Viếng thăm một tiệm thuốc bắc
Viếng thăm một tiệm thuốc bắc
KWOK KIT bị bệnh mấy ngày nay nên anh quyết định đi bác sĩ. Vì là người Trung Hoa nên anh thích tìm một thầy lang Đông y truyền thống. Một người bạn biết một người chữa bệnh loại đó, ông này làm chủ và quản lý một tiệm thuốc bắc gần đó. Người bạn nói với Kwok Kit rằng ông ấy có thể pha chế một thứ trà dược thảo để trị bệnh của anh.
Ở Trung Hoa, cũng như ở phần lớn vùng Đông Nam Á, việc đi khám bệnh khác hẳn ở Tây Phương. Ở Tây Phương, muốn đi bác sĩ thường phải lấy hẹn, đến phòng mạch, được khám bệnh, và nhận toa thuốc. Kế đó, bệnh nhân phải đến nhà thuốc để mua thuốc ghi trong toa. Còn với thầy lang Đông y thì thủ tục đơn giản hơn. Bạn đi đến một tiệm thuốc bắc, ở đó hầu như luôn luôn có một chuyên viên dược thảo cũng là thầy thuốc Đông y. Ông xem mạch, định bệnh, cân thuốc và chỉ dẫn cách dùng—tất cả làm liền tại chỗ! *
Dược thảo dùng làm thuốc chăng?
Người Tây Phương quen với thuốc viên, thuốc con nhộng, và thuốc tiêm, nhưng thật ra những hình thức thuốc men này tương đối mới mẻ. Từ hàng ngàn năm nay, người ta tìm cách chữa bệnh theo lối thiên nhiên. Thí dụ, những thầy thuốc người Hê-bơ-rơ trong thời Kinh Thánh dùng những phương thuốc như dầu, dầu xoa bóp và rượu. (Ê-sai 1:6; Giê-rê-mi 46:11; Lu-ca 10:34) Hình như thuốc đắp làm bằng trái vả khô cũng được dùng để trị bệnh ung nhọt.—2 Các Vua 20:7.
Thật ra, hầu như mọi quốc gia và dân tộc đã có một thời dùng dược thảo và những thuốc pha chế để trị các chứng đau ốm và bệnh tật. Ngay cả nhiều gia vị dùng trong việc nấu
nướng hiện nay trước kia đã được dùng làm các vị thuốc. Điều này không có nghĩa các ứng dụng đó luôn luôn thành công. Ngược lại, lắm khi những thực hành đó còn phản ánh sự dị đoan và sự thiếu hiểu biết nữa. Tuy vậy, lối trị bệnh như thế đã có từ mấy ngàn năm nay. Ngay cả vài thứ thuốc thông thường nhất ngày nay vẫn được chế từ thảo mộc.Lý thuyết và ứng dụng của Đông y
Trị bệnh bằng dược thảo là một phần căn bản của lịch sử Trung Hoa. Văn hóa dân gian cho rằng Huang Di là người sáng tác quyển Nei Jing, sách cẩm nang của ngành y học nội khoa, mà các bác sĩ ở Trung Hoa vẫn còn tham khảo. * Tuy vẫn còn tranh cãi về thời điểm mà sách này được viết ra, nhưng sách này đề cập đến những đề tài tương tự như trong sách y khoa Tây Phương. Sách ấy bàn luận không những về cách chẩn đoán, triệu chứng, căn nguyên, cách trị liệu và phòng ngừa các bệnh mà còn về cấu trúc và các chức năng của cơ thể nữa.
Cũng như đa số nghệ thuật của vùng Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi thuyết âm dương, thuyết này cũng thấm nhuần lý thuyết và thực hành của ngành Đông y. Trong trường hợp này, âm tượng trưng cho lạnh và dương tượng trưng cho nóng—âm dương cũng tượng trưng cho những tính chất đối chọi khác. * Hơn nữa, khi định bệnh và chữa bệnh, người ta cũng lưu ý đến những huyệt đạo liên quan đến khoa châm cứu. Dược thảo và thực phẩm nào được coi là nóng hay lạnh sẽ được biên trong toa để lấy lại sự quân bình về âm dương trong bệnh nhân.
