Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Cây sen “tự tẩy sạch”

Tại sao cây sen, một loại thực vật từ lâu vẫn được xem là thiêng liêng trong các tôn giáo Đông Phương, luôn luôn trông rất sạch? Các khoa học gia Đức giờ đây cho rằng họ đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi đã từng làm say mê các nhà sinh học hàng bao lâu nay. Hai nhà khoa học W. Barthlott và C. Neinhuis cho biết: “Từ lâu người ta đã biết rằng mặt lá sen không thấm nước. Nhưng không ai để ý đến tính tự tẩy sạch của nó”. Theo lời giải thích trong báo The Sunday Times of India, “những giọt nước lăn khỏi chiếc lá sen cuốn đi những chất bẩn, và như vậy bề mặt lá hoàn toàn được rửa sạch”. Nguyên nhân không phải là do lá sen có bề mặt nhẵn láng. Dưới kính hiển vi, mặt lá sen ráp, có “nhiều chỗ vồng, nếp gấp và núm”; hơn nữa, khi nhìn ngang thì mặt lá “vồng lên hoặc có hình vòm làm nước lăn xuống”. Thêm vào đó, chất sáp á tinh bao bọc cây sen có tác dụng kỵ nước. Các nhà nghiên cứu nói rằng “tác dụng này của cây sen” làm giảm đi rất nhiều sức bám dính của nước và bụi; họ còn cho biết thêm rằng ngay trong điều kiện môi trường bất lợi, cây sen vẫn có thể tái sinh ra chất sáp. Theo họ, điều này làm cây sen có hiệu quả tự nhiên tốt hơn nhiều, so với loại sơn chống nước hay thuốc giặt do con người làm ra.

Bỏ đồ ăn vào tủ lạnh ngay sau khi nấu

Để nguội thức ăn nóng trước khi bỏ vào tủ lạnh là lầm, theo lời Bessie Berry, người quản lý đường dây nóng của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ về thịt và gà vịt. “Ngay cả thức ăn vừa mới lấy ra từ trong lò hay bếp”, nên bỏ vào tủ lạnh ngay, nếu chưa ăn. Theo lời giải thích trong Tufts University Health & Nutrition Letter, “bỏ thức ăn đã nấu chín vào tủ lạnh càng sớm càng tốt, ngay lúc đó bất kỳ vi khuẩn gây hại nào có trong thức ăn sẽ ngừng sinh sôi nẩy nở”. Nhưng việc này có hại cho tủ lạnh hay buộc động cơ tủ lạnh phải làm việc quá tải không? Bà Berry nói là không. Tủ lạnh ngày nay được chế tạo với khả năng đựng được thức ăn nóng. Cho rằng tủ lạnh không có khả năng đó, là một ý tưởng có thể sót lại từ thời còn dùng tủ nước đá, khi đó nhiệt làm tan chảy đá. Tuy nhiên, cần lưu ý hai điều: Nếu bạn bỏ vào tủ lạnh một món lớn​—⁠chẳng hạn như nguyên một con gà, nồi cháo, hay đĩa có đáy sâu​—⁠thì trước hết nên san đều ra những đồ đựng nông hơn, nếu không, phía bên trong thức ăn sẽ không lạnh kịp thời để chặn đứng sự sinh sôi của vi khuẩn. Cũng nên chừa chỗ trống giữa thức ăn nóng và các món khác trong tủ lạnh để không khí có thể lưu thông và làm thức ăn chóng lạnh.

Đối chiếu bệnh tật với tai họa

Mặc dù tai họa, chẳng hạn như lũ lụt và động đất, được biết đến nhiều nhất, nhưng chính những bệnh truyền nhiễm giết hại nhiều người hơn cả, theo bản báo cáo của hội Hồng Thập Tự. The New York Times đã bình luận về bản báo cáo này như sau: “Năm ngoái, số người tử vong vì các bệnh như AIDS, lao phổi và sốt rét cao gấp 160 lần so với số người chết vì những trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, những cơn lốc ở Ấn Độ và những trận lũ lụt ở Venezuela​... Chỉ riêng ba bệnh này, phỏng chừng 150 triệu người đã chết kể từ năm 1945, so với 23 triệu người bị chết vì các cuộc chiến tranh trong cùng giai đoạn đó”. Theo Peter Walker, tác giả bản tường trình, gốc rễ của vấn đề là nền y tế công cộng kém. Ông nói: “Hầu như ở mọi nước, hệ thống y tế đều có mặt ngoài, nhưng ở xa trung tâm thành phố thì không có gì cả”. Số người chết trong năm ngoái vì những bệnh truyền nhiễm là 13 triệu. Lẽ ra đã có thể ngăn ngừa được con số tử vong này bằng cách chi tiêu chỉ năm đô la về y tế cho mỗi đầu người. Bài báo này kết luận: “Sử dụng ngân sách để thay đổi lối sống người ta thì cứu sống được nhiều người hơn, so với việc chi tiêu cho những cơ sở đắt tiền như nhà thương và dụng cụ kỹ thuật cao”.

Ngủ cho đủ

“Xã hội chúng ta thiếu ngủ đến mức nguy hiểm”, nhà tâm lý học Stanley Coren thuộc Đại Học British Columbia nói như thế. Thiếu ngủ một phần là nguyên nhân gây ra tai nạn nguyên tử ở Three Mile Island và việc tàu dầu Exxon Valdez bị lật. Việc ngủ gật gây ra hơn 100.000 tai nạn xe cộ mỗi năm ở Bắc Mỹ, theo bản tin của tạp chí Maclean’s ở Canada. Bác sĩ William Dement, một chuyên gia về giấc ngủ thuộc Đại Học Stanford lưu ý: “Nhiều người không thật sự hiểu họ cần ngủ bao lâu”. Để ngủ ngon hơn, các nhà nghiên cứu đề nghị: Ăn tối ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ. Đi ngủ và thức dậy vào giờ nhất định mỗi ngày. Đừng để ti-vi hay máy vi tính trong phòng ngủ. Tránh dùng cà phê, rượu và thuốc lá. Mang bít tất để giữ ấm hai chân khi ngủ. Tắm nước ấm trước khi đi ngủ. Tập thể dục hàng ngày​—⁠nhưng đừng tập ngay trước khi đi ngủ. Cuối cùng, tạp chí Maclean’s nói: “Nếu không ngủ được, hãy ngồi dậy và làm một việc nào đó. Lên giường trở lại chỉ khi nào cảm thấy mỏi mệt, rồi thức dậy vào giờ thường lệ”.