Tiếp tục đi tìm giải pháp
Tiếp tục đi tìm giải pháp
TỪ LÚC mới bắt đầu, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chú ý đến trẻ em và vấn đề của chúng. Cuối năm 1946, tổ chức này thành lập Quỹ Cứu Trợ Nhi Đồng Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (UNICEF) để tạm thời chăm sóc trẻ em ở những vùng bị chiến tranh tàn phá.
Vào năm 1953 quỹ cứu trợ này trở thành một tổ chức chính thức. Mặc dù ngày nay nó có tên là Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, người ta vẫn giữ chữ viết tắt ban đầu UNICEF. Vậy là hơn nửa thế kỷ nay UNICEF đã cung cấp cho trẻ em khắp thế giới lương thực, quần áo và sự chăm sóc y tế và đã cố gắng chăm sóc nhu cầu nói chung của trẻ em.
Nhu cầu của trẻ em được chú trọng hơn vào năm 1959 khi Liên Hiệp Quốc thông qua Bản Tuyên Ngôn về Quyền Trẻ Em. (Xin xem khung trang 5). Người ta hy vọng rằng văn bản này sẽ gợi sự chú ý đến vấn đề của trẻ em và sẽ giúp giải quyết những vấn đề đó bằng cách khuyến khích sự ủng hộ của công chúng, về tài chính và những cách khác.
Nhưng theo cuốn Year Book 1980 của Collier, “hai mươi năm sau, nhiều trẻ em trong số 1,5 tỷ trẻ em trên thế giới vẫn không hưởng được phần lớn ‘những quyền’ này—đặc biệt những quyền liên quan đến sự dinh dưỡng, sức khỏe và an lạc về vật chất”. Vì thế, để thừa nhận việc cần phải tiếp tục giải quyết các vấn đề của trẻ em và để phù hợp với mục tiêu đã tuyên bố, Liên Hiệp Quốc gọi năm 1979 là Năm Trẻ Em Quốc Tế. Các nhóm thuộc chính phủ, công dân, tôn giáo và từ thiện trên khắp thế giới đã nhanh chóng hưởng ứng việc đi tìm giải pháp.
Đó chỉ là một “trò đùa độc ác” chăng?
Theo một bản tường trình của UNICEF, điều đáng buồn là trẻ em trong những nước đang phát triển vẫn không khá gì hơn trong
Năm Trẻ Em Quốc Tế. Đến cuối năm, khoảng 200 triệu trẻ em vẫn thiếu dinh dưỡng, và trong số 15 triệu trẻ chết trước năm tuổi, phân nửa được cho là do thiếu dinh dưỡng. Trong số 100 em sinh ra mỗi phút vào năm đó tại các nước này, có 15 em chết trước khi được một tuổi. Số trẻ em học xong tiểu học chưa được 40 phần trăm. Bình luận về bản tường trình của UNICEF, một bài xã luận trong tờ Indian Express than rằng Năm Trẻ Em Quốc Tế hóa ra là một “trò đùa độc ác”.Một số người đã thấy trước sự thất bại này. Thí dụ, ngay từ đầu năm đó, Fabrizio Dentice viết trong tạp chí L’Espresso: “Cần nhiều hơn là Năm Trẻ Em để cứu chữa tình trạng này”. Tạp chí này bình luận: “Lối sống ngày nay tạo nên con người chúng ta, và đây là điều cần thay đổi”.
Để tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của trẻ em, một hội nghị thượng đỉnh thế giới được tổ chức tại trụ sở trung ương LHQ vào tháng 9 năm 1990. Đó là một trong những cuộc họp lớn nhất lịch sử của các lãnh tụ thế giới. Hơn 70 nguyên thủ quốc gia hiện diện. Cuộc hội thảo này tiếp theo sau Công Ước về Quyền Trẻ Em, được thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 1989, và có hiệu lực vào ngày 2 tháng 9 năm 1990. Đến cuối tháng đó, công ước đã được 39 quốc gia thông qua.
