Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao bạn nên tránh ma thuật

Tại sao bạn nên tránh ma thuật

Tại sao bạn nên tránh ma thuật

NẾU bạn được dạy rằng một số hình thức của ma thuật là những cách liên lạc với các thần linh tốt, thì những gì Kinh Thánh nói về ma thuật có thể làm bạn ngạc nhiên. Thí dụ, Kinh Thánh nói: “Các ngươi chớ cầu đồng-cốt hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô-uế”.Lê-vi Ký 19:31; 20:6, 27; chúng tôi viết nghiêng.

Thật vậy, Kinh Thánh nói rằng “Đức Giê-hô-va lấy làm gớm-ghiếc” người thực hành ma thuật. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:11, 12) Tại sao thế? Xem xét cặn kẽ những gì Kinh Thánh nói về một đặc điểm chính của ma thuật—đó là nó cho rằng người ta có thể liên lạc được với người chết—sẽ trả lời câu hỏi đó.

Người chết có còn sống không?

Trái với điều nhiều người nghĩ, Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, dạy rằng người ta không thể liên lạc với người thân đã chết. Tại sao không được? Nếu bất cứ ai liên lạc được với người chết, thì người chết phải thật sự còn sống. Một phần của họ tất phải tồn tại sau khi họ chết. Một số người cho rằng linh hồn tiếp tục sống sau khi thân xác chết đi. Điều đó đúng không?

Kinh Thánh tường thuật về sự sáng tạo con người như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh [“linh hồn sống”, NW]”. (Sáng-thế Ký 2:7, chúng tôi viết nghiêng). Theo lời này, thì chẳng phải chính người một linh hồn hay sao? Chẳng phải người ấy không một linh hồn bất tử, tiếp tục sống sau khi thân xác chết hay sao? Thật vậy, Kinh Thánh nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. (Ê-xê-chi-ên 18:4) “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết... Dưới Âm-phủ”, tức mồ mả chung của nhân loại, “chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”.—Truyền-đạo 9:5, 10.

Vì vậy theo Kinh Thánh, linh hồn không phải là một cái gì đó tồn tại sau khi thân thể chết đi và sau đó người sống có thể liên lạc với nó. Sau đây là thí dụ về hai học giả Kinh Thánh có uy tín đã đi đến kết luận rằng linh hồn chết. Nhà thần học người Canada Clark H. Pinnock nhận định: “Khái niệm này [rằng linh hồn con người bất tử] đã ảnh hưởng đến ngành thần học trong một thời gian dài thật dài nhưng nó không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Kinh Thánh không dạy rằng linh hồn có tính bất tử bẩm sinh”. Tương tự, học giả người Anh John R. W. Stott nói: “Linh hồn bất tử—và do đó không thể hủy diệt–là một khái niệm của người Hy Lạp chứ không phải của Kinh Thánh”.

Tuy nhiên, người ta quả có tiếp nhận thông điệp và nghe tiếng nói dường như đến từ người chết. Thế thì ai nói đó?

Liên lạc với ai?

Kinh Thánh thuật rằng một thần linh vô hình đã dùng một con rắn, gần giống như người biết nói tiếng bụng dùng hình nộm, để nói chuyện với người đàn bà đầu tiên là Ê-va, và đưa bà đến chỗ phản nghịch Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 3:1-5) Kinh Thánh gọi thần linh, hay thiên sứ này là “con rắn xưa, gọi là ma-quỉ và Sa-tan, dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9) Thiên sứ đó, tức Sa-tan, dụ dỗ được các thiên sứ khác vào con đường phản nghịch. (Giu-đe 6) Các thiên sứ ác này, gọi là quỉ, là kẻ thù của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh cho thấy các quỉ có khả năng ảnh hưởng đến người ta. (Lu-ca 8:26-34) Thế thì không có gì lạ khi Luật Pháp Đức Chúa Trời nói: “Ở giữa ngươi chớ nên có... người đi hỏi đồng-cốt, kẻ thuật-số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm-ghiếc kẻ làm các việc ấy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12) Lờ đi luật pháp này nguy hiểm như thế nào?

Kinh nghiệm có thật của Sau-lơ, Vua nước Y-sơ-ra-ên xưa, giải đáp câu hỏi đó. Vì sợ kẻ thù, Vua Sau-lơ đi tìm một bà bóng. Ông ta yêu cầu bà bóng liên lạc với nhà tiên tri đã chết là Sa-mu-ên. Vừa khi nghe bà bóng diễn tả về một ông già, Sau-lơ cho chiếc bóng đó là Sa-mu-ên. Và Sau-lơ đã nhận được tin gì? Y-sơ-ra-ên sẽ lọt vào tay kẻ thù, và Sau-lơ cùng các con trai ông sẽ ở với “Sa-mu-ên”, nghĩa là họ sẽ chết. (1 Sa-mu-ên 28:4-19) Đức Chúa Trời đã phản ứng ra sao trước quyết định của Sau-lơ đi cầu vấn bà bóng? Kinh Thánh nói cho chúng ta biết: “Vua Sau-lơ chết, vì tội-lỗi mình... lại vì đã cầu-hỏi bà bóng”. (1 Sử-ký 10:13) Cái giá phải trả thật đắt thay!

