Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hôn nhân bạn có thể cứu vãn được!

Hôn nhân bạn có thể cứu vãn được!

Hôn nhân bạn có thể cứu vãn được!

KINH THÁNH cung cấp nhiều lời khuyên thực tiễn có thể giúp ích các cặp vợ chồng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Đấng đã soi dẫn Kinh Thánh cũng chính là Đấng Sáng Lập hôn nhân.

Kinh thánh miêu tả hôn nhân cách thực tế. Kinh Thánh công nhận vợ chồng sẽ có “sự khó-khăn” hoặc, theo bản dịch của Tòa Tổng Giám Mục, “những nỗi gian truân khốn khổ”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cho biết hôn nhân có thể và đúng ra phải mang lại niềm vui thích, ngay cả sự say mê ngây ngất. (Châm-ngôn 5:18, 19) Hai ý tưởng này không mâu thuẫn, nhưng chỉ cho thấy rằng dù gặp vấn đề nghiêm trọng, vợ chồng vẫn có thể có được mối quan hệ yêu thương gắn bó.

Hôn nhân bạn có thiếu điều này không? Sự đau khổ và thất vọng có làm giảm đi sự mật thiết và niềm vui trước đây trong mối quan hệ của bạn không? Dù hôn nhân đã lạnh nhạt nhiều năm nay, bạn vẫn có thể tìm lại được những gì đã mất. Tất nhiên bạn phải thực tế. Không người nam và người nữ bất toàn nào có thể đạt được một hôn nhân hoàn hảo. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để đảo ngược xu hướng tiêu cực.

Khi đọc bài này, hãy cố nhận ra những điểm đặc biệt áp dụng cho hôn nhân bạn. Thay vì chú tâm vào những thiếu sót của người hôn phối, hãy chọn vài lời đề nghị mà bạn có thể thực hành, và áp dụng lời khuyên Kinh Thánh. Có thể bạn sẽ thấy rằng hôn nhân bạn có nhiều hy vọng cứu vãn hơn là bạn nghĩ.

Trước hết chúng ta hãy bàn về thái độ, vì quan niệm của bạn về giao ước hôn nhân, cũng như cảm nghĩ của bạn đối với người hôn phối là tối quan trọng.

Quan niệm của bạn về giao ước hôn nhân

Nếu muốn cải thiện hôn nhân mình, bạn cần xem hôn nhân là chuyện lâu dài. Nói cho cùng, hôn nhân là do Đức Chúa Trời sắp đặt để kết hợp hai người lại với nhau mãi mãi. (Sáng-thế Ký 2:24; Ma-thi-ơ 19:4, 5) Vì thế, không thể xem mối quan hệ của bạn với người hôn phối như một việc làm, có thể bỏ tùy hứng, hoặc một căn hộ mà bạn có thể bỏ đi bằng cách hủy hợp đồng và dọn ra. Thay vì thế, khi kết hôn bạn hứa nguyện dù có thế nào cũng sẽ gắn bó với người hôn phối. Một ý thức sâu sắc về sự gắn bó trong hôn nhân phù hợp với điều Chúa Giê-su Christ phán cách đây gần 2.000 năm: ‘‘Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp”.​—⁠Ma-thi-ơ 19:6.

Một số người có thể nói: ‘Chúng tôi vẫn còn chung sống với nhau. Chẳng phải điều này nói lên ý thức bổn phận trong hôn nhân sao?’ Có lẽ. Tuy nhiên, như đề cập ở phần đầu của loạt bài này, một số cặp vợ chồng tiếp tục chung sống đã sa lầy, vướng mắc trong cuộc hôn nhân lạnh nhạt. Mục tiêu của bạn là làm cho hôn nhân mình thú vị, thay vì chỉ gắng sức chịu đựng. Sự giao ước trong hôn nhân cần phản ánh lòng trung thành không chỉ đối với thể chế hôn nhân mà còn cả với người mà bạn thề nguyền sẽ yêu thương và quý mến.​—⁠Ê-phê-sô 5:33.

Những gì bạn nói với người hôn phối có thể cho thấy bạn coi trọng sự giao ước đó đến độ nào. Thí dụ, trong lúc nóng giận cãi nhau, có những cặp vợ chồng thốt ra bừa bãi những câu như “Tôi không muốn sống với anh/cô nữa!” hoặc “Tôi sẽ tìm người khác biết quý trọng tôi!” Dù không thật sự có ý như vậy, họ làm giảm giá trị lời giao ước khi ám chỉ rằng có thể chia tay bất cứ lúc nào, và người nói câu đó sẵn sàng làm thế.