Thí dụ, một người bệnh bị sốt được coi như là nóng, do đó thầy lang sẽ cho uống dược thảo “mát”. Mặc dầu không còn nói rõ đến thuyết âm dương, nhưng người ta vẫn dùng các nguyên tắc ấy để định cách trị bệnh. Nhưng làm thế nào Đông y sĩ chẩn đoán được bệnh? Và tiệm thuốc bắc ra làm
sao? Muốn rõ điều ấy, chúng ta hãy đi theo Kwok Kit đến tiệm thuốc bắc mà bạn anh giới thiệu.Một tiệm bán dược thảo lạ mắt
Ngạc nhiên thay! Hôm nay Kwok Kit phải chờ gặp thầy lang. Dường như có dịch cảm cúm, vì thế có hai bệnh nhân đến trước anh. Vậy trong lúc chờ đợi ta hãy nhìn quanh tiệm.
Khi bước vào tiệm, chúng tôi chú ý trước hết đến những đống đồ khô—nấm, sò, bào ngư, trái vả, hạt và những thực phẩm khác—được trưng bày trong những thùng không nắp ở cửa ra vào. Vâng, những món thực phẩm có sẵn tại đây. Nhưng có vài món cũng có thể dùng cho đơn thuốc bắc.
Lướt qua các món hàng này, chúng tôi để ý những tủ kiếng ở hai bên cửa tiệm khá chật hẹp. Những quầy hàng này chứa đựng những thứ hiếm có hay đặc biệt—dược thảo, các khoáng chất và những bộ phận thú vật được phơi khô—giá rất đắt. Khi nhìn kỹ hơn, chúng tôi để ý có sừng nai, ngọc trai, thằn lằn khô và cá ngựa cũng như những món lạ kỳ khác. Cho đến những năm gần đây, ta có thể tìm thấy sừng tê giác, mật gấu và các bộ phận khác của thú vật trong tủ, nhưng bây giờ những món này bị cấm.
Trong một góc khác của tiệm, chúng tôi thấy những gói dược thảo hỗn hợp dành cho những bệnh thông thường như cảm và đau bụng, cũng như một kho dự trữ những lọ thuốc từ Trung Hoa. Bạn chỉ cần nói với người bán hàng vấn đề của mình và ông ấy sẽ khuyên bạn dùng thuốc trong lọ hay thuốc gói hỗn hợp và nói cho bạn biết cách pha chế tại nhà.
Dọc theo một bên tường sau lưng người bán hàng, chúng tôi để ý những kệ với những
hàng keo cao đựng nhiều loại thuốc phơi khô như rễ cây, lá cây, và nhành con. Đây là những dược thảo quen thuộc với khách hàng và có thể mua để tự chữa trị hoặc để nấu ăn. Ở phía bên kia cửa tiệm, có một tủ thuốc cao từ sàn đến trần nhà chứa đựng nhiều hàng ngăn kéo sờn cũ. Tủ thuốc này được gọi là baizigui hay “tủ có một trăm con”, tại vì có thể có ít nhất một trăm ngăn kéo trong tủ thuốc loại này. Các ngăn kéo này làm cho dễ lấy các dược thảo thông dụng nhất trong các đơn thuốc, những thứ thường dùng nhất được để ở chỗ dễ lấy nhất. Lắm khi ta thấy những ngăn kéo này không có dán nhãn. Người bán hàng đã quen vị trí của mỗi loại dược thảo.Hãy để ý anh bán hàng cân dược thảo cho bà khách hàng thật khéo léo và nhanh nhẹn làm sao. Anh ấy dùng cái cân Á Đông mảnh khảnh nhưng rất chính xác—gồm có một cây có nấc với một đĩa tròn treo ở một đầu bằng ba sợi dây và ở đầu kia thì có trái cân di dịch được. Anh biết có vài dược thảo có thể làm chết người nếu dùng quá lượng, vì thế anh phải cẩn thận trong việc đo lường. Không phải mọi thứ đều được cân. Bây giờ chúng ta thấy anh ấy lấy ra cỡ nửa nắm tay mỗi thứ dược thảo từ trong các ngăn kéo khác nhau và để trong tờ giấy gói. Vâng, bạn thấy đúng đó, đơn thuốc này cũng gồm có vỏ con ve sầu đã lột cánh. Trong khi anh gói thang thuốc lại, anh dặn bà khách hàng cách nấu thuốc uống.
