Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự suy gẫm có lợi

Sự suy gẫm có lợi

Quan điểm Kinh Thánh

Sự suy gẫm có lợi

HỠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ HÒN ĐÁ TÔI, VÀ LÀ ĐẤNG CỨU-CHUỘC TÔI, NGUYỆN LỜI NÓI CỦA MIỆNG TÔI, SỰ SUY-GẪM CỦA LÒNG TÔI ĐƯỢC ĐẸP Ý NGÀI!”—THI-THIÊN 19:14.

“SUY- GẪM” có nghĩa gì đối với bạn? Nếu bạn nghe theo những lời dạy của một số tôn giáo Phương Đông, bạn có thể tin rằng đó là điều đem lại tư duy sáng suốt hơn hoặc sự giác ngộ đặc biệt. Sự suy gẫm hoặc thiền định thực hành trong Phật Giáo khuyến khích việc làm vắng lặng nội tâm. Những hình thức suy gẫm khác khuyến khích tập trung tâm trí vào “những chân lý chung về sự khôn ngoan”.

Quan điểm Kinh Thánh về suy gẫm khác với những điều này. Về phương diện nào? Hãy xem gương trong Kinh Thánh về một người tên là Y-sác, lúc 40 tuổi ông có nhiều điều để suy gẫm. Sáng-thế Ký 24:63 nói: ‘‘Lối chiều, người đi ra ngoài đồng đặng suy gẫm”. Không có lý do nào để cho rằng Y-sác làm vắng lặng nội tâm hoặc ông chỉ suy tưởng về một “chân lý chung” mơ hồ “về sự khôn ngoan”. Chắc hẳn Y-sác có những điều cụ thể để nghĩ đến, như tương lai mình, việc mất mẹ hoặc ai sẽ là vợ mình. Ông dùng thì giờ riêng vào chiều tối để suy gẫm, rất có thể về những vấn đề hệ trọng đó. Trong Kinh Thánh, suy gẫm không phải chỉ là mơ mộng.

Suy gẫm bao hàm nhiều điều

Hãy xem gương của người viết Thi-thiên là Đa-vít. Ông gặp phải một loạt những vấn đề dường như không vượt qua được, và ông biết rõ rằng là người bất toàn, ông cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để biết cư xử một cách đúng đắn. Điều gì làm Đa-vít vững mạnh qua những hoàn cảnh khó khăn? Như ghi nơi Thi-thiên 19:14, Đa-vít nói: ‘‘Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, và là Đấng cứu-chuộc tôi, nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy-gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” Từ Hê-bơ-rơ ở đây được dịch là “suy-gẫm” đến từ một từ gốc có nghĩa đen “nói với bản thân”. Đúng thế, Đa-vít ‘nói với bản thân’ về Đức Giê-hô-va, hoạt động, công việc, luật pháp và sự công bình của Ngài.—Thi-thiên 143:5.

Cũng thế, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu xem việc dành thì giờ để suy gẫm về điều thiêng liêng là một phần của sự thờ phượng thật. Sứ đồ Phao-lô khuyên nhủ: ‘‘Phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. (Phi-líp 4:8) Tất nhiên, muốn có những ý tưởng xây dựng, những “điều” này mà Phao-lô nói đến cần phải thâm nhập tâm trí chúng ta trước đã. Bằng cách nào?

Người viết Thi-thiên cho câu trả lời. Thi-thiên 1:1, 2 đọc: ‘‘Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm [“đọc lẩm nhẩm”, NW] luật-pháp ấy ngày và đêm”. Đúng vậy, người viết Thi-thiên thường xuyên đọc luật pháp Đức Chúa Trời. Nhờ vậy ông mới có thể suy gẫm những điều ông biết được về Đấng Tạo Hóa.

Suy gẫm ngày nay

Đọc Kinh Thánh là điều vô giá, nhưng sau khi đọc, chúng ta phải suy gẫm, suy nghĩ sâu xa, hoặc “nói với bản thân” về điều mình đã đọc. Cũng như tiêu hóa là cần thiết nếu chúng ta muốn được hết các lợi ích từ đồ mình ăn, suy gẫm là cần thiết nếu chúng ta muốn hấp thu những gì mình đọc trong Kinh Thánh. Suy gẫm đúng đắn không chỉ loại ra những ý tưởng tiêu cực. Nó còn giúp chúng ta suy xét những giải pháp dựa trên Kinh Thánh cho các vấn đề của chúng ta. Sự suy gẫm như thế có thể giúp chúng ta đối phó thành công với những mối lo âu trong đời sống thường ngày.—Ma-thi-ơ 6:25-32.

Người viết Thi-thiên Đa-vít nhận thức vai trò của sự suy gẫm trong việc làm đẹp ý Đức Chúa Trời. Ông nói: ‘‘Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan”. (Thi-thiên 37:30, Tòa Tổng Giám Mục) Đúng vậy, suy gẫm là một dấu hiệu nhận diện một người thờ phượng trung thành. Được Đức Chúa Trời xem là công bình là một ân phước rất lớn, và nó đem lại những lợi ích về thiêng liêng. Thí dụ, Kinh Thánh nói rằng ‘‘con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. (Châm-ngôn 4:18) Vì thế, tín đồ Đấng Christ nào biết vâng lời mà “niệm lẽ khôn ngoan” thì có thể trông mong ngày càng hiểu biết thêm về Kinh Thánh.

Kinh Thánh cũng khuyên tín đồ Đấng Christ hãy suy gẫm về những trách nhiệm ghi trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô bảo Ti-mô-thê: ‘‘Hãy săn-sóc chuyên-lo [“suy gẫm”, Trần Đức Huân] những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con. Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con; phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:15, 16) Vâng, những gì chúng ta nói và làm có thể ảnh hưởng sâu sắc đến người khác.

Rõ ràng, chúng ta có nhiều lý do để trầm ngâm suy tưởng về những điều quan trọng. Ngẫm nghĩ về những kinh nghiệm đã qua, suy nghĩ về những vấn đề hiện tại và suy tư về tương lai mình là điều rất quan trọng. Nhưng trên hết mọi sự, suy gẫm sẽ đem lại sự soi sáng lớn nhất nếu tư tưởng chúng ta tập trung vào sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

[Hình nơi trang 19]

“Người suy nghĩ”, của Rodin