Trẻ em đáng được yêu thương
Trẻ em đáng được yêu thương
“CHO một đứa trẻ một ít tình thương thì bạn sẽ nhận được rất nhiều”. John Ruskin, nhà văn và nhà phê bình người Anh thuộc thế kỷ 19 đã viết câu đó. Có lẽ phần lớn các bậc cha mẹ sẽ đồng ý rằng yêu thương con cái không uổng công, không phải chỉ vì được con cái yêu thương lại mà điều còn quan trọng hơn nữa là vì tình yêu thương này có ảnh hưởng tích cực đối với chúng.
Thí dụ, cuốn sách Love and Its Place in Nature nhận xét rằng không được yêu thương, “trẻ con thường dễ chết”. Và Ashley Montagu, một nhà nhân chủng học nổi tiếng gốc Anh, còn nói: “Về hóa sinh, sinh lý và tâm lý, đứa trẻ không được yêu thương rất khác với đứa được yêu thương. Đứa trẻ không được yêu thương cũng phát triển khác với đứa được yêu thương”.
Tờ Toronto Star báo cáo về một cuộc nghiên cứu đã đi đến những kết luận tương tự. Báo đó nói: “Trẻ em lớn lên mà không thường được ôm, âu yếm hoặc vuốt ve... có mức hoóc-mon gây căng thẳng cao hơn bình thường”. Quả thật, bị bỏ bê về thể chất trong thời thơ ấu “có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài đến chức năng học tập và trí nhớ”.
Những khám phá này nhấn mạnh việc cần có sự hiện diện của cha mẹ. Nếu không, làm thế nào mối quan hệ gắn bó có thể phát triển giữa cha mẹ và đứa bé? Nhưng thật đáng tiếc là ngay cả tại những nơi giàu có trên thế giới ngày nay người ta có khuynh hướng tìm cách đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ mà không có sự hiện diện của cha mẹ. Trẻ con được gửi vào trường, vào lớp giáo lý ngày Chủ Nhật, vào nơi làm việc, cho đi cắm trại mùa hè, và cho tiền để đi chơi một mình. Sống tách rời gia đình như thể điện tử xoay theo quỹ đạo cách xa hạt nhân, hàng triệu trẻ em tất nhiên cảm thấy—không chỉ trong tiềm thức—bị bỏ bê, hắt hủi và không được yêu thương, ở giữa một thế giới người lớn không thân thiện. Cảm giác thông thường đó nơi trẻ em có thể là lý do tại sao có khoảng 3.000 đứa trẻ bụi đời ở Berlin. Điển hình là Micha; em nói: “Không ai muốn tôi nữa”. Cũng vậy, một cậu bé Đức chín tuổi oán trách: “Thà làm con chó trong nhà còn sướng hơn”.
Trẻ em bị ngược đãi dưới nhiều hình thức
Bỏ bê con cái là một hình thức ngược đãi cho thấy thiếu một điều mà Kinh Thánh gọi là “tình-nghĩa tự-nhiên”. (Rô-ma 1:31; 2 Ti-mô-thê 3:3) Và nó có thể đưa đến những sự ngược đãi tệ hại hơn nữa. Thí dụ, kể từ Năm Trẻ Em Quốc Tế 1979, người ta chú ý nhiều hơn đến các vấn đề hành hạ và lạm dụng tình dục trẻ em. Dĩ nhiên, khó có được thống kê chính xác, và mỗi nơi con số mỗi khác. Nhưng điều chắc chắn là khó xóa được vết thương tâm lý mà trẻ em bị lạm dụng tình dục phải mang khi lớn lên.
Dù bị ngược đãi dưới hình thức nào, nó cũng khiến trẻ em nghĩ rằng không ai yêu thương mình. Và vấn đề này dường như đang gia tăng. Theo báo Die Welt của Đức “càng ngày càng có nhiều trẻ em lớn lên thiếu khả năng giao tiếp với người khác”. Báo này nói thêm: “Trẻ em thiếu tổ ấm gia đình. Theo [ông Gerd Romeike, giám đốc của một trung tâm hướng dẫn trẻ em ở Hamburg], thì sự gắn bó về tình cảm giữa con cái và cha mẹ đang yếu đi, hoặc chưa từng được thiết lập từ lúc đầu. Những đứa trẻ đó cảm thấy bị bỏ bê, và không được che chở bảo bọc”.
Trẻ em bị tước quyền được yêu thương có thể trở nên phẫn uất, tỏ thái độ bực bội bất mãn đối với những người bỏ bê chúng hoặc có thể đối với cả xã hội nói chung. Cách đây ít nhất một thập niên, bản báo cáo của một lực lượng đặc nhiệm ở Canada báo hiệu phải hành động ngay vì e rằng cả một thế hệ “những người nghĩ là xã hội không quan tâm gì đến họ” sẽ hết hy vọng.
