Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Phương tiện chuyên chở lý tưởng chăng?

Tại Ấn Độ, người ta đã quen đi xe xích lô hàng mấy chục năm nay. Tuy nhiên, tạp chí Outlook ghi nhận rằng kết cấu xích lô đã không thay đổi gì, vẫn “làm bằng gỗ, nặng, có khung gầm lớn bằng gang, ghế nghiêng khó ngồi và không có bánh răng cưa”. Trong những năm gần đây, nhiều người phản đối hình thức chuyên chở này vì nó gây khó nhọc cho người lái, thường là những người đàn ông lớn tuổi, thiếu dinh dưỡng. Giờ đây, vì ô nhiễm không khí lên đến mức báo động ở Ấn Độ, nên xích lô đã được hồi phục. Một công ty ở Delhi đã thiết kế một kiểu xích lô nhẹ và đẹp, giảm sức cản gió, có một hệ thống bánh răng cưa để khỏi phải đạp mạnh, yên xe ngồi đạp thoải mái, tay lái giảm sức căng nơi cổ tay, và băng ghế rộng, thoải mái cho khách. Theo T. Vineet, người dẫn đầu dự án này, “nó phù hợp với xu hướng thời nay đặt nặng vấn đề nhân quyền và chống lại ô nhiễm môi sinh”. Tạp chí Outlook nói: “Xe xích lộ thấp hèn có thể trở thành phương tiện chuyên chở lý tưởng của thế kỷ 21”.

Chim thông minh thật!

“Chim sẻ ở Calcutta tránh được bệnh sốt rét”, theo tạp chí thiên nhiên Pháp Terre Sauvage. Các chuyên gia nhận thấy rằng vì bệnh sốt rét lan tràn, nay các chim sẻ bay xa nhà hơn để tìm lá cây được biết là chứa nhiều chất quinine, một thuốc chống sốt rét. Chim sẻ không những dùng lá này để lót tổ mà hình như nó còn ăn lá nữa. Tạp chí nhận xét: “Chim sẻ vừa thích thành thị vừa sợ bệnh sốt rét, có vẻ đã tìm ra một phương cách ngừa bệnh”.

Không hề có đủ thì giờ

Khắp cả Âu Châu ngày càng nhiều người cảm thấy thời gian quá eo hẹp, theo tờ báo Đức Gießener Allgemeine. Dù khi đi làm, làm việc nhà hay khi thảnh thơi, người ta vẫn cảm thấy như vậy. “So với 40 năm về trước, người ta ngủ ít hơn, ăn nhanh hơn, và cảm thấy bị hối hả tại sở làm”, theo nhà xã hội học Manfred Garhammer thuộc Đại Học Bamberg. Ông thấy nhịp sống hàng ngày đi nhanh hơn tại tất cả những nước Âu Châu do ông nghiên cứu. Những máy móc gia dụng tiết kiệm lao động cũng như sự cắt giảm giờ làm việc đã không mang lại một “xã hội thảnh thơi” hoặc “dư thời gian” gì cả. Đúng hơn, nói trung bình, thời gian ngồi ăn đã rút ngắn 20 phút và giấc ngủ ban đêm rút 40 phút.

Bệnh AIDS trên toàn cầu

Theo một bản tường trình mới của Liên Hiệp Quốc, trên khắp thế giới “có hơn 50 triệu người nhiễm bệnh HIV/AIDS—con số tương đương với dân số Anh Quốc–và 16 triệu người đã chết”, theo tờ The Globe and Mail ở Canada. “Những cuộc nghiên cứu ở chín nước Châu Phi cho thấy rằng hiện nay giới nữ bị nhiễm bệnh nhiều hơn giới nam 20 phần trăm” và “thanh thiếu nữ có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS gấp năm lần so với thanh nam”. Peter Piot, giám đốc hành chính của Chương Trình Tổng Hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS, cho biết rằng tình hình ở Đông Âu “đang bùng nổ”. Bản báo cáo cho thấy rằng “tỉ lệ nhiễm khuẩn HIV ở cựu Liên Bang Xô Viết đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm vừa qua, là mức gia tăng nhanh nhất thế giới”. Các chuyên gia nói rằng điều này phản ánh sự gia tăng của nạn tiêm chích ma túy ở vùng đó. Trên khắp thế giới, hơn phân nửa số người bị nhiễm HIV/AIDS “mắc bệnh trước 25 tuổi và thường chết trước sinh nhật thứ 35”.

Thánh ca cho thiên kỷ mới

Những người thường đi nhà thờ ở Anh “sắp sửa ca những bài hát đá bóng trong buổi lễ” nếu họ chọn dùng sách thánh ca mới Thánh ca cho thiên kỷ mới, theo thời báo The Times ở Luân Đôn. Đồng ấn hành bởi Giáo Hội Anh Giáo và Giáo Hội Giám Lý, sách mới này có vài thánh ca dâng cho “Chúa Mẹ quí yêu”. Một bài ca cầu xin tình “mẫu tử” của Đấng này và gọi Đức Chúa Trời bằng giống cái trong suốt bài ca. Trong một bài thánh ca khác, Chúa Giê-su được tả như “cầu thủ kiêm chỉ đạo viên” của một đội bóng đá, và điệp khúc là một bài ca bóng đá nổi tiếng. Một số bài là do trẻ em biên soạn, trong đó có một nhóm trẻ mồ côi bởi cha mẹ chết vì bệnh AIDS. Dave Hardman, một trong những người sáng lập dự án này, nói: “Sách thánh ca này kết hợp mọi truyền thống. Chúng tôi muốn các nhà soạn nhạc xử trí thực tại của cuộc sống bằng cặp mắt đức tin”.