Thuốc dược thảo được chế ra và dùng theo nhiều cách. Vài thứ là thuốc bột. Bệnh nhân hòa tan thuốc trong nước nóng và uống. Vài loại thì giống bột nhão, uống với mật ong hoặc hòa với rượu. Tuy nhiên, bà này được bảo dùng cách thông thường nhất, đó là cách sắc thuốc. Điều này có nghĩa là bà sẽ nấu dược thảo trong một cái xiêu bằng sành cỡ một tiếng đồng hồ. Kế đó bà uống một phần thuốc ấy cứ mỗi vài giờ một lần. Nếu cần thêm thuốc, bà chỉ cần trở lại tiệm để lấy một mớ thuốc khác.
Sau cùng đến phiên Kwok Kit gặp thầy lang. Ở đây thầy lang không đo huyết áp cũng không đo nhịp tim. Nhưng ông hỏi Kwok Kit về triệu chứng của anh. Anh có ngủ được không? Sự tiêu hóa, ăn uống, đi tiêu, nhiệt độ, màu da và nước da ra sao? Thầy lang nhìn kỹ mắt anh và màu của những chỗ khác nhau trên lưỡi anh. Bây giờ ông bắt mạch của Kwok Kit ở vài chỗ trên cả hai cườm tay và với áp lực khác nhau, một phương pháp mà người ta tin rằng sẽ cho biết tình trạng của các cơ quan và các phần khác nhau của cơ thể. Thầy lang cũng để ý đến những mùi khác thường mà ông nhận ra! Kết quả là gì? Không chút ngạc nhiên, Kwok Kit bị cúm. Anh cần nằm nghỉ và uống nhiều chất lỏng cùng với thuốc mà anh phải nấu và uống. Trà làm bằng dược thảo sẽ đắng, nhưng nó sẽ làm cho anh đỡ hơn. Ngoài việc bảo Kwok Kit phải tránh thức ăn nào, thầy lang còn ân cần đề nghị anh ăn mứt mận để cho ngon miệng sau khi uống thuốc.
Thế là Kwok Kit rời tiệm với thang thuốc. Tiền khám bệnh và tiền thuốc chưa tới 20 Mỹ kim—thật quá rẻ. Mặc dù dược thảo không phải là thần dược, nhưng Kwok Kit sẽ khỏi bệnh trong vài ngày. Nhưng anh không nên lầm lẫn như một số người, họ nghĩ rằng uống nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Thỉnh thoảng chúng ta nghe có người bị phản ứng trầm trọng vì uống quá liều của vài loại dược thảo.
Tại một số quốc gia người ta có ít hoặc không có tiêu chuẩn nào để quy định việc dùng dược thảo hoặc hành nghề Đông y truyền thống. Việc này đã mở đường cho các lang băm về dược thảo và ngay cả việc buôn bán các thứ pha chế nguy hiểm được mệnh danh là phương thuốc gia truyền. Thật dễ hiểu là khi chọn một thầy lang Đông y truyền thống, nhiều bệnh nhân Á Đông tin cậy vào lời giới thiệu của bà con hoặc bạn bè.
Dĩ nhiên không có cách trị liệu nào có thể chữa được tất cả các thứ tật bệnh dù với dược thảo hay thuốc tây. Tuy thế, tiệm thuốc bắc và Đông y sĩ của khoa y học dân tộc tiếp tục là phần cơ bản của đời sống ở Châu Á.
[Chú thích]
^ đ. 3 Tỉnh Thức! không ủng hộ một cách trị liệu đặc biệt nào. Tín đồ Đấng Christ phải biết chắc rằng cách trị liệu họ chọn không đi ngược lại nguyên tắc Kinh Thánh.
^ đ. 8 Người ta cho rằng Huang Di, một ông vua trứ danh trước triều đại nhà Chu, trị vì từ năm 2697 đến 2595 TCN. Tuy nhiên, nhiều học giả nghĩ rằng quyển Nei Jing chỉ được ghi chép vào cuối triều đại nhà Chu, triều đại này kéo dài từ khoảng năm 1100 đến năm 250 TCN.
^ đ. 9 Trong Hán ngữ, “âm” có nghĩa đen là “bóng mát” hay “cái bóng” và tượng trưng cho sự tối tăm, cái lạnh, nữ tính. Ngược lại, “dương” tượng trưng cho cái gì sáng chói, nóng, nam tính.
[Các hình nơi trang 25]
Những món lạ mắt, như cá ngựa phơi khô, được bán trong tiệm thuốc bắc
[Các hình nơi trang 26]
Rễ cây, lá cây và nhành con phơi khô được cân kỹ càng