Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hươu cao cổ—Cao lừng lững, chân dài, và dáng tao nhã

Hươu cao cổ—Cao lừng lững, chân dài, và dáng tao nhã

Hươu cao cổ—Cao lừng lững, chân dài, và dáng tao nhã

THÔNG TÍN VIÊN TỈNH THỨC! Ở KENYA

VÀO lúc hừng sáng những tảng đá xám ẩm ướt và lạnh. Chúng tôi đã núp mình giữa những tảng đá lớn này, tay cầm cốc trà nóng và chăm chú nhìn xuống thảo nguyên Phi Châu. * Sự kiên nhẫn của chúng tôi đã có kết quả. Trong ánh sáng dịu của bình minh, một đàn hươu cao cổ—cao lừng lững, chân dài, và dáng tao nhã—bước đi ung dung ngang qua cánh đồng. Di chuyển có vẻ chậm rãi, với chân như cà kheo chúng bước đi khoan thai, chiếc cổ cong và cao đu đưa như cột buồm của những con thuyền đi trong gió. Chúng tôi hầu như ngưng thở. Cảnh tượng tuyệt đẹp!

Không chú ý đến sự hiện diện của chúng tôi, chúng đồng loạt tiến đến một lùm cây keo sum sê, và vươn tới đỉnh các nhánh đầy gai. Nhẹ nhàng và cẩn thận, những con vật khổng lồ hiền lành dùng lưỡi dài ngắt những lá xanh bé tí. Đứng cao lừng lững, chúng đưa đầu vào giữa một khóm các tổ chim và thản nhiên gặm lá. Các con chim la mắng om sòm những kẻ xâm phạm cao cổ. Giật mình vì sự cự tuyệt huyên náo, đàn hươu lặng lẽ, hiên ngang đi đến những cây khác.

Nhanh nhẹn và thanh nhã

Bất cứ ai đã thấy những con vật này thò cổ ra ngoài hàng rào sở thú có thể thấy khó hình dung vẻ đẹp và dáng thanh nhã của chúng khi chúng chạy tự do trong vùng hoang dã ở Phi Châu. Những động tác của hươu cao cổ rất thanh nhã và nhẹ nhàng. Khi phi mình qua những đồng cỏ trống trải, dáng hình mảnh khảnh, gần như yếu ớt, khiến chúng trông có vẻ như có thể vấp phải một chướng ngại nhỏ bé và ngã nhào. Trái lại, một con hươu cao cổ đực lớn cân nặng đến 1.300 kilogram là một đấu thủ chạy nhanh không thể ngã và có thể đạt đến tốc độ gần 60 kilômét một giờ.

Động vật hấp dẫn này chỉ tìm thấy ở Phi Châu. Bản chất hiền lành hòa nhã của nó khiến người ta nhìn ngắm nó một cách thích thú. Mặt của hươu cao cổ có thể được miêu tả là đặc biệt và ngay cả xinh xắn, có đôi tai dài, hẹp và đôi sừng nhỏ có núm lông đen mượt mà ở đỉnh. Mắt rất to và đen, được bảo vệ bởi hàng lông mi quăn, dài. Khi hươu nhìn đăm đăm vào khoảng không từ vị trí cao thuận lợi, mặt nó trông ngây thơ và hiếu kỳ.

Vào thời xưa, hươu được quý chuộng nhờ có vẻ đẹp lại có bản tính nhút nhát và ôn hòa. Hươu tơ được dâng lên cho vua chúa làm quà tượng trưng cho hòa bình và thiện chí giữa các nước. Ngày nay người ta vẫn có thể xem thấy những hình vẽ đã phai màu của hươu cao cổ trong những tranh cổ trên đá của Phi Châu.

Đứng cao

Hươu cao cổ là động vật cao nhất trong các động vật. Từ móng đến sừng, con đực trưởng thành có thể cao đến hơn 5,5 mét. Trong chữ viết tượng hình cổ Ai Cập, hươu cao cổ tượng trưng cho động từ “tiên đoán” hoặc “nói trước”, biểu thị chiều cao ghê gớm và khả năng thấy xa.

Đứng giữa những con ngựa vằn, đà điểu, linh dương và những động vật khác ở đồng bằng Phi Châu, hươu cao cổ hành động như một chòi canh. Nhờ cao và có sức nhìn tuyệt vời nên nó có thể thấy xa và phát hiện sớm bất cứ nguy hiểm nào sắp đến. Vì thế, sự hiện diện cao ngất của nó chắc chắn khiến cho những con vật khác cảm thấy an toàn phần nào.

