Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao tránh được những mối nguy hiểm trên Internet?

Làm sao tránh được những mối nguy hiểm trên Internet?

Giới trẻ thắc mắc...

Làm sao tránh được những mối nguy hiểm trên Internet?

HÃY tưởng tượng bạn đang ở trong thư viện lớn nhất thế giới. Chung quanh bạn là sách, báo, bản liệt kê mục lục, hình ảnh và băng ghi âm đủ loại—về hầu hết mọi đề tài. Các thông tin mới nhất cũng như nhiều sách viết vào những thế kỷ qua đều ngay tầm tay bạn.

Tương tự, Internet có thể cung cấp cho bạn mọi thông tin đó, ngay ở tầm tay. Nhờ Internet, một người có thể ngồi ở máy vi tính và trao đổi thông tin với những máy khác hoặc với những người dùng máy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. * Dùng Internet, ta có thể mua bán, giao dịch với ngân hàng, nói chuyện, nghe những bản nhạc mới nhất—tất cả làm được ngay tại nhà.

Thảo nào, một số chuyên gia dự đoán rằng đến cuối năm nay sẽ có hơn 320 triệu người dùng Internet. Vì vậy, việc dùng Internet đã trở nên rất thông thường ở nhiều nơi trên thế giới. Các trường học và thư viện tích cực khuyến khích người ta dùng, nên hàng triệu người trẻ có phương tiện truy cập vào Internet. Tại Hoa Kỳ, gần 65 phần trăm thanh thiếu niên từ tuổi 12 đến 19 đã từng dùng các dịch vụ trực tuyến.

Dùng đúng cách, Internet có thể là một nguồn nghiên cứu hữu ích cung cấp thông tin về thời tiết, du lịch và những đề tài khác. Bạn có thể dùng để mua sách, phụ tùng xe hơi, v.v... Nhiều người dùng cho việc học hành.

Mặc dù Internet có thể hữu dụng, nhưng nó cũng có thể ví như một thư viện không có thủ thư hoặc người khác quan sát. Một người có thể trượt Internet mà vẫn cảm thấy như không có ai trông chừng mình. Nhưng đây mới là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của Internet. Tại sao? Vì hàng bao “Web site” chứa đựng thông tin đồi bại và tai hại về thiêng liêng. Vì vậy, Internet có thể gây cám dỗ cho các tín đồ trẻ. Nói cho cùng, con người tự nhiên hiếu kỳ—một khuynh hướng mà Sa-tan Ma-quỉ từ lâu đã lợi dụng. Chắc chắn Sa-tan đã lợi dụng tính hiếu kỳ của Ê-va và ‘cám-dỗ bà bởi mưu-chước của hắn’.—2 Cô-rinh-tô 11:3.

Tương tự như thế, một tín đồ trẻ có thể dễ dàng bị quyến rũ bởi những tài liệu không lành mạnh nếu không cương quyết tự bảo vệ về thiêng liêng. Một bài báo trong tạp chí Better Homes and Gardens giải thích: “Internet là một lĩnh vực mới và hấp dẫn nơi giới tiên phong tài giỏi đem những thông tin mới nhất ra bán; nhưng những kẻ ham muốn tình dục trẻ em, kẻ lừa đảo, kẻ kỳ thị chủng tộc và những kẻ vô đạo đức khác cũng tung hoành trong không gian máy tính”.

Một người trẻ tên Javier * nói: “Một số ‘Web site’ rất bậy bạ. Mở ra lúc nào không hay”. Em nói thêm: “Những ‘Web site’ này tìm cách nhử bạn. Chúng muốn thu hút để lấy tiền của bạn”. Một tín đồ trẻ tên John thú nhận: “Một khi bắt đầu xem tài liệu đồi trụy thì khó ngừng—nó làm mình ghiền”. Một số tín đồ trẻ đã thường vào những “Web site” không lành mạnh, và điều này đã đưa họ vào những tình thế nghiêm trọng hơn. Một số còn làm hư hại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Làm sao tránh được điều này?

