Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng đạo đức suy đồi hơn trước?

Phải chăng đạo đức suy đồi hơn trước?

Phải chăng đạo đức suy đồi hơn trước?

GIẢ SỬ bạn hỏi các sử gia: “Mức độ đạo đức người ta ngày nay ra sao so với thời trước?” một số có thể trả lời rằng khó mà so sánh được mức độ đạo đức trong những thời khác nhau. Họ có thể nghĩ rằng thời nào phải xét theo thời đó.

Thí dụ, hãy xét sự phát triển của tội ác hung bạo ở Âu Châu kể từ thế kỷ 16. Tội giết người không phải là hiếm 400 năm trước đây. Người ta thường tự quyền thi hành luật pháp, và thường có những mối thù dai dẳng giữa gia đình này với gia đình kia.

Tuy nhiên, hai sử gia Arne Jarrick và Johan Söderberg viết trong sách Människovärdet och makten (Phẩm giá và quyền thế của con người) rằng giai đoạn từ năm 1600 đến 1850 “đời sống xã hội đã trở nên rất văn minh” ở một số nơi. So với trước kia, người ta đã để tâm hơn đến nhu cầu của người khác—họ đã có lòng thấu cảm hơn. Các sử gia khác lại lưu ý rằng trong thế kỷ 16, trộm cắp và tội ác nhằm vào tài sản ít hơn nhiều so với ngày nay. Hiếm có những bọn ăn trộm có tổ chức, nhất là trong dân cư vùng thôn dã.

Dĩ nhiên, chế độ nô lệ đã tồn tại, và nó đã gây ra một số tội ác nghiêm trọng nhất trong lịch sử—các lái buôn người Âu Châu bắt cóc người Phi Châu và đối xử tàn bạo với hàng triệu người nô lệ này ở những nước họ bị đưa đến.

Thế thì, nếu nhìn lại những thế kỷ vừa qua, thì chúng ta rất có thể thấy rằng khi xem xét dưới quan điểm lịch sử, một số điều kiện tốt hơn, trong khi một số khác lại tồi tệ hơn. Tuy vậy, có một điều gì rất khác thường và rất nghiêm trọng—trên thực tế, chưa từng có tiền lệ—đã xảy ra trong thế kỷ 20 và hiện vẫn còn xảy ra.

Thế kỷ 20—Một bước ngoặt

Hai sử gia Jarrick và Söderberg nhận xét: “Trong thập niên 1930, tội cố sát và giết người một lần nữa lại gia tăng, và buồn thay, kể từ đó xu hướng này tiếp tục trong hơn nửa thế kỷ”.

Theo nhiều nhà bình luận, đạo đức đã sa sút trên quy mô rộng lớn trong thế kỷ 20. Một bài tiểu luận về triết lý đạo đức nói: “Ta có thể thấy rõ rằng quan điểm của xã hội về quan hệ tình dục và đối với những gì có thể chấp nhận được về mặt đạo đức đã thay đổi trong 30 đến 40 năm qua—từ một xã hội quy định rạch ròi, nghiêm ngặt điều nào đúng về đạo đức, nay trở thành một xã hội có quan điểm tự do và cá nhân chủ nghĩa hơn”.

Điều này có nghĩa là đa số người ngày nay nghĩ rằng họ có thể tự định đoạt lấy vấn đề quan hệ tình dục và các khía cạnh khác của đạo đức. Để lấy thí dụ, bài tiểu luận trên đưa ra những thống kê cho thấy rằng trong năm 1960 chỉ có 5,3 phần trăm trẻ em ở Hoa Kỳ là con hoang. Năm 1990 tỉ lệ là 28 phần trăm.

Trong bài diễn văn tại Đại Học Notre Dame, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Joe Lieberman mô tả đạo đức trong thời chúng ta là “tình trạng không còn các giá trị,... trong đó các quan niệm cổ truyền về phải trái đã dần dần suy yếu đi”. Theo Lieberman, hiện tượng này “đã manh nha gần hai thế hệ”.

Sự thế tục hóa

Các sử gia và các nhà phân tích khác nói gì về lý do của sự phát triển đáng chú ý này trong thế kỷ 20? “Một trong các biến đổi xã hội quan trọng nhất trong hai thế kỷ qua là sự thế tục hóa”, theo nhận xét của sách Människovärdet och makten. Sự thế tục hóa có nghĩa là “người ta được cơ hội chọn lập trường riêng về những quan điểm khác nhau. Ý kiến này... bắt nguồn từ những triết gia của Phong Trào Ánh Sáng vào thế kỷ 18, họ là những người đầu tiên... phủ nhận Kinh Thánh là nguồn lẽ thật duy nhất”. Vì thế, người ta không còn hướng về tôn giáo, nhất là các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, để được hướng dẫn về đạo đức nhiều như trước kia.

