Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tất cả những điều này có nghĩa gì?

Tất cả những điều này có nghĩa gì?

Tất cả những điều này có nghĩa gì?

GIẢ SỬ bạn phân tích các chuẩn mực đạo đức trong những năm gần đây, bạn sẽ thấy một xu hướng rõ rệt. Chắc chắn là các chuẩn mực đạo đức ngày càng suy yếu đi giữa số người ngày càng tăng. Điều này thật sự có nghĩa gì?

Liệu nó có nghĩa là toàn bộ nền văn minh của chúng ta và toàn thể nhân loại tất phải thất bại, đang gần đến chỗ diệt vong, như một số người quả quyết không? Hay là những biến đổi như thế chỉ là những thăng trầm bình thường của lịch sử?

Nhiều người cho rằng điểm sau đúng. Họ xem sự suy đồi về đạo đức trong thời chúng ta chỉ là một trong nhiều xu hướng đã đến rồi qua trong suốt lịch sử. Họ hoàn toàn trông đợi rằng thời thế xoay vần, cuối cùng rồi những tiêu chuẩn luân lý cao sẽ trở lại. Họ có đúng không?

“Ngày sau-rốt”

Chúng ta hãy xem xét sự kiện dưới ánh sáng của quyển sách mà hàng thế kỷ được nhiều người chấp nhận là thẩm quyền về các vấn đề đạo đức—Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Ta mở rộng tầm hiểu biết khi so sánh thế gian ngày nay với lời mô tả có tính cách tiên tri trong Kinh Thánh về giai đoạn quyết định nhất trong lịch sử loài người. Đây là thời kỳ mà Kinh Thánh gọi là “ngày sau-rốt” hay “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”. (2 Ti-mô-thê 3:1; Ma-thi-ơ 24:3, NW) Như hàm ý trong hai nhóm từ trên, thời kỳ này đánh dấu sự cuối cùng rõ rệt của một kỷ nguyên và khởi đầu kỷ nguyên mới.

Lời Đức Chúa Trời báo trước rằng “những thời-kỳ khó-khăn” sẽ đánh dấu ngày cuối cùng. Để giúp những người để ý theo dõi tình hình nhận ra ngày cuối cùng, Kinh Thánh cho biết một số chi tiết. Các chi tiết này hợp lại thành lời mô tả rõ ràng, hay một điềm tổng hợp, về thời kỳ đặc biệt này.

Những đặc tính xấu của người ta

Hãy lưu ý một đặc điểm nổi bật của điềm này ngày nay: ‘Người ta bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó’. (2 Ti-mô-thê 3:2, 5) Không có giai đoạn nào khác trong lịch sử lại có đặc trưng thế tục hóa mạnh mẽ và hoàn toàn như thế. Nhiều người không còn thừa nhận Đức Chúa Trời là Đấng có thẩm quyền duy nhất, và đa số người ta không xem Kinh Thánh là nguồn lẽ thật duy nhất. Dĩ nhiên, tôn giáo vẫn tồn tại, nhưng nhiều tôn giáo có ít ảnh hưởng, chỉ có cái vẻ hào nhoáng bề ngoài mà thôi.

Kinh Thánh đề cập đến một nét đặc thù khác của điềm tổng hợp: “Người ta... không tiết-độ, dữ-tợn”, và “vì cớ tội-ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu-mến của phần nhiều người sẽ nguội lần”. (2 Ti-mô-thê 3:2, 3; Ma-thi-ơ 24:12) Một nghĩa của từ ngữ Hy Lạp dịch ra là “dữ-tợn” có nghĩa là “thiếu sự thông cảm và tình cảm con người”. Ngày nay càng ngày càng có những trẻ em nhỏ tuổi hơn trước bộc lộ tính “dữ tợn”, và phạm những tội ác càng ngày càng hung bạo hơn.

Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và kỹ thuật và sự tham lam phát sinh từ đó, khiến càng ngày càng nhiều người gạt đi những giá trị cổ truyền. Không quan tâm đến người khác, họ dùng bất cứ phương tiện nào trong tay, ngay cả những phương tiện thiếu lương thiện, nhằm vơ vét cho đầy túi tham, hòng thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình. Nạn cờ bạc gia tăng mạnh là một bằng chứng khác của thói ích kỷ, và các thống kê về tội ác trong vài thập niên vừa qua nói lên điều này một cách hùng hồn và rõ ràng.

Một nét đặc thù phổ biến trong thời chúng ta là “người ta... ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:2, 4) Một thí dụ là người ta muốn thú vui nhục dục, nhưng lại không muốn trách nhiệm chung sống trọn đời với người hôn phối. Hậu quả là cả một làn sóng gia đình tan vỡ, con cái thiếu hạnh phúc và không cảm thấy gắn bó với gia đình, cảnh cha mẹ đơn chiếc, và các bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục.

Một khía cạnh khác của điềm nêu trên là “người ta đều tư-kỷ, tham tiền”. (2 Ti-mô-thê 3:2) Theo tạp chí Đức Die Zeit, “động cơ của hệ thống [kinh tế ngày nay] là sự ích kỷ”. Hơn bao giờ hết, chạy theo tiền bạc là điều quan trọng nhất trong đời sống nhiều người. Trong cuộc đeo đuổi ích kỷ này, người ta lờ đi những giá trị khác.

