Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Ý kiến khác có quan trọng không?

“Khi cần hỏi một ý kiến khác trong việc trị bệnh, quá nhiều người trong chúng ta tỏ ra quá lịch sự. Nhưng thiếu sự quyết đoán như thế bệnh nhân có thể thiệt mạng”, theo lời tường trình của tờ The News của thành phố Mexico. Bệnh nhân thường sợ rằng bác sĩ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu họ muốn hỏi ý kiến một người khác. Nhưng tờ này nói: “Phần đông bác sĩ không phiền lòng khi bệnh nhân xin hỏi ý kiến khác. Nếu bác sĩ bạn phiền lòng thì điều đó có thể cho thấy có vấn đề trước mắt”. Ngày nay, việc hỏi ý kiến một bác sĩ khác được cả bác sĩ lẫn hãng bảo hiểm xem là cách tốt để bảo đảm bệnh nhân có được sự điều trị tốt nhất. Bác sĩ Michael Andrews, chủ tịch Hội Ung Thư Lâm Sàng Georgia, nói rằng ông khuyến khích bệnh nhân đi hỏi ý kiến khác vì họ thường quay trở lại cảm thấy chắc chắn hơn về lời khuyên của ông. Giám đốc điều hành một nhóm y tế công cộng nói: “Bệnh nhân cần nhớ rằng họ mới là người gặp nguy hiểm”.

Vấn đề thử nghiệm máu

Theo bản tường trình của Associated Press cho biết: “Hơn phân nửa các quốc gia trên thế giới không thử nghiệm đầy đủ máu người ta hiến, làm gia tăng nguy cơ lan truyền bệnh AIDS và các bệnh khác”. Bản tường trình này, dựa vào thông tin từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cũng cho rằng “trong số những người có vi-rút AIDS, người ta ước lượng có 5 đến 10 phần trăm bị nhiễm qua việc truyền máu”. Tuy nhiên, AIDS chỉ là một trong nhiều bệnh lan truyền qua cách này. Mỗi năm, có từ 8 tới 16 triệu ca nhiễm viêm gan B và 2 tới 4 triệu ca nhiễm viêm gan C do truyền máu và những thực hành tiêm không an toàn. Một lý do được nêu ra cho việc không thử nghiệm đầy đủ là vì nó tốn kém. Tốn từ $40 đến $50 cho mỗi đơn vị để kiểm tra những chất lây truyền này. Dù vậy, những thử nghiệm như thế “không luôn luôn chắc chắn, nhất là khi thực hiện bởi những nhân viên không được huấn luyện đầy đủ hoặc không có đủ dụng cụ”.

Thợ dệt điêu luyện

“Tơ nhện là một trong những vật liệu chắc nhất trên đất”, theo tạp chí New Scientist. Mỗi sợi có thể căng ra gấp hai tới bốn lần chiều dài mà không đứt và nó chắc đến độ người ta nói rằng một sợi tơ dày bằng cây viết chì có thể làm cho một máy bay phản lực đang bay ngừng lại. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khám phá bí quyết xe tơ của nhện để ứng dụng trong một số các ngành công nghiệp. Thí dụ, loại vải hiện nay được chọn để may áo gi-lê chống đạn là Kevlar, một thứ vải nhân tạo được chế bằng cách “đun axit sunfuric cô đặc đến gần điểm sôi”, tạp chí này nói. Nhưng trong khi các sản phẩm phụ của việc chế tạo Kavlar thì độc và khó loại bỏ, nhện xe tơ từ “protein và nước thường, ở độ pH và nhiệt độ giống như trong miệng loài người”. Hơn nữa, hỗn hợp nước và protein này được xe thành sợi không sợ nước mưa. Vì vậy, tờ New Scientist nói: “Mặc dù đã nhiều năm nghiên cứu, tơ nhện vẫn còn là một bí ẩn”.

Gia đình dùng bữa với nhau là lành mạnh nhất

Một trong những cách tốt nhất để cha mẹ bảo đảm sức khỏe tốt cho con cái là dùng bữa với chúng, theo báo Globe and Mail. Theo bác sĩ Matthew Gillman thuộc Trường Y Khoa Harvard, “bữa cơm gia đình chứa nhiều thức ăn bổ dưỡng hơn là khi trẻ con và trẻ vị thành niên không ăn với gia đình”. Trẻ em dùng bữa với gia đình thường ăn đủ lượng rau trái, hấp thu các vitamin và khoáng chất chúng cần, và bớt tiêu thụ đường và chất béo. Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng dùng cơm với nhau khiến gia đình chuyện trò về việc ăn uống lành mạnh và con cái được tập thói quen ăn uống tốt hơn—thói quen mà chúng sẽ giữ khi ra ngoài ăn. Theo báo Globe, cuộc nghiên cứu gần đây, lấy từ một công trình nghiên cứu vẫn đang được thực hiện trong khoảng 16.000 trẻ em từ 9 đến 14 tuổi, cho thấy rằng “chỉ hai trong năm trẻ đi học thường dùng cơm tối với cha mẹ, và một trong năm trẻ không bao giờ ăn chung với cha mẹ”.

Hút thuốc làm giảm thọ

“Mỗi điếu thuốc làm giảm thọ 11 phút”, tờ University of California Berkeley Wellness Letter tường trình. Vì vậy, hút một tút thuốc lá làm giảm thọ một ngày rưỡi, và mỗi năm người đó hút một gói mỗi ngày, đời người đó sẽ bị rút ngắn đi gần hai tháng, theo các nhà nghiên cứu tại Đại Học Bristol, Anh. Các nhà khoa học đi đến những ước tính này bằng cách so sánh tuổi thọ của những người hút với người không hút. Các nhà nghiên cứu bình luận: “Nó cho thấy cái giá cao của việc hút thuốc theo một cách mà ai cũng có thể hiểu”.

