Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những đốm trước mắt bạn

Những đốm trước mắt bạn

Những đốm trước mắt bạn

Bạn có lẽ đã thấy nó—những đốm xám nhỏ mờ ảo trôi lơ lửng trước mắt bạn. Có lẽ thấy nó khi bạn đọc hay khi nhìn một bức tường sơn dợt hoặc bầu trời không mây.

NẾU đã từng cố gắng nhìn thẳng vào nó, bạn biết là không thể làm điều đó được. Chỉ một cử động nhỏ của mắt cũng làm cho nó biến mất, và ngay cả nếu một đốm đó lọt vào tầm nhìn của bạn, bạn vẫn không hình dung ra được nó là gì.

Những đốm đó là gì? Nó nằm ở mặt trên nhãn cầu hay là ở bên trong mắt bạn? Hãy chớp mắt và đừng di chuyển mắt. Nếu các đốm di động hoặc biến mất, tức nó nằm bên ngoài và không phải là đề tài của bài này.

Nhưng nếu ít hoặc không thay đổi, thì nó nằm bên trong, lơ lửng trong pha lê dịch, chất lỏng chứa đầy phòng mắt. Vì nó nằm đằng sau thủy tinh thể của mắt, nên nó không rõ nét. Và vì pha lê dịch là một chất keo như nước đông suốt, nên các đốm lượn qua lại khi bạn cố gắng nhìn thẳng vào nó. Vì lẽ đó nó được đặt cho tên y khoa là muscae volitantes, nghĩa là “ruồi bay”.

Chúng nó từ đâu đến?

Vậy các đốm này từ đâu đến? Vài đốm đó là phần còn lại của các quá trình diễn ra trước khi bạn chào đời. Trong giai đoạn đầu phát triển của một thai nhi, mé trong của mắt phần lớn là sợi. Vào lúc chào đời, các sợi này và các tế bào khác đã thay đổi để trở thành pha lê dịch. Nhưng một số tế bào và mảnh sợi có thể còn lại, và trôi trôi trong mắt. Nơi thai nhi cũng có một ống mang động mạch dẫn từ thần kinh thị giác tới thủy tinh thể để nuôi nó. Thường thường trước khi chào đời mạch máu teo lại và biến mất, nhưng những mẩu nhỏ li ti của nó có thể còn lại.

Còn những nguyên nhân khác nữa. Ngay cả nơi một người trưởng thành, pha lê dịch cũng không hẳn như nước đông suốt. Nó được bao bởi màng pha lê mong manh. Cả hai dính vào võng mạc, lớp mô nhạy cảm với ánh sáng lót mé trong của mắt để thu những gì bạn thấy. Màng pha lê dính vào võng mạc xung quanh tiền góc của nó. Từ đường nối đó các thớ nhỏ xíu tỏa ra khắp pha lê dịch.

Các thớ này bắt đầu co lại với tuổi già. Điều này làm một số thớ bị đứt ra. Pha lê dịch cũng lỏng ra hơn, nên các thớ đứt trôi dễ dàng. Chính pha lê dịch cũng co lại chút đỉnh và bắt đầu tách ra khỏi võng mạc, thậm chí để lại đằng sau mớ tế bào vụn khác. Do đó càng lớn tuổi bạn sẽ thấy càng nhiều “ruồi bay” lượn qua lại trong thị trường của bạn.

Nguyên nhân khác của các đốm có thể là các mạch máu của võng mạc. Một cú đánh vô đầu hoặc bất cứ áp suất thái quá nào của nhãn cầu có thể khiến một mạch máu nhỏ tiết ra hồng cầu. Hồng cầu dễ dính, nên nó thường dính lại từng chùm hay từng dây. Các tế bào riêng rẽ hoặc từng chùm có thể di chuyển vào pha lê dịch, và nếu gần võng mạc thì người ta có thể thấy nó. Dần dần các hồng cầu biến đi vì nó được cơ thể nhận trở lại. Nói đúng ra các đốm này không phải là “ruồi bay”, vì nó là kết quả của vết thương nhỏ.

Hiện tượng “ruồi bay” có báo hiệu điều gì không ổn chăng? Thường thường thì không. Người có mắt lành lặn, ngay cả người trẻ, cũng thấy nó, và dần dần họ tập lờ nó đi. Nhưng vài triệu chứng có thể báo hiệu nguy hiểm.

