu mua sắm, tiệm ăn phục vụ khách ngồi trong xe, và các cơ sở khác tùy thuộc vào khách lái xe sẽ phải đóng cửa. Nếu các nhà nông không có phương tiện chuyên chở hàng hóa đến chợ, thì hệ thống phân phối thực phẩm sẽ ngừng trệ. Những người làm trong thành phố nhưng sống ở ngoại ô sẽ không đến sở được. Không ai sẽ dùng đến các siêu xa lộ bắt tréo qua quang cảnh.

Nhằm tăng năng xuất và giảm phí tổn sản xuất xe hơi, kỹ thuật dây chuyền, hiện nay rất thông thường trong hầu hết các ngành kỹ nghệ, được ứng dụng vào đầu thế kỷ 20. (Hệ thống sản xuất dây chuyền giúp người ta sản xuất hàng loạt các sản phẩm khác, chẳng hạn như các máy dùng trong bếp). Vào đầu thế kỷ 20, xe hơi là đồ chơi của người giàu ở chỉ một số nước thôi, nhưng ngày nay nó là phương tiện chuyên chở của người dân thường ở nhiều nơi trên thế giới. Như một tác giả đã diễn tả: “Hầu như không thể tưởng tượng nổi đời sống cuối thế kỷ 20 sẽ ra sao nếu không có xe hơi”.

Theo đuổi thú vui

Trước kia việc du hành thường có nghĩa là đi đến nơi bạn phải đi. Nhưng trong thế kỷ 20, thời thế đã thay đổi—nhất là ở những nước phát triển. Khi các việc làm lương cao sẵn có hơn và khi tuần lễ làm việc rút lại còn 40 tiếng hay ít hơn, người ta có tiền và thời gian để du lịch. Bây giờ du hành có nghĩa là đi đến nơi bạn muốn đi. Xe hơi, xe buýt, và máy bay làm cho việc theo đuổi sự giải trí ở những nơi xa xôi dễ dàng hơn. Ngành du lịch tập thể trở nên ngành kinh doanh lớn.

Theo sách The Times Atlas of the 20th Century, ngành du lịch “có tác động lớn không những đối với nước tiếp đón du khách mà còn đối với nước của chính du khách”. Một số tác động có tính tiêu cực. Sự hiện diện của du khách thường góp phần hủy phá chính các thắng cảnh đã thu hút họ đến xem.

Bây giờ người ta cũng có nhiều thời gian hơn để theo đuổi các môn thể thao. Nhiều người chơi thể thao, còn những người khác thì thích là khán giả hăng hái cổ vũ, và có khi la hét om sòm, ủng hộ đội thể thao và lực sĩ mà họ hâm mộ. Khi ti vi được sáng chế, thì hầu như mọi người đều có thể xem các môn thể thao. Các trò chơi thể thao quốc nội cũng như quốc ngoại thu hút hàng trăm triệu người say mê xem trên màn ảnh ti vi.

“Thể thao và điện ảnh là nét đặc trưng của ngành kỹ nghệ giải trí đại chúng, hiện nay kỹ nghệ này là một trong những ngành mướn nhiều nhân công nhất và thu lợi nhuận cao nhất”, theo sách The Times Atlas of the 20th Century. Mỗi năm người ta tung ra hàng tỷ đô la cho việc giải trí, kể cả việc cờ bạc, một hình thức giải trí được nhiều người ưa chuộng. Thí dụ, một cuộc nghiên cứu vào năm 1991 đã liệt kê cờ bạc là kỹ nghệ lớn hàng thứ 12 của Cộng Đồng Âu Châu, với mức doanh thu hàng năm ít nhất là 57 tỷ Mỹ kim.

Khi những hình thức giải trí này trở nên thông thường, người ta bắt đầu tìm kiếm những trò vui mới. Thí dụ, có nhiều người thử nghiệm với ma túy đến nỗi người ta ước tính việc buôn bán thuốc cấm vào giữa thập niên 1990 trị giá 500 tỷ Mỹ kim; như một nguồn tin nói, đó là “khu vực thương mại đơn nhất sinh lợi nhiều nhất trên thế giới”.

“Tiêu khiển quá mức”

Kỹ thuật giúp biến thế giới thành một cái làng có quy mô toàn cầu. Ngày nay các biến đổi chính trị, kinh tế và văn hóa hầu như tức khắc ảnh hưởng đến người ta trên khắp thế giới. Vào năm 1970, Giáo Sư Alvin Toffler, tác giả sách Future Shock, viết: “Rõ ràng là trong các thời khác đã có những biến động tối quan trọng”. Ông viết tiếp: “Nhưng những chấn động và biến động này chỉ ở trong ranh giới của một xã hội hay một nhóm xã hội gần nhau. Phải mất hàng thế hệ, ngay cả hàng thế kỷ, tác động của chúng mới truyền ra ngoài ranh giới... Ngày nay mạng lưới các liên hệ xã hội xoắn chặt vào nhau đến nỗi hậu quả của những biến cố đương thời tức khắc truyền ra khắp thế giới”. Internet và vô tuyến truyền hình qua vệ tinh cũng đóng một vai trò trong việc ảnh hưởng đến người ta khắp thế giới.

