Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Che chở con bạn khỏi tai nạn

Che chở con bạn khỏi tai nạn

Che chở con bạn khỏi tai nạn

THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở THỤY ĐIỂN

HANNA, gần ba tuổi, cùng với cha mẹ em là Karl-Erik và Birgitta đến dọn dẹp căn nhà của người hàng xóm đã chết. Một lúc sau, Hanna bước ra khỏi một căn phòng tay cầm hộp thuốc. Em đã ăn vài viên thuốc trong hộp. Birgitta kinh hãi khi xem lại hộp thuốc. Đó là thuốc trị bệnh tim của người láng giềng.

Hanna được đưa ngay vào bệnh viện, nơi đây người ta đặt em trong phòng chăm sóc đặc biệt suốt đêm. Đáng lẽ liều thuốc đã gây hại vĩnh viễn cho sức khỏe em, nhưng Hanna không bị hậu quả lâu dài nào. Tại sao thế? Bởi vì em đã ăn một ít cháo ngay trước khi nuốt các viên thuốc. Một phần chất độc thấm vào cháo được thải ra ngoài khi em nôn ra.

Kinh nghiệm của Hanna hẳn không phải là độc nhất. Mỗi ngày, có hàng ngàn trẻ em trên thế giới gặp tai nạn khiến phải đi bác sĩ hay vào bệnh viện. Mỗi năm, 1 trong 8 trẻ em ở Thụy Điển được điều trị sau khi gặp tai nạn. Vì thế, nếu bạn là cha hay mẹ, thì tai nạn tương tự rất có cơ xảy ra cho con bạn.

Không lạ gì khi trẻ em thường bị thương trong một môi trường quen thuộc, chẳng hạn như trong nhà và chung quanh nhà. Khi chúng lớn hơn thì loại thương tích cũng thay đổi. Một em bé sơ sinh có thể rơi từ trên bàn hay bị hóc đồ ăn hay một vật nhỏ trong cổ họng. Các trẻ em nhỏ tuổi thì thường ngã khi leo trèo hoặc bị phỏng hay ngộ độc khi chúng sờ vào hay nếm những vật trong tầm tay. Các trẻ em ở tuổi đi học thì thường bị thương vì tai nạn xe cộ hay khi chơi ngoài trời.

Nhiều tai nạn trong số này có thể ngăn ngừa được. Phòng xa một chút và hiểu biết về trình độ phát triển của con cái, thì bạn có thể giúp ngăn chặn thương tích hoặc ngay cả tai nạn gây tử vong. Điều này đã được chứng minh qua một chương trình có tổ chức nhằm che chở trẻ em khỏi tai nạn, chương trình này đã được áp dụng ở Thụy Điển từ năm 1954. Trước đó, hơn 450 trẻ em chết vì tai nạn mỗi năm. Ngày nay, số trẻ em chết hàng năm giảm xuống còn khoảng 70.

Trong nhà

Nhà tâm lý học về trẻ em Kerstin Bäckström nói: “Bạn không thể dạy trẻ một tuổi, hai tuổi, hoặc ba tuổi tránh nguy hiểm và rồi muốn chúng phải nhớ”. Vì thế, là bậc cha mẹ, chính bạn—hoặc những người lớn khác thỉnh thoảng trông nom con bạn—có trách nhiệm giúp trẻ tránh tai nạn.

Trước tiên, hãy xem xét nhà bạn. Dùng bản kiểm kê trong khung bên trang kế. Có lẽ một số các dụng cụ an toàn không bán sẵn ở mọi nước hoặc không vừa túi tiền. Tuy nhiên, với một chút sáng kiến và khéo léo, bạn có thể nghĩ ra cách giải quyết thích hợp cho hoàn cảnh riêng của bạn.

Thí dụ, nếu các ngăn kéo trong nhà bếp của bạn có tay kéo hình vòng, thì bạn có thể khóa chúng lại bằng cách luồn một cái cây qua các lỗ của tay kéo. Bạn cũng có thể khóa cửa lò nướng theo cách tương tự. Các bao ni lông sẽ ít nguy hiểm hơn nếu bạn buộc thắt nút khi cất đi.

Có lẽ bạn nghĩ ra được những cách đơn giản khác để ngăn ngừa tai nạn trong và chung quanh nhà và có thể chia sẻ với bạn bè và người quen có con nhỏ.

Ngoài trời

Kiểm tra những nơi mà con bạn chơi. Đa số thương tích xảy ra cho những trẻ em hơn bốn tuổi khi chúng chơi ngoài trời. Chúng ngã và bị thương hoặc có lẽ ngã xe đạp. Ở ngoài trời, những tai nạn chết người thông thường nhất xảy ra cho trẻ em từ ba đến bảy tuổi là tai nạn xe cộ và chết đuối.

