Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Niềm hy vọng nâng đỡ tôi để chịu đựng thử thách

Niềm hy vọng nâng đỡ tôi để chịu đựng thử thách

Niềm hy vọng nâng đỡ tôi để chịu đựng thử thách

DO MICHIKO OGAWA KỂ LẠI

Vào ngày 29 tháng 4 năm 1969, tôi nhận được một cú điện thoại của cảnh sát. Anh Seikichi, chồng tôi, bị thương trong một tai nạn xe hơi và phải nhập viện. Tôi gửi hai đứa con trai nhỏ của tôi cho một chị bạn và chạy đến bệnh viện ngay. Từ dạo đó, anh Seikichi bị liệt và chưa hề tỉnh lại. Tôi xin kể cho bạn đọc về gia đình tôi và cách chúng tôi đương đầu với bi kịch này.

TÔI sanh tháng 2 năm 1940 tại Sanda, gần Kobe, Nhật Bản. Tôi quen anh Seikichi từ khi chúng tôi học chung lớp mẫu giáo. Chúng tôi kết hôn ngày 16 tháng 2 năm 1964. Dù có tính trầm lặng nhưng chồng tôi yêu quí trẻ con. Sau một thời gian, chúng tôi sanh hai con trai, Ryusuke và Kohei.

Anh Seikichi làm việc tại một công ty xây dựng ở Tokyo, vậy sau khi kết hôn, chúng tôi dọn đến vùng ngoại ô của thành phố này. Vào tháng 10 năm 1967, có một cô giới thiệu mình là người dạy Kinh Thánh đến thăm tôi. Tôi nói: “Xin lỗi, nhưng tôi có Kinh Thánh rồi”.

“Xin chị cho xem quyển Kinh Thánh đó, được không?” cô hỏi.

Tôi lấy cuốn Kinh Thánh khỏi kệ sách—Kinh Thánh đó là của anh Seikichi—và đưa cho cô ấy xem. Cô chỉ cho tôi danh Giê-hô-va trong đó. Tôi không hề biết đó là danh Đức Chúa Trời. Thấy tôi có hai con nhỏ, cô đọc câu Kinh Thánh này cho tôi nghe: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. (Châm-ngôn 22:6) Vào lúc đó tôi đang suy nghĩ không biết làm sao nuôi dạy con cái thành người. Vậy tôi đồng ý học Kinh Thánh ngay.

Tôi mời cô ấy vào nhà, và chúng tôi bắt đầu thảo luận sách “Nầy, Ta làm mới lại hết thảy muôn vật”. Tôi nghĩ thầm: ‘Nếu như cả gia đình mình mà được sống hạnh phúc thì sung sướng biết bao!’ Khi anh Seikichi về nhà, tôi nói: “Em muốn học Kinh Thánh”.

Anh nói: “Em ơi, em cần gì mà phải học. Em muốn biết gì thì anh sẽ giúp em”. Tuy nhiên, tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va mỗi tuần và không lâu sau tôi bắt đầu đi dự nhóm họp với họ.

Thử thách bắt đầu

Khi đến bệnh viện vào đêm tháng 4 năm 1969 như kể trên, tôi sửng sốt khi nghe tin bạn anh Seikichi, chồng của chị bạn mà tôi gửi hai đứa con, cũng ở trong xe taxi khi xảy ra tai nạn. Anh bạn của chồng tôi chết một tuần sau đó.

Tối hôm đó, nhân viên bệnh viện khuyên tôi nên báo cho bất cứ người nào muốn gặp anh Seikichi, vì họ không nghĩ anh sẽ sống được. Anh bị bể sọ và dập não. Ngày hôm sau, họ hàng anh ở Kobe vội vã đến bệnh viện.

Một giọng nói qua máy phóng thanh loan báo khẩn cấp: “Họ hàng của ông Seikichi Ogawa, xin đến gặp ông ngay lập tức”. Chúng tôi vội đến phòng chăm sóc đặc biệt và thay phiên nhau chia tay với anh. Tuy nhiên, bệnh trạng hiểm nghèo của anh kéo dài nguyên một tháng. Cuối cùng, bác sĩ chẩn đoán rằng bệnh tình này sẽ kéo dài rất lâu.

