Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cầu thang bắc lên trời

Cầu thang bắc lên trời

Cầu thang bắc lên trời

THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở PHI-LÍP-PIN

NGƯỜI ta nói rằng bề dài tổng cộng của nó gấp mười lần bề dài của Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc. Một số người nói nếu đặt các diện tích nối tiếp nhau, thì nó sẽ dài 20.000 kilômét—hay nửa vòng trái đất! Một số người còn gọi nó là kỳ quan thứ tám trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người chưa từng nghe nói về phong cảnh lạ lùng này ở Phi-líp-pin. Đó là gì? Đó là chiếc cầu thang bắc lên trời, tức các ruộng lúa bậc thang ở Trung Bộ Cordillera. Nằm khuất trong các cao nguyên của Luzon, các ruộng bậc thang bộc lộ vẻ đẹp và óc sáng tạo kỳ lạ.

Tại sao chúng đã được xây dựng nên? Núi của miền Cordilleras có dốc đứng, dốc đến độ bình thường không thể canh tác được. Độ nghiêng của một số dốc vượt quá 50 phần trăm, nhưng điều này không làm nản chí các nông dân thời xưa. Ở cao độ 1.200 mét hay cao hơn, họ đục khoét các sườn núi xanh um thành hàng ngàn các ruộng bậc thang. Có khi đến 25, 30 thửa ruộng hay nhiều hơn nữa chồng chất lên nhau như cái thang bắc lên trời. Và mỗi thửa ruộng bậc thang là một cánh đồng canh tác ngập nước, chung quanh có đắp đê bằng đất và được ngăn giữ bằng các tường đá. Hầu hết các ruộng bậc thang có trồng lúa và uốn theo hình thể của núi; một số dốc lõm vào, còn một số khác thì lồi ra.

Dĩ nhiên, ruộng bậc thang không chỉ tìm thấy ở Phi-líp-pin. Các nước khác cũng có những cánh đồng bậc thang, đặc biệt là ở Đông Nam Á Châu, Nam Mỹ và một số vùng ở Phi Châu. Nhưng ruộng lúa bậc thang của Phi-líp-pin độc đáo về nhiều phương diện. Mario Movillon, thuộc Viện Nghiên Cứu Giống Lúa Quốc Tế, nói với Tỉnh Thức! như sau: “So với ruộng bậc thang ở các nước khác, ruộng lúa bậc thang ở Phi-líp-pin có quy mô rộng lớn hơn nhiều. Các ruộng này chiếm phần lớn miền núi Cordillera”. Đa số các ruộng này ở trong Tỉnh Ifugao. Nội con số các ruộng bậc thang cũng đủ gây ấn tượng sâu sắc. Chúng thêm một vẻ đẹp được chạm trổ vào đường nét thiên nhiên của núi đồi.

Một kỳ quan thế giới chăng?

Gọi các ruộng bậc thang là kỳ quan thứ tám của thế giới có quá đáng không? Hãy xét sự kiện này: Chúng có thể là một dự án nông nghiệp lớn nhất trong lịch sử con người. Vào tháng 12 năm 1995, Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc đã quyết định ghi ruộng bậc thang vào Danh Sách Di Sản Thế Giới. Kết quả là hiện nay ruộng bậc thang được liệt vào hàng những phong cảnh có giá trị cao về lịch sử và văn hóa, chẳng hạn như Đền Taj Mahal ở Ấn Độ, Quần Đảo Galapagos thuộc Ecuador, Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc, và Đế Thiên Đế Thích thuộc Cam-pu-chia. Nhưng khác với các dự án xây cất thời xưa, chẳng hạn như kim tự tháp ở Ai Cập, các ruộng bậc thang hiển nhiên được xây cất nhờ nỗ lực chung—chứ không bằng sức lao động của nô lệ. Ngoài ra, chúng không bị bỏ hoang nhưng vẫn còn được nông dân Ifugao triệt để canh tác.

