Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Louis Braille mang ánh sáng đến cho những người bị giam cầm trong bóng tối

Louis Braille mang ánh sáng đến cho những người bị giam cầm trong bóng tối

Louis Braille mang ánh sáng đến cho những người bị giam cầm trong bóng tối

BẠN quý khả năng đọc và viết như thế nào? Một số người có thể xem nhẹ khả năng này, nhưng đọc và viết chính là nền tảng cho sự học hỏi. Mất đi khả năng thu nhận chữ viết là mất đi chìa khóa để mở một kho kiến thức rộng lớn.

Trải qua hàng trăm năm, người mù không đọc được chữ viết. Tuy nhiên, trong thế kỷ 19, vì quan tâm đến tình cảnh đáng thương của người mù nên một thanh niên tận tâm đã phát triển một phương pháp giao tiếp mở ra một cánh cửa mới cho mình và hàng triệu người khác.

Hy vọng bắt nguồn từ tai họa

Louis Braille sinh năm 1809 tại làng Coupvray ở Pháp, cách Paris khoảng 40 kilômét. Cha là Simon-René Braille, kiếm sống bằng nghề làm yên ngựa. Có lẽ lúc còn nhỏ Louis thường chơi ở nơi cha làm việc. Tuy nhiên, đó là nơi một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra. Nắm một dụng cụ nhọn và sắc—có lẽ cái dùi—Louis chẳng may đâm vào mắt mình. Vết thương không cứu chữa được. Tệ hơn nữa, chẳng bao lâu sự nhiễm trùng lây qua mắt bên kia. Mới lên ba tuổi, Louis đã bị mù hoàn toàn.

Cố gắng cải thiện hoàn cảnh, cha mẹ Louis và linh mục của xứ đạo, Jacques Palluy, sắp xếp cho Louis tham dự những lớp học tại trường địa phương. Louis hấp thu rất nhiều những gì mình nghe được. Thật vậy, trong vài năm ông đứng đầu lớp! Nhưng những gì một người mù có thể học được qua phương pháp soạn ra cho người sáng mắt thì có giới hạn. Vì thế vào năm 1819, Louis ghi tên học ở Trường Hoàng Gia dành cho thiếu niên mù.

Người sáng lập trường này, Valentin Haüy, là một trong những người đầu tiên thiết lập một chương trình giúp đỡ người mù đọc. Ông có nguyện vọng chống lại quan điểm phổ biến là sự đui mù ngăn cản một người hưởng lợi ích của một nền giáo dục chính thức. Những thử nghiệm ban đầu của Haüy bao gồm những chữ lớn rập nổi trên giấy dày. Tuy thô thiển, nhưng những nỗ lực này đặt nền móng cho sự phát triển sau này.

Braille học cách đọc những chữ rập nổi lớn trong các sách của thư viện nhỏ của ông Haüy. Tuy nhiên, Braille thấy rằng phương pháp học này chậm và không thực tế. Nói cho cùng, chữ là để đọc bằng mắt—chứ không phải bằng ngón tay. May thay, một người khác nhận ra những giới hạn này sắp xuất hiện trong lĩnh vực đó.

Ý kiến đến từ một nguồn bất ngờ

Vào năm 1821 khi Louis Braille mới 12 tuổi, Charles Barbier, một đại úy pháo binh Pháp đã về hưu, đến thăm trường. Ông trình bày một phương pháp giao tiếp gọi là viết đêm, sau này gọi là phương pháp siêu âm. Cách viết đêm được phát triển để dùng ở chiến trường. Đó là phương pháp giao tiếp bằng xúc giác, dùng các chấm nổi sắp thành hình chữ nhật cao sáu chấm, rộng hai chấm. Khái niệm dùng mã để tượng trưng cho các chữ về ngữ âm được người ta hưởng ứng ở trường đó. Braille hăng hái làm theo phương pháp mới này và còn cải tiến nó nữa. Nhưng muốn làm hệ thống này thật sự thiết thực, Braille phải kiên trì. Ông viết trong sổ nhật ký: “Nếu mắt tôi không cho tôi biết về người ta và các biến cố, ý tưởng và học thuyết, thì tôi phải tìm cách khác”.

Vì thế trong hai năm tiếp theo sau, Braille bền bỉ làm việc để đơn giản hóa bộ mã. Cuối cùng, ông phát triển một phương pháp rõ ràng và tao nhã dựa trên một ô chỉ cao ba chấm và rộng hai chấm. Năm 1824, lúc 15 tuổi, Louis Braille hoàn tất một hệ thống ô sáu chấm. Không lâu sau, Braille bắt đầu dạy học tại trường đó, và vào năm 1829 ông cho xuất bản phương pháp giao tiếp độc đáo mà ngày nay được gọi bằng danh ông. Ngoài những tu chỉnh nhỏ, về cơ bản hệ thống của ông cho đến nay vẫn không hề thay đổi.

Phổ biến chữ Braille khắp thế giới

Cuối thập niên 1820 cuốn sách đầu tiên giải thích sự phát minh về chấm nổi của ông Braille được xuất bản; nhưng phải qua một thời gian lâu nó mới được chấp thuận rộng rãi. Ngay cả tại trường ông dạy, bộ mã mới cũng không được chính thức chấp nhận cho đến năm 1854—hai năm sau khi ông Braille qua đời. Tuy nhiên, phương pháp tốt vượt bậc này cuối cùng được người ta ưa thích.

Một số tổ chức đã xuất bản ấn phẩm chữ Braille. Hội Tháp Canh bắt đầu xuất bản loại ấn phẩm này vào năm 1912, khi bộ mã vẫn còn đang được tiêu chuẩn hóa cho thế giới nói tiếng Anh. Ngày nay dùng phương pháp in ấn chữ Braille tiên tiến, Hội rập nổi hàng triệu trang mỗi năm trong tám thứ tiếng và phân phát những ấn phẩm này cho hơn 70 nước. Gần đây, Hội tăng gấp đôi số lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về ấn phẩm Kinh Thánh chữ Braille.

Ngày nay bộ mã Braille đơn giản, được chế tạo một cách khéo léo, giúp hàng triệu người bị khuyết tật về thị lực có thể đọc được chữ viết—nhờ nỗ lực tận tụy của một thiếu niên cách đây gần 200 năm.

[Khung/​Hình nơi trang 29]

GIẢI MÃ BRAILLE

Chữ Braille đọc từ trái sang phải, dùng một hoặc cả hai tay. Có 63 tổ hợp chấm có thể dùng cho mỗi ô chữ Braille. Vì thế, tất cả chữ và việc chấm câu trong phần lớn các bảng chữ cái có thể được ấn định một tổ hợp chấm nhất định. Một số ngôn ngữ dùng một thể chữ Braille rút gọn, trong đó một số ô tượng trưng cho những tổ hợp chữ thường thấy hoặc nguyên cả từ. Một số người đọc thạo chữ Braille đến độ họ có thể đọc được 200 chữ một phút!

[Hình]

Mười chữ đầu chỉ dùng các chấm ở hai hàng trên

Mười chữ kế tiếp thêm một chấm bên trái hàng cuối vào mỗi chữ của mười chữ đầu

Năm chữ cuối cùng thêm cả hai chấm hàng cuối vào năm chữ đầu; chữ “w” là ngoại lệ vì nó được cho thêm vào bảng chữ cái tiếng Pháp sau này

[Nguồn hình ảnh nơi trang 28]

Chân dung: © Maison Natale de Louis Braille - Coupvray, France/Photo Jean-Claude Yon