Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có nên thờ phượng Chúa Giê-su không?

Có nên thờ phượng Chúa Giê-su không?

Quan điểm Kinh Thánh

Có nên thờ phượng Chúa Giê-su không?

QUA nhiều thế kỷ, nhiều người trong các đạo tự xưng theo Đấng Christ thờ phượng Chúa Giê-su Christ như thể ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Tuy nhiên, chính Chúa Giê-su hướng sự chú ý và sự thờ phượng vào chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi. Thí dụ, khi Ma-quỉ xúi giục Chúa Giê-su sấp mình thờ lạy hắn, ngài nói: ‘‘Ấy là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của ngươi, mà ngươi phải thờ phượng, và ấy là ngươi phải hầu chỉ một mình ngài mà thôi”. (Ma-thi-ơ 4:10, NW) Sau đó Chúa Giê-su dạy bảo môn đồ: ‘‘Đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời”.—Ma-thi-ơ 23:9.

Khi nói với một người đàn bà Sa-ma-ri, Chúa Giê-su diễn tả cách người ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ phải thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Quả thật, ‘‘đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy”. (Giăng 4:23, 24) Đúng thế, người ta chỉ nên sùng kính một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Thờ phượng bất cứ người nào khác hoặc vật nào khác đều là một hình thức thờ hình tượng, là điều bị Kinh Thánh cả phần Hê-bơ-rơ lẫn Hy Lạp lên án.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; Ga-la-ti 5:19, 20.

Thế nhưng, một số người có thể viện lý lẽ: ‘Chẳng phải Kinh Thánh cho thấy chúng ta cũng phải thờ phượng Chúa Giê-su hay sao? Chẳng phải Phao-lô nói nơi Hê-bơ-rơ 1:6: ‘‘Mọi thiên-sứ của Đức Chúa Trời phải thờ-lạy Con [Chúa Giê-su]” hay sao?’ Chúng ta có thể hiểu câu này như thế nào dựa trên những gì Kinh Thánh nói về việc thờ hình tượng?

Sự thờ phượng trong Kinh Thánh

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu Phao-lô muốn nói gì ở đây qua chữ thờ lạy. Ông dùng từ Hy Lạp pro·sky·neʹo. Từ điển Unger’s Bible Dictionary nói rằng từ này có nghĩa đen là ‘hôn tay của một người để tỏ lòng tôn kính hoặc kính trọng’. Cuốn An Expository Dictionary of New Testament Words, do W. E. Vine, nói rằng từ này “nói lên một cử chỉ tôn kính, đối với người... hoặc đối với Đức Chúa Trời”. Trong thời Kinh Thánh được viết ra, pro·sky·neʹo thường bao hàm cử chỉ cúi mình trước một người có địa vị cao.

Hãy xem dụ ngôn của Chúa Giê-su về người đầy tớ không thể trả món nợ lớn cho chủ. Một dạng của từ Hy Lạp này xuất hiện trong dụ ngôn này, và khi dịch nó, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn nói rằng “vậy người bầy tôi phục xuống bái lạy [một dạng của từ pro·sky·neʹo] [nhà vua] mà tâu rằng: ‘Xin Ngài khoan hồng cho với, thần sẽ trả hết’ ”. (Ma-thi-ơ 18:26; chúng tôi viết nghiêng). Phải chăng người này đang có hành động thờ lạy? Chắc chắn không! Ông ta chỉ biểu lộ sự tôn kính và kính trọng dành cho vua, chủ và người bề trên.

Cúi mình tôn kính, hoặc những cử chỉ biểu hiện lòng kính trọng như thế là việc khá thông thường ở Phương Đông vào thời Kinh Thánh. Gia-cốp sấp mình xuống đất bảy lần khi gặp anh mình là Ê-sau. (Sáng-thế Ký 33:3) Các anh của Giô-sép sấp mình hoặc cúi mình trước mặt ông vì chức tước cao của ông tại triều đình Ê-díp-tô. (Sáng-thế Ký 42:6) Dựa trên những dữ kiện này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều đã xảy ra khi các chiêm tinh gia tìm thấy con trẻ là Chúa Giê-su, đấng mà họ đã nhận ra là “Vua dân Giu-đa mới sanh”. Như được dịch trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, lời tường thuật cho chúng ta biết là họ ‘‘sấp mình xuống mà thờ-lạy [ pro·sky·neʹo] Ngài”.—Ma-thi-ơ 2:2, 11.

Vậy rõ ràng là từ pro·sky·neʹo, dịch là “thờ-lạy” trong một số bản dịch Kinh Thánh, không chỉ dùng riêng cho sự tôn thờ dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nó cũng có thể nói đến sự kính trọng và tôn kính biểu lộ đối với một người khác. Để tránh bất cứ sự hiểu lầm nào, một số bản dịch Kinh Thánh dịch từ pro·sky·neʹo nơi Hê-bơ-rơ 1:6 là “tỏ lòng kính trọng ngài” (New Jerusalem Bible), “tôn kính ngài” (The Complete Bible in Modern English), “cúi mình trước mặt ngài” (Twentieth Century New Testament), hoặc “sấp mình tôn kính ngài” (New World Translation).

Chúa Giê-su đáng được tôn kính

Chúa Giê-su có đáng được tôn kính như thế không? Chắc chắn có! Trong lá thư viết cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô giải thích rằng là đấng “kế-tự muôn vật”, Chúa Giê-su ‘‘ngồi bên hữu Đấng tôn-nghiêm ở trong nơi rất cao”. (Hê-bơ-rơ 1:2-4) Vì thế ‘‘nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.—Phi-líp 2:10, 11.

Điều đáng chú ý là trong địa vị cao trọng này, Đấng Christ sắp dùng quyền hành pháp rộng lớn của ngài để biến đổi trái đất này thành một địa đàng thế giới. Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, và nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của mình, Chúa Giê-su sẽ giải thoát nhân loại khỏi mọi sự buồn bã, đau đớn và khổ đau để đem lại lợi ích cho những ai phục tùng sự cai trị công bình của ngài. Vì thế chẳng phải ngài đáng cho chúng ta tôn vinh, kính trọng và vâng phục hay sao?—Thi-thiên 2:12; Ê-sai 9:5; Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:3, 4.

“Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc”

Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy rõ là chúng ta chỉ thờ phượng—theo nghĩa sùng kính và trung thành về mặt tôn giáo—một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Môi-se miêu tả Ngài là “Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng chuyên độc”. Và Kinh Thánh khuyên bảo chúng ta ‘‘hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:24, NW; Khải-huyền 14:7.

Chúa Giê-su chắc chắn giữ vai trò then chốt trong sự thờ phượng thật, đấng đáng được tôn vinh và kính trọng. (2 Cô-rinh-tô 1:20, 21; 1 Ti-mô-thê 2:5) Ngài là con đường duy nhất mà nhờ đó chúng ta có thể đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Giăng 14:6) Vì vậy, tín đồ thật của Đấng Christ chỉ nên thờ phượng một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, mà thôi.