Vậy xe cấp cứu chuyển anh Seikichi từ Tokyo đến Kobe, một đoạn đường khoảng 650 kilômét. Tôi tiễn anh đi và tôi về bằng xe lửa tốc hành, cầu xin cho anh được sống sót. Chiều hôm đó, tôi hết sức vui mừng khi thấy anh còn sống tại bệnh viện ở Kobe. Tôi nói thầm với anh: ‘Anh yêu của em, anh đã níu được sự sống!’

Sống với cha mẹ tôi

Với hai con, tôi trở về nhà cha mẹ tôi ở Sanda, nơi các con bắt đầu học lớp mẫu giáo. Tôi mua vé xe lửa mùa đi Kobe, cách nhà khoảng 40 kilômét, và trong suốt năm kế tiếp, tôi và mẹ chồng tôi thay phiên nhau đi đến bệnh viện mỗi ngày. Tôi thường tự hỏi: ‘Không biết hôm nay anh Seikichi có tỉnh lại không? Anh sẽ nói gì với tôi trước tiên? Tôi nên đáp thế nào?’ Tôi cũng nghĩ thầm, đặc biệt khi thấy một cảnh gia đình hạnh phúc nào đó: ‘Phải chi anh Seikichi được khỏe thì hai đứa con mình sung sướng biết bao’. Lúc ấy tôi thường rớm nước mắt.

Trong những năm đầu đó, khi đọc trong báo thấy một người tỉnh lại sau nhiều tháng bị hôn mê, tôi nghĩ anh Seikichi cũng có thể tỉnh lại. Vì vậy có lần tôi nói với anh chồng tôi: “Em muốn chuyển anh Seikichi đến bệnh viện ở miền đông bắc Honshu”. Nhưng anh bảo rằng không có cách nào để chữa trị, và khuyên tôi nên dùng tiền còn lại để giúp những người khác trong gia đình.

Một anh trưởng lão đạo Đấng Christ ở một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại Kobe sống gần bệnh viện, vậy tôi thường ghé nhà anh trước khi đi thăm anh Seikichi. Mỗi tuần vợ anh học hỏi Kinh Thánh với tôi một lần. Và hai đứa con của họ thường tới phòng chúng tôi ở bệnh viện để trao băng cassette thâu buổi họp hội thánh. Gia đình này đã khích lệ và an ủi tôi rất nhiều.

Niềm hy vọng nâng đỡ tôi

Một ngày nọ, một anh giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va tới thăm chúng tôi ở bệnh viện và anh đọc câu Rô-ma 8:18-25 cho tôi nghe. Câu đó nói: “Tôi tưởng rằng những sự đau-đớn bây giờ chẳng đáng so-sánh với sự vinh-hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta... Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay... Mình thấy rồi, sao còn trông làm chi? Song nếu chúng ta trông điều mình không thấy, ấy là chúng ta chờ-đợi điều đó cách nhịn-nhục”.

Cuộc thảo luận về niềm hy vọng của tín đồ Đấng Christ nhắc nhở tôi rằng những sự khổ sở hiện tại nhỏ nhoi khi so sánh với niềm vui mà Chúa Giê-su hứa—đời sống trong Địa Đàng sắp đến trên đất. (Lu-ca 23:43) Cuộc thảo luận này đã giúp tôi đương đầu với hiện thực với lòng đầy hy vọng và tập trung vào những ân phước tương lai trong thế giới mới.—2 Cô-rinh-tô 4:17, 18; Khải-huyền 21:3, 4.

Vào tháng 6 năm 1970, anh Seikichi được chuyển đến một bệnh viện ở Sanda, nơi tôi và cha mẹ tôi sinh sống. Tháng Giêng sau, khi nhận được giấy tờ của luật sư khẳng định chồng tôi vô năng lực vì bị tai nạn, tôi buồn vô cùng và không cầm được nước mắt. Mẹ chồng tôi thường nói với tôi: “Michiko, mẹ rất buồn là con phải khổ vì con của mẹ”. Mẹ cũng hay nói: “Ước gì mẹ có thể thế chỗ cho Seikichi”. Chúng tôi cùng khóc với nhau.