Gần đây UNICEF ghi nhận: “Công ước này nhanh chóng trở thành hiệp ước về nhân quyền được chấp nhận rộng rãi nhất, đem lại một sự thúc đẩy toàn cầu vì quyền lợi trẻ em”. Thật vậy, đến tháng 11 năm 1999, công ước này đã được 191 nước thông qua. UNICEF tự hào: “Trong thập niên sau khi Công Ước về Quyền Trẻ Em được thông qua, việc thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em đạt được nhiều tiến bộ hơn so với bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử loài người”.
Mặc dù có sự tiến bộ này, Tổng Thống Đức Johannes Rau nhận thấy phải bình luận: “Thật đáng buồn là trong thời đại này, chúng ta vẫn cần phải được nhắc nhở là trẻ em có các quyền”. Hoặc phải được nhắc nhở là chúng vẫn có các vấn đề nghiêm trọng! Vào tháng 11 năm 1999, thừa nhận rằng “còn
nhiều điều phải làm”, UNICEF giải thích: “Trên toàn cầu, hàng năm có khoảng 12 triệu trẻ em chết trước năm tuổi, phần lớn vì những nguyên do dễ ngăn ngừa. Khoảng 130 triệu trẻ em trong các nước đang phát triển không được đi học.... Khoảng 160 triệu trẻ em bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng hoặc ở một mức độ nào đó.... Nhiều trẻ em bị bỏ rơi đang héo hon trong các trại mồ côi và các cơ sở khác, không được đi học và không được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe. Những trẻ này thường bị đánh đập. Có khoảng 250 triệu trẻ em phải lao động dưới một hình thức nào đó. Điều cũng được đề cập là 600 triệu trẻ em sống trong cảnh bần cùng, và 13 triệu trẻ sẽ mất ít nhất cha hoặc mẹ vì bệnh AIDS vào cuối năm 2000.Giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề này dường như vượt quá tầm tay các lãnh tụ chính trị. Song, vấn đề của trẻ em không chỉ giới hạn ở các xứ đang phát triển. Ở các nước Tây Phương nhiều trẻ em lại bị thiếu thốn những thứ khác.
[Câu nổi bật nơi trang 4]
“Thật đáng buồn là trong thời đại này chúng ta vẫn cần phải được nhắc nhở là trẻ em có các quyền”
[Khung/Hình nơi trang 5]
Bản Tuyên Ngôn của LHQ về Quyền Trẻ Em:
● Quyền có tên và quốc tịch.
● Quyền được yêu thương, trìu mến, thông cảm và bảo đảm về vật chất.
● Quyền có đủ dinh dưỡng, nhà ở và dịch vụ y tế.
● Quyền có sự chăm sóc đặc biệt nếu tàn tật, về thể chất, tinh thần hoặc xã hội.
● Quyền ở trong số những người được bảo vệ và cứu tế trước tiên trong mọi hoàn cảnh.
● Quyền được che chở khỏi sự bỏ bê, đối xử tàn ác và bóc lột dưới bất cứ hình thức nào.
● Quyền có đủ cơ hội để vui chơi và giải trí, và có cơ hội bình đẳng về giáo dục phổ cập và miễn phí, hầu giúp đứa trẻ phát triển khả năng riêng và trở thành một thành viên hữu dụng trong xã hội.
● Quyền phát triển hết tiềm năng trong môi trường tự do và đáng trọng.
● Quyền được nuôi dưỡng trong tinh thần hiểu biết, khoan dung, thân thiện giữa các dân tộc, hòa bình và tình huynh đệ đại đồng.
● Quyền được hưởng những quyền này không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội và tài sản, dòng dõi, hoặc địa vị nào khác.
[Nguồn tư liệu]
Bản tóm tắt dựa trên Everyman’s United Nations
[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]
HÌNH của LHQ 148038/Jean Pierre Laffont
HÌNH của LHQ
[Nguồn tư liệu nơi trang 4]
Hình nơi trang 4 và 5 Giacomo Pirozzi/Panos Pictures