Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nói dối—Có bao giờ bào chữa được không?

Nói dối—Có bao giờ bào chữa được không?

Quan điểm của Kinh Thánh

Nói dối—Có bao giờ bào chữa được không?

“CÓ KHI NÓI SAI SỰ THẬT MỘT CHÚT MÀ ĐỠ ĐƯỢC NGÀN LỜI GIẢI THÍCH”.

LỜI trên cho thấy suy nghĩ của nhiều người về việc nói dối. Luận điệu bào chữa của họ là nói dối không có gì sai nếu không hại ai. Lối lập luận này còn có một cái tên chính thức nữa—tiêu chuẩn nhất thời; quan niệm này nói rằng luật duy nhất cần phải theo được gọi là luật yêu thương. Nói khác đi, theo lời giải thích của tác giả Diane Komp, “miễn là có động lực và tấm lòng đúng đắn (thì) việc nói dối... không hề gì”.

Quan điểm như thế thông thường trong thế giới ngày nay. Các vụ tai tiếng liên quan đến những lời nói dối của các chính trị gia nổi tiếng và của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đã làm chấn động xã hội. Vì chịu ảnh hưởng của bầu không khí này, nên nhiều người không còn quyết tâm nói sự thật nữa. Trong một số lĩnh vực, việc nói dối đã trở thành đường lối hành động chính thức. Một người bán hàng phàn nàn: “Người ta trả lương tôi để nói dối. Tôi thắng các giải thưởng mại vụ và hàng năm được lời phê tốt nếu tôi nói dối... Điều này dường như là một phần chủ yếu trong việc huấn luyện về buôn bán ở khắp nơi”. Nhiều người tin rằng nói dối mà không cố ý hại ai thì không hề gì. Điều này có đúng không? Có những trường hợp nào tín đồ Đấng Christ có lý do chính đáng để nói dối không?

Tiêu chuẩn cao của Kinh Thánh

Kinh Thánh cực lực lên án mọi loại dối trá. Người viết Thi-thiên tuyên bố: “[Đức Chúa Trời] sẽ hủy-diệt các kẻ nói dối”. (Thi-thiên 5:6; xem Khải-huyền 22:15). Nơi Châm-ngôn 6:16-19, Kinh Thánh liệt kê bảy điều Đức Giê-hô-va gớm ghiếc. “Lưỡi dối-trá” và “kẻ làm chứng gian và nói điều dối” là những điều nổi bật trong số này. Tại sao? Bởi vì Đức Giê-hô-va ghét hậu quả tai hại do sự nói dối gây ra. Đó là một lý do vì sao Chúa Giê-su đã gọi Sa-tan là kẻ nói dối và kẻ giết người. Những lời nói dối của hắn đã đẩy nhân loại đến chỗ khốn khổ và chết chóc.—Sáng-thế Ký 3:4, 5; Giăng 8:44; Rô-ma 5:12.

Việc xảy ra cho A-na-nia và Sa-phi-ra cho thấy rõ Đức Giê-hô-va xem việc nói dối nghiêm trọng đến mức nào. Hai người này cố tình nói dối các sứ đồ, hiển nhiên là nhằm làm ra vẻ rộng rãi hơn. Hành động của họ là cố tình và có suy tính trước. Vì thế sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố: “Chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời”. Vì tội này, cả hai đều chết do tay Đức Chúa Trời.—Công-vụ 5:1-10.

Nhiều năm sau, sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Chớ nói dối nhau”. (Cô-lô-se 3:9) Lời khuyên này đặc biệt trọng yếu trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Chúa Giê-su nói tình yêu thương dựa trên nguyên tắc sẽ là dấu hiệu để nhận biết các môn đồ thật của ngài. (Giăng 13:34, 35) Tình yêu thương chân chính này chỉ có thể tăng trưởng và nảy nở trong môi trường hoàn toàn chân thật và tin cậy. Khó lòng yêu thương một người nào nếu chúng ta không thể tin chắc rằng người ấy sẽ luôn luôn nói thật với chúng ta.