Nếu thăm viếng ruộng bậc thang, bạn có thể đích thân thưởng thức cảnh đẹp ngoạn mục. Bạn sẽ thấy người ta làm việc trên những cánh đồng bậc thang, rộng từ vài thước vuông cho đến 10.000 thước vuông. Một số người dùng gậy chọc xuống đất để nước rỉ vào, vừa làm vừa ca hát. Những người khác thì cấy lúa, nhổ mạ hay gặt lúa. Nếu bạn thăm viếng khi mùa lúa mới đang lên, thì các thửa ruộng bậc thang tạo nên phong cảnh đẹp, gồm nhiều mảnh ruộng có những sắc xanh khác nhau.

Không có nhiều nước, thì lúa không thể sống. Vì vậy, một hệ thống dẫn nước tinh vi được lắp đặt. Hệ thống phức tạp này gồm các kênh đào và ống tre, dẫn nước từ các dòng suối trên núi vào ruộng bậc thang. Nhờ vào trọng lực, một nguồn tiếp tế nước đáng tin cậy được phân phối cho các ruộng bậc thang, từ ruộng này đến ruộng kia. Ruộng bậc thang hẳn không phải là công trình kiến trúc chết, nhưng trái lại thực sự là một kỳ quan sống động!

Ai xây dựng chúng?

Ai cũng biết rằng không phải một sớm một chiều, hoặc ngay cả vài năm, mà xây cất xong hàng ngàn thửa ruộng bậc thang này. Hãy nhớ rằng công trình xây cất này đã được thực hiện mà không có các dụng cụ hay máy móc tân tiến. Vì thế người ta tin rằng ruộng bậc thang bắt đầu được xây cất ít nhất vài trăm năm trước đây.

Một số nhà khảo cổ còn tin rằng việc xây cất đã bắt đầu rất lâu, cách đây 2.000 năm. Các nhà nhân chủng học gợi ý rằng những người xây cất ruộng đã di cư từ miền bắc Đông Dương hoặc từ Nam Dương và định cư ở Luzon, mang theo nền văn minh lúa gạo và ruộng bậc thang. Sau khi xây xong các ruộng bậc thang, dần dần người ta xây thêm các tầng mới.

Làm cách nào thưởng thức chúng

Giờ đây hãy tưởng tượng chúng ta đi thăm viếng một vòng các ruộng bậc thang. Trước tiên chúng ta đáp xe buýt có máy điều hòa không khí đi từ Manila đến thị xã Banaue, Ifugao. Chuyến đi này mất khoảng chín tiếng đồng hồ. Giờ đây chúng ta đứng trước một số lựa chọn. Chúng ta có thể quyết định đi bộ, đi xe xích lô máy chở ngang hông, hoặc đi xe jeep kiểu Phi-líp-pin đến các địa điểm du lịch khác nhau. Còn nếu muốn và có sức dẻo dai, thì chúng ta đi theo một con đường mòn vào trong những vùng núi chỉ có thể đến bằng đường bộ. Những vùng này bày ra trước mắt một số cảnh ruộng bậc thang ngoạn mục nhất giúp ta nhận thức rõ hơn về sự bao la của kỳ quan nhân tạo này.

Chúng ta quyết định đi bằng xe jeep đến làng Batad. Phải mất hơn một giờ lái xe trên con đường núi gồ ghề để đến địa điểm xa 12 kilômét. Từ đây trở đi, chúng ta đi trên đường bộ hành. Nó đưa chúng ta ngang qua đủ dạng thực vật miền núi khi chúng ta từ từ leo lên một cái gò giữa hai đỉnh cao. (Có một con đường ngắn hơn nhưng rất dốc; do đó những người không quen leo núi cao thì không nên đi.) Từ trên gò, chúng ta chầm chậm theo con đường mòn hẹp đi xuống Batad.