Muốn hồi phục tình yêu trong hôn nhân, hãy tránh nói những lời đe dọa như thế. Xét cho cùng, nếu biết mình có thể dọn đi bất cứ ngày nào, bạn còn muốn trang hoàng căn hộ không? Vậy tại sao lại mong đợi người hôn phối cố gắng cải thiện cuộc hôn nhân có thể sẽ không bền vững? Hãy quyết tâm là bạn sẽ gắng hết sức để giải quyết vấn đề.

Một người vợ đã thực hiện được điều này sau khi gia đình đã trải qua một thời kỳ xáo trộn. Bà nói: “Dù đôi khi không ưa anh ấy, tôi vẫn không nghĩ đến việc chấm dứt quan hệ với anh. Có gì sứt mẻ, chúng tôi sẵn sàng tìm cách hàn gắn. Và giờ đây, sau hai năm nhiều khó khăn, tôi có thể thật sự nói rằng chúng tôi đã tìm lại hạnh phúc”.

Đúng thế, sự giao ước trong hôn nhân có nghĩa là hai người phải hợp tác với nhau​—⁠không chỉ chung sống mà còn để tiến đến một mục tiêu chung. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy rằng ở giai đoạn này, ý thức trách nhiệm là lý do duy nhất giúp hôn nhân tránh đổ vỡ. Nếu thế, đừng tuyệt vọng. Biết đâu bạn có thể tìm lại được tình yêu. Bằng cách nào?

Kính trọng người hôn phối

Kinh Thánh nói: ‘‘Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân”. (Hê-bơ-rơ 13:4; Rô-ma 12:10) Từ Hy Lạp được dịch ở đây là “kính-trọng”, còn được dịch là “tôn-kính” và “quí” ở những nơi khác trong Kinh Thánh. Khi coi trọng điều gì, chúng ta cố gắng chăm chút nó. Có lẽ bạn để ý thấy điều này nơi một người có chiếc xe mới đắt tiền. Anh ta giữ chiếc xe quý của mình bóng loáng và thật tốt. Đối với anh chỉ một vết trầy nhỏ thôi cũng là một đại họa! Những người khác cũng chăm sóc sức khỏe mình như vậy. Tại sao? Vì họ xem trọng và muốn giữ gìn sức khỏe.

Cũng hãy chăm sóc bảo vệ hôn nhân bạn cách tương tự. Kinh Thánh nói tình yêu thương “trông-cậy mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Đừng suy nghĩ chủ bại, cho rằng không còn có thể cải thiện tình trạng vì những lý do như: “Chúng tôi chưa bao giờ thật sự yêu nhau”, “Chúng tôi lấy nhau quá sớm”, hoặc “Chúng tôi đã không ý thức việc mình làm”. Thay vì thế, tại sao bạn lại không hy vọng những điều tốt hơn và cố gắng cải thiện tình trạng, kiên nhẫn chờ đợi kết quả? Một cố vấn hôn nhân nói: “Tôi nghe không biết bao thân chủ nói: ‘Tôi không chịu đựng được nữa!’ Thay vì phân tích mối quan hệ để xem phần nào cần cải thiện, họ vội bỏ cuộc, bỏ cả các nguyên tắc mà họ cùng chia sẻ, những kỷ niệm mà họ đã trân trọng, và mọi triển vọng tương lai”.

Bạn đã trải qua những kinh nghiệm nào với người hôn phối? Dù gặp khó khăn trong hôn nhân, bạn hẳn vẫn có thể nghĩ đến những lúc vui, những thành tựu và những thử thách đã cùng nhau đương đầu. Hãy suy nghĩ về những sự kiện này, và cho thấy bạn tôn trọng hôn nhân và người hôn phối mình bằng cách chân thành cố gắng cải thiện mối quan hệ mình. Kinh Thánh cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời rất quan tâm đến cách vợ chồng đối xử với nhau. Thí dụ, trong thời nhà tiên tri Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va khiển trách những người Y-sơ-ra-ên đối xử cách phỉnh phờ với vợ bằng cách tự ý ly dị. (Ma-la-chi 2:13-16) Tín đồ Đấng Christ muốn hôn nhân mình làm vinh hiển Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Xung đột​—⁠Đến độ nào?

Một nguyên nhân chính khiến các cuộc hôn nhân lạnh nhạt dường như vì vợ chồng thiếu khả năng giải quyết xung đột. Vì chẳng có cặp nào hợp nhau hoàn toàn, nên mọi hôn nhân đều có những lúc bất đồng ý kiến. Nhưng những cặp vợ chồng thường xuyên xung đột có thể thấy rằng tình yêu họ nguội lạnh dần với thời gian. Họ có thể còn kết luận: ‘Chúng tôi quả là không hợp nhau. Chúng tôi cứ cãi nhau hoài!’