Dù mọi hình thức nói dối đều đáng bị khiển trách, nhưng một số lời nói dối nghiêm trọng hơn những lời khác. Thí dụ, một người có thể nói dối vì ngượng hay sợ hãi. Một người khác có thói quen nói dối một cách gian ác nhằm hại người hay gây tổn thương. Bởi vì có động lực ác, một người cố tình nói dối như thế là mối nguy hiểm cho người khác và sẽ bị khai trừ khỏi hội thánh nếu không ăn năn. Bởi lẽ không phải mọi lời nói dối đều có ác ý, cần phải cẩn thận để không lên án một cách quá đáng, nhưng phải chắc chắn biết tất cả các yếu tố liên hệ khi một người nói dối. Cần xét đến động lực và hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ tội.—Gia-cơ 2:13.

“Khôn-khéo như rắn”

Dĩ nhiên, nói thật không có nghĩa là chúng ta buộc phải tiết lộ tất cả mọi điều cho bất cứ ai hỏi mình. Chúa Giê-su cảnh báo nơi Ma-thi-ơ 7:6: “Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn-xé các ngươi”. Thí dụ, những người có ý gian ác không có quyền biết một số điều nào đó. Tín đồ Đấng Christ hiểu rằng họ đang sống trong một thế giới thù nghịch. Vì thế Chúa Giê-su khuyên môn đồ ngài hãy “khôn-khéo như rắn” song vẫn “đơn-sơ như chim bồ-câu”. (Ma-thi-ơ 10:16; Giăng 15:19) Chúa Giê-su không luôn luôn để lộ ra hết sự thật, nhất là khi tiết lộ mọi sự kiện có thể gây hại cho chính ngài hay các môn đồ. Tuy vậy, ngay cả những lúc đó, ngài không nói dối. Thay vì thế, ngài không nói gì cả hay xoay cuộc đối thoại sang hướng khác.—Ma-thi-ơ 15:1-6; 21:23-27; Giăng 7:3-10.

Những người đàn ông và đàn bà trung thành đề cập trong Kinh Thánh, chẳng hạn như Áp-ra-ham, Y-sác, Ra-háp và Đa-vít, cũng khôn khéo tương tự; họ thận trọng khi cư xử với những người có thể trở thành kẻ thù. (Sáng-thế Ký 20:11-13; 26:9; Giô-suê 2:1-6; 1 Sa-mu-ên 21:10-14) Kinh Thánh xếp những người đàn ông và đàn bà này vào hàng những người thờ phượng trung thành; đặc điểm của đời sống họ là sự vâng lời. Điều đó làm họ đáng cho chúng ta noi theo.—Rô-ma 15:4; Hê-bơ-rơ 11:8-10, 20, 31-39.

Có thể có những lúc khi việc nói dối dường như cung cấp một lối thoát dễ dàng. Nhưng tín đồ Đấng Christ ngày nay nên noi theo gương Chúa Giê-su và làm theo lương tâm đã được Kinh Thánh rèn luyện khi đối diện với những tình huống khó khăn khác thường.—Hê-bơ-rơ 5:14.

Kinh Thánh khuyến khích chúng ta phải chân thật và lương thiện. Nói dối là sai, và chúng ta phải nghe theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Mỗi người trong anh em... hãy nói thật với kẻ lân-cận mình”. (Ê-phê-sô 4:25) Làm thế, chúng ta sẽ giữ cho lương tâm trong sáng, khuyến khích sự hòa thuận và tình yêu thương trong hội thánh, và tiếp tục tôn vinh “Đức Chúa Trời chân-thật”.—Thi-thiên 31:5; Hê-bơ-rơ 13:18.

[Hình nơi trang 20]

A-na-nia và Sa-phi-ra đã mất mạng vì nói dối