Tương tự như thế, ngày nay ai dính dáng vào ma thuật thì tự đặt mình trong vòng nguy hiểm nghiêm trọng. Kinh Thánh cảnh cáo rằng “kẻ phù-phép” sẽ gánh chịu “sự chết thứ hai [hay đời đời]”. (Khải-huyền 21:8; 22:15) Thế thì, quả rõ ràng, đường hướng khôn ngoan là tránh mọi hình thức ma thuật và nhờ đó mà bảo toàn sinh mạng.

Làm thế nào chống lại ác thần?

Nếu bạn đã dính dáng đến ma thuật rồi, thì sao? Thế thì bạn nên khôn ngoan thực hiện ngay một số bước nhằm che chở chính bạn và gia đình để khỏi bị các ác thần hãm hại. Có những bước nào? Để minh họa: Một người che chở nhà họ và gia đình khỏi bị sâu bọ như thế nào? Sau khi diệt trừ chúng, người ấy vứt bỏ ra khỏi nhà mình những thứ thu hút sâu bọ, bít kẽ nứt và củng cố các bức tường để chặn đứng sự xâm nhập của sâu bọ. Nếu tai họa còn tiếp diễn, người ấy có thể yêu cầu giới chức địa phương giúp đỡ để đối phó với vấn đề.

Một phương pháp tương tự có thể giúp bạn kháng cự ác thần và thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Hãy xem gương những người ở Ê-phê-sô thực hành ma thuật trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ. Sau khi quyết định từ bỏ ma thuật, họ đã thực hiện ba bước nhằm che chở mình khỏi các cuộc tấn công giống như sâu bọ của ác thần. Họ đã làm gì?

Bước đầu

Kinh Thánh giải thích: “Có lắm người trước theo nghề phù-phép đem sách-vở mình đốt trước mặt thiên-hạ”. (Công-vụ 19:19) Qua việc tiêu hủy các sách bói toán, những tín đồ Đấng Christ mới đã nêu gương mẫu cho tất cả những ai muốn chống lại các ác thần ngày nay. Hãy tiêu hủy mọi đồ vật liên quan đến ma thuật. Những vật này gồm tất cả sách báo, tạp chí, sách truyện bằng tranh, băng video, áp phích, tài liệu điện tử, những đĩa hoặc băng nhạc có tính cách ma thuật, cũng như bùa ngải hay các vật “hộ mệnh”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25, 26; 1 Cô-rinh-tô 10:21.

Nhiều thập niên, một người đàn ông ở Nam Mỹ đã chìm đắm trong thực hành ma thuật nhưng đã hết lòng áp dụng lời khuyên này của Kinh Thánh. Ông kể lại: “Một ngày nọ, tôi gom tất cả các đồ vật ma thuật lại thành đống ở phía trước nhà, tay cầm lưỡi rìu và băm chúng ra từng mảnh”. Rồi ông đốt hết cho đến khi không còn gì cả. Sau đó ông tiến bộ nhanh về thiêng liêng và chẳng bao lâu trở thành người truyền giáo hăng say trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tuy nhiên, bước đầu đó chưa đủ. Tại sao thế? Ngay cả nhiều năm sau khi các tín đồ ở Ê-phê-sô đã thiêu hủy các sách ma thuật của họ, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta đánh trận... cùng thế-lực... các thần dữ”. (Ê-phê-sô 6:12) Các quỉ chưa chịu thôi. Chúng vẫn tìm cách chiếm ưu thế. Những tín đồ Đấng Christ đó cần làm gì khác?

Bước thứ hai

Phao-lô khuyên những người Ê-phê-sô trong thế kỷ thứ nhất: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. (Ê-phê-sô 6:11) Lời khuyên đó vẫn còn hiệu lực ngày nay. Rất giống như người cố ngăn chặn sâu bọ vào nhà mình bằng cách củng cố các bức tường, người tín đồ Đấng Christ phải củng cố sự phòng thủ của mình, khỏi tầm ảnh hưởng của ác thần. Bước thứ hai này gồm những gì?