Một sự sáng tạo kỳ diệu

Hươu cao cổ được sáng tạo một cách tuyệt diệu để gặm những cành cao nhất của những cây cao mà các con vật khác không vươn tới được, ngoại trừ voi. Sự thiết kế độc đáo của môi trên nắm được và lưỡi dễ uốn khiến nó có thể nhẹ nhàng ngắt lá khỏi những cành đầy ngạnh và gai nhọn như kim.

Hươu cao cổ có thể tiêu thụ đến 34 kilogram lá cây một ngày. Mặc dù có thể ăn nhiều loại lá cây khác nhau, chúng thích nhất cây keo có gai mọc rải rác trên các đồng bằng Phi Châu. Hươu đực có thể lè lưỡi ra dài 42 centimét để tìm thức ăn. Cổ của hươu dễ uốn một cách lạ thường. Nhờ đó nó có thể quay và nghiêng chiếc đầu dài một cách lạ lùng khi cẩn thận luồn lách giữa những cành trên của cây.

Vươn lên cao thì dễ cho hươu cao cổ, nhưng uống nước thì lại là chuyện khác. Khi đến một trũng nước, hươu phải chầm chậm dang hai chân trước ra, rồi cong cả hai đầu gối để uống nước. Trong tư thế vụng về này, con hươu phải căng chiếc cổ dài tới mức tối đa mới uống được. Cũng đỡ là hươu cao cổ không cần uống thường xuyên vì nó thường nhận đủ nước ẩm từ những lá cây mọng nước mà nó ăn.

Cổ và sườn của hươu cao cổ được tô vẽ một kiểu lưới đẹp gồm những hàng trắng hẹp tạo thành một lưới những mẫu giống lá cây. Màu sắc thay đổi từ nâu vàng đến nâu hạt dẻ đậm và cả đen. Khi hươu cao cổ già đi, màu của nó đậm dần.

Đời sống gia đình

Hươu cao cổ là loài vật sống thành đàn, di chuyển thành những đàn lỏng lẻo gồm 2 đến 50 con. Hươu cái mang thai có thời kỳ thai nghén từ 420 đến 468 ngày trước khi sinh ra một hươu con cao hai mét. Lúc sinh ra, hươu con rơi từ hơn hai mét xuống đất, đầu xuống trước! Nhưng trong vòng 15 phút hươu con không hề hấn gì, loạng choạng đứng lên và sẵn sàng bú sữa. Sau hai hoặc ba tuần, hươu con theo bản năng bắt đầu gặm những đầu non của cành cây keo và chẳng bao lâu có đủ sức để theo kịp những bước dài của hươu mẹ.

Hươu con giống hệt cha mẹ nó, trông tuyệt đẹp. Tuy thấp so với hươu trưởng thành nhưng nó vẫn cao hơn đa số người ta. Đứng trông hiếu kỳ và không biết sợ dưới đôi mắt đề phòng của hươu mẹ cao ngất, ngắm hươu con là việc rất thú vị.

Trong mùa sinh nở, những hươu con được tập hợp lại thành những nhóm riêng, nơi đó cả ngày chúng nghỉ ngơi, vui chơi, và quan sát những gì xảy ra quanh chúng. Một hươu con mới sinh lớn nhanh không thể tưởng. Trong sáu tháng, hươu con có thể lớn đến một mét và trong vòng một năm chiều cao của nó có thể tăng gấp đôi. Chỉ trong một tuần, hươu con có thể lớn thêm đến 23 centimét! Hươu mẹ rất chăm lo che chở hươu con, mặc dù cho con đi lang thang xa mình, nhưng nhờ thị lực tuyệt hảo, nó vẫn nhìn thấy con.

Với kích thước, tính nhanh nhẹn và tốc độ nổi bật cũng như thị lực tốt, hươu cao cổ có ít kẻ thù trong vùng hoang dã ngoài sư tử. Song, chính loài người là kẻ đi săn và giết rất nhiều con vật xinh đẹp này. Bị săn đuổi gay gắt để lấy bộ da đẹp, thịt ngon và lông đuôi đen dài của nó—thứ mà một số người tin là có năng lực thần bí—động vật hiền hòa này hiện đứng trước một tương lai không chắc chắn. Một thời có rất nhiều tại nhiều nơi ở Phi Châu, hươu cao cổ hiện nay chỉ tương đối an toàn bên trong những khu công viên vui chơi giải trí và ở những khu bảo tồn mà thôi.