Những người trẻ bị hắt hủi có thể tìm cách thoát ly gia đình để trốn thoát các vấn đề của chúng nhưng rồi lại vướng phải những vấn đề tệ hại hơn trong những thành phố đầy tội ác, nghiện ma túy và vô luân. Quả thật, cách đây hơn 20 năm, cảnh sát ước tính chỉ trong một thành phố lớn của Hoa Kỳ có 20.000 người trẻ dưới 16 tuổi đã bỏ nhà đi hoang để đến đó sống. Chúng được mô tả là “sản phẩm của những gia đình tan vỡ và của sự tàn bạo, thường do các cha mẹ nghiện rượu hoặc ma túy gây ra. Chúng bán thân để kiếm sống và rồi, bị các tên ma cô đánh đập và bị tước đi lòng tự trọng, sống trong nỗi lo sợ bị trả thù nếu tìm cách trốn thoát”. Đáng buồn thay, dù có nhiều nỗ lực chân thật để thay đổi tình trạng tồi tệ này, nhưng nó vẫn tồn tại.
Trẻ em lớn lên trong những hoàn cảnh miêu tả như trên trở thành những người không thăng bằng, thường không thể nuôi dạy con cái mình đàng hoàng. Vì chính mình bị hắt hủi, sau này chúng tạo nên những đứa con giống như mình—những đứa cảm thấy bị hắt hủi. Một nhà chính trị người Đức nói về điều này một cách ngắn gọn: “Trẻ em thiếu tình thương sẽ lớn lên thành người đầy lòng căm thù”.
Dĩ nhiên, hàng triệu các bậc cha mẹ đang cố gắng hết sức để cho con cái biết rằng chúng được yêu thương. Họ không những nói cho con cái biết mà còn chứng tỏ điều đó bằng cách yêu thương chăm sóc và chú ý đến con cái, điều mà đứa trẻ nào cũng đáng được. Tuy nhiên, vấn đề vẫn tồn tại—vấn đề rõ ràng ngoài khả năng giải quyết của các bậc cha mẹ. Thí dụ, ở một số nơi trên thế giới, hệ thống kinh tế và chính trị bất toàn của loài người không cung cấp cho trẻ em đủ sự chăm sóc y tế, sự giáo dục thích hợp và đầy đủ thức ăn, cũng như không bảo vệ chúng khỏi tệ nạn trẻ em lao động và điều kiện sống tồi tệ. Và rất thông thường tình trạng này còn tệ hại hơn bởi những người lớn tham lam, đồi bại, ích kỷ và không quan tâm đến người khác.
Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề cập một số vấn đề lớn mà trẻ em gặp phải ngày nay khi ông viết: “Hàng triệu trẻ em tiếp tục phải chịu sự sỉ nhục kinh khiếp của sự nghèo nàn; hàng trăm ngàn em bị ảnh hưởng của sự xung đột và sự hỗn độn về kinh tế; hàng chục ngàn bị thương tật trong chiến tranh; nhiều em khác bị mồ côi hoặc chết vì HIV/AIDS”.
Nhưng không phải tin nào cũng xấu cả! Những
cơ quan LHQ, như Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đã nỗ lực cải thiện đời sống của trẻ em. Ông Annan ghi nhận: “Có nhiều trẻ con sinh ra khỏe mạnh và nhiều em được chủng ngừa, nhiều em có thể đọc và viết, được tự do học hành, vui chơi và có cuộc sống bình thường của trẻ em, nhiều hơn là chúng ta nghĩ có thể đạt được chỉ cách đây một thập niên”. Thế nhưng, ông khuyên: “Đây không phải là lúc để hài lòng với những thành quả đã qua”.Những trẻ em đáng được đặc biệt chú ý
Một số trẻ em đáng được đặc biệt chú ý. Vào đầu thập niên 1960, thế giới sửng sốt khi nghe báo cáo từ hơn chục quốc gia về sự ra đời của hàng ngàn đứa bé gọi là những trẻ sinh ra dị dạng vì thuốc thalidomide. Khi phụ nữ mang thai dùng nó, thuốc ngủ làm giảm đau thalidomide có biến chứng phụ bất ngờ khiến họ sinh ra những đứa bé chân tay bị teo hoặc thiếu hẳn chân tay. Chân tay thường chỉ giống như chân chèo.
Bốn thập niên sau, thủ phạm chính thường làm thương tật trẻ em là mìn. * Một số người ước lượng có từ 60 đến 110 triệu quả mìn hoạt động nằm rải rác trên khắp thế giới. Mỗi năm có khoảng 26.000 người chết hoặc bị thương tật—kể cả nhiều trẻ em. Kể từ năm 1997, khi Jody Williams đoạt giải Nobel hòa bình nhờ cuộc vận động của bà để bãi bỏ mìn, người ta đã chú ý nhiều đến vấn đề này. Nhưng các bãi mìn vẫn tồn tại. Một chính trị gia người Đức nói về nỗ lực loại bỏ mìn ra khỏi thế giới: “Việc này giống như cố múc hết nước ra khỏi bồn tắm bằng một cái thìa trong lúc vòi đang chảy”.