Các biến cố thế giới

Ngoài việc nói đến sự suy đồi của các giá trị con người, Kinh Thánh cũng báo trước rằng những biến động khác thường ảnh hưởng đến gia đình nhân loại sẽ đánh dấu ngày cuối cùng. Thí dụ, Kinh Thánh nói rằng “dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; sẽ có sự động đất lớn, có đói-kém và dịch-lệ trong nhiều nơi”.—Lu-ca 21:10, 11.

Trừ thế kỷ 20, không có giai đoạn nào trong lịch sử lại có nhiều người đến như vậy, chịu ảnh hưởng của ngần ấy đại họa làm rung chuyển cả thế giới trong một khoảng thời gian ngắn như thế. Thí dụ, số người chết trong các trận chiến tranh trong thời gian đó vượt hơn hẳn 100 triệu người, một con số cao gấp bội số tổn thất do chiến tranh gây ra trong mấy thế kỷ trước hợp lại. Hai cuộc chiến tranh xảy ra trong thế kỷ 20 khác hẳn những cuộc chiến khác, đến nỗi người ta gọi chúng là chiến tranh thế giới. Các cuộc xung đột toàn cầu như thế chưa từng xảy ra trước đó.

Bị một quyền lực độc ác thôi thúc

Kinh Thánh cũng cho biết là có một tạo vật thần linh độc ác và quyền năng, “gọi là ma-quỉ và Sa-tan”, mục đích của hắn là dụ dỗ người ta xa rời các giá trị thực và lôi kéo họ vào sự suy thoái đạo đức. Kinh Thánh nói rằng trong ngày cuối cùng, Sa-tan xuống trái đất, “biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng”.—Khải-huyền 12:9, 12.

Kinh Thánh mô tả Ma-quỉ là “vua cầm quyền chốn không-trung, tức là thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch”. (Ê-phê-sô 2:2) Điều này hàm ý rằng Ma-quỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều người; nhưng họ thường không để ý, như chúng ta đôi lúc có thể không để ý đến chất ô nhiễm vô hình trong không khí.

Thí dụ, có thể thấy ảnh hưởng của Sa-tan trong nhiều phương tiện truyền thông hiện đại: video, phim ảnh, truyền hình, Internet, quảng cáo, sách, báo và tạp chí. Nhiều tài liệu, đặc biệt là tài liệu nhằm vào những người trẻ thiếu cảnh giác, có đầy những xu hướng cực đoan và đáng ghê tởm, chẳng hạn như sự kỳ thị chủng tộc, thuyết thần bí, sự vô luân và thú ác dâm hung bạo.

Nhiều người chân thành đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy những điểm tương tự giữa lời mô tả của Kinh Thánh về ngày cuối cùng và hiện trạng thế giới thời chúng ta. Đành rằng trong lịch sử trước thế kỷ 20 đã có một số biến cố dường như ăn khớp với lời diễn tả của Kinh Thánh trên quy mô hạn hẹp hơn. Nhưng chỉ trong thế kỷ 20, và nay trong thế kỷ 21, chúng ta mới có thể quan sát thấy được tất cả các yếu tố của điềm đó.

Kỷ nguyên mới sắp đến

Những người tin rằng nhân loại sẽ bị hủy diệt cũng như những người quả quyết rằng mọi việc sẽ tiếp tục tồn tại như xưa đều sai. Thay vì vậy, Kinh Thánh cho thấy rõ xã hội thế gian hiện đang có thế lực, sẽ được thay thế bằng cái hoàn toàn mới.

Sau khi kể ra một số đặc điểm của điềm trong ngày sau rốt, Chúa Giê-su nói: “Cũng vậy, khi các ngươi thấy những điều ấy xảy ra, hãy biết nước Đức Chúa Trời gần đến”. (Lu-ca 21:31) Nước Trời của Đức Chúa Trời là đề tài chính mà Chúa Giê-su rao giảng. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Và Đức Chúa Trời bổ nhiệm ngài làm Vua của Nước Trời, đó là một chính phủ sẽ cai trị trên toàn trái đất một ngày gần đây.—Lu-ca 8:1; Khải-huyền 11:15; 20:1-6.

Vào cuối những ngày sau rốt, Nước Trời của Đức Chúa Trời trong tay Đấng Christ sẽ loại trừ mọi kẻ thù—Ma-quỉ và những người ủng hộ hắn—và thay thế xã hội thối nát về đạo đức hiện nay bằng một thế giới mới công bình. (Đa-ni-ên 2:44) Trong thế giới mới này, những người có lòng ngay thẳng sẽ hưởng đời sống vô tận trên một trái đất biến thành địa đàng.—Lu-ca 23:43; 2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:3, 4.

Những người ghê tởm sự suy đồi đạo đức ngày nay và nhận thấy điềm tổng hợp của ngày cuối cùng đang ứng nghiệm qua các biến cố hiện đại, có thể trông chờ một tương lai tuyệt vời. Chúng ta cảm ơn Đức Chúa Trời Toàn Năng về triển vọng này vì Ngài quan tâm đến loài người chúng ta và có một ý định huy hoàng cho trái đất, vật sáng tạo của Ngài.—Thi-thiên 37:10, 11, 29; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

Nhân Chứng Giê-hô-va mời bạn học thêm về Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương và về triển vọng sống trong một thế giới trong sạch về đạo đức mà Ngài đưa ra cho mọi người tìm kiếm. Như Kinh Thánh nói, “sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”.—Giăng 17:3.

[Hình nơi trang 10]

Những người có lòng ngay thẳng sẽ hưởng đời sống vô tận nơi địa đàng trên đất