Ngày nay khách tham quan trong một cuộc hành trình ở Phi Châu vẫn có thể rộn ràng lên khi thấy hươu cao cổ chạy tự do trên những đồng cỏ mênh mông. Ở đó người ta có thể thấy chúng gặm lá ở đỉnh những cây keo nhiều gai hoặc thấy chúng chỉ đứng nhìn đăm đăm vào khoảng không theo kiểu đặc thù của hươu cao cổ. Động vật tuyệt đẹp này, với hình dáng kỳ lạ và bản chất ôn hòa, quả thật là một sự sáng tạo kỳ diệu—thêm một bằng chứng về quyền năng sáng tạo và cá tính độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời toàn năng Giê-hô-va.—Thi-thiên 104:24.

[Chú thích]

^ đ. 3 Những đồi nhỏ đầy đá trải rộng trên những vùng đồng không mông quạnh ở Phi Châu được gọi là gò.

[Khung/​Hình nơi trang 18]

MỘT KỲ CÔNG CỔ DÀI

Người ta có lẽ nghĩ rằng hình dáng kỳ lạ và kích thước khổng lồ của hươu cao cổ hẳn gây lắm trở ngại. Vì hươu rất cao và có cổ dài, việc điều hòa máu lưu thông đến khắp cơ thể dường như không thể được. Thí dụ, khi hươu cúi đầu xuống đất, lực hút có thể làm cho máu dồn vào đầu, làm ngập não. Khi hươu ngẩng đầu lên, máu có thể dồn trở lại tim, khiến con vật bất tỉnh. Tuy nhiên, việc này không xảy ra. Tại sao thế?

Hệ tuần hoàn của hươu cao cổ quả thật là một kết cấu kỳ diệu, được tạo ra một cách khéo léo để thích hợp với dáng hình độc đáo và kích thước của con vật. Tim của nó lớn khác thường và phải bơm rất mạnh để đưa máu lên não, nằm trên tim đến 3,5 mét. Đập đến 170 lần mỗi phút, tim đầy cơ bắp có thành dày bảy centimét sản xuất áp lực tâm thu gấp gần ba lần của con người. Để xử lý một lực như thế một cách an toàn, cả động mạch cảnh, mạch đưa máu đến não, lẫn tĩnh mạch cảnh, mạch đưa máu về tim, cần phải lớn. Quả thật những mạch máu này có đường kính hơn 2,5 centimét và được củng cố thêm bằng mô dai co dãn, khiến chúng dẻo và chắc.

Khi hươu cúi đầu xuống, van trong tĩnh mạch cảnh cản không cho máu dồn về não. Ở đáy não, động mạch cảnh lớn chạy vào một cấu trúc tuyệt diệu khác đã được người ta gọi là lưới đặc biệt. Tại đây, máu chảy dồn đến óc khi đầu hươu cao cổ cúi xuống, được làm chậm lại bằng cách cho chảy vào một mạng lưới đặc biệt gồm nhiều mạch máu rất nhỏ điều hòa huyết áp và bảo vệ não khỏi bị máu đổ ập vào. Lưới đặc biệt giãn ra khi đầu cúi xuống và co lại khi hươu cao cổ ngẩng đầu lên, nhờ đó chống lại huyết áp giảm rất thấp và mối nguy cơ bị thoáng ngất đi.

Cổ của hươu cũng là một cấu trúc kỳ diệu. Các nhà khoa học ngạc nhiên khi khám phá rằng cổ lạ lùng của hươu cao cổ chứa cùng một số đốt sống như cổ của chuột hoặc phần lớn những động vật có vú khác! Tuy nhiên, không giống như phần lớn những động vật có vú khác, hươu cao cổ có đốt sống thon dài được cấu trúc trong một kết cấu cầu ổ đặc biệt, cung cấp tính chất mềm dẻo khác thường. Vì thế, hươu cao cổ có thể uốn cong và vặn xoắn cổ nó để gãi lông khắp thân hoặc nhẹ nhàng vươn tới đỉnh các cành cây để ăn lá.