Tuy nhiên, sự xung đột không có nghĩa là hôn nhân đã đến lúc kết thúc. Câu hỏi là: Xung đột được giải quyết như thế nào? Trong cuộc hôn nhân thành công, vợ chồng biết cách bàn các vấn đề mà không trở thành “kẻ thù thân mật” theo cách gọi của một tiến sĩ.

“Quyền của lưỡi”

Bạn và người hôn phối có biết cách bàn luận về vấn đề của mình không? Cả hai cần sẵn sàng thảo luận các vấn đề. Quả thật, đây là một kỹ năng rất khó rèn luyện. Tại sao? Một lý do là vì tất cả chúng ta đều có những lúc “vấp-phạm trong lời nói” do bất toàn. (Gia-cơ 3:2) Thêm vào đó, một số người trong chúng ta đã lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ thường nổi giận. Từ thuở nhỏ, họ như đã được tập để nghĩ rằng nổi giận và chửi rủa là bình thường. Một em trai sống trong môi trường như thế có thể lớn lên thành ‘‘người hay giận”, kẻ “nóng tính”. (Châm-ngôn 29:​22, TTGM) Cũng vậy, một em gái lớn lên trong một gia đình như thế có thể trở thành “hay gây gổ nổi xung”. (Châm-ngôn 21:​19, TTGM) Có thể rất khó loại bỏ lối suy nghĩ và hành động đã ăn sâu. *

Vậy giải quyết xung đột bao hàm việc học những cách mới để diễn đạt ý tưởng mình. Đừng xem thường điều này, vì một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: ‘‘Sống chết ở nơi quyền của lưỡi”. (Châm-ngôn 18:21) Đúng vậy, nói ra nghe có vẻ đơn giản, nhưng cách bạn nói với người hôn phối có khả năng phá vỡ hay tái tạo mối quan hệ của bạn. Một câu châm ngôn khác trong Kinh Thánh nói: ‘‘Lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm; nhưng lưỡi người khôn-ngoan vốn là thuốc hay”.​—⁠Châm-ngôn 12:18.

Ngay dù người hôn phối bạn có vẻ chính là người hay nói lời xúc phạm đi nữa, bạn cũng hãy suy nghĩ về những điều bạn nói khi cãi nhau. Lời nói của bạn làm đau lòng hay xoa dịu? Chọc tức hay làm nguôi cơn giận? Kinh Thánh nói: ‘‘Lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm”. Ngược lại, “lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận”. (Châm-ngôn 15:1) Những lời làm đau lòng​—⁠dù nói một cách bình tĩnh​—⁠cũng sẽ khích nộ thêm.

Dĩ nhiên, bạn có quyền lên tiếng khi điều gì đó làm bạn buồn bực. (Sáng-thế Ký 21:9-12) Nhưng bạn có thể nói mà không cần phải mỉa mai, lăng mạ, và sỉ nhục. Hãy tự đặt cho mình những giới hạn nhất định​—⁠những điều bạn sẽ kiên quyết không nói với người hôn phối, chẳng hạn như “Tôi hận anh/cô” hoặc “Phải chi đừng lấy nhau”. Và tuy sứ đồ Phao-lô không bàn cụ thể về hôn nhân, điều khôn ngoan vẫn là tránh ‘‘cãi-lẫy” và “cãi lẽ hư-không” như sứ đồ này đã nói. * (1 Ti-mô-thê 6:4, 5) Đừng đáp trả người hôn phối theo cách này. Nếu được, bạn hãy hòa thuận với mọi người.​—⁠Rô-ma 12:17, 18; Phi-líp 2:14.

Quả thật khó kiềm chế lời nói trong cơn giận dữ. Người viết Kinh Thánh là Gia-cơ đã viết: “Cái lưỡi cũng như lửa​... không ai trị-phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm-dẹp được: đầy-dẫy những chất độc giết chết”. (Gia-cơ 3:6, 8) Vậy bạn có thể làm gì khi bắt đầu nóng giận? Bạn có thể nói chuyện với người hôn phối như thế nào để kết thúc cuộc xung đột thay vì thêm dầu vào lửa?