Dân số Ấn Độ vượt quá một tỷ

Ngày 11-5-2000, dân số Ấn Độ được cho là lên đến một tỷ. Tuy nhiên, cơ quan Associated Press giải thích: “Quyết định khi nào Ấn Độ đạt đến mức 1 tỷ là một việc không dễ trong một quốc gia có 42.000 trẻ em sinh ra mỗi ngày và thiếu hồ sơ bệnh lý”. Vì dân số gia tăng, nạn đói và mù chữ cũng gia tăng, bất kể nhiều sự tiến bộ đã đạt được trong việc sản xuất thực phẩm và việc giáo dục. Mặc dù hàng triệu người sống trong cảnh nghèo nàn, một đứa trẻ mới sinh được xem là một người có tiềm năng kiếm ra tiền, có thể làm việc để giúp gia đình đáp ứng nhu cầu.

Nhà thờ ảo

Địa phận Công Giáo Winnipeg, Manitoba, Canada, dự tính “cho ra mắt một mạng lưới vi tính để cung cấp trực tuyến cho các tín đồ sùng đạo có cơ hội suy ngẫm, xưng tội và tìm lời khuyên của linh mục”, tờ Calgary Herald tường trình. Richard Osicki, giám đốc ban truyền tin của địa phận, hy vọng rằng mạng lưới này sẽ thúc đẩy nhiều tín hữu khô khan, khoảng 75 phần trăm những người này chẳng bao giờ đi nhà thờ, bắt đầu hoạt động tôn giáo trở lại. Ông nói: “Chúng tôi có những buổi lễ mà bạn không cần phải đến nhà thờ mới được dự. Điều này có nghĩa là bạn có thể liên lạc với Đức Chúa Trời trong lúc ngồi trước máy tính của mình”.

Bông vải mọc trên mình cừu?

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Hội Đồng Các Nông Gia Trẻ Âu Châu (European Council of Young Farmers) thì “50 phần trăm trẻ em EU [Liên minh Châu Âu] không biết đường từ đâu đến, ba phần tư... không biết bông vải từ đâu đến, hơn một phần tư nghĩ rằng nó mọc trên mình cừu”. Ngoài ra, 25 phần trăm trẻ em ở tuổi chín và mười ở Anh và Hà Lan nghĩ rằng cam và ôliu trồng ở nước của chúng. Sự tiếp xúc chính của trẻ em với nông sản là ở siêu thị chứ không phải tại nông trại, và chúng biết về nông nghiệp chủ yếu qua trường học. Những điều này có lẽ nằm trong số các lý do tại sao nghề nông không hấp dẫn nhiều trẻ em Âu Châu ngày nay. Hội đồng này nói: “Trung bình chỉ có 10 phần trăm trẻ em EU ‘rất thích’ trở thành nông gia trong tương lai”.

Món ngon từ thịt thú rừng Trung Quốc

Loài thú rừng ở Trung Quốc đang bị đe dọa vì “lối sống và cách ăn uống đang thay đổi”, theo tạp chí Down to Earth ghi nhận. Càng ngày càng có nhiều người tin rằng một số loại thú rừng bổ hơn các thức ăn khác cho nên có nhiều người chuộng những món ngon vật lạ. Rắn đứng đầu danh sách này, với những loại có nọc độc đắt gấp hai lần loại không có nọc độc. Lợn rừng, cầy hương, cóc, ếch, trăn, tê tê, linh dương Tây Tạng và các loài chim hiếm đều được nhiều người chuộng và có trong thực đơn tại các nhà hàng trên khắp Trung Quốc. Nhiều loại động vật này nằm trong danh sách các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, vì vậy chúng cần được chính phủ bảo vệ. Tuy thế, một số chủ nhân nhà hàng yết bảng bảo đảm với khách hàng là các thú rừng dọn cho khách thật sự là loại ở rừng chứ không phải loại bị thuần hóa hoặc được gây giống nhân tạo. Chính phủ Trung Quốc mở một chiến dịch để bảo vệ các thú rừng khỏi tay những người tự cho là sành ăn, và họ đang dùng khẩu hiệu: “Đừng ăn các thú rừng”.

Áp lực tuân theo

Thăm dò 500 thanh thiếu niên ở Anh, một cuộc khảo sát của chính phủ ám chỉ rằng giới trẻ “đang vật lộn dưới áp lực ngày càng mạnh là phải theo những mẫu hình được lý tưởng hóa trong quảng cáo và phương tiện truyền thông đại chúng”, tờ The Guardian của London tường trình. Trong khi các em gái có xu hướng đối phó với sự căng thẳng như thế bằng cách tâm sự với bạn thân, thì các em trai thấy khó bày tỏ cảm xúc của mình, hậu quả là nhiều em tỏ sự tức giận qua hành vi hung hăng hay phạm tội. Với cảm giác tự ti và càng lúc càng buồn nản, các em trai có khuynh hướng tự tử gấp ba lần các em gái cùng tuổi. Trong khi đó các em gái có khuynh hướng cố tình hại bản thân hoặc bị những rối loạn ăn uống như chứng biếng ăn và chứng háu ăn, gấp bốn lần.