Khi bạn xem xét sân chơi, kiểm tra xem các dụng cụ có ở trong tình trạng tốt không, để trẻ sẽ không bị thương khi dùng các dụng cụ đó. Ở sân xích đu và xà đu có trải vật liệu mềm, chẳng hạn như cát, để trẻ khỏi bị thương khi ngã xuống không?

Có những vũng nước hay suối gần nhà bạn không? Một vũng nước cạn chỉ mấy centimét cũng đủ cho trẻ nhỏ một hay hai tuổi chết đuối. “Khi một trẻ nhỏ ngã sấp mặt xuống nước, nó không biết đâu là trên và đâu là dưới”, nhà tâm lý học về trẻ em là Bäckström nói. “Đứa trẻ không thể đứng dậy được”.

Vì vậy, quy tắc căn bản nhất là: Đừng bao giờ để trẻ từ một đến ba tuổi chơi một mình ngoài trời mà không có người lớn trông chừng. Nếu có vũng nước trong xóm, chờ đến khi đứa trẻ khá lớn mới để em chơi một mình ngoài trời.

Nơi có xe cộ qua lại

Nguyên tắc trên cũng đúng khi gần nhà có xe cộ qua lại. “Một trẻ chưa đến tuổi đi học chỉ có thể hiểu những điều cụ thể và tập trung vào một điều mỗi lần mà thôi”, Bäckström nhận định. “Nhưng việc xe cộ qua lại thì đầy những khái niệm khó hiểu và ý niệm mơ hồ”. Đừng để con bạn băng qua đường một mình trước khi cháu đến tuổi đi học. Theo các chuyên gia, trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ khôn để đi xe đạp một mình trên đường xá có nhiều xe qua lại.

Dạy con bạn dùng mũ an toàn khi đi xe đạp, cưỡi ngựa, đi skate, hay đi xe trượt tuyết. Vết thương ở đầu rất khó chữa và có thể gây hại vĩnh viễn—ngay cả tử vong! Tại một bệnh viện nhi đồng, trong số những trẻ được điều trị sau khi xảy ra tai nạn xe đạp, có 60 phần trăm bị thương ở đầu và mặt, nhưng những trẻ đội mũ an toàn thì không bị thương nặng ở đầu.

Ngoài ra, hãy lo liệu sao cho con bạn an toàn khi đi xe hơi. Nhiều nước có luật lệ đòi hỏi trẻ nhỏ phải ngồi trong ghế được thiết kế đặc biệt, có cài dây an toàn. Điều này đã làm giảm bớt thấy rõ mức độ thương tích và tử vong nơi những trẻ em bị tai nạn xe cộ. Nếu ghế an toàn có bán nơi bạn sống, thì việc dùng ghế có thể là sự bảo hiểm tốt cho tính mạng. Nhưng hãy chắc chắn đó là một kiểu ghế đã được xác nhận là hữu hiệu. Hãy lưu ý là ghế cho trẻ sơ sinh khác với ghế cho trẻ em từ khoảng ba tuổi trở lên.

Con cái chúng ta là món quà quý giá từ Đức Giê-hô-va, và chúng ta muốn chăm nom chúng về mọi phương diện. (Thi-thiên 127:3, 4) Là bậc cha mẹ tốt, Karl-Erik và Birgitta luôn quan tâm tới việc che chở con cái họ—trước cũng như sau việc xảy ra cho Hanna. “Nhưng dĩ nhiên chúng tôi thận trọng hơn sau vụ đó”, Karl-Erik thừa nhận. Birgitta kết luận: “Hiện nay chúng tôi có cháu, và chúng tôi luôn lo khóa tủ thuốc lại”.

[Khung nơi trang 16]

Sự an toàn trong nhà bạn

Thuốc men: Cất thuốc ngoài tầm tay của trẻ nhỏ trong tủ khóa. Điều này cũng áp dụng cho thuốc không cần toa bác sĩ và dược thảo. Ngoài ra, yêu cầu khách ngủ qua đêm cất giữ thuốc của họ nơi an toàn.

Các chất hóa học dùng trong nhà: Cất ngoài tầm tay của trẻ nhỏ trong tủ có khóa. Giữ những chất hóa học trong chai lọ của nó để có thể nhận ra rõ ràng. Coi chừng những chất bạn đang dùng, và luôn luôn cất đi, ngay cả khi bạn rời phòng chỉ một lúc thôi. Đừng bao giờ để chất tẩy kết đọng lại trong máy rửa chén.

Bếp lò: Luôn luôn quay cán chảo vào phía trong, khi để trên bếp lò. Gắn một miếng chắn phía trước bếp lò để ngăn cản không cho trẻ với tay đụng vào chảo. Trang bị bếp lò với dụng cụ an toàn để bếp không nghiêng đổ khi trẻ trèo lên cánh cửa mở của lò. Cửa bếp lò nên được trang bị với chốt cài. Trẻ có thể bị phỏng khi sờ vào cửa lò không? Nếu thế, thì gắn tấm chắn hay rào để trẻ không thể sờ vào cánh cửa nóng.