Cha tôi giục tôi tìm việc làm trọn thời gian, nhưng tôi nhất quyết chăm sóc anh Seikichi. Dù có vẻ mê man bất tỉnh, nhưng anh cũng biết nóng lạnh và cũng cảm giác được sự chăm sóc. Cha tôi muốn tôi tái hôn, nhưng tôi biết rằng làm như vậy không đúng, vì chồng tôi vẫn còn sống. (Rô-ma 7:2) Về sau, khi cha uống say cha hay nói: “Khi cha chết, cha sẽ kéo Seikichi đi theo”.

Tôi vô cùng vui mừng khi một hội thánh được thành lập ở Sanda vào năm 1971. Rồi vào ngày 28-7-1973, tôi làm báp têm trong nước để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Đó là vào kỳ hội nghị quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức ở Sân Hội Chợ Thế Giới Osaka.

Cũng trong năm 1973 nhưng một thời gian sau, con tôi là Kohei nhiễm bệnh viêm thận nặng và phải nằm bệnh viện năm tháng. Cha tôi cũng phải nhập viện vì bị lao phổi. Vậy vào ngày 1-1-1974, tôi phải thăm cha, chồng và con ở ba bệnh viện khác nhau. Khi dẫn con trai lớn là Ryusuke đi thăm Kohei mỗi ngày Chủ Nhật, tôi học sách Hãy nghe lời Thầy Dạy Lớn với cả hai con. Sau đó, tôi và Ryusuke đi dự nhóm họp ở Kobe và lên đường về nhà mà lòng đầy vui mừng.

Tôi luôn luôn biết ơn những người giúp chăm sóc Seikichi. Tôi quyết tâm chia sẻ sự hiểu biết Kinh Thánh với họ. Sau khi em gái của một cô y tá chết trong vụ hỏa hoạn, cô hưởng ứng khi tôi chỉ cho cô niềm hy vọng sáng ngời trong Kinh Thánh về sự sống lại. (Gióp 14:13-15; Giăng 5:28, 29) Tôi bắt đầu học Kinh Thánh với cô trong bệnh viện, và cuối cùng cô làm báp têm vào kỳ hội nghị năm 1978.

Hai con tôi là niềm vui mừng

Nuôi nấng con cái mà không có sự giúp đỡ của chồng tôi là cả một thử thách, nhưng cũng mang lại một phần thưởng lớn biết bao! Tôi dạy chúng biết cư xử lễ phép và tôn trọng cảm nghĩ của người khác. Khi Ryusuke mới lên ba, cháu thường xin lỗi khi nó hư, cháu nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi”. Kohei thì hơi ngỗ nghịch, đôi khi còn tỏ vẻ bực tức khi tôi sửa trị nó. Có lần nó còn nằm khóc ăn vạ trước cửa tiệm vì đòi một đồ vật nào đó. Nhưng tôi lý luận với nó, tỏ ra trìu mến và kiên nhẫn với nó. Với thời gian, nó ngoan và biết vâng lời. Điều này đã giúp thuyết phục tôi Kinh Thánh quả là Lời Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 3:15-17.

Khi Ryusuke bắt đầu học trung học, cháu giải nghĩa cho thầy cô tại sao nó không thể tập môn võ. (Ê-sai 2:4) Một ngày nọ, nó đi học về mừng quýnh lên vì nó đã trả lời được các câu hỏi của thầy cô tại một cuộc họp.

Sự kết hợp lành mạnh tại hội thánh cũng giúp hai con tôi rất nhiều. Các trưởng lão đạo Đấng Christ thường mời chúng dùng bữa và cùng học Kinh Thánh với gia đình họ, cũng như đi chơi. Cũng có nhiều dịp vui chơi với anh chị, kể cả chơi thể thao. Ryusuke làm báp têm trong nước để biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va vào năm 1979, và Kohei thì làm báp têm năm sau đó.