Tránh những lời chọc giận

Một số người thấy dễ nguôi giận và dễ giải thích hơn khi họ đặt trọng tâm vấn đề vào cảm xúc của họ thay vì vào hành động của người hôn phối. Thí dụ, “Anh/Em đau lòng vì những gì em/anh nói” thì có kết quả hơn nhiều so với “Anh/Em làm tôi đau lòng” hoặc “Anh/Em phải thừa biết là không nên nói như thế chứ”. Tất nhiên khi bày tỏ cảm xúc mình, bạn chớ nên nói với giọng gay gắt hoặc khinh miệt. Mục tiêu của bạn là nêu rõ vấn đề thay vì tìm cách công kích.​—⁠Sáng-thế Ký 27:⁠46–​28:1.

Ngoài ra, hãy luôn nhớ rằng ‘‘có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”. (Truyền-đạo 3:7) Khi hai người nói cùng một lúc, không ai nghe ai và không được việc gì cả. Vì thế khi đến lượt bạn lắng nghe, hãy ‘‘mau nghe mà chậm nói”. “Chậm giận” cũng rất quan trọng. (Gia-cơ 1:19) Đừng để tâm đến mỗi lời gay gắt của người hôn phối; và cũng ‘‘chớ vội giận”. (Truyền-đạo 7:9) Thay vì thế hãy cố tìm hiểu cảm xúc qua những gì người hôn phối nói. Kinh Thánh nói: ‘‘Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. (Châm-ngôn 19:11) Sự hiểu biết sâu sắc có thể giúp vợ chồng nhận định được nguyên do của sự bất đồng.

Thí dụ, khi than phiền chồng không dành thì giờ cho mình, có thể người vợ không chỉ có ý nói về số giờ và phút, mà là về cảm giác bị thờ ơ hoặc không được quý trọng. Cũng vậy, khi phàn nàn sự mua sắm tùy hứng của vợ, người chồng có lẽ không có ý chi ly về tiền bạc, mà có thể nghĩ là vợ đã quyết định không hỏi ý kiến mình. Vợ hoặc chồng có sự sáng suốt sẽ tìm hiểu sự việc cặn kẽ.​—⁠Châm-ngôn 16:23.

Phải chăng điều này dễ nói hơn là làm? Đúng vậy! Đôi khi dù hết sức cố gắng, vợ chồng vẫn cáu giận thốt ra những lời gay gắt. Khi điều này sắp xảy ra, có thể bạn phải làm theo lời khuyên nơi Châm-ngôn 17:​14 (TTGM): “Hãy tránh xa trước khi cuộc tranh cãi bùng nổ”. Không có gì sai cả khi hoãn lại cuộc bàn luận đến khi nguôi giận. Nếu khó nói chuyện một cách bình tĩnh, có lẽ nên nhờ một người bạn thành thục giúp vợ chồng bạn xem xét nguyên nhân mối bất đồng. *

Giữ quan điểm thực tế

Đừng nản lòng nếu hôn nhân bạn không như bạn mơ ước trong thời gian tìm hiểu. Một nhóm chuyên gia nói: “Đối với đa số, hôn nhân không phải là hạnh phúc vô tận. Có khi thật tuyệt vời, nhưng cũng có lúc thật gay go”.

Đúng vậy, hôn nhân có thể không như truyện tình trong tiểu thuyết, nhưng cũng không nhất thiết là một bi kịch. Mặc dù đôi lúc vợ chồng phải chịu đựng nhau, nhưng cũng có lúc có thể dẹp sự bất đồng để vui vẻ trò chuyện cùng nhau. (Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:13) Đây có thể là những giây phút khơi lại tình yêu đã phai nhạt.

Hãy nhớ rằng hai người bất toàn không thể có được hôn nhân hoàn toàn. Nhưng họ có thể tìm được phần nào hạnh phúc. Quả thật, dù có khó khăn, mối quan hệ giữa bạn và người hôn phối vẫn có thể là một nguồn thỏa lòng rất lớn. Một điều chắc chắn: Nếu cả bạn lẫn người hôn phối đều cố gắng và sẵn sàng linh hoạt và tìm lợi ích cho người kia, thì có lý do chính đáng để tin rằng hôn nhân bạn có thể cứu vãn được.​—⁠1 Cô-rinh-tô 10:24.

[Chú thích]

^ đ. 22 Ảnh hưởng cha mẹ không phải là lý do để bào chữa cho lối ăn nói gay gắt với người hôn phối. Tuy nhiên, điều này có thể giúp giải thích làm thế nào khuynh hướng ấy có thể ăn sâu và thành khó bỏ.

^ đ. 25 Từ Hy Lạp nguyên thủy dịch là “cãi lẽ hư-không” cũng có thể được dịch là “chọc tức nhau”.

^ đ. 31 Nhân Chứng Giê-hô-va có sự giúp đỡ của các trưởng lão hội thánh. Mặc dù không can thiệp vào việc riêng, nhưng các trưởng lão có thể là sự giúp đỡ đầy khích lệ cho những cặp vợ chồng đang gặp khó khăn.​—⁠Gia-cơ 5:14, 15.

