“Những biến đổi sâu rộng nhất”
“Những biến đổi sâu rộng nhất”
“Thế kỷ 20 đã chứng kiến những biến đổi sâu rộng nhất so với bất kỳ thế kỷ nào trong lịch sử nhân loại”.—The Times Atlas of the 20th Century.
KHI nhìn lại thế kỷ 20, chắc chắn nhiều người sẽ đồng ý với Walter Isaacson, chủ bút tạp chí Time; ông nói: “So với những thế kỷ khác, đây là một trong những thế kỷ lạ lùng nhất: gợi hứng, có khi khủng khiếp, luôn làm ta say mê”.
Gro Harlem Brundtland, nguyên nữ thủ tướng Na Uy, cũng nói tương tự rằng thế kỷ này được gọi là “thế kỷ của những cực đoan,... trong đó sự đồi bại của con người đã sa xuống tới mức độ không thể hiểu nổi”. Bà nhận xét rằng đây là “một thế kỷ có tiến bộ lớn [và ở một số nơi] kinh tế phát triển ở mức độ xưa nay chưa từng thấy”. Tuy nhiên, cùng lúc đó, những khu thành thị nghèo nàn lại đứng trước một tương lai mờ mịt, đó là “nơi ở quá chật chội và bệnh tật lan tràn do nghèo đói và môi trường hại sức khỏe”.
Các biến động chính trị
Khi thế kỷ 20 bắt đầu, triều đại Mãn Châu bên Trung Hoa, Đế Quốc Ottoman, và vài đế quốc Âu Châu kiểm soát phần lớn thế giới. Riêng Đế Quốc Anh chiếm một phần tư thế giới và cai trị một trong bốn người sống trên đất. Khá lâu trước khi thế kỷ này kết thúc, tất cả những đế quốc này đã chỉ còn trong các sách sử mà thôi. Sách The Times Atlas of the 20th Century viết: “Vào năm 1945, kỷ nguyên chủ nghĩa đế quốc đã chết”.
Khi chủ nghĩa thực dân cáo chung thì làn sóng chủ nghĩa quốc gia vốn đã tràn qua Âu Châu từ thế kỷ 17 đến 19 cũng lan sang các vùng khác trên thế giới. Sách New Encyclopædia Britannica nói: “Sau Thế Chiến II, tinh thần quốc gia lắng xuống ở nhiều nước Âu Châu... Tuy nhiên, ở Á Châu và Phi Châu, chủ nghĩa quốc gia lại gia tăng nhanh chóng, chủ yếu nhằm chống lại chủ nghĩa thực dân”. Cuối cùng, theo sách The Collins Atlas of World History, “Thế Giới Thứ Ba đã xuất hiện trong bối cảnh lịch sử, và kỷ nguyên bành trướng của các nước Âu Châu bắt đầu từ năm thế kỷ trước đó bấy giờ đã kết thúc”.
Khi các đế quốc tan rã, thì các nước độc lập xuất hiện—một số lớn trong các nước này có
chính phủ dân chủ. Sự cai trị dân chủ thường gặp sự chống đối quyết liệt, chẳng hạn như từ các chính phủ chuyên chế nhiều quyền thế ở Âu Châu và Á Châu trong Thế Chiến II. Những chế độ này hạn chế tự do cá nhân và nắm quyền kiểm soát chặt chẽ về kinh tế, thông tin và quân đội. Nỗ lực của họ nhằm làm bá chủ thế giới cuối cùng bị chặn đứng, nhưng chỉ sau khi đã hao tốn bao nhiêu tiền của và nhân mạng.Một thế kỷ chiến tranh
Quả thật, điều khiến thế kỷ 20 khác hẳn với tất cả những thế kỷ trước là chiến tranh. Về Thế Chiến I, sử gia Đức Guido Knopp viết: “Ngày 1-8-1914: Không ai ngờ rằng thế kỷ 19, một giai đoạn hòa bình lâu dài cho người Âu Châu, lại kết thúc vào ngày đó; và không ai lưu ý rằng thế kỷ 20 thật sự bắt đầu chỉ vào lúc đó—với một thời kỳ chiến tranh kéo dài ba thập kỷ và cho thấy điều con người có thể gây ra cho người đồng loại”.
Hugh Brogan, một giáo sư sử học, nhắc chúng ta rằng “cuộc chiến tranh đó có ảnh hưởng rộng lớn, kinh hoàng đối với nước Hoa Kỳ, và ngày nay [vào năm 1998] người ta vẫn còn cảm thấy ảnh hưởng của nó”. Một giáo sư sử học tại Đại Học Harvard, Akira Iriye, viết: “Thế Chiến Thứ Nhất là một cái mốc trong lịch sử Đông Á và Hoa Kỳ trên nhiều phương diện”.