Một số người nói rằng ti vi là phương tiện truyền thông có nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Một nhà viết sách bình luận: “Trong khi một số người phê bình nội dung của nó, nhưng không ai tranh luận về ảnh hưởng của ti vi”. Nhưng phẩm chất của chương trình ti vi tùy thuộc vào những người sản xuất ra chương trình. Vì thế cùng với khả năng gây ảnh hưởng tốt, ti vi cũng có khả năng gây ảnh hưởng xấu. Trong khi các chương trình ti vi có nội dung nông cạn, đầy bạo lực và sự vô luân, cho một số người những điều họ muốn xem, nhưng những chương trình như thế không cải thiện các mối liên hệ giữa người với người mà nhiều khi lại còn làm tồi tệ thêm.

Trong sách Amusing Ourselves to Death, Neil Postman đề cập đến một mối nguy hiểm khác: “Vấn đề không phải là ở chỗ ti vi trình bày những đề tài giải trí nhưng là tất cả các đề tài đều được trình bày như thể có tính cách giải trí... Vô luận điều gì được trình bày hoặc theo quan điểm nào đi nữa, thì hầu hết người ta vẫn cho rằng nó nhằm mang lại sự tiêu khiển và vui thú cho chúng ta”.

Khi người ta đặt thú vui trên hết, thì các giá trị thiêng liêng và đạo đức sa xuống thấp. “Ở nhiều nơi trên thế giới, tôn giáo có tổ chức đã mất đi ảnh hưởng trong thế kỷ 20”, sách The Times Atlas of the 20th Century nói. Trong khi tình trạng thiêng liêng suy thoái, thì việc tìm kiếm thú vui lại trở nên điều ưu tiên vượt quá giá trị thực của nó.

“Chớ thấy sáng...”

Nhiều biến đổi tốt khiến thế kỷ 20 đặc biệt, nhưng như ngạn ngữ có câu: “Chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng”. Dù người ta hưởng được đời sống lâu hơn, sự gia tăng dân số đã sinh ra những vấn đề to lớn mới. Tạp chí National Geographic gần đây lưu ý: “Sự gia tăng dân số có thể là vấn đề cấp thiết nhất mà chúng ta đối diện khi bước vào thiên kỷ mới”.

Xe hơi thì có ích và thú vị nhưng cũng gây chết chóc; bằng chứng là theo ước lượng có một phần tư triệu người chết hàng năm vì tai nạn xe cộ trên thế giới. Và xe hơi là nguyên nhân chính gây nạn ô nhiễm. Các tác giả sách 5000 Days to Save the Planet nói rằng nạn ô nhiễm “hiện nay có tính cách toàn cầu, phá hủy hay tiêu hao khả năng sống còn của các hệ sinh thái từ bắc cực đến nam cực”. Họ giải thích: “Chúng ta không chỉ hủy hoại hệ sinh thái thôi, mà hiện nay còn đi đến chỗ làm xáo trộn chính những quá trình giữ cho Trái Đất làm nơi sống thích hợp cho các loại động vật cao đẳng”.

Trong thế kỷ 20, nạn ô nhiễm đã trở nên một vấn đề mà những thế kỷ trước đây chắc chắn không trải qua. “Cho đến gần đây, không ai nghĩ rằng các hành động của con người có thể ảnh hưởng đến thế giới trên quy mô toàn cầu”, tạp chí National Geographic viết. “Hiện nay một số nhà khoa học tin rằng những biến đổi như thế đang diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử thành văn”. Rồi tạp chí này cảnh báo: “Tác động tập thể của con người lên đến mức có thể đưa đến sự tuyệt chủng hàng loạt các sinh vật trong vòng một thế hệ con người”.

Thực vậy, thế kỷ 20 là thế kỷ có một không hai. Người ta có những cơ hội trước kia chưa từng có để hưởng đời sống tốt đẹp, nhưng nay lại thấy chính sự sống bị hiểm nghèo!

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 8, 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

1901

Marconi đánh tín hiệu radio qua Đại Tây Dương lần đầu tiên

1905

Einstein công bố thuyết tương đối

1913

Ford bắt đầu sản xuất xe hơi kiểu T theo phương pháp sản xuất dây chuyền

1941

Ngành vô tuyến truyền hình thương mại ra đời

1969

Con người đặt chân lên mặt trăng

Ngành du lịch tập thể trở nên ngành kinh doanh lớn

Internet trở nên phổ biến rộng rãi

1999

Dân số thế giới đạt mức sáu tỷ