Nhưng tại sao một triết lý hình thành vào thế kỷ 18 lại mất đến hơn 200 năm mới trở nên phổ biến? Quyển sách nêu trên nói: “Những ý tưởng này không dễ dàng lan rộng trong công chúng. Sự thế tục hóa diễn ra chậm chạp”.

Mặc dù xu hướng từ bỏ các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống và các giá trị đạo Đấng Christ đã diễn ra chậm chạp trong hầu hết 200 năm qua, nhưng nó đã tăng vọt trong thế kỷ 20. Điều này đặc biệt đúng trong vài thập niên vừa qua. Tại sao thế?

Ích kỷ và tham lam

Một yếu tố góp phần đẩy mạnh xu hướng trên là sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và kỹ thuật trong thế kỷ 20. Một bài báo trong tạp chí Đức Die Zeit viết rằng chúng ta sống trong một “kỷ nguyên năng động, chứ không phải trong một thế giới đứng nguyên như trong các thế kỷ trước”. Bài báo giải thích rằng điều này đưa đến hệ thống kinh tế thị trường, dựa trên sự cạnh tranh và do động cơ ích kỷ thúc đẩy.

Bài báo viết tiếp: “Không có gì ngăn chặn nổi sự ích kỷ này. Hậu quả của nó là đời sống hàng ngày của chúng ta mang đặc tính tàn bạo, cũng như sự thối nát, mà ở nhiều nước đã thâm nhập đến tận chính phủ. Người ta chỉ nghĩ đến mình và đến việc thỏa mãn tối đa ham muốn riêng”.

Qua một cuộc thăm dò sâu rộng, nhà xã hội học Robert Wuthnow, thuộc Viện Đại Học Princeton, thấy rằng người Mỹ ngày nay xem trọng tiền bạc hơn những người thuộc thế hệ trước. Theo cuộc nghiên cứu này, “nhiều người Mỹ sợ rằng sự khao khát tiền bạc đã lấn át các giá trị khác, như tôn trọng người khác, lương thiện nơi làm việc và tham gia vào cộng đồng của họ”.

Sự tham lam trong xã hội đã gia tăng thêm bởi vì nhiều ủy viên ban quản trị tự tăng lương thật nhiều và tự cấp cho mình tiền hưu trí hậu hĩ trong khi lại thúc giục các công nhân của họ nên vừa phải trong các yêu sách đòi tăng lương. Kjell Ove Nilsson, giáo sư phụ giảng về luân lý đạo đức kiêm giám đốc thần học tại Hội Đồng Đạo Đấng Christ ở Thụy Điển, nhận định: “Khi các nhà lãnh đạo ngành thương mại theo đuổi lợi lộc, thì hậu quả là thái độ của họ lây lan sang người khác và hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức của người ta nói chung. Dĩ nhiên, điều này tác hại đến đạo đức—trong xã hội cũng như của cá nhân”.

Nền văn hóa quần chúng

Một yếu tố khác góp phần làm đạo đức suy sụp nhanh chóng trong hậu bán thế kỷ 20 là nền văn hóa quần chúng. “Những người truyền bá các giá trị nay là những nhà sản xuất chương trình truyền hình, những ông trùm tư bản phim ảnh, những nhà quảng cáo thời trang, những ca sĩ nhạc “gangsta rap”, và một số lớn những người khác trong bộ máy văn hóa truyền thông điện tử có tính quần chúng”, theo lời Thượng Nghị Sĩ Lieberman. “Những người này lập ra các xu hướng mới và họ nắm ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đối với nền văn hóa của chúng ta và đối với con em chúng ta nói riêng, và họ thường không có chút ý thức trách nhiệm nào về các ‘giá trị’ tai hại mà họ đang gieo rắc”.

Để nêu ra thí dụ, Lieberman kể tên một đĩa nhạc do ban nhạc Cannibal Corpse (Tử Thi Kẻ Ăn Thịt Người) sáng tác. Những ca sĩ trong ban nhạc này mô tả từng chi tiết việc dùng dao uy hiếp để cưỡng dâm một người đàn bà. Ông và một đồng sự đã yêu cầu công ty sản xuất rút lại băng nhạc. Nhưng như Lieberman thuật lại, ông đã hoài công.