[Câu nổi bật nơi trang 12]

Lời nói của bạn làm đau lòng, hay xoa dịu?

[Khung/​Hình nơi trang 10]

NÉM BANH MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG

Kinh Thánh nói: ‘‘Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6) Điều này chắc chắn áp dụng cho hôn nhân! Để thí dụ: Trong trò chơi ném banh, bạn tung trái banh sao cho người khác có thể bắt được dễ dàng. Bạn tránh liệng mạnh làm người kia bị thương. Hãy áp dụng cùng nguyên tắc này khi nói chuyện với người hôn phối. Quát tháo bằng những lời gay gắt chỉ làm tổn thương mà thôi. Thay vì thế, hãy nói một cách từ tốn​—⁠có ân hậu​—⁠để người hôn phối có thể hiểu được ý của bạn.

[Khung/​Hình nơi trang 11]

HỒI TƯỞNG!

Hãy đọc lại những lá thư và những cánh thiếp cũ. Hãy xem lại những hình xưa và tự hỏi: ‘Điểm nào nơi người hôn phối đã cuốn hút tôi ? Đức tính nào đã khiến tôi thán phục nhất? Chúng tôi đã cùng tham gia những hoạt động nào? Điều gì làm chúng tôi vui cười?’ Rồi nhắc lại những kỷ niệm này với người hôn phối bạn. Một cuộc nói chuyện bắt đầu với nhóm từ “Anh/Em còn nhớ lúc ....?” có thể giúp vợ chồng bạn làm sống lại những cảm xúc mà cả hai đã cùng chia sẻ.

[Khung nơi trang 12]

HÔN NHÂN MỚI, VẤN ĐỀ CŨ

Cảm thấy như bị vướng mắc trong cuộc hôn nhân lạnh nhạt, một số cặp vợ chồng muốn bắt đầu lại với một người hôn phối mới. Nhưng Kinh Thánh lên án việc ngoại tình, nói rằng người nào phạm tội lỗi này “tất vô-tâm vô-trí [“thật ngu dại”, Bản Diễn Ý ]” và “khiến cho linh-hồn mình bị hư-mất”. (Châm-ngôn 6:32) Cuối cùng, người ngoại tình không ăn năn sẽ mất ân huệ của Đức Chúa Trời​—⁠sự hư mất tệ hại nhất.​—⁠Hê-bơ-rơ 13:4.

Sự ngu dại tột độ của việc ngoại tình cũng được thấy rõ qua những cách khác. Một lý do là khi lấy người khác, người ngoại tình có thể cũng không tránh được những vấn đề đã gây khó khăn trong hôn nhân đầu. Tiến sĩ Diane Medved nêu ra một yếu tố khác để xem xét: “Điều trước tiên mà người hôn phối mới biết về bạn là bạn sẵn sàng không chung thủy. Người đó biết rằng: bạn có thể lừa dối người mà bạn đã thề nguyền chung thủy; bạn khéo bào chữa; bạn có thể quên đi lời cam kết; sự khoái lạc hay sự thỏa mãn bản thân là điều quyến rũ được bạn... Làm sao người hôn phối thứ hai biết được bạn sẽ không bị cám dỗ một lần nữa?”

[Khung nơi trang 14]

SỰ KHÔN NGOAN TỪ CHÂM-NGÔN TRONG KINH THÁNH

Châm-ngôn 10:19: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”.

Khi bực tức, bạn có thể nói những điều mình không cố ý​—để rồi sau đó lại ân hận.

Châm-ngôn 15:18: “Người hay giận gây điều đánh lộn; nhưng người chậm nóng-giận làm nguôi cơn tranh-cãi”.

Những lời buộc tội cay độc có thể làm người hôn phối kháng cự, ngược lại kiên nhẫn lắng nghe sẽ giúp cả hai giải quyết vấn đề.

Châm-ngôn 17:27: “Người nào kiêng lời nói mình có tri-thức; còn người có tánh ôn-hàn là một người thông-sáng”.

Khi hai bên bắt đầu tức giận, điều tốt nhất là nên giữ im lặng để tránh cãi cọ.

Châm-ngôn 29:11: “Kẻ ngu-muội tỏ ra sự nóng-giận mình; nhưng người khôn-ngoan nguôi lấp nó và cầm-giữ nó lại.”

Tính tự chủ là cần yếu. Nóng giận tuôn ra những lời cay nghiệt chỉ khiến người hôn phối xa lánh mình.