Một nhóm trẻ em khác cần được đặc biệt chú ý là những đứa không có cha mẹ. Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của loài người, có ý định là trẻ em lớn lên trong sự chăm sóc yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Một đứa trẻ cần và đáng có được sự nuôi nấng thăng bằng như thế.
Các trại mồ côi và trung tâm tiếp nhận con nuôi cố gắng chú tâm vào nhu cầu của những trẻ em không có cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số trẻ em bị thiệt thòi rất cần có người nhận nuôi lại là những đứa thường bị lờ đi—những đứa bị bệnh, có sự rối loạn về học tập, bị tàn tật hoặc có gốc ngoại quốc.
Nhiều tổ chức đã được thành lập khuyến khích người ta đóng góp tiền bạc một cách đều đặn và như thế “nhận nuôi” một đứa trẻ sống ở một nước nghèo hơn. Tiền đóng góp được dùng để giáo dục đứa trẻ hoặc cung cấp những thứ cần dùng cho đời sống. Nếu muốn, thì có thể trao đổi hình ảnh và thư từ để làm vững mạnh mối quan hệ hai bên. Tuy giúp ích, sự sắp đặt này không phải là giải pháp lý tưởng.
Một thí dụ đáng chú ý khác về những gì đã thực hiện để giúp trẻ em không có cha mẹ là
một phong trào mà vào năm 1999 người ta đã ăn mừng nửa thế kỷ hoạt động.Làng Trẻ Em SOS
Vào năm 1949, Hermann Gmeiner thành lập ở thị trấn Imst, Áo, cái mà ông gọi là Làng Trẻ Em SOS. Từ sự khởi đầu nhỏ này, tổ chức của ông phát triển đến gần 1.500 làng và những cơ sở tương tự nằm ở 131 quốc gia Á Châu, Âu châu, Mỹ Châu, và Phi Châu.
Công việc của ông Gmeiner dựa vào bốn nguyên tắc hướng dẫn—người mẹ, anh chị em, nhà và làng. “Người mẹ” tạo thành cơ sở cho một “gia đình” năm hay sáu—có thể nhiều hơn—người con. Bà sống với chúng và cố gắng tỏ lòng yêu thương và chăm sóc chúng như người mẹ ruột. Những đứa trẻ này ở chung với nhau trong cùng một “gia đình” và với cùng một “người mẹ” cho đến khi chúng rời “nhà”. Trong “gia đình” có những trẻ em tuổi khác nhau. Nhờ có cả “anh em” lẫn “chị em”, chúng học cách chăm sóc lẫn nhau, như thế giúp chúng không trở nên ích kỷ. Người ta cố gắng hòa nhập những đứa trẻ này vào một “gia đình” càng sớm càng tốt. Anh chị em ruột luôn luôn ở chung với nhau trong cùng một “gia đình”.
Làng có khoảng 15 “gia đình”, mỗi “gia đình” sống trong nhà riêng của họ. Tất cả đứa trẻ được huấn luyện giúp “mẹ” chúng làm việc vặt trong nhà. Tuy có thể thiếu cha, nhưng có sự sắp đặt để có sự giúp đỡ của người đàn ông trong việc khuyên bảo và thi hành sự sửa trị cần thiết. Trẻ con đi học trường địa phương. Hàng tháng mỗi “gia đình” nhận được một số tiền cố định để trang trải chi phí. Thức ăn và quần áo mua ở địa phương. Mục tiêu là cho trẻ con làm quen với đời sống gia đình với những vui, buồn của nó hầu cho chúng có được một nếp sống càng bình thường càng tốt. Việc này chuẩn bị cho chúng để thành lập gia đình riêng khi trưởng thành.
Vẫn còn đi tìm giải pháp lý tưởng
Trung tâm tiếp nhận con nuôi, trại mồ côi, Làng Trẻ Em SOS, UNICEF, và những tổ chức hoặc nhóm tương tự thực hiện một mục đích tốt khi cố gắng giúp đỡ các trẻ em bị thiệt thòi trong xã hội. Nhưng không tổ chức nào có thể gạt bỏ sự kiện một số người bị thiệt thòi. Dù mong muốn thế nào đi nữa, họ vẫn không thể cho đứa trẻ tàn tật tay chân lành mạnh, làm trí óc của đứa trẻ bị bệnh tâm thần có thể hoạt động, giúp một đứa trẻ đoàn tụ với cha mẹ ly thân hoặc ly dị của chúng, hoặc đặt nó vào vòng tay yêu thương của cha hay mẹ đã qua đời.
Dù cố gắng đến đâu đi nữa, loài người cũng không thể cung cấp giải pháp lý tưởng cho các vấn đề của trẻ em. Nhưng các vấn đề đó sẽ được giải quyết! Đúng vậy và có lẽ sớm hơn là bạn nghĩ. Nhưng bằng cách nào?
[Chú thích]
^ đ. 17 Xin xem loạt bài “Mìn—Chúng ta có thể làm gì?” trong số ra ngày 8-5-2000 (Anh ngữ).
[Các hình nơi trang 8, 9]
Trẻ em cần và đáng có được tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