Sau khoảng hai giờ đi bộ, dọc đường vừa đi vừa vui thích hít thở không khí trong lành miền núi, cuối cùng chúng ta đến đích. Ở đây các thửa ruộng bậc thang bày ra trước mắt chúng ta một cảnh tượng hứng thú. Bởi lẽ Batad nằm trên một triền núi lõm, các thửa ruộng bậc thang có hình dạng của một đấu trường khổng lồ. Chúng tạo thành những hình thể có đường nét thú vị, tầng này chồng lên tầng khác, trông như cái cầu thang bắc lên trời. Khi đến gần ngôi làng, chúng ta thấy những ngôi nhà Ifugao kiểu xưa lấm chấm rải rác ngôi làng như những cây nấm khổng lồ có phủ cỏ.

Dân làng thân thiện vẫy tay chào khi chúng ta đi ngang qua chỗ họ làm việc trong những thửa ruộng bậc thang. Bạn có thể lấy làm ngạc nhiên khi nhìn người dân địa phương bước đi thoăn thoắt dọc theo bờ tường đá bao quanh ruộng, dùng làm lối đi từ điểm này sang điểm kia. Còn những người khác thì leo từ bậc này lên bậc kia, bước lên những tảng đá đặt ở vị trí thuận lợi; bước chân của họ vững chãi như bước chân của con dê núi. Nhìn kỹ thì thấy họ đi chân không. Và khắp chung quanh họ là cảnh tượng ruộng bậc thang trên sườn núi trông ngoạn mục—một trường hợp hiếm có, khi công trình xây dựng của con người hài hòa với và bổ sung cho môi trường thiên nhiên.

Điều này nghe có thích thú không? Vậy nếu viếng thăm nước Phi-líp-pin, bằng mọi cách bạn đừng bỏ qua cơ hội ngắm chiếc thang bắc lên trời, một kỳ quan sống động khó phai nhòa trong trí.

[Khung/​Hình nơi trang 18]

Bảo tồn các ruộng bậc thang

Mặc dù các ruộng bậc thang hiện nay còn rất đẹp, nhưng sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa. Nhiều người sơn cước thuộc thế hệ sau không muốn trồng lúa, nên tìm việc làm ở các vùng khác. Điều này có thể gây nên sự thiếu hụt những nhà nông lành nghề để duy trì các ruộng bậc thang.

Aurora Ammayao, một người dân địa phương Ifugao và cộng tác viên của Viện Nghiên Cứu Giống Lúa Quốc Tế, nói với Tỉnh Thức! về một mối nguy hiểm khác: “Ruộng bậc thang phải luôn luôn sũng nước, nhưng hiện nay nước bị khan hiếm vì nạn phá rừng”. Dốc nước bị khô cạn đưa đến sự hủy hoại các ruộng bậc thang.

Các tai họa thiên nhiên đôi lúc cũng gây ra vấn đề. Vào năm 1990, một trận động đất đã phá hủy một số ruộng bậc thang khi các sườn núi đổ ụp xuống.

Tuy nhiên người ta đang thực hiện những biện pháp nhằm ngăn ngừa việc hủy hoại các ruộng bậc thang. Một sắc lệnh chính phủ được ban hành vào năm 1996 nhằm thiết lập Ủy Ban Ruộng Bậc Thang Ifugao. Nhiệm vụ của ủy ban là gì? Đó là duy trì các ruộng bậc thang, kể cả việc duy trì hệ thống thủy lợi và văn hóa của vùng này, cũng như phục hồi bất cứ vùng nào bị hư hại.

Bao gồm các ruộng bậc thang vào trong Danh Sách Di Sản Thế Giới của Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tạo thêm sự ràng buộc cho chính phủ Phi-líp-pin về việc bảo tồn phong cảnh này. Và theo Jean Tuason, phó giám đốc hành chính thuộc văn phòng Manila của UNESCO, thì “UNESCO cũng có thể trợ giúp kỹ thuật và tài chính cho việc bảo vệ và bảo tồn các ruộng lúa bậc thang”.

[Bản đồ nơi trang 16]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Trung Bộ Cordillera

[Trang hình ảnh nơi trang 17]