Các đồ gia dụng nguy hiểm: Nên giữ dao, kéo, và đồ dùng nguy hiểm trong tủ hay ngăn kéo có khóa hay chốt cài hoặc cất ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Khi bạn dùng những đồ gia dụng này và phải tạm để sang một bên, thì đặt xa ra khỏi cạnh bàn hay mặt tủ trong bếp, ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Diêm và bao ni lông cũng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Cầu thang: Lắp những tấm chắn, cao ít nhất từ 70 đến 75 centimét, ở hai đầu cầu thang.

Cửa sổ và cửa bao lơn: Những cửa này phải gắn dây xích hoặc chốt an toàn ở trên cao hoặc các dụng cụ an toàn khác, khiến trẻ nhỏ không mở được hay chui qua khi cửa mở để phòng thoáng khí.

Kệ sách: Nếu trẻ nhỏ thích leo trèo và nắm lấy đồ đạc để đánh đu, thì hãy gắn chặt các kệ sách và đồ đạc cao vào tường để không đổ xuống.

Các ổ điện và dây cắm điện: Các ổ điện không dùng đến phải được trang bị với một loại khóa nào đó. Các dây cắm điện của đèn bàn và những thứ tương tự nên gắn vào tường hay vào bàn ghế để trẻ nhỏ không thể kéo đổ đèn và bị đèn rơi vào người. Nếu không, thì hãy cất đèn ở chỗ khác. Đừng bao giờ để bàn ủi điện trên bàn để ủi, và đừng để dây cắm điện của bàn ủi buông thòng xuống.

Nước nóng: Nếu có thể điều chỉnh nhiệt độ của nước nóng trong nhà, bạn nên giảm bớt nhiệt độ xuống khoảng 50°C để trẻ nhỏ không bị phỏng nếu em mở nước.

Đồ chơi: Vứt bỏ những đồ chơi có cạnh bén hoặc góc nhọn. Vứt đi những đồ chơi nhỏ hay những đồ chơi có thể tháo ra thành những mảnh nhỏ, vì chúng có thể làm trẻ nhỏ nghẹt thở nếu cho vào miệng. Mắt và mũi của con gấu bông nên được gắn dính chặt. Dạy anh hay chị của trẻ nhỏ cất đi những đồ chơi nhỏ khi có em bé chơi trên sàn nhà.

Kẹo và đồ ăn vặt: Đừng để kẹo và đồ ăn vặt, chẳng hạn như đậu phụng hay kẹo cứng, trong tầm tay của trẻ nhỏ. Các món này có thể làm trẻ bị hóc.

[Nguồn tư liệu]

Nguồn tài liệu: Cơ Quan Viên Chức Chuyên Lo Về Trẻ Em

[Khung nơi trang 16]

Trong trường hợp có tai nạn

Ngộ độc: Nếu trẻ nhỏ nuốt chất độc lỏng, hãy súc rửa miệng em kỹ lưỡng và cho uống một hay hai cốc nước hay sữa. Sau đó, gọi bác sĩ hay trung tâm chuyên lo về việc ngộ độc để hỏi ý kiến. Nếu mắt đứa trẻ bị nhiễm chất có tính ăn mòn, tức khắc dùng thật nhiều nước để rửa mắt ít nhất mười phút.

Khi bị phỏng: Đối với những vết phỏng nhẹ, đổ nước lạnh (nhưng không quá lạnh) lên trên vết thương trong ít nhất 20 phút. Nếu vết thương lớn hơn lòng bàn tay đứa trẻ hay ở trên mặt, khớp, hay phía dưới bụng hoặc cơ quan sinh dục, thì bạn nên mang đứa trẻ đến phòng cấp cứu. Những vết thương sâu vào da luôn luôn phải được bác sĩ điều trị.

Nghẹt thở: Nếu vật nào kẹt trong khí quản, thì việc tối cần là bạn phải nhanh chóng lấy vật đó ra. Một phương pháp hữu hiệu bạn có thể dùng là phương pháp Heimlich. Nếu bạn không biết cách thực hiện, hãy gặp bác sĩ của bạn để biết thêm về phương pháp này, hay đi học lớp sơ cứu hay lớp phòng ngừa tai nạn xảy ra cho trẻ nhỏ ở nơi có dạy phương pháp này.

[Nguồn tư liệu]

Nguồn tài liệu: Hội Hồng Thập Tự Thụy Điển

[Hình nơi trang 17]

Đội mũ an toàn khi đi xe đạp

[Hình nơi trang 17]

Ngồi an toàn trong ghế xe hơi