“Xem những vật hư-không”

Đôi khi chính địa chỉ “Web site” cho thấy rõ nó chứa tài liệu bậy bạ. * Châm-ngôn 22:3 cảnh giác: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.

Nhưng trường hợp thông thường hơn là người ta có thể tình cờ truy cập vào một “Web site” đồi trụy. “Trang chủ” (home page) có thể chứa những hình ảnh đập vào mắt đã được khéo chọn để quyến rũ bạn đi sâu vào “Web site” đó—và trở lại xem nhiều lần! *

Kevin mô tả trường hợp của một người bạn: “Nó có thì giờ rảnh và tò mò muốn biết. Không bao lâu nó có thói quen xem tài liệu khiêu dâm”. Mừng thay, người tín đồ trẻ này đã tìm đến một trưởng lão để được giúp đỡ.

Bạn có quyết tâm mình phải làm gì nếu tình cờ truy cập vào một “site” như thế chưa? Rất hiển nhiên tín đồ Đấng Christ phải làm gì: Rời “site” đó ngay lập tức—hay ngay cả đóng cái bộ duyệt tìm (browser) Internet nữa! Hãy noi gương người viết Thi-thiên; ông cầu nguyện: “Xin xây mắt tôi khỏi xem những vật hư-không”. (Thi-thiên 119:37; so sánh Gióp 31:1). Hãy nhớ rằng ngay dù không có người nào quan sát chúng ta, nhưng không hẳn là không ai thấy chúng ta. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng mọi điều “đều... lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.—Hê-bơ-rơ 4:13.

Nói chuyện với cha mẹ hoặc tín đồ thành thục khác có thể củng cố niềm cương quyết của bạn không trở lại những “site” không lành mạnh. Nói cho cùng, nếu bạn rơi vào cát lún, bạn có cố vùng vẫy cho đến khi cát lên đến cổ mới chịu cầu cứu không?

Còn về việc kết bạn trực tuyến thì sao?

Nhờ dịch vụ “tán gẫu” (chat), nên những người dùng Internet trên khắp thế giới có thể liên lạc với nhau tức khắc. Các công ty dùng dịch vụ này để tổ chức phiên họp trực tuyến và trả lời câu hỏi của khách hàng. Một số “phòng tán gẫu” (chat room) cho phép người dùng trao đổi thông tin kỹ thuật, chẳng hạn về sửa xe hay thảo chương trình vi tính. Một số loại “tán gẫu” cho phép gia đình và bạn bè nói chuyện riêng mà khỏi phải trả tiền điện thoại đường dài. Dù có lợi ích chính đáng, nhưng “tán gẫu” có nguy hiểm không?

Chúng ta rất cần thận trọng về các “phòng tán gẫu” công cộng, vì ở đây có những nguy hiểm rõ rệt. Nhà văn Leah Rozen nhận xét: “Những thanh thiếu niên rành vi tính dành nhiều tiếng đồng hồ nói chuyện trực tuyến với những người lạ nặc danh trên khắp nước và ngay cả trên khắp thế giới. Đáng buồn là một số những người lạ này cũng là thành phần đồi trụy muốn gặp trẻ em để làm chuyện bậy bạ”. Một bài đăng trong tạp chí Popular Mechanics cảnh giác là “bạn phải hết sức cẩn thận” khi bước vào những “phòng tán gẫu” công cộng. Cho người lạ biết tên và địa chỉ của bạn có thể đưa đến hậu quả tai hại! Tại sao lại muốn đặt mình vào tình trạng nguy hiểm như thế?

Nhưng một mối nguy hiểm tinh vi hơn là dính líu và kết bạn xấu với những người lạ, không tôn trọng nguyên tắc Kinh Thánh. * Các nhà nghiên cứu cho biết rằng khi thanh thiếu niên nói chuyện với nhau trong các “chat room” thì phần lớn cuộc trò chuyện xoay quanh tình dục. Vì vậy lời khuyên trong Kinh Thánh nơi 1 Cô-rinh-tô 15:33 rất thích hợp: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. Kết bạn xấu qua mạng lưới vi tính rất nguy hiểm. Một người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời có nên liều lĩnh đặt mình trong hoàn cảnh nguy hiểm đó không?