Khi nguy hiểm đe dọa

Nếu bỗng nhiên bạn để ý thấy nhiều đốm nhỏ hơn trước, đó có thể là triệu chứng của một điều bất bình thường. Nhất là nếu bạn cũng thấy những đốm sáng lóe lên từ trong mắt. Hiện tượng này đến từ võng mạc, nơi ánh sáng được đổi ra thành xung lực thần kinh. Hàng loạt đốm và lóe sáng xảy ra thường là do nơi võng mạc bị tách ra. Điều này xảy ra như thế nào?

Võng mạc có độ đậm đặc và độ dày của một tờ giấy ướt và cũng mong manh như thế. Lớp nhạy cảm với ánh sáng của võng mạc được dính cứng phía sau với một lớp khác, dính với pha lê dịch chỉ ở bờ trước và nơi thần kinh thị giác, với một chỗ dính yếu hơn ở lõm trung tâm. Pha lê dịch giúp giữ yên tại chỗ phần còn lại của võng mạc. Vì tính đàn hồi của mắt nên thường cả những cú đánh cũng không làm cho võng mạc rách hay tách ra khỏi nền của nó.

Tuy nhiên, một cú đánh có thể gây thiệt hại, làm võng mạc yếu đi chỗ nào đó hoặc làm rách hay đâm lủng một lỗ nhỏ li ti. Sự dính liền giữa pha lê dịch và võng mạc cũng có thể tạo ra lỗ hổng: Một động tác thình lình hoặc một vết thương khiến pha lê dịch kéo mạnh võng mạc, gây ra vết rách nhỏ. Chất lỏng từ phòng pha lê có thể rỉ ra phía sau võng mạc, nâng nó lên khỏi nền. Sự rối loạn này khiến các tế bào thần kinh nhạy cảm với ánh sáng “nổ”, và đó là những lóe sáng mình thấy.

Bề trong của võng mạc có mạng lưới mạch máu riêng nên sự tách ra của nó đôi khi gây chảy máu, ít hay nhiều. Tế bào máu lan vào pha lê dịch, khiến người ta thình lình thấy hàng loạt đốm. Sau đó không lâu vì võng mạc tách ra, tầm nhìn bị khuất như có màn che, tức là bị mù.

Vì vậy, nếu khi nào bạn thấy sự bột phát của đốm, nhất là khi có lóe sáng, nên lập tức đi bác sĩ nhãn khoa hay bệnh viện! Có thể võng mạc bị tách ra. Khi võng mạc tách ra nhiều thì vô phương cứu chữa.

Bạn có thấy đốm trước mắt nhiều năm liền nhưng không lóe sáng không? Có thể không cần phải lo âu. Hầu hết ai cũng thấy nó cả. Nếu bạn lờ nó đi, nó sẽ không biến mất, nhưng não học lấp đi những hình ảnh đó trong sinh hoạt hàng ngày của bạn. Vì lẽ sự hiện diện của nó không gây hại chi cho thị lực, đó là bằng chứng chỉ về tính đàn hồi trong thiết kế của mắt và tính thích nghi của não.

Dầu vậy, trước khi có thể khẳng định là không cần lo âu, ai bị các đốm đó nên đi khám bác sĩ nhãn khoa hoặc kỹ thuật viên đo mắt.

[Khung/​Hình nơi trang 25]

Nguồn gốc của việc hiệu chỉnh khúc xạ ngày nay

Nếu bạn đeo kính theo kính thuốc hay đeo kính sát tròng, bạn nên cám ơn “ruồi bay”. Cũng vì hiếu kỳ đối với chúng nên Frans Cornelis Donders, một bác sĩ Hà Lan nổi tiếng của thế kỷ 19, bắt đầu cuộc nghiên cứu khoa học về sinh lý và bệnh lý của mắt. Ngoài việc nhận diện vài nguyên do của “ruồi bay”, ông đã khám phá ra cận thị là do nhãn cầu bị ngắn lại, và thị lực mờ của loạn thị là do bề mặt không bằng nhau của giác mạc và thủy tinh thể. Những khám phá của ông giúp sự phát triển các kính mắt theo kính thuốc.

[Hình]

Donders

[Nguồn tư liệu]

Courtesy National Library of Medicine

[Biểu đồ nơi trang 24]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Võng mạc bị tách

Hồng huyết cầu

Võng mạc bị rách

Màng pha lê

Thủy tinh thể

Đồng tử

Mống mắt

Thể mi

Pha lê dịch

Mạch máu

Thần kinh thị giác dẫn đến não