Ta có thể hiểu khi sách The New Encyclopædia Britannica gọi hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai là “bước ngoặt trọng đại trong lịch sử địa chính trị của thế kỷ 20”. Sách này lưu ý rằng “Thế Chiến I đưa đến sự sụp đổ của bốn triều đại lớn..., gây nên cuộc Cách Mạng Bolshevik ở Nga, và... đặt nền tảng cho Thế Chiến II”. Sách này cũng nói rằng trên thực tế “xưa nay chưa từng có cảnh
tàn sát, giết chóc và tàn phá” như trong hai cuộc thế chiến. Guido Knopp cũng nói tương tự: “Sự tàn nhẫn và tàn bạo của con người tồi tệ vượt mức tưởng tượng. Trong các chiến hào... người ta gieo rắc hạt giống cho một kỷ nguyên, trong đó con người bị xem là vật liệu, chứ không còn là người nữa”.Để ngăn ngừa những cuộc chiến khủng khiếp như các cuộc chiến này, Hội Quốc Liên được thành lập vào năm 1919. Thất bại trong mục tiêu duy trì hòa bình thế giới, tổ chức này đã được thay thế bằng Liên Hiệp Quốc. Mặc dù thành công trong việc ngăn ngừa thế chiến thứ ba, LHQ đã không ngăn ngừa được Chiến Tranh Lạnh, và trong nhiều thập niên cuộc chiến này đã có nguy cơ leo thang thành chiến tranh nguyên tử. LHQ cũng không ngăn chặn được các cuộc xung đột nhỏ hơn trên thế giới, chẳng hạn như ở vùng Balkans.
Khi con số các quốc gia trên thế giới gia tăng, thì việc duy trì hòa bình giữa các quốc gia này cũng khó hơn. Khi so sánh bản đồ thế giới thời tiền Thế Chiến I với bản đồ hiện nay, thì ta thấy rằng ít nhất 51 quốc gia Phi Châu và 44 quốc gia Á Châu hiện có ngày nay đã không là những nước độc lập vào đầu thế kỷ. Trong số 185 quốc gia hội viên hiện thời của Liên Hiệp Quốc, 116 nước đã không có độc lập vào lúc Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945!
“Một trong những cảnh tượng ly kỳ nhất”
Khi thế kỷ 19 sắp kết thúc, Đế Quốc Nga là một cường quốc nhiều đất đai nhất trên thế giới. Nhưng nó lại nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Theo tác giả Geoffrey Ponton, nhiều người đã nghĩ rằng “cần có cách mạng thay vì cải cách”. Ông viết thêm: “Nhưng phải cần đến một cuộc đại chiến, Thế Chiến Thứ Nhất, và sự hỗn loạn tiếp theo đó, mới mang lại cuộc cách mạng thật sự”.
Việc người Bolshevik lên nắm quyền ở Nga vào lúc đó đặt nền tảng cho một đế quốc mới—Chủ Nghĩa Cộng Sản thế giới do Liên Xô đỡ đầu. Mặc dù ra đời giữa chiến tranh toàn cầu, nhưng Đế Quốc Xô Viết lại không sụp đổ vì bom đạn. Down With Big Brother, một quyển sách do Michael Dobbs viết, khẳng định rằng vào cuối thập kỷ 1970, Liên Xô là “một đế quốc rộng lớn, gồm nhiều quốc gia hợp thành, đã bắt đầu suy thoái, không thể xoay ngược lại được”.
Tuy vậy, sự sụp đổ của nó xảy ra đột ngột. Trong sách Europe—A History, tác giả Norman Davies bình luận: “Sự sụp đổ của nó diễn ra nhanh hơn tất cả những sự sụp đổ lớn khác trong lịch sử Âu Châu”, và “nó xảy ra vì các nguyên nhân tự nhiên”. Thật vậy, “việc Liên Xô trỗi lên, phát triển và sụp đổ”, theo Ponton, là “một trong những cảnh tượng ly kỳ nhất của thế kỷ 20”.
Thật ra, sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là một trong loạt biến đổi sâu sắc, có hậu quả rộng lớn của thế kỷ 20. Đương nhiên, các biến đổi chính trị không có gì là mới mẻ. Những việc đó đã xảy ra cả hàng ngàn năm rồi.
Tuy nhiên, trong thế kỷ 20 có một biến đổi đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thống trị.
Sự biến đổi này là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến cá nhân bạn sẽ được thảo luận sau.Tuy nhiên, trước tiên chúng ta hãy xem xét một số thành quả khoa học trong thế kỷ 20. Về những thành quả này, Giáo Sư Michael Howard kết luận: “Các dân tộc ở Tây Âu và Bắc Mỹ dường như có lý do chính đáng để chào đón thế kỷ 20, xem nó như bình minh của một thời đại mới và hạnh phúc hơn trong lịch sử nhân loại”. Những tiến bộ này có đưa đến đời sống tốt đẹp như người ta nghĩ không?
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 2-7]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
1901
Nữ hoàng Victoria qua đời sau khi trị vì 64 năm
Dân số thế giới lên đến 1,6 tỷ người
1914
Hoàng tử Ferdinand bị ám sát. Thế Chiến I bùng nổ
Nga hoàng chót, Nicholas II, cùng với gia đình ông
1917
Lenin đưa nước Nga vào cuộc cách mạng
1919
Hội Quốc Liên được thành lập
1929
Thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ sụp đổ, đưa đến cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế
Gandhi tiếp tục đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ
1939
Adolf Hitler xâm chiếm Ba Lan, mở đầu Thế Chiến II
Winston Churchill trở thành thủ tướng Anh Quốc vào năm 1940
Cuộc Tàn Sát Tập Thể
1941
Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng
1945
Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Thế Chiến II kết thúc
1946
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp đầu tiên
1949
Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
1960
Mười bảy quốc gia mới ở Phi Châu được thành lập
1975
Chiến Tranh Việt Nam kết thúc
1989
Bức Tường Berlin bị phá đổ khi Chủ Nghĩa Cộng Sản mất ảnh hưởng
1991
Liên Bang Xô Viết tan rã