Thánh chức trọn thời gian

Có lần anh giám thị lưu động viếng thăm, và tôi nói với anh rằng tôi muốn làm tiên phong, tên gọi người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì vào thời bấy giờ hoàn cảnh không cho phép tôi làm tiên phong, nên anh ân cần nhắc nhở tôi về sự cần thiết nuôi nấng con cái sao cho lẽ thật Kinh Thánh đâm rễ sâu trong lòng chúng. Anh nói: “Điều quan trọng là chị có tinh thần tiên phong”. Vậy tôi làm tiên phong phụ trợ, cùng với hai con khi chúng được nghỉ hè. Sinh hoạt này đã giúp tôi rất nhiều trong việc duy trì niềm vui và sự bình an nội tâm trong khi chăm sóc anh Seikichi.

Cuối cùng vào tháng 9 năm 1979, tôi gia nhập hàng ngũ tiên phong đều đều. Vào tháng 5 năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung học được khoảng một năm, Ryusuke cũng ghi tên làm tiên phong. Kohei cũng theo anh làm công việc tiên phong vào tháng 9 năm 1984. Vì thế, tất cả ba mẹ con đều vui mừng làm thánh chức trọn thời gian. Khi nhìn lại 20 năm làm tiên phong, trong thời gian đó tôi có đặc ân giúp một số người phụng sự Đức Giê-hô-va, và tôi cảm thấy rằng công việc này đã giúp nâng đỡ tôi qua các thử thách.

Ryusuke tình nguyện giúp xây dựng một tòa nhà để Nhân Chứng Giê-hô-va dùng kế bên Phòng Hội Nghị Kansai. Sau đó, cháu trông nom Phòng Hội Nghị Hyogo trong vòng bảy năm. Giờ đây, cháu là trưởng lão ở một hội thánh kế cận ở Kobe, và cũng chăm sóc tôi nữa. Kể từ năm 1985, Kohei tình nguyện làm việc tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ebina.

Được nâng đỡ bởi nhiều ân phước

Trong nhiều năm, tôi đến bệnh viện vài lần mỗi tuần để thăm anh Seikichi và tắm rửa cho anh. Ngoài tôi ra còn có một y tá thường trực chăm sóc anh. Vào tháng 9 năm 1996, sau 27 năm nằm ở bệnh viện, anh Seikichi trở về sống với chúng tôi, với sự phụ giúp của một cô y tá. Anh có thể ăn đồ ăn lỏng bằng ống thông qua lỗ mũi. Mặc dù anh vẫn nhắm mắt, anh phản ứng nhẹ khi chúng tôi nói chuyện với anh. Tôi đau lòng khi thấy anh Seikichi trong tình trạng này, nhưng niềm hy vọng huy hoàng về tương lai đã nâng đỡ tôi.

Ngay trước khi anh Seikichi về, tôi mời một anh giám thị lưu động và vợ anh đến ở nhà chúng tôi, nên trong vòng một năm, năm người chúng tôi ở chung trong một ngôi nhà khá nhỏ. Trước đây tôi không hề tưởng tượng được rằng một ngày nào đó tôi sẽ có dịp sống với anh Seikichi trở lại, và tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va là tôi lại có được dịp này. Trong nhiều năm tôi ước ao mãnh liệt rằng anh Seikichi sẽ mở mắt trở lại, nhưng giờ đây tôi chỉ mong ước rằng ý muốn Đức Giê-hô-va được thành tựu.

Tôi có thể thành thật mà nói: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”. (Châm-ngôn 10:22) Dù chỉ sống hạnh phúc bên anh Seikichi một thời gian ngắn khi anh còn khỏe, nhưng tôi được phước có hai con trai “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”. Tôi biết ơn quá đỗi về điều này!—Truyền-đạo 12:1.

Trong khi chờ đợi, tôi rất muốn làm hai điều: tiếp tục làm tiên phong—nhờ vậy giúp người khác tìm được “sự sống thật”—và đồng thời yêu thương chăm sóc anh Seikichi. (1 Ti-mô-thê 6:19) Kinh nghiệm tôi đã chứng minh cho tôi rằng lời người viết Thi-thiên là đúng: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động”.—Thi-thiên 55:22.

[Hình nơi trang 22]

Tôi và chồng tôi với Ryusuke

[Hình nơi trang 22]

Anh Seikichi với hai con, sáu tháng trước khi bị tai nạn

[Hình nơi trang 24]

Chúng tôi được phước có hai con trai, Ryusuke và Kohei (phía trên), đã “tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”