Phao-lô nhấn mạnh: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức-tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần”. (Ê-phê-sô 6:16, Tòa Tổng Giám Mục, chúng tôi viết nghiêng). Chiếc khiên này tuyệt đối cần thiết. Đức tin bạn càng vững chừng nào, thì bạn chống trả các ác thần càng mãnh liệt chừng nấy.—Ma-thi-ơ 17:20.

Thế thì bạn củng cố sự phòng thủ của bạn như thế nào? Bằng cách tiếp tục học hỏi Kinh Thánh. Học hỏi Kinh Thánh liên quan thế nào đến đức tin? Cũng như sự vững chắc của một bức tường tùy thuộc nhiều vào sức bền của nền móng, cho nên sự vững chắc của đức tin tùy thuộc phần lớn vào sức bền của nền tảng. Nền tảng đó là gì?

Sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Đức-tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao-giảng”. (Rô-ma 10:17) Nhân Chứng Giê-hô-va mời bạn học Kinh Thánh miễn phí với họ, vào giờ giấc và ở nơi nào thuận tiện cho bạn. Một cuộc học hỏi như thế sẽ củng cố đức tin của bạn. (Rô-ma 1:11, 12; Cô-lô-se 2:6, 7) Kết quả sẽ ra sao? Chẳng bao lâu đức tin bạn sẽ như một thành trì có tác dụng như một cái khiên chống lại ảnh hưởng của các ác thần.—Thi-thiên 91:4; 1 Giăng 5:5.

Bước thứ ba mà các tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô phải thực hiện là gì?

Bước thứ ba

Thời xưa ở Ê-phê-sô, những người mới tin đạo đã thực hiện nhiều bước nhằm chống trả các ác thần, nhưng những tín đồ đó vẫn còn sống trong một thành đầy sự thờ phượng ma quỉ. Họ cần thêm sự che chở. Vì thế khi viết cho các tín đồ cùng đạo, sứ đồ Phao-lô nói cho họ biết điều cần làm: “Hãy nhờ Đức Thánh-Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu-nguyện và nài-xin. Hãy dùng sự bền-đỗ trọn-vẹn mà tỉnh-thức về điều đó, và cầu-nguyện cho hết thảy các thánh-đồ”.—Ê-phê-sô 6:18.

Thật thế, cầu nguyện tha thiết và thường xuyên để xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ xưa nay vẫn là bước quan trọng cần thiết để được che chở khỏi các thần ác. Và thật phấn khởi khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu xin chân thành của bạn bằng cách ban cho bạn sự che chở, kể cả sự hỗ trợ của thiên sứ. (Thi-thiên 34:7; 91:2, 3, 11, 14; 145:19) Vì vậy, điều rất quan trọng là kiên trì cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời ‘giải phóng chúng ta khỏi Ác thần’.—Ma-thi-ơ 6:13, An Sơn Vị; 1 Giăng 5:18, 19.

Antônio, trước kia là một người đồng cốt ở Brazil, đã nhận biết được giá trị của sự cầu nguyện. Sau khi đã chấp nhận học hỏi Kinh Thánh và học biết danh Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va, anh bắt đầu cầu nguyện tha thiết, xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời giúp sức để lìa bỏ ma thuật. Khi hồi tưởng lại, anh nói: “Cầu nguyện Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là sự che chở cho tôi và nhiều người khác trước kia đã làm nô lệ cho các ác thần”.—Châm-ngôn 18:10.

Bạn có thể thành công

Sau khi học biết Đức Giê-hô-va, điều trọng yếu là bạn đặt lòng tin trọn vẹn nơi Ngài, phục tùng thẩm quyền và tuân theo các mệnh lệnh của Ngài. Có vậy, khi kêu cầu Ngài giúp đỡ, dùng danh riêng của Ngài, thì Ngài sẽ che chở bạn. Antônio đã nhận được sự che chở như thế. Ngày nay anh là một trưởng lão tín đồ Đấng Christ trong một hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở São Paulo; anh biết ơn là đã tìm được lẽ thật và nó đã giải thoát anh.—Giăng 8:32.

Như Antônio và hàng ngàn người khác trước kia là những người thực hành ma thuật nhưng hiện nay phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, bạn có thể thành công trong việc lìa bỏ ma thuật. Vì vậy, hãy tiêu hủy những vật liên hệ đến ma thuật, củng cố đức tin bạn qua việc học hỏi Kinh Thánh, và cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va che chở. Hãy thực hiện những bước này—mạng sống bạn tùy thuộc vào việc đó!

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Theo Kinh Thánh, người sống không thể liên lạc với người chết

[Hình nơi trang 6]

1. Hãy tiêu hủy mọi đồ vật liên quan đến ma thuật

[Hình nơi trang 7]

2. Tiếp tục học hỏi Kinh Thánh

[Hình nơi trang 8]

3. Cầu nguyện tha thiết và thường xuyên