Vì thế các bậc cha mẹ có tinh thần trách nhiệm ngày nay bị đẩy vào thế phải phấn đấu gay gắt với nền văn hóa quần chúng để giành lấy quyền tác động đến và dưỡng dục con cái họ. Nhưng còn trong những gia đình mà cha mẹ không tận tâm thì sao? “Trong những trường hợp đó”, theo lời Lieberman, thì “nền văn hóa này mặc sức lập ra tiêu chuẩn, và những gì đứa trẻ học được từ ti-vi, điện ảnh và máy chơi đĩa CD chủ yếu uốn nắn ý thức phải trái, thứ tự ưu tiên của nó trong đời sống”. Và gần đây hơn, có thể kể thêm Internet trong danh sách này.

Trở lại “mức độ đạo đức thời đại đồ đá”

Tác động của những ảnh hưởng tiêu cực này biểu hiện thế nào trong giới trẻ? Một điều là trong những năm gần đây, có nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên hơn trước, phạm những hành vi bạo tàn đối với các trẻ em khác cũng như đối với người lớn.

Vào năm 1998, một vụ xảy ra ở Thụy Điển, khiến người ta sửng sốt. Hai đứa con trai, năm và bảy tuổi, đã bóp cổ đứa bạn bốn tuổi cho đến chết! Nhiều người hỏi: Chẳng phải trẻ em có ý thức đạo đức bẩm sinh ngăn cản chúng vượt quá giới hạn nào đó sao? Một nhà tâm lý học về trẻ em đưa ra lời bình luận sắc bén như sau: “Ý thức đạo đức ngăn cản con người đi quá trớn là điều phải học tập mới có được. Nó liên quan đến... loại người làm mẫu mực cho trẻ em và những gì chúng học được nơi những người lớn xung quanh chúng”.

Một hiện tượng tương tự có thể thấy nơi những tội phạm hung bạo. Theo Sten Levander, giáo sư về tâm thần bệnh học ở Thụy Điển, từ 15 đến 20 phần trăm tổng số tù nhân hiện nay là những người bệnh tâm thần—những người cực kỳ vị kỷ, thiếu lòng thấu cảm, và không thể hay không muốn hiểu ý niệm phải trái. Ngay cả ở những trẻ em và thiếu niên dường như bình thường, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các ý thức đạo đức đã chai lỳ. Christina Hoff Sommers, giáo sư triết học, quả quyết: “Chúng ta đã trở lại mức độ đạo đức thời đồ đá”. Bà để ý thấy rằng khi các sinh viên trẻ của mình đối diện với vấn đề phải trái, thì hầu hết không chắc phải phản ứng ra sao. Rồi họ đáp rằng không có gì là phải hay trái. Họ tin rằng mỗi người phải cân nhắc xem điều gì là tốt nhất cho mình.

Trong những lúc gần đây, nhiều sinh viên của bà đã bác bỏ nguyên tắc về giá trị và phẩm giá của sinh mạng con người. Thí dụ, khi được hỏi họ sẽ hành động thế nào nếu phải quyết định cứu mạng con vật yêu quý của mình hoặc cứu mạng một người đồng loại mà họ không quen biết, thì nhiều sinh viên nói họ sẽ chọn con vật.

Giáo Sư Sommers nói: “Vấn đề không phải là giới trẻ thiếu hiểu biết, không tin người, nhẫn tâm, hoặc phản trắc. Nói thẳng ra là họ không có khái niệm gì về phải trái”. Bà quả quyết rằng nhiều người trẻ ngày nay thậm chí còn nghi ngờ không biết có điều gì là phải hay trái, và bà nghĩ rằng thái độ này là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội.

Do đó đạo đức suy yếu trong thời chúng ta là thực tại. Nhiều người sợ rằng điều đó có thể gây ra hậu quả khủng khiếp. Bài báo trong Die Zeit đề cập ở trên nói rằng nền kinh tế thị trường tự do ngày nay có thể dần dần “thoái hóa và một ngày nào đó có lẽ sụp đổ”.

Tất cả những điều này thật sự có nghĩa gì? Và chúng ta chờ đợi tương lai nào?

[Các hình nơi trang 6, 7]

“Những người truyền bá các giá trị nay là những nhà sản xuất chương trình truyền hình, những ông trùm tư bản phim ảnh, những nhà quảng cáo thời trang, những ca sĩ nhạc ‘gangsta rap’...”