Những sự che chở

Đứng trước những mối nguy hiểm này, chúng ta phải rất thận trọng khi dùng Internet. Thí dụ, một số gia đình đặt máy vi tính ở nơi nào có nhiều người qua lại, chẳng hạn như phòng khách. Họ cũng có thể lập qui định chỉ được dùng Internet khi có người khác ở nhà. Nếu cha mẹ bạn giới hạn như thế, hãy hợp tác với họ. (Châm 1:8) Những chỉ thị rõ rệt cho thấy họ yêu thương bạn.

Nếu phải dùng Internet để làm bài tập, sao không thử ghi chú bạn bỏ ra bao nhiêu thì giờ trên Internet? Hãy thử quyết định trước bạn định bỏ ra bao nhiêu thì giờ, dùng đồng hồ reo để nhắc bạn khi hết giờ. Anh Tom đề nghị: “Hãy chuẩn bị trước, biết chính xác mình đang tìm cái gì, và làm đúng theo mình quyết định—dù những thứ khác quyến rũ đến độ nào”.

Cũng phải thận trọng khi dùng điện thư. Các tín đồ trẻ cẩn thận không mải mê đọc vô số điện thư, đặc biệt nếu nhiều thông tin đó vớ vẩn hoặc vô căn cứ. Dùng điện thư quá độ có thể lãng phí thì giờ quí báu cần thiết cho bài tập hoặc sinh hoạt thần quyền.

Vua Sa-lô-môn nói: “Người ta chép nhiều sách chẳng cùng; còn học quá thật làm mệt-nhọc cho xác-thịt”. (Truyền-đạo 12:12) Những lời này cũng áp dụng rất đúng cho Internet. Đừng quá miệt mài tìm tòi thông tin và dữ kiện đến độ sao lãng việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân và tham gia thánh chức rao giảng. (Ma-thi-ơ 24:14; Giăng 17:3; Ê-phê-sô 5:15, 16) Cũng hãy nhớ rằng dù liên lạc qua vi tính có thể có lợi ích nào đó, nó không thể thay thế việc trực tiếp trò chuyện với anh em tín đồ Đấng Christ. Vậy nếu bạn thật sự cần dùng Internet, hãy quyết tâm dùng nó một cách khôn ngoan. Tránh những “Web site” nguy hiểm và đừng bỏ quá nhiều thì giờ trên Internet. Hãy “cẩn-thận giữ tấm lòng” của bạn, và chớ bao giờ làm nô lệ cho Internet.—Châm-ngôn 4:23.

[Chú thích]

^ đ. 4 Xem loạt bài “The Internet—Is It for You?” trong tờ Tỉnh Thức! (Anh ngữ), số ra ngày 22-7-1997.

^ đ. 9 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 11 Địa chỉ “Web site” là một chuỗi kí tự dùng để truy cập một “Web site”. Đôi khi trong địa chỉ có những chữ cho biết mục đích của “site” đó.

^ đ. 12 “Trang chủ” giống như kính cửa tiệm điện tử. Nó cho biết nội dung của “site” đó, ai thiết kế, v.v...

^ đ. 19 Những mối nguy hiểm như thế có thể xảy ra trong những “phòng tán gẫu” công cộng do các tín đồ có thiện ý lập ra với mục đích thảo luận những đề tài thiêng liêng. Đôi khi đã có những kẻ bất lương và kẻ bội đạo góp phần thảo luận và quỉ quyệt tìm cách thuyết phục người khác nghe theo những ý kiến trái với Kinh Thánh.

[Câu nổi bật nơi trang 14]

“Một số ‘Web site’ rất bậy bạ. Mở ra lúc nào không hay”

[Hình nơi trang 15]

Một số gia đình đặt máy vi tính ở nơi có nhiều người qua lại